logo

Báo cáo phân tích 1 trường hợp thực tiễn về tư vấn

BÁO CÁO TƯ VẤN, HỖ TRỢ HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Người thực hiện:…………………………………….

Sản phẩm 2 – Modun 5: Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học.

 

Họ và tên học sinh: ………………………..

Giáo viên thực hiện tư vấn, hỗ trợ: ………………………..

Lý do tư vấn, hỗ trợ:

         A là học sinh lớp 11, học lực bình thường, gia đình A có hoàn cảnh khá khó khăn. Bố mẹ làm công nhân.

          Một lần, A có những bình luận trêu đùa bạn cùng lớp là B nên đã bị B đánh, ném và xé sách vở của em lúc cuối giờ trước nhiều bạn trong lớp. B là “đầu gấu” ở trong trường nên bạn nào trong lớp cũng sợ.

          Hơn nữa, A còn bị một số bạn trong lớp hùa theo B bắt em phải chép bài tập hộ. Nhiều khi A rất bực và chỉ muốn “phản kháng lại”, nhưng càng đôi co, các bạn lại càng trêu trọc, bắt nạt em.

          Về nhà, A nói với bố mẹ rằng em chán trường lớp và muốn nghỉ học. A chỉ trốn mình trong phòng và không muốn nói chuyện với ai. Bố mẹ hỏi chuyện A nhưng em không nói gì nữa. Mẹ A quyết định tới trường tìm nhà tư vấn để được giúp đỡ.


1. Thông tin của học sinh

- Suy nghĩ/cảm xúc/hành vi: chán nản, không muốn học tập, không tham gia các hoạt động tập thể của lớp.

- Khả năng học tập: học lực đi xuống, trong giờ học hay mất tập trung.

- Sức khỏe thể chất: bình thường.

- Quan hệ giao tiếp (với bạn, thầy cô): đối với bạn bè không hòa đồng, ngại giao tiếp với các bạn và thầy cô giáo, không tham gia các hoạt động tập thể. Đối với thầy cô thì ngoan không có biểu hiện gì đặc biệt.

- Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình: bình thường.


2. Liệt kê những vấn đề/khó khăn của học sinh

- Bị các bạn bắt nạt.

- Chán nản, không muốn đi học, không muốn nói chuyện với ai.


3. Xác định vấn đề của học sinh 

- Bị các bạn bắt nạt dẫn đến chán nản, không muốn đi học, không muốn nói chuyện với ai.


4. Xây dựng kế hoạch tư vấn, hỗ trợ

- Mục tiêu tư vấn, hỗ trợ: Giúp học sinh ổn định về tâm lí, tự tin vào bản thân, giải quyết các mâu thuẫn, tiếp tục đi học.

- Hướng tư vấn, hỗ trợ (chỉ rõ việc lựa chọn hướng tư vấn, hỗ trợ dựa trên yêu cầu đạo đức nào?)

+ Yêu cầu về đạo đức: Bảo mật, tôn trọng học sinh, trung thực và trách nhiệm.

+ Hướng tư vấn: Tư vấn, hỗ trợ thiết lập mối quan hệ - giao tiếp, ứng xử với gia đình, bạn bè, giáo viên.

+ Hình thức tư vấn: trao đổi trực tiếp.

- Nguồn lực: các bạn học sinh cùng lớp (đặc biệt là ban cán sự lớp), phụ huynh học sinh.

- Sử dụng kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh: Phương thức trực tiếp: giáo viên gặp trực tiếp phụ huynh của học sinh A để trao đổi, nắm bắt các thông tin về học sinh A khi ở nhà. Và trao đổi với bà con nhân dân ở gần nhà học sinh A.


5. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ học sinh

5.1. Giai đoạn 1: Thiết lập quan hệ

* Tại văn phòng tư vấn: 

- Người mẹ: Chào thầy ạ.

- Nhà tư vấn (NTV): Chào chị ạ.

- Người mẹ: thầy có phải là thầy An không ạ.

- NTV: Vâng ạ, em có thể giúp gì cho chị ạ.

- Người mẹ: Tôi có chuyện muốn nhờ thầy giúp đỡ ạ.

- NTV: Vâng, mời chị vào trong ạ. Mời chị ngồi ạ.

- Người mẹ: Vâng, cảm ơn thầy ạ. Thầy có phải là nhà tâm lí không ạ.

- NTV: Vâng, em là nhà tư vấn tâm lí ạ. Em có thể giúp gì cho chị ạ.

- Người mẹ: Tôi có một đứa con trai, gần đây em có nhiều biểu hiện lạ, mà tôi hỏi thì em không chịu nói gì cả. Hôm nay tôi đến gặp thầy, mong thầy có thể giúp đỡ cho vấn đề mà con tôi gặp phải.

- NTV: Vâng, chị có thể kể rõ tình hình của em cho em được không?

- Người mẹ: Con tôi tên là A, năm nay em học lớp 11. Gần đây em luôn buồn rầu và hay cáu gắt vô cớ. Tôi hỏi chuyện thì em không nói gì cả. Nên tôi cũng không biết làm thế nào.

- NTV: Ở nhà chị có hay hỏi chuyện, quan tâm em không? Bố em có hay hỏi chuyện, quan tâm em không?

- Người mẹ: Ngày trước, em hay kể chuyện với tôi, nhưng giờ thì em ít nói chuyện với tôi lắm. Tôi hỏi thì em còn gắt lên. Rồi em cứ suốt ngày trốn ở trong phòng. Tôi giờ cũng chẳng biết làm sao nữa.

- NTV: Gần đây gia đình mình có xảy ra chuyện gì không ạ?

- Người mẹ: Hai vợ chồng tôi là dân lao động chân tay, đi làm cả ngày tối mới về nhà. Sáng ra, tôi cho em ăn rồi đi học, trưa thì em ăn bán trú ở trường, hôm nào em được nghỉ thì qua bà ngoại, tối em mới về nhà. Gần đây, mỗi khi em về nhà là lại mặt mũi lầm lì khó chịu. Tôi cũng không biết con mình bị sao nữa.

- NTV: Chị có biết liệu ở trường em có xảy ra chuyện gì không?

- Người mẹ: Thầy nhắc thì tôi mới nhớ, giờ này tuần trước thì em đi học về sớm hơn mọi ngày. Hôm đó tôi nghỉ ở nhà. Tôi hỏi: sao con về sớm thế. Em nói với giọng bực bội: Con chán trường chán lớp lắm, con không muốn đi học nữa đâu. Em đùng đùng bỏ vào phòng đóng cửa nghe “uỳnh” một cái. Tối hôm đó tôi cũng nhẹ nhàng vào hỏi em có chuyện gì, nhưng em cũng không chịu nói thêm gì nữa, tôi cũng lo lắm!

- NTV: Thế những ngày sau đó, em có thêm biểu biện gì lạ nữa không chị?

- Người mẹ: Hôm qua, thầy giáo chủ nhiệm có gọi điện thoại báo với tôi rằng em đã nghỉ học 2 ngày rồi, sức học của em trên lớp cũng giảm sút nhiều lắm và hay bị các thầy cô giáo nhắc nhở trong lớp vì không tập trung.

- NTV: Thế phản ứng của gia đình mình với em khi đó như thế nào ạ?

- Người mẹ: Bố em giận em lắm, định đánh em nhưng tôi can được. Tôi nghĩ là do em giận dỗi chuyện gì ở trên lớp.

- NTV: Với vấn đề này, ở độ tuổi của em tâm sinh lí thay đổi là chuyện thường thấy, nhưng trước hết anh chị đừng quá lo lắng, đừng mắng nhiếc em, như vậy tình hình sẽ càng xấu đi và cách giải quyết sẽ trở nên khó khăn hơn, em sẽ trở nên khép kín hơn, sợ và không dám chia sẻ với bố mẹ. Thứ hai, theo lời kể của chị thì em chưa thể xác định chính xác vấn đề của em là gì, với chẩn đoán ban đầu rằng em đang có biểu hiện của bệnh trầm cảm, để nắm rõ hơn, em mong chị có thể sắp xếp cho em 1 buổi có thể gặp gỡ với em để em có thể biết chính xác vấn đề ở em và có sự hỗ trợ kịp thời.

- Người mẹ: Thế thì tốt quá! Tôi sẽ thu xếp để 2 thầy trò gặp nhau. Thầy có thể gặp được em vào lúc nào?

- NTV: Vâng, khi nào em rảnh thì em có thể gặp bất cứ lúc nào chị ạ. Để có thể nắm rõ toàn bộ sự việc, em sẽ trao đổi với thầy giáo chủ nhiệm của em.

- Người mẹ: Vâng, tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của thầy. Cảm ơn thầy nhiều.

- NTV: Chị yên tâm, em rất cảm ơn chị về sự chia sẻ này, hi vọng rằng vấn đề của em sẽ sớm được giải quyết.

- Người mẹ: Vâng, cảm ơn thầy, chào thầy.

- NTV: Em chào chị ạ.

* Tại nhà học sinh A

- HS A: Em chào thầy!

- NTV: Chào em, chắc là mẹ có nhắc về thầy rồi nhỉ?

- HS A: Vâng, nhưng giờ mẹ em ra ngoài rồi, thầy vào nhà chờ mẹ em một lát nhé.

- NTV: Cảm ơn em.

- HS A: Vâng ạ. Thầy ngồi đợi mẹ em một lát, em vào phòng có việc ạ.

- NTV: Ơ, A ơi, thầy ngồi đây một mình cũng hơi ngại, hay là em ngồi đây nói chuyện với thầy một lát nhé.

- HS A: Vâng, vậy cũng được ạ.

Mẹ của A gọi điện báo là có việc đột xuất nên về hơi muộn và nhờ A tiếp chuyện với thầy giáo.

- NTV: Mẹ em gọi à.

- HS A: Vâng ạ, mẹ em bảo về muộn.

- NTV: À thế à, bây giờ cũng muộn rồi, hay thầy trò mình ra ngoài ăn đi.

- HS A: Vậy cũng được ạ.

- NTV: Em thích ăn món gì?

- HS A: (cười) gà rán ạ.

- NTV: Vậy thầy trò mình đi ăn gà rán nhé. Đi luôn nhé.

- HS A: Vâng ạ.

Sau khi ăn trưa cùng nhà tư vấn, tâm trạng của A đã khá lên đôi chút

- NTV: Em no chưa.

- HS A: Rồi ạ.

- NTV: Đồ ăn có hợp khẩu vị của em không?

- HS A: Em thấy cũng ngon ạ.

- NTV: Nếu ngon thì lần sau thầy lại đưa em đi ăn tiếp nhé.

- HS A: Vâng, em còn thích ăn cả nem chua rán nữa.

- NTV: Hôm sau thầy sẽ đưa em đi ăn nem chua rán, có một quán ở đầu đường kia ngon lắm.

- HS A: Vâng, hôm nào rảnh thầy qua đón em đi nhé.

- NTV: Ừ, nhất trí thế nhé. À, mà giờ thầy còn muốn mua mấy quyển sách, mà không biết gần đây có cửa hàng nào không nhỉ?

- HS A: Ở gần đây có 1 cửa hàng sách ạ, hay là để em đưa thầy vào đó ạ.

- NTV: Vậy à, có gần đây không em.

- HS A: gần ạ.

- NTV: Vậy mình cùng vào cửa hàng sách một lát nhé.

* Tại cửa hàng sách

- HS A: Thầy đang tìm sách gì đấy ạ?

- NTV: À, thầy đang tìm mấy quyển sách về tâm lí.

- HS A: Ơ, thầy làm gì liên quan đến tâm lí à.

- NTV: Thầy là nhà tư vấn tâm lí mà, thầy quên mất chưa giới thiệu với em.

- HS A: Vậy ạ.

- NTV: Em đang đọc sách gì vậy? A, quyển này trước đây thầy đã đọc rồi, có tác dụng thư giãn rất tốt.

- HS A: Vâng, em thấy nội dung cũng khá là hay ạ.

- NTV: Em thích quyển này không?

- HS A: Vâng, có ạ.

- NTV: Vậy thầy tặng quyển này cho em nhé. Thực ra khi đến nhà em chơi, thầy cũng muốn tặng em 1 món quà gì đó, như thầy lại không biết em thích quà gì. Em nhận món quà này của thầy nhé. Đọc sách nhiều rất tốt đó. Mẹ em cũng bảo là em rất thích đọc sách mà.

- HS A: Vâng, em cũng thích đọc sách, nhà em có nhiều sách lắm, nhưng mà thời gian này em cũng ít đọc rồi ạ.

- NTV: Có chuyện gì à?

- HS A: Không, chỉ là mấy chuyện ở trên lớp thôi ạ.

- NTV: Có chuyện gì có thể nói với thầy được không?

- HS A: Không sao đâu thầy ạ.

- NTV: Thôi được rồi. Bây giờ em nhận cuốn sách là thầy vui rồi. Nhưng cố gắng giữ thói quen đọc sách nhé, rất tốt cho em đấy.

- HS A: Vâng, em sẽ đọc ạ.

* Hai ngày sau

HS A chủ động gọi điện thoại cho NTV.

- HS A: Alô, thầy An ạ, em là A đây ạ.

- NTV: Ừ, chào em, có chuyện gì vậy em.

- HS A: Em có chuyện muốn nói với thầy, thầy có rảnh không ạ?

- NTV: Thầy rảnh, em nói đi.

- HS A: Không, thầy đến nhà em đi ạ. Nếu thầy không đến được thì thôi ạ.

- NTV: Vậy em đợi thầy 30 phút nữa nhé.

- HS A: Vâng, em cảm ơn thầy ạ.

5.2. Giai đoạn 2: Thu thập thông tin, xác định vấn đề

* Nhà tư vấn gặp giáo viên chủ nhiệm (GVCN)

- GVCN: Mời thầy ngồi.

- NTV: Vâng ạ. Chào thầy.

- NTV: Tôi được gia đình em A – học sinh lớp thầy chủ nhiệm nhờ giúp đỡ tìm hiểu một số vấn đề về A, hiện tại thì 2 ngày nay A đã không đến lớp, ở nhà A được chẩn đoán đã có một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm, và theo như tôi tìm hiểu, ở gia đình A không có xảy ra chuyện gì ảnh hưởng đến em, rất có thể nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện trường lớp của A, vì A nói rằng em không muốn tới trường nữa.

- GVCN: Sau khi nhà trường thông báo về tình hình của em A về cho gia đình, tôi cũng đã trao đổi và làm việc với cán bộ lớp và đã nhận được thông tin rằng giữa A và B – bạn cùng lớp đã có mâu thuẫn và xảy ra xô xát với nhau.

- NTV: Trong lớp thì A là học sinh như thế nào?

- GVCN: A là một học sinh khá trầm tính và ít giao tiếp với các bạn trong lớp.

- NTV: Vâng, rất có thể nguyên nhân là do mâu thuẫn giữa A với B. Theo tôi, để làm rõ hơn vấn đề này, thầy nên có một cuộc gặp gỡ với B để làm rõ nguyên nhân, còn tôi sẽ trực tiếp đến gặp em A, tôi và thầy sẽ liên lạc và trao đổi lại sau.

- GVCN: Tôi cũng mới nhận được thông tin từ sáng nay, tôi cũng đang sắp xếp công việc để có thể sớm gặp gỡ và trao đổi với 2 em. Tôi sẽ báo lại với thầy sớm nhất có thể.

- NTV: Vâng, cảm ơn thầy ạ.

- GVCN: Vâng, chào thầy.

* Tại phòng chờ giáo viên, GVCN gặp gỡ em B (Trong giai đoạn này, nhà tư vẫn sẽ nhờ sự giúp đỡ từ GVCN)

- GVCN: Hôm nay thầy gọi em lên đây để có 1 sự việc muốn trao đổi với em.

- HS B: Vâng ạ.

- GVCN: Thầy nhận được thông tin rằng giữa em và A có xảy ra xô xát với nhau.

- HS B: Ơ, làm gì có chuyện gì đâu ạ, em có chơi với nó đâu ạ.

- GVCN: Thầy đã biết rõ được toàn bộ sự việc, tuy nhiên thầy muốn em trực tiếp nói rõ mọi chuyện với thầy để thầy có thể giúp đỡ được em, vì em biết đấy 2 hôm nay A đã nghỉ học ở nhà.

- HS B: Nhưng mà em có bắt nó nghỉ đâu, cứ học sinh trường này nghỉ là do lỗi của em ạ.

- GVCN: Nhà trường đã báo về gia đình về việc A nghỉ học, và mẹ em cũng đã gọi điện cho thầy và yêu cầu nhà trường phải giải quyết thỏa đáng sự việc giữa em với A, nếu không thì gia đình sẽ làm đơn và gửi lên công an, và em biết nếu như sự việc phải đưa lên công an để giải quyết thì vô cùng phức tạp không chỉ với em mà còn với cả gia đình và nhà trường nữa.

- HS B: Mà có vấn đề gì đâu mà phải đưa lên tận công an ạ, mới lại đâu phải do lỗi của em hết đâu, do nó nói xấu em trên facebook trước chứ ạ.

- GVCN: Chưa cần biết A có những lời lẽ như thế nào đối với em, tuy nhiên, chắc chắn rằng em hành động như vậy với bạn là sai. Bạn bè có những lúc hiểu lầm, mâu thuẫn là chuyện bình thường và mâu thuẫn có thể giải quyết bằng biện pháp “hòa bình” nhưng không phải là bằng “bạo lực”.

- HS B: Nhưng em có cố tình đánh nó đâu ạ. Thực ra, lúc đó đọc xong em bực quá nên mới làm như vậy thôi ạ

- GVCN: Kể từ hôm sau, giữa em và A còn xảy ra chuyện gì nữa không?

- HS B: Không ạ, hôm sau em không làm gì bạn ấy nữa, chỉ có mấy bạn trong lớp, hôm sau trêu A và nghịch sách vở của bạn ấy ạ. Thực ra thì, hôm đó về nhà, em thấy mình đánh bạn cũng hơi quá đáng. Thế em có phải lên công an không ạ.

- GVCN: Nếu như em đã biết lỗi của mình thì thầy sẽ cho em cơ hội để sửa sai. Thầy sẽ sắp xếp cho em với A có thể gặp riêng nhau, đây chính là cơ hội để em xin lỗi bạn và 2 đứa hòa giải với nhau.

* Nhà tư vấn gặp gỡ người mẹ

- NTV: Em chào chị.

- Người mẹ: Chào thầy.

- NTV: Hôm nay em muốn trao đổi với chị về vấn đề của em A.

- Người mẹ: Vâng thầy, có chuyện gì thầy cứ nói.

- NTV: Sau khi biết chuyện của em như vậy, chị đã xử lí như thế nào rồi ạ?

- Người mẹ: Vâng, sau khi thấy biểu hiện của em như vậy. Tôi cũng đã cố gắng nói chuyện với em nhưng không thành công. Tôi cũng đã khuyên em nên đi học tiếp nhưng em không nghe.

- NTV: Vậy chị đã trao đổi với GVCN và các bạn trong lớp chưa, chị đã nắm được lí do tại sao em lại có những biểu hiện như vậy chưa?

- Người mẹ: Quả thực công việc của tôi bận quá, nên tôi chưa gọi điện thoại cho thầy chủ nhiệm của em cô ạ.

- NTV: Nếu vậy, chị nên gặp gỡ GVCN của em và các bạn trong lớp để tìm hiểu lí do tại sao em lại như vậy, từ đó đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất.

- Người mẹ: Vâng, tôi sẽ làm như vậy. Cảm ơn thầy, chào thầy.

- NTV: Vâng, em chào chị.

*  Tại nhà học sinh A

- HS A: Thầy uống nước đi ạ.

- NTV: Thầy cảm ơn em, thầy đã đến rồi, em có chuyện gì có thể kể cho thầy nghe nào.

- HS A: Thầy có thể lắng nghe tâm sự của em được không ạ?

- NTV: Tất nhiên là được rồi.

- HS A: Nhưng mà thầy phải hứa là thầy sẽ giữ bí mật cho em nhé.

- NTV: Nếu em tin tưởng thầy thì chuyện này chỉ có 2 thầy trò mình biết thôi.

- HS A: Thực ra bây giờ em cảm thấy rất là tồi tệ, bởi vì em thấy bố mẹ em chẳng hề quan tâm lo lắng cho em, và mỗi lần em có một quyết định nào đó thì bố mẹ em lại không lắng nghe mong muốn của em và bắt em phải làm thế này thế kia, em cảm thấy rất là buồn.

- NTV: Vì thế mà em cho rằng bố mẹ không quan tâm đến em à?

- HS A: Bố mẹ em lúc nào cũng chỉ có công việc thôi và thời gian dành cho em rất là ít, và giờ em cũng ít tâm sự với bố mẹ.

- NTV: Thầy hiểu tâm trạng của em bây giờ. Giờ em làm giúp thầy một việc nhé. Giờ em hãy nhắm mắt lại, em hãy hình dung và nhớ lại những kỉ niệm đẹp giữa em và bố mẹ, hãy nghĩ đến 1 buổi sinh nhật của em chẳng hạn, em thấy điều gì?

- HS A: Sinh nhật của em, em cảm nhận được sự ấm áp, cả gia đình đã rất vui vẻ trong ngày sinh nhật em.

- NTV: Giờ có thể là 1 buổi đi chơi của gia đình em?

- HS A: Gia đình em thường đi chơi vào dịp hè, bố mẹ thường đưa em về quê.

- NTV: Hãy nghĩ đến 1 kỉ niệm nào đó mà để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng em?

- HS A: Kỉ niệm em nhớ nhất là lần em bị tai nạn và em phải nằm viện, khi đó 2 chân của em không thể di chuyển được, mọi sinh hoạt của em đều do mẹ lo lắng. Bố em đều dậy sớm đưa em đi học rồi mới bắt đầu đi làm.

- NTV: Em hãy từ từ mở mắt ra đi. Thầy hiểu tâm trạng của em bây giờ. Nhưng em thử nghĩ xem, nếu thực sự bố mẹ không quan tâm đến em thì họ có làm những điều tuyệt vời như vậy cho em không?

- HS A: Không ạ.

- NTV: Cũng trên vai trò là 1 người bố, thầy biết rằng bố mẹ nào cũng yêu thương con mình cả, có thể do bố mẹ em quá bận rộn vì những lo toan trong cuộc sống nên đôi khi không dành thời gian quan tâm đến em. Mẹ em cũng đã gọi điện tâm sự với thầy nhiều về em, thầy biết rằng mẹ em rất tự hào về em, bố mẹ rất yêu thương và quan tâm đến em.

- HS A: Nghe thầy nói thì em cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

- NTV: Ừ, vậy thì quá tốt rồi. Nhưng mà, sao hôm này là giữa tuần mà em không đi học?

- HS A: Tại vì em không thích đến trường.

- NTV: Tại sao lại như vậy, có chuyện gì xảy ra với em à?

- HS A: Em ghét các bạn, em không muốn đến trường.

- NTV: Ở lớp có chuyện gì xảy ra với em phải không?

- HS A: Khi đến lớp em thực sự thấy rất tồi tệ, tại vì em có xích mích với B, bạn cùng lớp với em, B “đầu gấu” lắm, và còn chơi với mấy “dân anh chị” trên trường. Một lần, bạn em có đăng status trên facebook, em có bình luận nhưng thực sự em chỉ vô tình thôi, em trêu bạn em là ăn chơi với “đầu gấu” giống B, rồi B có đọc được và B nghĩ rằng em đang bêu xấu B. B có hẹn em nhưng mà em sợ B nên em không dám gặp. Sau đó thì B có đến gặp em và đánh em.

- NTV: Vậy sau lần đó, còn chuyện gì xảy đến với em nữa không?

- HS A: Vài bạn trên lớp còn hùa theo B để trêu trọc em và bắt em chép bài hộ nữa, không có ai đứng về phía em cả nên em cảm thấy mình bị cô lập, em sợ lắm!

- NTV: Vậy bây giờ em mong muốn điều gì nhất?

- HS A: Bây giờ em chỉ muốn nghỉ học thôi. Thầy có thể giúp em xin mẹ cho em nghỉ học được không?

- NTV: A này, thầy hiểu tâm trạng của em lúc này và mọi quyết định đều là ở em, thầy không thể thay em quyết định điều gì được, nhưng em thử nghĩ xem, nếu em nghỉ học, bố mẹ em sẽ thấy như thế nào không?

- HS A: Chắc là bố mẹ sẽ thất vọng về em lắm!

- NTV: Vậy em có nghĩ mình sẽ làm gì sau khi nghỉ học?

- HS A: Em chưa có dự định gì cả.

- NTV: Trong những lúc như vậy, đôi khi ta thường hay quyết định hơi vội vàng, nhưng em có thấy việc em nghỉ học không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề của em.

 - HS A: Nhưng nếu bây giờ đi học thì các bạn lại bắt nạt em, em rất sợ cảm giác đó.

- NTV: Nghe thầy nói này, thầy rất hiểu tâm trạng bây giờ của em, nhưng để giải quyết được vấn đề này thì không thể mãi trốn tránh nó được, mà em cần mạnh dạn đối diện với điều đó, chỉ khi đối diện với nó thì vấn đề mới được giải quyết. Câu chuyện bắt đầu từ mâu thuẫn giữa em và B, em nên có một cuộc nói chuyện với B để hai bạn có thể thẳng thắn và hòa giải trong chuyện này.

- HS A: Nhưng mà, B bây giờ đang rất ghét em, em không nghĩ là em gặp được B đâu, em sợ lắm ạ!

- NTV: Nếu em tin tưởng thầy, thầy sẽ giúp em gặp được bạn B.

- HS A: Thầy hứa nhé!

- NTV: Ừ. Thầy sẽ cùng em đến gặp bạn B nhé!

- HS A: Vâng, em cảm ơn thầy vì thầy đã đến và lắng nghe tâm sự của em!

- NTV: Bây giờ có vẻ em vẫn đang hơi buồn nhỉ? Thầy trò mình ra ngoài thay đổi không khí một chút nhé!

- HS A: Vâng ạ.

5.3. Giai đoạn 3: Xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch

- Bước 1: Xác định mục tiêu của thân chủ

+ Thân chủ (HS A) muốn được hòa giải để tiếp tục được tham gia học tập cùng các bạn trong lớp.

+ Thân chủ (mẹ HS A) muốn con phấn trấn tinh thần và tiếp tục đi học cùng các bạn.

- Bước 2: Xác định thân chủ đang đứng ở đâu so với mục tiêu đặt ra

+ Thân chủ (HS A) đang khủng hoảng về tinh thần, rất lo lắng sẽ tiếp tục bị bạn bắt nạt và không dám đi học.

+ Thân chủ (mẹ HS A) đang lo lắng về việc tại sao con mình chán học, không muốn đến trường.

- Bước 3: Phát triển các giả thuyết về điều kiện tương lai

+ Đối với HS A:

  • Nếu ca tư vấn thành công, cả 2 HS A và B cùng hợp tác, mâu thuẫn được giải quyết và HS A đi học bình thường.
  • Nếu ca tư vấn không thành công, HS A và HS B vẫn xảy ra mâu thuẫn; HS A nhiều khả năng sẽ không đi học nữa.

+ Đối với mẹ HS A: Nắm được lí do tại sao con bỏ học, từ đó có sự phối hợp với nhà tư vấn, với GVCN trong công tác tư vấn giúp con tiếp tục đến trường.

- Bước 4: Phân tích các phương án hành động, lựa chọn phương án tối ưu và quyết định cách thực hiện

+ Nhờ sự trợ giúp từ GVCN.

+ Phân tích, trao đổi với từng cá nhân để lựa chọn phương án giải quyết tối ưu nhất.

+ Cho 2 HS gặp nhau, giải quyết mâu thuẫn, hòa giải.

+ Tư vấn giúp người mẹ về việc quan tâm hơn đến sự thay đổi tâm lí, quan tâm đến việc học của con gái mình.

- Bước 5: Thực hiện kế hoạch và đánh giá kết quả

+ NTV gặp gỡ HS A và đưa ra lời tư vấn.

+ NTV nhờ GVCN gặp HS B và đưa ra lời tư vấn.

+ NTV nhờ GVCN cho 2 HS A và B đến lớp để giải quyết mọi mẫu thuẫn.

+ NTV gặp gỡ mẹ HS A và đưa ra lời tư vấn.

5.4. Giai đoạn 4: Tìm kiếm các giải pháp thay thế

* Hôm sau, GVCN và NTV đưa A và B đến gặp nhau (Nhà tư vấn sẽ tìm sự giúp đỡ từ GVCN)

- GVCN: Hôm nay thầy mời 2 em đến đây. Hôm trước thầy đã trao đổi với B. Thầy mong 2 em có thể gặp nhau và có thể hòa giải hết những mâu thuẫn đã có trước đây giữa 2 em.

- HS B: Tớ xin lỗi bạn A vì đã có hành động không phải với bạn, hôm đó tớ cũng nóng tính quá nên không kìm chế được, tớ làm như vậy là tớ không đúng, mong bạn sẽ thứ lỗi cho tớ.

- HS A: Trước khi đến đây tớ cũng không nghĩ là tớ sẽ tha thứ cho cậu. Nhưng mà sau khi nghe bạn nói như vậy thì tớ thấy rằng mình cũng có một phần lỗi. Nếu như tớ không nói những điều như vậy thì chắc mọi chuyện sẽ không xảy ra như vậy.

- GVCN: Thầy rất vui vì cuối cùng 2 em cũng đã hòa giải được với nhau. Thầy mong rằng sau chuyện này, 2 bạn có thể hòa thuận và gắn bó với nhau hơn.

* Nếu sau khi gặp gỡ, 2 HS không thể tự hòa giải được, GVCN và nhà tư vấn cần nhờ đến sự trợ giúp từ gia đình 2 HS và các bạn thân trong lớp.

5.5. Giai đoạn 5: Đánh giá và kết thúc

* Tại lớp học của A và B

- GVCN: Chào cả lớp, hôm nay là một tiết sinh hoạt đặc biệt. Chúng ta sẽ tạm gác lại những hoạt động của lớp trong tuần vừa rồi để dành thời gian cho một việc rất quan trọng. Mời 2 em vào lớp.

- Cả lớp: Ồ ồ ồ!

- GVCN: Các em trật tự nào. Như các em đã biết, giữa bạn A và bạn B lớp mình đã xảy ra một chút chuyện hiểu lầm. Được các thầy cô và các bạn giúp đỡ thì 2 bạn đã hòa giải với nhau, thầy giao nhiệm vụ cho bạn B là từ này làm bạn và bảo vệ cho bạn A nhé. Bạn A và B có nhất trí không.

- Học sinh A, B: Chúng em đồng ý ạ!

- GVCN: Qua sự việc này thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: Các em hãy tự rút ra bài học cho chính mình, là bạn bè trong lớp, sẽ có những lúc chúng ta cãi nhau, hiểu nhầm, xích mích với nhau. Điều quan trọng là các em phải luôn biết yêu quý, nhường nhịn và giúp đỡ nhau. Thầy cảm ơn các em!

* Tại phòng làm việc của NTV: NTV làm việc đối với phụ huynh và HS

- NTV: Xin chào chị.

- Người mẹ: Vâng, chào thầy.

- NTV: Chị thấy em nhà mình dạo này thế nào, có thay đổi gì không?

- Người mẹ: Mấy hôm nay đi làm về tôi thấy em có vẻ vui vẻ hơn trước, không thấy nói gì đến chuyện nghỉ học cả.

- NTV: Trong thời gian vừa qua, em nhà mình có gặp một chút vấn đề về tâm lý, có sự xích mích giữa em và một số bạn học sinh cùng lớp, hiện tại vấn đề này đã được GVCN lớp giải quyết, đã hóa giải xích mích và làm hòa với nhau.

- Người mẹ: Vậy à, tôi cũng lo lắm không biết ở trường có chuyện gì mà em cứ buồn, nếu có khúc mắc hòa giải được là tốt thầyạ.

- NTV:  Tạm thời việc học ở trên lớp của em là tạm ổn, tôi mong rằng anh chị hãy quan tâm tới em nhà mình hơn nữa, gần gũi động viên em cố gắng trong học tập và cuộc sống. Lứa tuổi của các em rất hiếu động, đang trong giai đoạn tìm hiểu và khám phá, trưởng thành để trở thành người lớn trong mắt bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Anh chị hãy giành khoảng thời gian trong ngày, cho dù ngắn cũng không sao, thể hiện cho em thấy bố, mẹ, gia đình luôn quan tâm, yêu thương đến em, em sẽ có thêm động lực để học tập và vững bước trên con đường tương lai sau này. 

- Người mẹ: Vâng, cám ơn thầy, tôi và gia đình sẽ cố gắng dành thời gian quan tâm đến em hơn nữa

- NTV: Giờ tôi với chị là bạn, nếu gặp bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống, tôi sẵn sàng giúp đỡ chị.

- Người mẹ: Vâng, cảm ơn thầy.

icon-date
Xuất bản : 20/12/2021 - Cập nhật : 20/12/2021