logo

Viết bài văn phân tích Rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và Đại bàng

Truyện ngụ ngôn là một trong những thể loại văn học ẩn chứa rất nhiều những bài học ý nghĩa về cuộc sống thông qua việc xây dựng tình tiết ẩn dụ. Rùa và đại bàng là một trong những truyện ngụ ngôn nổi tiếng, qua việc phân tích rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và đại bàng chúng ta sẽ thấy được nét đặc sắc trong câu chuyện này!


Dàn ý phân tích Rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và Đại bàng

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về nhân vật rùa và truyện ngụ ngôn rùa và đại bàng

- Đặc điểm khái quát của nhân vật: khát khao chinh phục những điều mới lạ nhưng không phù hợp với khả năng, hoàn cảnh của bản thân, để rồi nhận về những điều không tốt đẹp.

2. Thân bài

- Tóm tắt cốt truyện

- Chỉ ra đặc điểm của nhân vật:

+ Rùa là một con vật luôn có khát khao chinh phục những điều mới lạ: nhờ đại bàng dạy mình tập bay; tự làm cánh để có thể bay; ngồi trên lưng đại bàng để bay lên trời…

+ Tuy nhiên khát khao của rùa không phù hợp với thực tế cuộc sống, hoàn cảnh của rùa, để rồi nó phải nhận lấy cái kết đắng: suýt bỏ mạng vì rơi từ trên không trung.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: nhân hoá, cách kể chuyện ngôi thứ ba, ngôn ngữ sinh động, hấp dẫn.

+ Ý nghĩa hình tượng nhân vật: con người chỉ nên sống thực tế, đừng khát vọng quá mức vào những điều không thể thực hiện được, chỉ nên giới hạn những điều có thể làm được ở bản thân.

3. Kết bài

- Khẳng định ý nghĩa hình tượng nhân vật

- Liên hệ bản thân.

Dàn ý phân tích Rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và Đại bàng

Phân tích Rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và Đại bàng

      Rùa và đại bàng là một trong những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của nước ngoài. Chuyện đã xây dựng thành công nhân vật rùa thông qua đó gửi gắm rất nhiều những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Rùa hiện lên là một con vật luôn khát khao hướng tới những điều mới mẻ nhưng khát vọng ấy lại không phù hợp với thực tế.

      Cốt truyện ngụ ngôn khá đơn giản, câu chuyện kể về việc một chú rùa luôn khát khao được bay lên trên không trung để tận hưởng những điều mới mẻ, thú vị giống như những chú chim trên bầu trời. Nó đã nhờ một chú đại bàng làm thầy dạy mình nhưng đại bàng từ chối. Rùa kiên quyết làm một đôi cánh giả để nhờ đại bàng dạy bay. Cuối cùng đại bàng đã đồng ý, nhưng khi bay lên cao đại bàng đã thả rùa ra để rùa tự bay, nhưng rùa làm sao bay được, rùa đã rơi xuống mặt đất, va vào hòn đá và gây ra vết xước trên mai, cũng may là không mất mạng.

      Chúng ta thấy khát khao tập bay của rùa thể hiện đây là một con vật luôn có những mộng tưởng đẹp, muốn vượt qua những giới hạn của bản thân để chinh phục những điều mới mẻ. Nhiều người chê bai rùa vì những ý tưởng điên rồ nhưng xét cho cùng khát khao tập bay là điều rất đáng quý ở rùa. Vì nó đã biết chinh phục những điều không tưởng, vượt qua những giới hạn của bản thân mình. Trên đời chúng ta ai chẳng có những ước mơ và khát vọng, như vậy cuộc sống mới có giá trị. Rùa đã nài nỉ đại bàng - con chim bay nhanh và khỏe dạy mình. Khi không được sự đồng ý nó đã tự chế một đôi cánh để đại bàng có thể dạy mình tập bay. Như vậy là nó đã luôn nỗ lực để có thể chinh phục được ước mơ, khát vọng của mình.

Phân tích Rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và Đại bàng

      Nhưng khi khát vọng, ước mơ là điều không tưởng thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Rùa vốn là loài vật chỉ bơi được dưới nước, quen ở mặt đất, nó không có cánh thì làm sao có thể bay được, nó đâu phải là chim mà có thể bay được. Khát vọng tập bay của nó là điều không tưởng, là vượt quá giới hạn của bản thân vì thế nên đại bàng mới từ chối nó, và nó suýt phải bỏ mạng vì ý tưởng điên rồ ấy của mình.

      Thông qua câu chuyện tập bay của rùa tác giả dân gian đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống. Mỗi người chúng ta đều có quyền ước mơ, khát vọng để chinh phục những điều mới mẻ, vượt qua giới hạn của bản thân. Nhưng đừng quá ảo tưởng vào sức mạnh của mình, đừng sống với ảo tưởng mà phải thực tế. Nếu ảo tưởng quá lớn thì kết cục sẽ thất vọng tràn trề vì mãi mãi không bao giờ thực hiện được. 

      Nhân vật rùa được tác giả xây dựng rất sinh động thông qua biện pháp tu từ nhân hoá, những lời nói và hành động của con người. Cốt truyện đơn giản nhưng giàu ý nghĩa, ngôi kể thứ ba cũng góp phần truyền tải thông điệp ý nghĩa của tác giả được gửi gắm.

      Rùa đại diện cho một bộ phận không nhỏ người trong xã hội hiện nay: khát vọng chinh phục những điều không thể vượt quá giới hạn của bản thân đến mức thành ảo tưởng. Chúng ta không trách rùa, cũng không ghét bỏ rùa vì suy cho cùng mỗi người trong chúng ta đều có một nét tính cách ấy của nó. Chúng ta hãy nhìn kết cục của rùa để rút ra bài học cho bản thân: vươn tới những điều tốt đẹp dựa trên năng lực và giới hạn của bản thân.

--------------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Viết bài văn phân tích Rùa trong truyện ngụ ngôn Rùa và Đại bàng. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 25/03/2023 - Cập nhật : 13/07/2023

Tham khảo các bài học khác