logo

Cảm nhận của em về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo

Đề tài về mẹ giữ một vai trò quan trọng trong thơ ca Việt Nam. Viết về đề tài này có rất nhiều những bài thơ hay trong đó có bài “Tết này vắng mẹ” của Nguyễn Trọng Tạo. Qua cảm nhận của em về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo chúng ta sẽ thấy rõ hơn chất trữ tình sâu sắc, cùng những tình cảm chân thành của nhà thơ dành cho mẹ của mình.


Dàn ý Cảm nhận của em về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Trọng Tạo và bài thơ Tết này con vắng mẹ.

- Cảm nhận chung về bài thơ: nỗi xót xa khi vắng mẹ ngày tết, tình yêu và nỗi nhớ dành cho mẹ của mình.

2. Thân bài

- Lời đề từ “ đã hai tết con về nhà vắng mẹ”: mẹ đã đi xa được hai năm, tâm trạng cô đơn, buồn tủi và trống trải khi không có mẹ.

- Thiên nhiên và vạn vật cũng buồn bã khi vắng mẹ “ cây quanh vườn mồ hôi quạnh quẽ”, “màu xanh lá buồn ngơ ngác”, “

- Nỗi nhớ về mẹ ngày nào vẫn còn ở bên mình. Mẹ đi chợ, vào bếp, ra vườn, trồng rau, cho lợn… đâu đâu cũng có hình bóng của mẹ.

- Nỗi xót xa khi vắng mẹ “mẹ đâu còn…” bàng hoàng, thương tiếc của con khi tết vẫn thế, cảnh vẫn vậy chỉ có mẹ là không còn nữa.

3. Kết bài

- Bài thơ thể hiện tình cảm chân thành của nhà thơ dành cho mẹ

- Qua đó khơi gợi tình yêu thương mẹ của mỗi người: trân trọng vì còn có mẹ, những giây phút được ở bên cạnh mẹ.

Cảm nhận của em về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo

Cảm nhận của em về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo

      Viết về mẹ có bao vần thơ hay và xúc động trong đó bài thơ “Tết này vắng mẹ” của Nguyễn Trọng Tạo đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Bài thơ diễn tả tình cảm, nỗi niềm đau xót, tiếc nuối của nhà thơ khi mẹ không còn trên cõi đời. Mỗi dòng thơ đều chan chứa tình cảm, nỗi nhớ.

Đã hai Tết

Con về nhà

Vắng Mẹ

Cây quanh vườn mồ côi Mẹ hai năm

Màu xanh lá buồn chi ngơ ngác thế?

Lòng bồi hồi ra ngõ ngóng xa xăm.

      Câu thơ đầu tiên cách viết khác thường, không viết liền thành một dòng mà ngắt nhịp thành ba dòng riêng biệt theo nhịp 3/3/2 để thông báo một sự thật đau xót: đã qua hai tết cũng là hai năm mẹ vắng nhà, mẹ đi xa để lại một khoảng trống vô tận trong lòng con. Hai năm không phải quá dài nhưng với con đó là khoảng thời gian rất dài vì thế con đếm từng ngày, từng tháng, con đau đớn, xót xa khi không còn mẹ.

      Mẹ đi xa thiên nhiên, vạn vật cũng quạnh hiu, vắng lặng, nỗi buồn cũng như ngấm vào cảnh vật chung quanh: 

Cây quanh vườn mồ côi Mẹ hai năm

Màu xanh lá buồn chi ngơ ngác thế?

      Câu hỏi tu từ kết hợp với biện pháp nhân hoá thể hiện nỗi trống trải khi vắng mẹ thấm vào cả không gian cảnh vật. Nỗi xót xa ấy làm con phải thốt lên:

Mẹ đâu còn để chờ bánh đa kê.

Mẹ đâu còn để đánh thức giao thừa

      Điệp ngữ mẹ đâu còn thể hiện sự đau đớn, bàng hoàng nỗi trống trải không gì có thể bù đắp nổi của con khi vắng mẹ, khi mẹ đâu còn trên cõi đời này. Chẳng còn mẹ để chờ mua bánh đa kê mỗi khi đi chợ về, cũng chẳng còn mẹ đánh thức con trong đêm giao thừa để trông bánh chưng, xem bắn pháo hoa… để rồi trong giấc mơ, con giật mình thấy bóng hình của cha mẹ nở nụ cười thật hiền từ với con.

Cảm nhận của em về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo

      Quá khứ và hiện tại đồng hiện trong bài thơ, kia là hiện tại không còn mẹ trên cõi đời này. Đây là quá khứ khi con vẫn còn mẹ, người con tưởng tượng những kỷ niệm đẹp khi có mẹ chăm bẵm, nâng niu:

Con thấy Mẹ lom khom vào bếp, ra vườn

Mẹ múc nước giếng nhà trong vắt

Mẹ cho lợn ăn. Mẹ xới thêm luống đất

Mẹ trồng rau. Mẹ hát điệu xa vời…

      Với con mẹ vẫn còn đâu đây, hình dáng, bóng hình mẹ vẫn hiện hữu. Con nhìn thấy mẹ đang làm những công việc rất đỗi thân quen: mẹ vào bếp, ra vườn, cho lợn ăn, xới luống đất, mẹ trồng rau, mẹ cất tiếng hát… phép liệt kê kết hợp với điệp ngữ mẹ nhấn mạnh hình ảnh người mẹ tảo tần sớm hôm, vất vả với những công việc đồng áng những mong cho con có cuộc sống lên người. Hình ảnh người mẹ thân quen, gần gũi giống với bao người mẹ khác trong thơ:

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

      Bài thơ khép lại bằng hình ảnh người mẹ già đang lom khom chống gậy tiễn con đi xa:

Rồi Mẹ tiễn con đi về phía cuối trời

Chiếc gậy chống đã vẹt mòn năm tháng

Con ngoảnh lại chốn quê nhà xanh thẳm

Mẹ cười hiền, chống gậy đứng nhìn theo…

      Trong ký ức của nhà thơ hình ảnh người mẹ hiền hậu, tần tảo thật đẹp với nụ cười hiền từ, chống gậy ngoái trông con, những mong con có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Mẹ lúc nào cũng vậy luôn lo lắng, dõi theo con, hy sinh cả đời vì con mà không đòi hỏi nhận lại điều gì. Hình ảnh chiếc gậy vẹt mòn năm tháng là một hình ảnh ẩn dụ đẹp, thể hiện cuộc đời đầy gian khổ, vất vả, thiếu thốn của mẹ. Qua đó bộc lộ nỗi niềm xót xa, đau đớn của con.           

      Có một điểm rất đặc biệt là từ “Mẹ” được viết hoa hoàn toàn, xuyên suốt bài thơ. Đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, khi viết hoa thể hiện sự trân trọng của nhà thơ dành cho mẹ, đặc biệt nhấn mạnh người mẹ vĩ đại trong thơ ông. Thể thơ 8 chữ xen lẫn những câu 9 chữ, giọng điệu ngân nga, tha thiết, tình cảm chân thành của nhà thơ được gửi gắm cũng góp phần làm nên chất trữ tình cho tác phẩm.

      Bài thơ “Tết này vắng mẹ” khép lại bằng hình ảnh người mẹ chống gậy đứng nhìn theo con và mở ra trong tâm tưởng người đọc biết bao nhiêu trường cảm xúc: đó là sự xót xa, thương cảm đối với người mẹ già nơi chốn quê nhà; đó là sự đồng cảm sâu sắc với nhà thơ vì tình cảm dành cho mẹ. Qua bài thơ mỗi chúng ta lại càng thấm thía hơn về tình mẹ, tự dặn lòng mình phải biết trân trọng những phút giây còn có mẹ trên cõi đời này.

--------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Cảm nhận về bài thơ Tết này vắng mẹ của tác giả Nguyễn Trọng Tạo. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 24/03/2023 - Cập nhật : 13/07/2023

Tham khảo các bài học khác