logo

Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Hướng dẫn lập dàn ý Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

a) Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Tế Hanh, bài thơ Quê hương và đoạn thơ thứ 3

b)Thân bài

* Cảnh đoàn thuyền trở về sau một đêm vất vả (4 câu thơ trước)

- Cảnh trở về cũng vô cùng vui tươi, náo nhiệt.

+ Hàng loạt tính từ “ồn ào”, “tấp nập” gợi không khí đông vui, sôi động.

+ Dân làng kéo nhau ra đón đoàn thuyền trở về, vui mừng phấn khởi khi trông thấy thành quả – những con cá tươi ngon thân mình bạc trắng đầy ắp khoang thuyền

- Lời cảm tạ chân thành chứa chan cảm xúc, thể hiện lối sống hiền hòa, chất phác và tấm lòng mộc mạc của người dân nơi vùng biển.

→ Với tình yêu quê hương và sự gắn bó sâu nặng, Tế Hanh đã tái hiện khung cảnh hết sức chân thực.

* Hình ảnh con người lao động tuyệt đẹp (4 câu thơ sau)

- Người lao động hiện lên với vẻ đẹp tầm vóc

+ Dù trải qua một đêm dài lao động vất vả nhưng ở họ không hề xuất hiện dấu hiệu của sự mệt mỏi.

+ “Làn da ngăm rám nắng” là làn da đặc trưng của người dân làng chài, do nắng gió biển

+ “Vị xa xăm” là hương vị của nắng gió, hương vị trong hơi thở đại dương.

→ Người lao động hiện lên với vẻ đẹp linh hồn lẫn tầm vóc.

- Hình ảnh những con thuyền

+ Sau thời gian dài vất vả cùng người dân trên biển nó trở về dáng vẻ im lìm.

+ Hình ảnh nhân hoá giúp người đọc hình dung rõ nét dáng vẻ của nó

+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tinh tế, thuyền không phải vật vô tri, vô giác mà sinh động, có hồn, gắn bó sâu sắc với con người và nhịp sống nơi đây.

* Đánh giá chung
- Vị mặn của biển, hơi thở của cuộc sống làng chài có lẽ đã thấm sâu vào da thịt Tế Hanh.

- Sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật đặc sắc.

- Giọng thơ mang đầy cảm xúc, nhịp điệu linh hoạt. → Tái hiện khung cảnh trở về của đoàn thuyền đánh cá, ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động. Đồng thời gửi gắm nỗi nhớ thương, tự hào và tình yêu quê hương da diết.

c) Kết bài

Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ và bài thơ


Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ - Mẫu số 1

Quê hương từ lâu đã trở thành cảm hứng sáng tác của rất nhiều nhà văn, nhà thơ. Mỗi tác giả lại có một cái nhìn cũng như cảm nhận khác nhau về quê hương. Nhưng nhắc đến những bài thơ viết về quê hương, không thể không nhắc đến bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh. Bài thơ đã tái hiện hình ảnh quê hương vùng biển với những nét đẹp vô cùng độc đáo. Đặc biệt là khổ thơ thứ ba trong bài, không những miêu tả khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về mà còn thể hiện niềm tự hào và tình yêu quê hương tha thiết.

Ở đoạn thơ thứ hai, Tế Hanh khắc họa khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển cùng tư thế lao động tuyệt đẹp của người dân quê hương. Sau một đêm dài vất vả, đến khổ thơ thứ 3 là khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về:

“Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”

Cảnh ra khơi hứng khởi, sôi nổi, cảnh trở về cũng vô cùng vui tươi, náo nhiệt. Tác giả sử dụng hàng loạt tính từ “ồn ào”, “tấp nập” gợi không khí đông vui, sôi động. Những người ở nhà tấp nập kéo nhau ra đón đoàn thuyền trở về. Họ vui mừng phấn khởi khi trông thấy những con cá tươi ngon thân mình bạc trắng đầy ắp khoang thuyền. Đó là thành quả của một đêm miệt mài buông lướng trên biển.

Họ hân hoan hạnh phúc nhưng vẫn không quên cảm tạ “Trời”. Câu nói “Nhờ ơn trời” vang lên chứa chan bao nhiêu cảm xúc, thể hiện lối sống hiền hòa, chất phác và tấm lòng mộc mạc của người dân nơi vùng biển này. Họ có bản lĩnh, có sức mạnh nhưng họ hiểu được thành quả họ có được phải nhờ cả vào thời tiết, thiên nhiên. Sóng có êm, biển có lặng, không bão giông, thuyền mới thuận lợi ra khơi. Đó là niềm tin đã hình thành từ lâu đời trong cuộc sống của người dân làng chài.

Với tình yêu quê hương và sự gắn bó sâu nặng, Tế Hanh đã tái hiện khung cảnh hết sức chân thực. Người đọc như được sống trong không khí ấy, cảm nhận được những cảm xúc ấy.

Không những thế, dưới ngòi bút của nhà thơ, chúng ta còn thấy được hình ảnh con người hiện lên tuyệt đẹp:

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về năm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”

Đã một đêm dài lao động trên biển nhưng ở họ không hề xuất hiện dấu hiệu của sự mệt mỏi. “Làn da ngăm rám nắng” miêu tả làn da đặc trưng của người dân làng chài. Trải qua nhiều mưa nắng dãi dầu, cái mặn mòi của biển đã thấm sâu vào máu thịt, con người nơi đây mạnh mẽ và rắn rỏi. Bước xuống từ những con thuyền đầy cá, họ giống như chàng Thạch Sanh vùng biển: “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. “Vị xa xăm” là hương vị của nắng gió, hương vị trong hơi thở đại dương. Hình ảnh tả thực “làn da ngăm rám nắng” kết hợp cùng hình ảnh lãng mạn “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” đã khéo léo gợi lên vẻ đẹp linh hồn lẫn tầm vóc của con người biển cả. Đó là vẻ đẹp của tất cả người lao động.

Bên cạnh hình ảnh con người là những con thuyền. Sau thời gian dài vất vả cùng người dân trên biển nó không giấu diếm vẻ mệt mỏi của mình. Hình ảnh nhân hoá “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm” giúp người đọc hình dung rõ nét dáng vẻ mỏi mệt của con thuyền. Nó lặng im lắng nghe chất muối của đại dương thấm vào da thịt. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng vô cùng tinh tế. Trong cảm nhận của nhà thơ, nó không phải vật vô tri, vô giác mà sinh động, có hồn, gắn bó sâu sắc với con người và nhịp sống nơi đây.

Không phải bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được tất cả điều này. Vị mặn của biển, hơi thở của cuộc sống làng chài có lẽ đã thấm sâu vào da thịt Tế Hanh. Từ đó tràn vào tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, trở thành khoảng trời yêu thương kỳ diệu. Nhà thơ đã sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật đặc sắc như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Giọng thơ mang đầy cảm xúc, nhịp điệu linh hoạt. Qua đó tái hiện khung cảnh trở về của đoàn thuyền đánh cá, ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động. Đồng thời gửi gắm nỗi nhớ thương, tự hào và tình yêu quê hương da diết.

Với những thành công về nội dung và nghệ thuật ấy, đoạn thơ thứ 3 của bài thơ “Quê hương” đã đem đến cho người đọc nhiều ấn tượng. Bài thơ cũng trở thành một trong những áng thơ tiêu biểu viết về quê hương, tiêu biểu cho hồn thơ Tế Hanh gần gũi, tinh tế.

Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

>>> Xem thêm: Cảm nhận đoạn thơ Của ong bướm... mới hoài xuân


Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ - Mẫu số 2

Cả đoạn thơ là khung cảnh quê hương và dân chài bơi thuyền ra đánh cá, thể hiện được một nhịp sống hối hả của những con người năng động, là sự phấn khởi, là niềm hi vọng, lạc quan trong ánh mắt từng ngư dân mong đợi một ngày mai làm việc với bao kết quả tốt đẹp:

Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

Những tính từ "ồn ào", "tấp nập" toát lên không khí đông vui, hối hả đầy sôi động của cánh buồm đón ghe cá trở về. Người đọc như thực sự được sống trong không khí ấy, được nghe lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên, biển lặng để người dân chài trở về an toàn và cá đầy ghe, được nhìn thấy "những con cá tươi ngon thân bạc trắng". Tế Hanh không miêu tả công việc đánh bắt cá như thế nào nhưng ta có thể tưởng tượng được đó là những giờ phút lao động không mệt mỏi để đạt được thành quả như mong đợi. Sau chuyến ra khơi là hình ảnh con thuyền và con người trở về trong ngơi nghỉ:

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về năm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Có thể nói rằng đây chính là những câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của bài thơ. Với lối tả thực, hình ảnh "làn da ngắm rám nắng" hiện lên để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc thì ngay câu thơ sau lại tả bằng một cảm nhận rất lãng mạn "Cả thân hình nồng thở vị xa xăm" - Thân hình vạm vỡ của người dân chài thấm đẫm hơi thở của biển cả nồng mặn vị muối của đại dương bao la. Cái độc đáo của câu thơ là gợi cả linh hồn và tầm vóc của con người biển cả. Hai câu thơ miêu tả về con thuyền nằm im trên bến đỗ cũng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Nhà thơ không chỉ thấy con thuyền nằm im trên bến mà còn thấy cả sự mệt mỏi của nó. Cũng như dân chài, con thuyền có vị mặn của nước biển, con thuyền như đang lắng nghe chất muối của đại dương đang thấm trong từng thớ vỏ của nó. Thuyền trở nên có hồn hơn, nó không còn là một vật vô tri vô giác nữa mà đã trở thành người bạn của ngư dân. Không phải người con làng chài thì không thể viết hay như thế, tinh như thế, và cũng chỉ viết được những câu thơ như vậy khi tâm hồn Tế Hanh hoà vào cảnh vật cả hồn mình để lắng nghe. 

Ở đó là âm thanh của gió rít nhẹ trong ngày mới, là tiếng sóng vỗ triều lên, là tiếng ồn ào của chợ cá và là những âm thanh lắng đọng trong từng thớ gỗ con thuyền. Có lẽ, chất mặn mòi kia cũng đã thấm sâu vào da thịt nhà thơ, vào tâm hồn nhà thơ để trở thành nỗi niềm ám ảnh gợi bâng khuâng kì diệu. Nét tinh tế, tài hoa của Tế Hanh là ông "nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như "mảnh hồn làng" trên "cánh buồm giương"... Thơ Tế Hanh là thế giới thật gần gũi, thường ta chỉ thấy một cách lờ mờ, cái thế giới tình cảm ta đã âm thầm trao cảnh vật: sự mỏi mệt, say sưa của con thuyền lúc trở về bến..."


Cảm nhận cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài Quê hương

Tình yêu quê hương là một nét rất đẹp của hồn thơ Tế Hanh. Năm 1939, vừa tròn 18 tuổi, đang học Trung học ở Huế, ông viết bài thơ “Quê hương” gửi gắm bao tình thương nhớ, tự hào. “Làng tôi” mà nhà thơ trìu mến nhắc tới là một làng chài nằm ở hạ lưu sông Tra Bồng, thuộc huyện Bình Dương, tỉnh Quảng Ngãi.

Sau hai câu đầu giới thiệu quê hương thân yêu của mình là một làng chài “cách biển nửa ngày sông”, tác giả nhắc lại cuộc sống lao động ra khơi đánh cá và cảnh dân làng tấp nập đón đoàn thuyền trở về bến sau một chuyến ra khơi gặp nhiều may mắn. Đoạn thơ gợi lên những hoạt cảnh thật đẹp và đáng yêu: ”Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng … Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.”. Thời điểm đoàn thuyền ra khơi là một bình minh lí tưởng: “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”. Bầu trời trong sáng, không một gợn mây, gió nhè nhẹ thổi, ánh hồng bình minh phớt hồng chân trời. Khung cảnh ấy dự báo một chuyến ra khơi gặp trời êm biển lặng. Những chiếc thuyền buồm là biểu tượng cho sức mạnh và khí thế ra khơi đánh cá của đoàn trai tráng làng chài:

“Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo vội vã vượt trường giang”.

“Hăng” nghĩa là hăng hái, hăng say gợi tả khí thế ra khơi vô cùng mạnh mẽ, phấn chấn. Con thuyền được so sánh “hăng như con tuấn mã” là một so sánh độc đáo. Tuấn mã là ngựa tơ, ngựa khỏe, ngựa đẹp và phi nhanh. Những con thuyền lướt sóng như đoàn tuấn mã phi như bay với khí thế hăng say, với tốc độ phi thường. Những chiếc mái chèo từ cánh tay của “dân trai tráng” như những lưỡi kiếm dài, to lớn chém xuống, “phăng” xuống mặt nước, đẩy con thuyền vượt trường giang một cách “vội vã”, “mạnh mẽ”. Trước đây, nhà thơ viết: “Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang”, nhưng sau này, tác giả thay chữ “mạnh mẽ” bằng chữ “vội vã”. Có lẽ vừa diễn tả một chuyến ra khơi hối hả, khẩn trương, vừa để hiệp vần: tiếng “vã” vần với tiếng “mã” làm cho vần thơ giàu âm điệu gợi cảm. Hình ảnh thứ ba là cánh buồm. Cánh buồm nâu dãi dầu mưa nắng, sương gió biển khơi nên đã trắng bạc, thành “chiếc buồm vôi”:

“Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng Rướn

thân trắng bao la thâu góp giỏ”.

“Trương” là “giương” lên cao to, được gió thổi căng phồng đê “bao la thâu góp gio”. Lần thứ hai, Tế Hanh sáng tạo nên một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp: “Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng”. Cánh buồm tượng trưng cho sức mạnh và khát vọng ra khơi đánh cá, chinh phục biển để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cánh buồm – mảnh hồn làng – ấy còn là niềm hi vọng to lớn của làng chài quê hương. Chữ “rướn” là từ gợi tả, đặc sắc. Con thuyền, cánh buồm như ưỡn ngực ra, hướng vẻ phía trước, xốc tới với sức mạnh to lớn, với khí thế hăm hở phi thường, vượt qua mọi trở lực, khó khăn.
Bốn câu thơ tiếp theo ghi lại không khí làng chài đón đoàn thuyên đánh cá trở về:

“Ngày hôm sau, ồn ào, trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời, biển lặng, cá đầy ghe,

Những con cá tươi ngon, thân bạc trắng”.

Sau một ngày đêm ra khơi đánh cá, đoàn thuyền đã trở về bến. Cả làng chài, hàng trăm người, già trẻ, gái trai, những ông bố bà mẹ, những người vợ đứa con… ra bến đợi từ sáng sớm. Đông vui “tấp nập” và “ồn ào”. Có niềm vui sướng nào to lớn hơn? “Cá tươi ngon, thân bạc trắng” đầy ắp các khoang thuyền. Câu thơ “Nhờ ơn trời, biến lặng, cá đầy ghe” đã thể hiện một cách cảm động nỗi niềm, tâm trạng, tấm lòng của bà con làng chài: sống gắn bó với biển khơi, tin vào trời đất một cách thánh thiện. “Nhờ ơn trời” nên ra khơi gặp nhiều may mắn: biển lặng, sóng êm, gặp luồng cá đánh bắt được nhiều, “cá đầy ghe”. Làm ruộng, đánh cá, hay đi rừng, đi biển,… qua hàng nghìn năm, sống gắn bó với thời tiết, với thiên nhiên, cho nên “ơn trời mưa nắng phải thì…”, “Nhờ trời hạ kế sang đông…”, “Trời cho chân cứng đá mềm”,… là lời cầu mong, là niềm tin thánh thiện, phác thực của bà con lao động xưa nay. Tế Hanh đã diễn tả niềm tin ấy, lời cầu mong chúc phúc ấy một cách giản dị chân thành.

Đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thiết tha, sâu nặng của Tế Hanh đối với nơi chôn nhau cắt rốn, với bà con làng chài thân yêu của mình. Thể thơ tám chữ trong “Quê hương” mượt mà, tươi xanh, giàu âm điệu và nhạc điệu, vang xa thắm thiết ngọt ngào. Đó là tiếng lòng thương mến của đứa con li hương. Những hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa và hoán dụ về con thuyền, mái chèo, dân chài lưới,… đã thể hiện một bút pháp nghệ thuật tươi mới, đặc sắc của một hồn thơ trẻ trung, dào dạt xúc cảm “Quê hương” là sự khởi đầu cho cảm hứng quê hương đất nước của Tế Hanh, một tiếng thơ “dung dị đậm đà, đáng yêu”, một hành trình thơ hơn nửa thế kỉ.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Cảm nhận đoạn thơ Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 26/05/2022 - Cập nhật : 13/06/2022