logo

Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm

Tuyển chọn những bài văn hay Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn Ngữ Văn. Cùng tham khảo nhé! 


Đoạn văn Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu - Mẫu 1

Trong bài thơ Ông đồ, những hình ảnh thơ "giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu" đã cho thấy một nỗi buồn thấm đượm cả không gian vì sự thay đổi thời thế của xã hội. Thật vậy, khi xã hội và đất nước chuyển sang giai đoạn du nhập văn hóa phương Tây và Nho học thất thế, ông đồ dường như cũng bị lãng quên và gạt ra khỏi lề của cuộc sống. Tác giả Vũ Đình Liên đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa qua từ "buồn không thắm, đọng trong nghiên sầu". Sự lãng quên và thất thế của ông đồ xưa, của nền văn hóa Nho học xưa như lan tỏa cả không gian. Kết quả là, giấy đỏ vì nỗi buồn ấy mà dường như chẳng còn sắc thắm, mực thì đọng lại. Phải chăng, hình ảnh giấy đỏ và mực là nỗi buồn thương của chính tác giả. Nỗi sầu và buồn của tác giả lan toả khắp không gian và in hằn lên đồ vật, gợi ra thời kỳ chuyển giao của thời đại. Tóm lại, hình ảnh thơ đã thể hiện nỗi buồn sâu sắc và man mác của tác giả, của thời thế về sự chuyển giao của xã hội, ông đồ và những lớp người xưa cũ bị lãng quên.


Đoạn văn Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu - Mẫu 2

"Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu"

Hai câu thơ trên nói về nỗi buồn của ông đồ khi sau mỗi năm hoa đào nở người thuê viết chữ càng ít , cũng như nói lên tâm trạng của tác giả, tủi hủi tiếc nuối nhớ nhung một điều của quá khứ.” Giấy, mực vốn là hai vật vô tri vô giác, lại được tác giả vẽ lên như hai vật sống động, biết “buồn” biết ”sầu". Tác giả đã khéo léo mượn hai đồ vật gắn bó thân thiết với hoài niệm ấy để nói lên nỗi lòng buồn bã của ông đồ. Hai câu thơ không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để lại trong lòng người đọc một chút xót xa, tiếc nuối cho những điều đã xưa. Rồi lại gợi lại cho ta cái Tết xưa đầy hoài niệm mà nay đã bị cái hiện đại hóa át đi…

Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm hay nhất

Đoạn văn Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu - Mẫu 3

Qua bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên. Ta có thể cảm nhận được các hình ảnh tươi vui nhộn nhịp ngày chữ nho còn hưng thịnh mỗi khi dịp tết đến xuân về và sự đau thương, tiếc nuối trước vẻ đẹp văn hóa dần bị quên lãng và suy tàn. Cái hình ảnh cô đơn của Ông Đồ lúc chữ nho không còn được trọng dụng thể hiện rõ nét trong hai câu thơ:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

Từng câu chữ bình dị nhưng lại thể hiện nên một khung cảnh rất sầu. Những tờ giấy đỏ đâu còn được thảo lên những dòng chữ Rồng bay Phượng múa, đỏ nhưng đã trở nên nhạt màu hơn. Còn cây bút ngày trước hoạt động liên hồi biết bao nhiêu giờ đây lại gác ở đấy. Mực đọng lại như giọt nước mắt không được thấm vào giấy đỏ. Chỉ với hai câu thơ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh đầy tĩnh lặng và u sầu ngày chữ nho bị quên lãng giữa dòng đời nhộn nhịp.


Đoạn văn Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu - Mẫu 4

Bài thơ “Ông đồ”, Vũ Đình Liên đã thể hiện niềm thương cảm chân thành đối với một lớp người sinh bất phùng thời đang tàn tạ, đồng thời xót thương, tiếc nhớ những cảnh cũ người xưa, ông khắc khoải với niềm hoài cổ về sự tàn phai mai một của bản sắc văn hóa dân tộc. Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn, Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây. Hai câu thơ cuối của khổ 3: 

“Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu” 

Với bút pháp nhân hóa tác giả đã thể hiện một nỗi nuối tiếc của một thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác; hay chính nỗi lòng tê tái của ông đồ đã tràn sang cả giấy mực? Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là một thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần một chút ẩm ướt cũng có thể phai màu, vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” – không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy, đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, trước khi dùng thì ta phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ, nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mài từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ “buồn”, “sầu” như thổi hồn vào sự vật đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vô tri bỗng trở nên có hồn, có suy nghĩ như con người, đó là nỗi buồn của một lớp người không gặp thời, bị gạt ra ngoài xã hội được đặc tả, được nhân lên nhiều lần, nỗi buồn đang biến thành nỗi đau tê tái. Một cuộc đời bị hắt hủi, sắc màu nhạt nhòa, tàn phai “buồn không thắm“, ngưng lại “đọng trong nghiên sầu“; lấy giấy, mực để nói lên thân phận ông đồ; các từ ngữ: “buồn”, “không thắm”, “sầu” với hai hình ảnh “giấy buồn”, “nghiên sầu” đã cho thấy một ngòi bút già dặn trong nghệ thuật dùng từ, xây dựng hình ảnh và biểu cảm. Cái hay của câu thơ là đã nói lên sự xót thương đối với một kiếp người tàn tạ, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nhà thơ mượn cảnh để nói người, để nói lên số phận buồn thương của một lớp người bị gạt ra ngoài lề xã hội và dần dần vắng bóng, tấm lòng của tác giả đối với cảnh cũ người xưa rất chân thành, cảm động, cái đã mất đi để lại cho nhà thơ và chúng ta biết bao trân trọng và xót thương, bài thơ “Ông đồ” thấm đẫm một tinh thần nhân bản đáng quý.


Đoạn văn Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu - Mẫu 5

"Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu"

"Giấy đỏ" là giấy dùng để viết chữ của ông đồ. Thứ giấy ấy rất mỏng manh, chỉ một chút ẩm ướt giấy cũng có thể phai màu. "Giấy đỏ buồn không thắm", "không thắm" bởi đã lâu ngày không được dùng đến nên phôi pha, úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy: "mực đọng trong nghiên sầu". Đó là thứ mực tàu đen thẫm, dùng để viết chữ lên "giấy đỏ". Khi viết, phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ "Như phượng múa rồng bay". Nhưng nay "Mực đọng trong nghiên" có nghĩa là mực đã mài từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ thực hiện phép màu nhưng đành đợi chờ trong vô vọng. Các từ "buồn", "sầu" như thổi hồn vào sự vật. Nhờ phép nhân hóa này, nỗi sầu tủi về thân phận của ông đồ như đã thâm sâu vào từng sự vật, nó bao trùm không gian và đè nặng mỗi tấm lòng.

>>> Xem thêm: Cảm nhận về hình ảnh Ông đồ qua hai khổ thơ đầu?

---/---

Với các bài văn mẫu Cảm nhận về câu thơ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 26/05/2022 - Cập nhật : 26/05/2022