logo

Ý nghĩa Sự tích Trầu cau?

Truyện cổ tích “Sự tích trầu cau” là một câu chuyện có từ khoảng những năm thời vua Hùng. Câu chuyện nói lên nguồn gốc của cây cau, cây trầu và tảng đá vôi, đồng thời giải thích cho tục lệ sử dụng trầu cau của người Việt Nam.


1. Tóm tắt câu chuyện cổ tích Trầu cau

Sự tích trầu cau kể vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em là Tân và Lang rất thương yêu nhau. Tân sau khi có vợ thì không còn quan tâm chăm sóc đến em như trước nữa. Điều đó làm Lang buồn rầu và bỏ nhà ra đi. Tới bên bờ suối thì cậu mệt quá, gục xuống rồi chết và hóa thành tảng đá vôi. Tân không thấy em về nhà vì thương em nên quyết đi tìm. Đi đến bờ suối Tân mệt lả và chết và biến thành cây cau bên cạnh tảng đá vôi. Vợ Tân không thấy chồng cũng bỏ nhà đi tìm. Nàng tìm đến bờ suối, ngồi dựa vào gốc cau mà chết, biến thành dây trầu không. Trầu, cau và vôi khi hòa quyện lại với nhau tạo ra màu đỏ như máu nên sau có vua Hùng Vương đi tuần qua, nghe thấy câu chuyện đó mà dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng cho tình nghĩa thắm thiết yêu thương giữa anh và em, vợ và chồng. 

Ý nghĩa Sự tích Trầu cau?

2. Ý nghĩa câu chuyện cổ tích Trầu cau

      Sự tích Trầu cau mang đậm màu sắc giáo huấn: ca ngợi tình nghĩa bền vững vợ chồng, anh em trong gia đình. Câu chuyện cho ta thấy rằng: chính vì có sự hiểu lầm, người em đã ra đi rồi biến thành tảng đá. Anh tìm em và chết bên tảng đá sau đó biến thành cây không cành mọc thẳng. Người vợ đi tìm chồng tựa vào gốc cây than khóc, mình gầy xác ve, rồi biến thành một cây leo mọc bên tảng đá. Sau này, nhân dân gọi cây không cành mọc thẳng là cây cau, cây leo mọc bên tảng đá là trầu, tảng đá đem về nung cho xốp ăn kèm với trầu cau, cho thơm miệng, môi đỏ. Các hình ảnh tảng đá, cây cau, cây trầu luôn quấn quít, gần gũi, hoà hợp với nhau, do đó hiện lên biểu tượng sinh động của tình anh em tươi thắm cùng tình cảm vợ chồng thuỷ chung, bền chặt. Đó chính là ý nghĩa mang giá trị nhân văn sâu sắc của Sự tích Trầu cau và đường như càng về sau, theo cách hiểu của dân gian nó càng lấn át đi ý nghĩa bi kịch gia đình đã nói ở trên. Ngoài ra, truyện Trầu cau còn có ý nghĩa nữa không kém phần quan trọng: bằng một cách hư cấu đậm đà chất trữ tình, truyện này thể hiện “nội dung văn hoá lành mạnh của tục ăn trầu ở Việt Nam hàng ngàn năm qua” (Cao Huy Đỉnh). Thật vậy, câu chyện hiện lên “tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn thắm thiết, cho nên trong sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt mối lương duyên và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin hội hè, tục ăn trầu đã trở thành tục cố hữu của dân tộc Việt Nam”.

Ý nghĩa Sự tích Trầu cau?

      Vậy, Sự tích Trầu cau có nhiều ý nghĩa khác nhau. Dường như ý nghĩa của nó càng ngày phản ánh một bước tiến xã hội và hiện lên tâm trạng đau khổ giằng xé giữa tình anh em và vợ chồng ở trong từng nhân vật của truyện, cái cách đưa đến cái chết sầu muộn của cả ba người, càng ngày ít được quan tâm. Ngược lại, hai ý nghĩa nổi bật là ngợi ca tình nghĩa anh em vợ chồng bền vững thuỷ chung và ý nghĩa giải thích cho tục ăn trầu của người Việt Nam càng được khẳng định.

      Dù sao Sự tích Trầu cau vẫn là một trong những cổ tích hay nhất nằm trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Kết câu chuyện, cả ba nhân vật đều chết. Mặc dù vậy, điều đó không làm người đọc bi quan chán nản mà nó kích thích tình yêu cuộc sống, đồng thời khơi dậy niềm tin cho sự gắn bó hoà hợp của con người đối với con người. Điều này đã góp phần làm cho truyện Trầu cau hấp dẫn và gần gũi chúng ta hơn.

-----------------------------------

Từ câu chuyện “Sự tích Trầu cau” chúng ta càng phải trân quý tình cảm anh em trong gia đình; vợ chồng chung sống luôn gắn bó với nhau cho đến đầu bạc, răng long, không thể sống thiếu nhau.

icon-date
Xuất bản : 25/01/2022 - Cập nhật : 07/11/2022