logo

Cảm nhận về nhân vật An Dương Vương

Cảm nhận về nhân vật An Dương Vương | Văn mẫu 10 hay nhất


Cảm nhận về nhân vật An Dương Vương

         “Những câu chuyện trong lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta được khúc xạ qua lời kể của nhiều thế hệ rồi kết tinh thành những hiện tượng nghệ thuật đặc sắc nhuốm màu thần kỳ mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường”. Truyền thuyết An Dương Vương- Mị Châu và Trọng Thủy giải thích cho sự ra đời của nước Âu Lạc cũng như nguyên nhân mất nước xoay quanh mối tình Mị Châu- Trọng Thủy. Nhân vật An Dương Vương là trung tâm của truyện, là người có công lao to lớn trong việc dựng nước và giữ nước nhưng cũng là người gây ra những sai lầm khiến cho nước Âu Lạc bị sụp đổ.

        Ta phải nhắc đến công lao của An Dương Vương đó là có công lớn trong việc lập ra nước Âu Lạc và bảo vệ đất nước trước sự xâm lăng của quân Triệu Đà. Khi ông chọn xây dựng kinh đô ở Cổ Loa ở vùng đồng bằng để nhân dân sinh sống tốt hơn, ổn định hơn, ông  đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây thành, đắp tới đâu lở tới đó. Nhưng cảm động trước thái độ lo nghĩ cho đất nước cùng với việc trọng hiền tại, ông đã được Rùa Vàng giúp đỡ cho việc xây thành thành công chỉ sau nửa tháng. Vua An Dương Vương là một người kiên trì và luôn lo nghĩ cho đất nước, con dân của mình dù cho bao gian lao, thử thách.

         Sau đó là ý thức trách nhiệm trước sự tồn vong của đất nước, An Dương Vương đã được Rùa Vàng trao cho bộ vuốt để chế tạo thành nỏ thần, vũ khí để bảo vệ đất nước khỏi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Cũng nhờ vào chiếc nỏ thần mà An Dương Vương đã tạo được màng bọc bảo vệ vững mạnh cho đất nước, khiến cho quân giặc phải e sợ mà cầu hòa. Qua sự việc cho thấy An Dương Vương là một vị vua có tầm nhìn xa trông rộng và ý thức trách nhiệm về sự phồn vinh của đất nước.

         Bằng các hình ảnh hư cấu như Rùa Vàng, nỏ thần,... kết hợp với chi tiết lịch sử, truyện đã khắc họa thành công cho việc giải thích sự ra đời của nước Âu Lạc và thành Cổ Loa ra đời một cách đầy thú vị. Qua đó, nhân dân ta đã ca ngợi đến vị vua An Dương Vương với tầm nhìn xa trông rộng, anh minh, sáng suốt, niềm tự hào về chiến công xây thành, chế nỏ thần và việc đánh thắng quân xâm lược.

          Khi An Dương  Vương mắc quá nhiều sai lầm nên dẫn đến việc mất nước Âu Lạc. Có vẻ như việc ngủ quên trong chiến thắng là sai lầm nhất của An Dương Vương. Sau khi dẹp loạn quân xâm lược xong, ông không quan tâm củng cố thêm lực lượng quân sự mà ỷ vào sức mạnh của nỏ thần.

         Trước âm mưu cầu hòa của kẻ thù, An Dương Vương không hề nghi ngại mà kết thông gia với kẻ thù, không những thế ông còn cho con của kẻ thù ở rể. Hành động đó đã khiến âm mưu đánh cắp nỏ thần, vũ khí bí mật bảo vệ đất nước một cách dễ dàng vì sự chủ quan, khinh địch của mình.

        Sai lầm tiếp theo của An Dương Vương chính là thái độ khinh địch, ung dung đánh cờ của mình khi Triệu Đà sang xâm lược. Để đến khi phát hiện nỏ thần đã bị đánh mất thì đã quá muộn, đất nước đã rơi vào tay giặc, đành phải tháo chạy.

         Để sửa sai cho hành động đó của mình, An Dương Vương đã thẳng tay rút kiếm chém chết Mị Châu sau khi nghe Rùa Vàng kết án. Hành động chém Mị Châu một cách dứt khoát thể hiện việc đứng về công lý của mình.

        Dù cho An Dương Vương đã mắc những sai lầm nhưng ông lại có công to lớn với đất nước và ông cũng đã sửa sai bằng cách chém chết Mị Châu. Nhân dân vẫn bày tỏ thái độ biết ơn với vị vua đã có công lớn với đất nước bằng việc dựng lên hình ảnh “vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển”. Hình ảnh đó như chứng minh sự bất tử trong lòng nhân dân với vị vua có công lớn với dân tộc.

        Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy đã khắc họa được sự kiện lịch sử lập nước Âu Lạc và giải thích cho nguyên nhân mất nước. Bên cạnh đó đã xây dựng nên hình ảnh vị vua An Dương Vương- anh minh, sáng suốt nhưng lại là người ngủ quên trong chiến thắng mà mắc sai lầm làm mất nước. Nhân dân đã bày tỏ thái độ và ngợi trước những công lao to lớn và thái độ nghiêm khắc trừng phạt công bằng cho những sai lầm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Các bài viết liên quan:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021