logo

Bình giảng Tựa Trích diễm thi tập lớp 10

Tuyển chọn những bài văn hay Bình giảng Tựa Trích diễm thi tập lớp 10. Với những bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 

Bình giảng Tựa Trích diễm thi tập lớp 10 (ngắn gọn, hay nhất)

Bình giảng Tựa Trích diễm thi tập

Hoàng Đức Lương sống vào khoảng nửa cuối thế kỉ XIX, quê ở làng Cửu Cao, huyện Văn Giang (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), sau dời đến ở làng Ngọ Kiều, huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Ông là quan chức, nhà thơ, nhà biên khảo nổi tiếng dưới triều vua Lê Thánh Tông ; đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478) : từng được cử làm Phó sứ sang nhà Minh ; trở về được thăng chức Tả thị lang Bộ Hộ. Tác phẩm của ông có tới hai mươi lăm bài thơ chữ Hán và bộ sách biên khảo Trích diễm thi tập gồm mười lăm quyển, nay chỉ còn lại sáu quyển.

Bài tựa của Hoàng Đức Lương trong sách Trích diễm thi tập được viết vào năm Đinh Tị (1497). Thể văn tựa thuộc loại phê bình, nhận xét, bình điểm, thường đặt ớ vị trí mở đầu sách, có thể do chính tác giả hoặc người khác viết. Bài tựa thường nêu rõ nguồn gốc việc làm sách, lí do xuất hiện sách, tính chất và đặc điểm của sách. Nội dung bài tựa luôn thiên về giọng điệu nghị luận, đôi khi kết hợp với tự sự và sắc thái trữ tình. Nói riêng bài tựa sách Trích diễm thi tập do chính tác giả viết thuộc loại văn nghị luận, thiên về lập luận, phân tích, tổng kết, khái quát.

Trong bài tựa, Hoàng Đức Lương nêu lên phản đề về lí do thơ văn không lưu truyền được ở đời. Từng lí do đều được ông dẫn giải, nhấn mạnh cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả những điều đã làm được và chưa làm được, có khi thuộc về quan niệm hay thói quen sai lầm rất cần được chấn chỉnh, sửa chữa.

Trước hết cần ý thức rằng thơ văn là món ăn tinh thần cao cấp, có tính đặc thù, “sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được”. Hoàng Đức Lương nhấn mạnh cái hay, cái đẹp và sự thi vị của thơ văn không thể chia chung, chia đều cho tất cả mọi người mà cần phải có những tâm hồn đồng điệu, đồng cảm, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Dân gian có câu “Đàn đâu mà gảy tai trâu” nhằm cực tả sự chai lì cảm xúc, vô cảm ngay cả với những giá trị nghệ thuật. Cách nói “Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được” cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả yêu cầu về tính chuyên nghiệp, vốn tri thức, niềm say mê của người tiếp nhận cũng như giới văn chương nói chung đối với công việc lưu giữ, truyền bá thơ văn. Nói khác đi, thơ văn muốn được lun truyền trên đời nhất thiết cần có những con người thực sự hiểu biết, yêu thích và coi trọng văn chương.

Nhằm đề cao vai trò con người, Hoàng Đức Lương tiếp tục nêu phản đề về thực tế: “Nước ta từ nhà Lí, nhà Trần dựng nước đến nay, vẫn có tiếng là nước văn hiến, những bậc thi nhân, tài tử đều đem sở trường của mình thổ lộ ra lời nói” và đi đến chất vấn “lẽ nào không có người hay ?”. Điều hiển nhiên đất nước được coi là văn hiến tất yếu phải có “người hay”, nghĩa là người tài giỏi, người sáng tạo nên các giá trị tinh thần mà cụ thể ở đây là thơ văn. Trong số những “người hay”, “bậc danh nho làm quan to ở trong quán, các” được coi là có học nhìn họ lại “bận việc không rỗi thì giờ để biên tập”, có thể phần nhiều họ mải lo việc chính sự, còn tâm sức đâu để ý đến việc lưu truyền thơ văn. Trong suy nghĩ của Hoàng Đức Lương, chắc chắn ông không “vơ đũa cả nắm” mà ngụ ý phê phán những viên quan giữ trọng trách, có quyền chức và điều kiện lại chểnh mảng việc sưu tập thơ văn. Đồng thời ông kể đến loại “viên quan nhàn tản chức thấp cùng những người phải lận đận về khoa trường” cũng thuộc số người không để ý đến văn chương. Dường như trong câu này có ngụ ý chê loại người “nhàn tản” thừa thời gian nhưng lại thiếu tài năng, thiếu chí hướng và sự đam mê cần thiết, Dù không trực tiếp nói ra nhưng ông vẫn bày tỏ niềm tự hào về nền văn hiến và văn học dân tộc, kín đáo chê trách bậc “danh nho làm quan to” nhưng không làm tròn bổn phận, đó là lí do thứ hai làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.

Lí do thứ ba giới hạn ở phạm vi những người thực sự yêu thích thơ văn nhưng “ngại vì công việc nặng nề, tài lực kém cỏi, nên đều làm được nửa chừng rồi lại bỏ dở”. Khác với các bậc “danh nho làm quan to” có tài, có quyền nhưng thiếu nhiệt huyết thì những người “thích thơ văn” này lại không đủ tài lực, điều kiện vật chất để sưu tập, khắc in, lưu truyền thơ văn cho đời.

Lí do cuối cùng được Hoàng Đức Lương nhấn mạnh là bởi những định hướng quản lí và điều hành. Ông cho rằng văn chương theo Nho học không thua kém Phật học nhưng vì bị quản lí, giám sát quá chặt chẽ nên không có điều kiện phát triển. Đặc biệt ông mạnh dạn nói thẳng nguyên do bộ phận thơ văn ngoài nhà chùa “nếu chưa được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành”. Thông thường loại thơ văn được nhà vua cho phép khắc in luôn mang tính chính thống, ngợi ca một chiều, đề tài hạn hẹp, thiếu đi vẻ đa dạng, phong phú, sinh động. Điều đó dẫn đến nhiều bản thảo không có điều kiện khắc in, dần dần bị mai một và đương nhiên không thể lưu truyền được với đời. Việc Hoàng Đức Lương nhấn mạnh lí do này còn có ý nghĩa phê phán lề luật quản lí văn nghệ hà khắc dưới thời phong kiến và ngụ ý mong muốn có sự thay đổi, mở rộng việc cho phép khấc in các tác phẩm thơ văn.

Qua việc nêu ra bốn lí do khiến “thơ văn không lưu truyền hết trên đời”, Hoàng Đức Lương cho thấy công việc truyền bá văn chương đòi hỏi sự hội tụ ở nhà biên soạn nhiều phẩm chất như học vấn, tài năng, tính chuyên nghiệp, lòng yêu thơ văn, đức tính kiên trì, điều kiện vật chất và cần được sự bảo đảm, ủng hộ của nhà vua, người cầm quyền và luật lệ về khắc in. Đó chính là công việc đòi hỏi tính đồng bộ và cả một quan niệm tiến bộ, biết nhìn xa trông rộng và một thái độ trân trọng di sản văn học dân tộc. Nếu thiếu một trong những điều kiện trên đều dẫn đến nguy cơ thơ văn “không lưu truyền hết ở trên đời”. Ngoài những nguyên nhân chủ quan trên còn cần phải chú ý đến sự mai một bởi thời gian, sự thay bậc đổi ngôi các triều đại và binh lửa vốn rất dễ khiến nguồn sách vở tiêu tan.

Sau khi có một cái nhìn tổng quát đáng báo động về thực trạng tình hình lưu truyền thơ vãn nước nhà, Hoàng Đức Lương tiếp tục bày tỏ nỗi lòng, nhấn mạnh mục đích và công việc mình đã làm. Ông chỉ rõ nghịch lí về việc học làm thơ “chỉ trông vào thơ bách gia đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí, Trần thì không khảo cứu vào đâu được”. Rõ ràng ông đã ý thức được việc xây dựng nền văn học dân tộc cần phải dựa vào truyền thống cha ông chứ không chỉ trông chờ vào nguồn thơ Đường ngoại nhập. Một lần nữa ông khéo phê phán những người giữ trọng trách đã để xảy ra tinh trạng “giấy tàn, vách nát”, đến lượt bản thân mình “thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử lúc bấy giờ”. Với cách nói khiêm nhường, về hình thức có vẻ như nhận phần sai bởi đã “có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử” nhưng kì thực qua chuyện người xưa mà nói chuyện người nay, qua việc xưa mà nhắc việc ngày nay. Lại thêm một lần nữa ông nêu phản đề về “nước văn hiến” với thực trạng di sản thơ văn đương thời : “Than ôi ! Một nước văn hiến xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao !”… Đó là tiếng nói thẳng thắn của người có ý thức trách nhiệm, thực sự tâm huyết với di sản thơ văn dân tộc. Không chỉ nêu vấn đề và bàn luận chung chung, Hoàng Đức Lương còn là người trực tiếp thực hiện việc sưu tập, biên soạn, hệ thống hoá, phân loại thơ ca của đời xưa cũng như đương thời, sau đó “mạn phép phụ thêm những bài vụng về do tôi viết”. Với lối nói bề ngoài nhún nhường nhưng ông tỏ rõ chí hướng khắc phục hạn chế của người xưa cũng như giới quan chức đương thời và tự tin thực hiện : “Tôi không tự lượng sức mình, muốn sửa lại điều lỗi cũ, quên rằng sách cũ không còn bao nhiêu (…). Tôi còn thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều, chọn lấy bài hay, chia xếp theo từng loại, được sáu quyển, đặt tên sách là Trích diễm”.

Qua bài Tựa “Trích diễm thi tập”, một loại sách sưu tập, biên soạn thơ văn, Hoàng Đức Lương cho thấy càng tự hào với di sản văn học dân tộc bao nhiêu ông càng bất bình trước thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với việc bảo tồn và lưu truyền thơ văn. Ông đã nói và làm được những điều ông mong muốn, hao tâm tổn sức để có được công trình biên soạn như ý, “trách nhiệm nặng nề mà tài hèn sức mọn, tìm quanh hỏi khắp nhưng số thơ thu lượm được cũng chỉ là một hai phần trong số muôn nghìn bài”. Đến lời kết, ông bày tỏ niềm tự hào và tin rằng mình đã góp công lấp được một khoảng trống về tư liệu : “Rồi những người thích bình phẩm thơ ca sẽ đem truyền rộng, may ra tránh được lời chê trách của người đời sau, chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xưa vậy”. Như vậy, rõ ràng Hoàng Đức Lương chưa phải đã đi sâu trình bày quan điểm, bình luận, khám phá cái hay cái đẹp của thơ văn nhưng chính ông đã là người mở đường cho truyền thống sưu tầm, biên soạn các công trình hợp tuyển, tuyển tập, tổng tập văn học mà các thế hệ sau biết kế tục, phát huy ngày càng hiệu quả hơn.

---/---

Với  các bài văn mẫu Bình giảng Tựa Trích diễm thi tập lớp 10 do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về  tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!

icon-date
Xuất bản : 17/03/2021 - Cập nhật : 21/03/2021