logo

Cảm nhận về vẻ hùng vĩ dữ dội của con sông Đà

Nếu đến với “sông Hương” của Hoàng Phủ Ngọc Tường người đọc sẽ thấy vẻ đẹp trầm mặc của cố đô và người dân xứ Huế thì khi tới với con sông Đà, biểu tượng và văn hóa của người dân Tây Bắc lại được hiện lên một cách rõ nét. Qua sự dữ dội, hũng mãnh của Đà giang đã càng khẳng định rõ cái “ngông” trong phong cách của Nguyễn Tuân. Sau đây mời thầy cô và các bạn cùng tham khảo bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ hùng vĩ dữ dội của con sông Đà


Dàn ý Cảm nhận về vẻ hùng vĩ dữ dội của con sông Đà

I. Mở bài

- Giới liệu sơ lược về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm sông Đà.

- Xác định vấn đề cần nghị luận đó là vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của con sông Đà.

II. Thân bài

- Lời đề từ: vừa thể hiện cái độc đáo của Đà giang, qua đó cũng thể hiện cái “ ngông” của Nguyễn Tuân

- Vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, hung bạo của con sông Đà được Nguyễn Tuân khắc họa rất rõ ràng qua các chi tiết:

+ Đá ở bờ sông

+ Mặt nghềnh hát Loóng

+ Cái hút nước

+ Thác nước

=> Khẳng định lại sự dữ tợn, hung hăng của Đà giang.

- Tổng kết nội dung, nghệ thuật.

III. Kết bài

Cảm nhận của em sau khi học xong tác phẩm.

Cảm nhận về vẻ hùng vĩ dữ dội của con sông Đà

Cảm nhận về vẻ hùng vĩ dữ dội của con sông Đà


Mẫu số 1

Giáo sư Trần Đình Sử đã từng có chia sẻ "Nếu Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn Tuân xem cái đẹp như là tôn giáo của mình". Thật vậy, Nguyễn Tuân được xem là một người nghệ sĩ tài hoa, cả cuộc đời ông dành để tìm cái đẹp. Trước cách mạng, cái đẹp trong mắt Nguyễn Tuân ở thì quá khứ thì có “Vang bóng một thời”. Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn là người có niềm đam mê mãnh liệt, say mê cái đẹp, nhưng giờ đây nhà văn đã biết tìm kiếm và khai thác triệt để cái đẹp trong cuộc sống bình dị, đời thường. Ông sáng tác nhiều thể loại khác nhau, song thành công nhất vẫn phải kể đến thể tùy bút. "Người lái đò sông đà" được trích trong tập tùy bút "Sông Đà", tác phẩm xuất bản năm 1960, đây là kết tinh của chuyến đi thực tế tới mảnh đất Tây Bắc năm 1958. Qua tác phẩm, Nguyễn Tuân ca ngợi sự hùng vĩ của thiên nhiên và vẻ đẹp mộc mạc con người lao động nơi đây.

Sự hung bạo của con sông Đà được Nguyễn Tuân khắc họa rất rõ nét, từ những con thác, đến quang cảnh hùng vĩ, hoang sơ, bí hiểm cùng dòng chảy điệp trùng của con sông Đà giữa núi rừng Tây Bắc. Nguyễn Tuân như hóa thành một người quay phim lão luyện, ông đã cho người xem thấy được bao quát khung cảnh rộng lớn của dòng sông Đà, thỉnh thoảng lại dừng lại và cho khán giả xem những pha “cận cảnh” đặc sắc về sự hung hăng, dữ tợn của con sông này.

Mở đầu tùy bút, ta thấy hai lời đề từ hiện lên vô cùng đặc sắc và độc đáo: “Đẹp vậy sao tiếng hát trên dòng sông”: đây là một câu cảm thán nhằm ngợi ca vẻ đẹp hùng vĩ nhưng thơ mộng, trữ tình của dòng sông Đà cùng tiếng hát của người dân nơi đây đang cần mẫn lao động, làm việc. 

“Chúng thủy giai đông tẩu

Đà giang độc Bắc lưu” 

Nguyễn Tuân muốn nhắc tới nét độc đáo của sông Đà mà không con sông nào có được: Mọi con sông đều cùng chảy về hướng Đông, duy chỉ có mình dòng sông Đà là chảy theo hướng Bắc. Qua đây nhà văn như tìm thấy điểm chung giữa mình với dòng sông, đó chính là cái “ngông” đồng thời cũng nhằm bộc lộ cá tính độc đáo của Nguyễn Tuân trong sáng tác văn chương.

Sau lời đề từ, Nguyễn Tuân đã dẫn độc giả đi vào xem cụ thể vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội của con sông. Nhà văn không khỏi làm ta ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ, dữ dội của con Sông Đà với cảnh tượng đá bờ sông dựng vách thành. Có một số các vách đá cao vút lên, dựng đứng “Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”. Lòng sông hẹp, dòng sông có tốc độ chảy lớn, “Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Với ngòi bút tài hoa của mình, Nguyễn Tuân đã sử dụng tinh tế, khéo léo các biện pháp nghệ thuật so sánh độc đáo, qua đó phần nào đã cho người đọc cảm nhận thấy sự hiểm nguy, bí ẩn của dòng sông Đà. 

Tính cách hung hăng, dữ tợn đã được thể hiện qua sự dữ dằn của ghềnh sông với sự giúp đỡ của gió, của sóng, của đá. Tất cả như đang rất bận rộn cùng nhau kết hợp một cách chặt chẽ khăng khít nhằm khoe khoang sức mạnh, uy hiếp, đe dọa tới con người “Quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy”. Câu văn với cách diễn đạt nhanh gọn, nhịp điệu khẩn trương, dồn dập, gấp gáp cùng với điệp cấu trúc đã bộc lộ rõ sự chuyển động mạnh bạo của gió to, sóng lớn.

Sự dữ dằn ấy còn được thể hiện qua những cái hút nước dữ dội “Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”. Nước bị hút quá mạnh nên đã phát ra những âm thanh ghê sợ, tưởng trừng như nước đang thở và cái cửa cống kêu lên như đang bị sặc do nước bên ngoài và bên trong chênh nhau quá nhiều. Để làm nổi bật lên sự nguy hiểm của nơi đây, tác giả đã kết hợp giữa “tả” và “kể”. Yếu tố tự sự cũng góp phần không nhở trong việc kích thích trí tưởng tượng của độc giả.

Đà giang còn thể hiện cái hung bạo của mình ở những thác nước. Nhiều thác nước như thể đã bày xong thế trận, chỉ đợi người lái đò tới để chiến đấu, tiêu diệt. Lúc thì kêu lên như oán trách, rồi thì van xin, nhưng chẳng bao lâu đã đổi sang giọng điệu khiêu khích, chế nhạo. Khi thì hùng hổ gào thét “như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”.

Nguyễn Tuân để sử dụng những kiến thức từ quân sự, võ thuật đến thể thao, kết hợp với dùng các thủ pháp nghệ thuật nhân hóa đã thành công làm nổi bật lên cái nham hiểm, dữ dằn, xảo quyệt của Đà giang. Con sông Đà hung hãn ấy không khác gì "kẻ thù số một của con người".

Nếu đến với “sông Hương” của Hoàng Phủ Ngọc Tường người đọc sẽ thấy vẻ đẹp trầm mặc của cố đô và người dân xứ Huế thì khi tới với con sông Đà, biểu tượng và văn hóa của người dân Tây Bắc lại được hiện lên một cách rõ nét. Qua sự dữ dội, hũng mãnh của Đà giang đã càng khẳng định rõ cái “ngông” trong phong cách của Nguyễn Tuân.


Mẫu số 2

Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi dấu và vang danh bao nhà văn, nhà thơ tài năng. Một trong số đó phải kể đến Nguyễn Tuân - một cây bút tài hoa với những sáng tác nổi bật. Ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất ở mảng tùy bút. Tiêu biểu trong những sáng tác của ông phải kể đến là tùy bút Người lái đò Sông Đà. Con sông Đà hiện lên với vẻ đẹp hung bạo, dữ dội gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc.

Dữ dội của sông Đà không phải chỉ có thác đá mà nó còn là cảnh đá bờ sông dựng vách thành hiềm trở, có vách đá chẹt dòng sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bên bờ này sang bên kia. Mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Tác giả sử dụng nhiều giác quan (thị giác, xúc giác) để cảm nhận quãng sông này. Không chỉ mặt nước mà cảnh vật cũng vô cùng hiểm trở, sẵn sàng lấy đi tính mạng của người khác.

“Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà… Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”. Sự nguy hiểm của sông Đà dài hàng cây số tít tắt cuồn cuộn, có thể đánh gục cả con thuyền và người lái đò. Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều câu văn ngắn, điệp từ, điệp cấu trúc gợi lên nhịp chuyển động gấp gáp của sóng gió đang phối hợp với nhau, tạo thêm nét hung bạo của sông Đà.

Đoạn tà Mường Vát trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống dòng sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cái cửa cống bị sặc... những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều thuyền bè gỗ đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút nước ấy nó lôi tụt xuống. Nhiều biện pháp so sánh, liên tưởng, nhân hóa độc đáo được tác giả sử dụng để gợi lên cảm giác về những mối nguy hiểm của sông Đà.

Có thể thấy, vẻ hung bạo, dữ tợn này khiến cho người khác phải e sợ nhưng nó lại là một nét nổi bật làm cho người ta nhớ đến sông Đà hơn bất kì thứ gì hết. Nhiều năm tháng qua đi nhưng vẻ đẹp hung bạo, dữ tợn của dòng sông Đà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân cũng như vẻ đẹp của sông Đà nói chung vẫn còn nguyên vẹn và sống mãi trong lòng bạn đọc với một dấu ấn riêng biệt không gì sánh bằng.


Mẫu số 3 

Nguyễn Tuân là một nhà văn với lối viết truyện rất độc đáo và uyên bác, là một nhà văn rất tài hoa của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm "Người lái đò sông Đà" là tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của ông, được lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân tới miền Tây Bắc của Tổ quốc, khi mà sông Đà chuẩn bị trở thành "dòng sông ánh sáng". Hình tượng con sông Đà qua con mắt nhìn của nhà văn không chỉ mang một vẻ đẹp trữ tình mà còn mang tính cách đầy hung bạo, dữ dội vô cùng.

Sông Đà là dòng sông nằm ở phía Tây bắc, nơi mà mọi con sông đổ về phía Đông còn riêng sông Đà lại đổ ngược lên hướng Bắc:

"Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu"

Nó chảy xuyên suốt những cánh rừng lớn, giữa những dãy núi cao vút, vậy nên, sông Đà mang trong mình sự hung bạo, dữ dội với những thác ghềnh, xoáy hút kinh người. Nó giống như một thực thể sống với những tính cách và tâm trạng riêng của mình.

Tính cách hung bạo của dòng Đà giang đầu tiên phải kể tới là nơi vách đá bờ sông dựng vách thành. Đây là nơi mà dòng chảy của Đà giang tách đôi dãy núi mở đường tiêng. Vậy nên, hai bên dòng sông là hai vách núi đã dựng đứng, đẹp hùng vĩ nhưng cũng hiểm trở vô cùng. Nhà văn đã so sánh vách đá chẹt dòng sông như cái một "yết hầu" làm cho chúng ta liên tưởng mà thấy được độ hẹp cũng như sự dữ dội hiểm trở của khúc sông Đà nơi ấy. Mặt sông hẹp đã khiến "đúng giờ ngọ mới có mặt trời", tức là đúng giữa trưa, khi mặt trời đứng bóng mới có thể thấy được mặt trời ở nơi đây.

Thêm vào đó, Nguyễn Tuân còn dùng hình ảnh "Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách" để miêu tả độ hẹp đầy nguy hiểm của dòng Đà Giang. Tuy thế nhưng điều đó lại khiến cho Đà giang có một vẻ đẹp kì vĩ vô cùng. Nguyễn Tuân đã sử dụng một sự liên tưởng rất độc đáo để miêu tả về độ nguy hiểm của dòng sông Đà, đó là "ngồi trong khoang đò mà qua chỗ ấy" giống như "đứng trong một cái ngõ hẻm" mà ngóng vọng "lên một khung cửa sổ nào đó vừa tắt phụt đèn điện". Sông Đà khi ấy vừa mang cái bóng tối thăm thẳm lại vừa thấy sâu hun hút, cao vời vợi, khiến con người không khỏi cảm thấy rợn ngợp "mùa hè mà cũng thấy lạnh".

Thế nhưng, sông Đà đâu chỉ có một khúc hẹp nguy hiểm nhường ấy, sự hung bạo còn đến ở nơi mặt ghềnh Hát Loóng. Ghềnh là nơi mặt sông đột ngột nâng cao lên mặt nước khiến cho mục nước tại nơi đó cạn hơn so với những chỗ khác. Và con sông Đà thì có vô số ghềnh đá như vậy. Thế nên "Dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt". Một câu văn chứa đầy giá trị tạo hình và nghệ thuật miêu tả! Nguyễn Tuân đã dựng lên hình ảnh một sông Đà đẹp hùng vĩ mà cũng hoang vu, dữ dội, hung bạo vô cùng. Một khúc sông mà chỉ có ba thế lực "đá, sóng, gió" ngự trị, gầm ghè, so kè với nhau. Điệp từ "xô" trong câu văn cũng khắc hoạ một sự hung bạo, ầm ào của những sóng, những đá, những gió nơi mặt ghềnh này. Gió ở nơi đây cũng không còn là thế lực vô hình, bơi nó "cuồn cuộn từng luồng", và còn "gùn ghè" đầy đe doạ nữa.

Trôi tiếp trên dòng sông Đà, người ta vẫn thấy được sự hung bạo trong tính cách của nó khi bắt gặp cái hút xoáy ở quãng Tà Mường. Đây là nơi mà người ta có thể chứng kiến được sự hung bạo đến khủng khiếp của một cái hút xoáy giống như "cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu". Cái hút xoáy vừa to vừa sâu, thậm chí còn "thở và kêu như cửa cống cái bị sặc nước". Sự nhân hoá tài hoa của Nguyễn Tuân khiến cho cái hút xoáy ở Tà Mường như một con thuỷ quái khổng lồ từ thời xa xưa. Và thêm vào đó, Nguyễn Tuân còn tô đậm tính cách hung bạo của Đà giang của nghệ thuật cường điệu. Những bè gỗ rừng trôi trên mặt sông "nghênh ngang" "đi qua" cái hút xoáy đó liền bị "lôi tuột xuống" với một sức mạnh to lớn và khủng khiếp vô cùng. Con thuyền thì nhỏ bé, chỉ biết men qua, thế nhưng cũng ngay lập tức bị "trồng cây chuối ngược", biến mất dưới lòng sông, bị đánh cho tả tơi, khi nổi lên thì chỉ thấy tan tác. Cái hút xoáy hung bạo là thế nhưng lúc xuân về lại mang một vẻ đẹp vô ngần. Nó khiến cho người nghệ sĩ quay phim không thể chối từ, bất chấp cả sự nguy hiểm đến tính mạng.

Thế nhưng nơi phô bày tất cả sự hung bạo của sông Đà phải nói tới thác đá của sông Đà. Đó là nơi phô diễn một vẻ đẹp kì vĩ mà cũng không kém phần dữ dội. Sông Đà với 73 con thác lớn nhỏ nhưng Nguyễn Tuân chỉ chọn một dòng thác để miêu tả. Bằng kiến thức uyên bác, Nguyễn Tuân đã dựng lên hình ảnh của thác đá sông Đà đầy ấn tượng.

Nguyễn Tuân đã miêu tả hình ảnh của thác đá từ xa tới gần, từ âm thanh tới hình ảnh "còn xa lắm mới đến cái thác dưới" nhưng âm thành tiếng nước va vào đã đã khiến người ta phải rợn người. Nó "réo gần mãi lại réo to mãi lên" như tiếng người trong cơn giận dữ" giọng gằn và chế nhạo". Tới gần thì âm thanh đó biến thành tiếng "rống", tiếng gầm thét của hàng ngàn con trâu mộng đang trong cơn tuyệt vọng giữa rừng lửa và đàn trâu "da cháy bùng bùng". Tiếng trâu đau đớn rống lên trong tuyệt vọng, tiếng lửa cháy ào ào với sức mạnh man dại nhất chính là thứ âm thanh mà thác đá của sông Đà đang vang lên. Có thể thấy, sự dữ dội và hung bạo của dòng sông Đà quả thực vô cùng khủng khiếp.

Thác đá sông Đà hiện lên trước mắt du khách là một vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ với "sóng bọt đã trắng xóa cả chân trời đá". Cả một khúc sông mênh mông , rộng lớn mà chỉ có hai thế lực ngự trị là sóng thác và đá thác. Tất cả đang gầm thét, tung bọt trắng xóa đất trời. Với con mắt của một nhà quân sự, Nguyễn Tuân như thấy sông Đà đang "dàn bày thạch trận trên sông". Mỗi viên đá trên sông trở thành một lính đá, tướng đá "mặt máy ngỗ ngược", "bệ vệ oai phong lẫm liệt". Không chỉ vậy, đá trên sông Đà dường như nắm được cả binh pháp, chúng dựng lên trận địa đá "làm ke chìm, pháo đài nổi" vô cùng nguy hiểm với la liệt những cửa tử cửa sinh. Đá trên sông Đà với tâm thế của "thứ kẻ thù số một của con người" nên chúng đã nham hiểm mà bố trí những cửa sinh cửa tử lắt léo. Vòng vây thứ nhất với "bốn cửa tử, một cửa sinh, cửa sinh nằm ở tả ngạn sông", vòng hai thì cửa sinh lại lệch sang bờ "hữu ngạn". Vòng thứ ba thì hiểm nguy hơn, cửa sinh năm ở "giữa những luồng nước chết". Chúng còn đánh lừa con thuyền bằng cách tạo ra một của đá "trông như là sơ hở" để con thuyền đi vào rồi mới đánh úp nó.

Bằng con mắt của mình, Nguyễn Tuân đã dựng lên một thác đá sông Đà sống động như những sinh vật có tâm địa nham hiểm, luôn rình rập con người. Tính cách của chúng hung bạo và dữ dội nhất cả dòng sông. Dòng thác sông Đà thì như một con quái vật khổng lồ mà người lái đò buộc phải vật lộn với sự hung bạo của nó. Những con sóng như " quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền" hay "bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò" để đánh "hồi hùng, đòn tỉa, đòn âm". Nguyễn Tuân đã sử dụng nghệ thuật nhân hoá và dày đặc những thuật ngữ võ thuật kết hợp với nghệ thuật miêu tả, kể chuyện đặc sắc đã đem đến cho người đọc cảm nhận về thế giới thiên nhiên đầy hung bạo của con sông Đà.

Con sông Đà là "khởi nguồn của ánh sáng", mang những vẻ đẹp dịu dàng, êm ả, thế nhưng, cũng có lúc nó trở mình với tính cách hung bạo và dữ dội khủng khiếp vô cùng. Qua từng dòng chữ của mình, Nguyễn Tuân đã tái hiện một sông Đà với tính cách hung bạo thế nhưng lại vô cùng kì vĩ, một vẻ đẹp mà hiếm dòng sông nào ở Việt Nam có thể sánh bằng.

------------------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã cung cấp cho các bạn Dàn ý và bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ hùng vĩ dữ dội của con sông Đà. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các kì thi sắp tới.

icon-date
Xuất bản : 20/01/2023 - Cập nhật : 03/07/2023