logo

Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè

Đề tài thiên nhiên là nguồn cảm hứng bất tận trong văn chương từ trước tới nay. Viết về đề tài thiên nhiên, ta nhớ đến nhà thơ Trần Đăng Khoa với những tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông là bài thơ “Trưa hè”, tác phẩm đã gợi ra bức tranh phong cảnh mùa hè tươi mới và vô cùng sinh động. Sau đây, các em hãy cùng tìm hiểu các đoạn văn viết về “Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè”


Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè – Mẫu 1

Trần Đăng Khoa là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của ông mang đậm dấu ấn cá nhân, và để lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng người đọc. Trong đó tác phẩm “Trưa hè” để lại những ấn tượng sâu sắc, bài thơ viết về bức tranh mùa hè rực rỡ sôi động đầy màu sắc. 

“Trưa hè gió thổi

Hoa phượng lung lay

Cánh hoa rụng bay

Như bầy bướm lượn.

Tiếng ve ca rộn

Nghe như tiếng đàn

Trưa hè liên hoan:

 Hoa bay, ve hát.”

Mùa hè là mùa oi bức nhất trong năm, cái nắng mùa hè này khác hẳn với những mùa khác. Không cần sự dịu dàng của mùa xuân hay thanh mát của mùa thu, buổi trưa mùa hè tràn ngập những tia nắng chói chang. Tuy nhiên mở đầu bài thơ, Trần Đăng Khoa đã miêu tả “Trưa hè gió thổi”, cơn gió mát lạnh xua tan đi cái nắng. Hòa theo nhịp gió những cánh hoa phượng nhẹ nhàng “lung lay”, từ láy gợi hình “lung lay”  được tác giả tinh ý đặt vào trong câu thơ. Trước mắt bạn đọc dường như hiện ra hình ảnh cánh hoa phượng đang nhẹ nhàng nhảy múa theo gió. Điểm xuyết trên nền trưa chính là những cánh hoa đang rụng bay. Một hình ảnh so sánh vô cùng độc đáo, khi tác giả đã liên tưởng cánh hoa với những chú bướm đang uốn lượn. Mùa hè đến, những chú bướm không còn là những con sâu nhỏ nằm trong kén, mà giờ đây chúng đã trưởng thành và thỏa sức bay lượn trên nền trời trong xanh. Hoà vào sự rộn ràng của mùa hè, những chú ve rộn ràng cất tiếng hát như tiếng đàn. Chúng cùng nhau hoà tấu, đàn lên những giai điệu ngân nga dành tặng cho buổi trưa hè. Một giai điệu sôi động, ngọt ngào, du dương, tươi mới mang âm hưởng riêng của mùa hè gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bài thơ đã vẽ ra bức tranh mùa hè bình dị, đơn giản nhưng tươi mới, khung cảnh hoà với âm thanh một cách hài hoà đã tạo ra một bức tranh hoàn hảo. Một buổi trưa hè bình thường nhưng qua đôi mắt của nhà thơ tài ba ta cảm nhận được những vẻ đẹp mới lạ. 

Thông qua bài thơ, độc giả cảm thấy vô cùng thoải mái, hấp dẫn và đặc biệt thư giãn. Những hình ảnh, âm thanh được cảm nhận bằng các giác quan, gợi lên vô cùng sinh động, chân thật. Người đọc như nhập tâm vào bài thơ và hoà quyện vào bức tranh khung cảnh mùa hè đẹp đẽ. Tưởng chừng chỉ qua những câu thơ mà hiện ra trước mắt cánh hoa phượng đỏ, nghe được tiếng ve rộn ràng kêu. Đó chính là sự tài ba và thành công trong sự nghiệp sáng tác của Trần Đăng Khoa.

“Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” (Trần Đăng Khoa). Một bài thơ thành công có sự phối hợp của những yếu tố trên một cách khéo léo. Trưa hè xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài thiên nhiên mùa hè. Thông qua bài thơ, ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên da diết, nhìn vạn vật bằng đôi mắt tinh tế, mang đậm dấu ấn riêng của chính tác giả. Từ đó, giúp khơi gợi những cảm xúc và khiến bạn đọc càng thêm yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước.

Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè - ảnh 1

 


Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè – Mẫu 2

Mùa hè là mùa đặc trưng và gần gũi với người dân Việt Nam. Ta thường sợ cái nắng mùa hè, nhưng mùa hè cũng mang những nét đẹp riêng của mình. Trần Đăng Khoa đã dùng con mắt nghệ thuật của mình kết hợp với những cảm xúc rung động, từ đó sáng tác nên bài thơ Trưa hè.

Mở đầu toàn bộ bài thơ chính là cái nắng oi ả và nóng nực của mùa hè giữa trưa, tuy nhiên khi có sự xuất hiện của những cơn gió nhẹ nhàng và thanh mát, ánh nắng dường như đã dịu bớt đi chỉ còn lại những vệt nắng nhẹ nhàng. Khi cơn gió ghé vào bức tranh mùa hè, thổi vào đó những hơi thở mới, bông hoa phượng như vui vẻ hẳn lên, nhẹ nhàng lung lay trong gió. Một hình ảnh thơ vô cùng độc đáo, tăng thêm tính biểu đạt cho câu thơ, khiến cho câu thơ trở nên sinh động và hấp dẫn. Khi đọc câu thơ, người đọc như đang chìm đắm trong bức tranh mùa hè, tưởng tượng mình đang ngồi dưới gốc cây phượng mà ngắm nhìn hoa phượng rơi. Không chỉ dừng lại ở các từ láy gợi tả, câu thơ tiếp theo Trần Đăng Khoa đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh “Cánh hoa rụng bay/ Như bầy bướm lượn”. Chỉ là hình ảnh bông hoa rơi nhẹ nhàng ấy vậy mà Trần Đăng Khoa lại liên tưởng đến những cánh bướm đang tung cánh trên nền trời xanh, tinh nghịch mà uốn lượn vài vòng trước khi đáp xuống mặt đất. Chỉ với hai câu thơ đơn giản mà lại vẽ ra một khung cảnh thơ mộng và trữ tình biết bao. Tiếng ve kêu chính là báo hiệu rõ nét nhất cho mùa hè đang đến, tiếng ve kêu nghe như tiếng đàn. Chúng cùng nhau đàn lên những thanh âm tươi mới, rộn rã theo sự chỉ huy của nhạc trưởng – mùa hè. Những bản nhạc lôi cuốn, ngân nga được tạo nên bởi tiếng ve, và cũng chỉ có ve ở buổi trưa hè mới có thể sáng tác ra những giai điệu như thế. 

Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè - ảnh 2

 

Bức tranh trưa hè hiện ra vô cùng tươi vui và hấp dẫn, tác giả ví von buổi trưa như một buổi liên hoan, đó là sự hòa quyện một cách nhuần nhuyễn giữa hình ảnh và âm thanh, giữa thị giác và thính giác. Trần Đăng Khoa không hổ danh là nhà thơ tài ba nhất nền văn học Việt Nam hiện đại, chỉ với vài câu thơ và những hình ảnh giản dị, chân thật và gần gũi, ông đã khắc hoạ thành công bức tranh mùa hè sinh động, lôi cuốn và hấp dẫn. Đọc những vần thơ, người đọc cảm giác thư thái và vui vẻ vì mùa hè giờ đây không chỉ còn cái nắng gay gắt, mà ẩn sâu trong nó mang những nét đẹp, những sự vật, những âm thanh riêng biệt mà tươi đẹp biết bao. Qua bài thơ Trưa hè, người đọc càng thêm yêu mùa hè, yêu thiên nhiên và những điều nhỏ nhặt, bình dị giản đơn.


------------------------------------------------

Trên đây là các mẫu bài viết về “Cảm xúc của em về đoạn thơ Trưa hè". Hi vọng bài viết trên của Toploigiai sẽ giúp ích cho các em trong việc học tập. Chúc các em học tốt môn văn!

icon-date
Xuất bản : 20/08/2023 - Cập nhật : 18/09/2023