Đáp án và lời giải chính xác cho câu hỏi: “Bác Tôn được trao giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin vào năm nào và tại đâu?” cùng với kiến thức mở rộng do Top lời giải tổng hợp, biên soạn về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tài liệu học tập bổ ích dành cho thầy cô và các bạn học sinh tham khảo.
Tháng 11/1967: Nhân kỷ niệm lần thứ 50 cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, Bác Tôn được Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng huân chương LêNin – huân chương cao quý nhất của Liên Xô – về những hoạt động góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô Viết còn non trẻ (1919).
Đồng chí Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hòa Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Năm1906, sau khi học xong bậc sơ học ở trường tiểu học Long Xuyên, Tôn Đức Thắng rời quê lên Sài Gòn và đến với giai cấp công nhân đang trong quá trình hình thành. Truyền thống quật cường của quê hương đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã sớm rèn luyện nhiệt tình yêu nước trong Tôn Đức Thắng. Từ đây, Tôn Đức Thắng đã hòa nhập trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.
Tại Sài Gòn, Tôn Đức Thắng học việc và làm thợ ở nhiều nơi. Năm 1912, tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu (còn gọi là trường Bá Nghệ- nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) đòi thực hành quy chế của trường, chống đánh đập học sinh, phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng.
Năm 1915 – 1917, học thợ máy ở trường Bá Nghệ, nhưng chưa học xong đã bị động viên sang Pháp làm lính thợ phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm France, xưởng Arsenal, quân cảng Toulon.
Năm 1919, Tôn Đức Thắng bị điều động tới một đơn vị hải quân được lệnh tiến công Xêvaxtôpôn trên bờ Hắc Hải trấn áp nước Nga Xô Viết mới ra đời. Tôn Đức Thắng đã cùng các bạn lính thợ tham gia phản chiến bằng hành động kéo lá cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm.
Năm 1920, sau cuộc binh biến, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi nước Pháp. Trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng vận động những người có cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật. Dưới sự lãnh đạo của Công hội mà đồng chí Tôn Đức Thắng là Hội Trưởng phong trào công nhân Sài Sòn- Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân ở Ba Son, tháng 8 năm 1925.
Năm 1926, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1927, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn- Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam Kỳ.
Cuối năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt trong vụ án Bac-bi-ê. Tòa án thực dân Pháp kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí trở về đất liền trong lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng chí bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước.
Ngày 06 tháng 01 năm 1946, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đồng chí được nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1947, đồng chí được cử làm Tổng thanh tra của Chính phủ và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, đồng chí được bầu làm Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương.
Năm 1950 , đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô.
Năm 1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Được cử làm Phó trưởng Ban Dân vận- Mặt trận Trung ương.
Năm 1955, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 7, được bầu là Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và được Đại hội Hòa bình thế giới bầu làm Ủy viên Hòa bình thế giới. Ngày 20/9, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.
Năm 1960 , tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1969 , sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1976 , tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được nhận Huân chương sao vàng- Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lê-nin của nước Nga Xô Viết, Huân chương Soukhe- Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Tôn Đức Thắng, hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.
Do tuổi cao, sức yếu sau một thời gian bệnh nặng Người qua đời vào ngày 30/3/1980 tại Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân
Ngay từ khi chưa giác ngộ lập trường giai cấp và chủ nghĩa Mác - Lênin, với lập trường của người yêu nước, hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng chí Tôn Đức Thắng đã sớm tham gia các hoạt động bãi khóa của công nhân Ba Son và học sinh Trường Bá Nghệ. Quá trình chuyển biến tư tưởng của đồng chí từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn khi sống trong đội ngũ thợ thuyền Việt Nam, trong đội ngũ thợ thuyền quốc tế. Khi được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản. Thời gian bị đọa đày trong nhà tù Côn Đảo, đồng chí tỏ rõ nghị lực phi thường, chí khí quật cường của người công nhân, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản trung kiên, bất khuất, có niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cách mạng, của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của người tù khổ sai Tôn Đức Thắng trong hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng đội và những người tù khác; là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc.
Phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản
Đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất, có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng của người cộng sản với phong cách giai cấp công nhân Việt Nam.
Giữ nhiều cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, không đòi hỏi gì về vật chất, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng chí là một mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.
Đồng chí Tôn Đức Thắng là người có công trong xây dựng đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng chí giáo dục không phải bằng lý luận cao xa mà bằng tấm gương mẫu mực, bằng lời nói đi đôi với việc làm, bằng sự khiêm tốn, giản dị. Đồng chí coi trọng vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên và chính mình luôn là một tấm gương.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.
Tác phong của người lãnh đạo
Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà lãnh đạo có tác phong dân chủ, gần gũi, hòa đồng với nhân dân. Đồng chí luôn thuyết phục người khác bằng phương pháp vừa có tính nguyên tắc, khoa học, vừa nhân ái, bao dung. Điều đó đã làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cho nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí để lại cho chúng ta những bài học về tập hợp lực lượng, thu hút nhân tài, khơi dậy mọi tiềm năng trong nhân dân, động viên khích lệ nhân dân hành động.
Đồng chí Tôn Đức Thắng là một lãnh đạo có tấm lòng thương yêu nhân dân, suốt đời vì nhân dân phục vụ. Công việc hàng ngày rất bận nhưng đồng chí vẫn dành thời gian để tiếp nhân dân, xem những lá thư của nhân dân gửi tới và giải quyết những vấn đề kiến nghị của nhân dân. Là một lãnh đạo sâu sát thực tiễn, ở cương vị nào, đồng chí cũng gương mẫu xuống tận địa phương, các ngành, các cấp để kiểm tra, đôn đốc, nắm thực chất tình hình, lắng nghe nguyện vọng, đề xuất và đưa ra những chỉ đạo sát thực tế. Đồng chí truyền đạt chủ trương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách giản dị, rành mạch và sát thực tiễn, giúp cho quần chúng thẩm thấu, lĩnh hội và hành động dễ dàng. Đồng chí thường nêu những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân để cán bộ lãnh đạo suy nghĩ tìm ra cách giải quyết hoặc khơi dậy nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, đưa ra những giải thích, chứng minh và hướng dẫn họ làm theo.
Đồng chí luôn nêu cao tinh thần lao động, học tập trau dồi kiến thức từ thực tiễn, từ nhân dân. Những thành tựu của các phong trào thi đua mà đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo trong nhiều năm đã khẳng định tinh thần trọng nhân dân, học nhân dân, biết khơi dậy nguồn trí lực trong nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.