logo

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ trang 61 SGK Văn 10 Kết nối tri thức

Hướng dẫn Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ trang 61 SGK Văn 10 Kết nối tri thức ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 10 chi tiết. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất.


Bài viết tham khảo

Câu 1

Bài viết tham khảo cảm nhận và phân tích bài thơ Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính) vừa theo tuyến hình ảnh trải dọc bài thơ, vừa theo trình tự câu thơ, khổ thơ. Cách cảm nhận và phân tích đó có những ưu thế gì nổi bật? 

Lời giải

     Bài viết tham khảo cảm nhận và phân tích bài thơ Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính) vừa theo tuyến hình ảnh trải dọc bài thơ, vừa theo trình tự câu thơ, khổ thơ. Cách cảm nhận và phân tích đó có những ưu thế nổi bật là:

- Chỉ ra được các hình ảnh nổi bật trong bài thơ qua đó đánh giá và nhận xét được những quan niệm và suy nghĩ của tác giả một cách chính xác nhất.

- Thể hiện mạch lạc, rõ ràng mạch cảm xúc của bài thơ, phân tích bài thơ theo từng câu, từng khổ rõ ràng để người đọc có  thể hiểu được nội dung bài thơ từ đầu đến cuối.

-  Cách cảm nhận và phân tích này chẳng những làm nổi bật nội dung của bài thơ, chỉ ra được tác dụng của các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ mà còn nhấn mạnh được các chi tiết, hình ảnh quan trọng trong bài thơ.

=> Tóm lại cách cảm nhận và phân tích theo tuyến hình ảnh dọc kết hợp theo trình tự câu thơ, khổ thơ giúp quá trình phân tích mạch lạc, người đọc cảm nhận được trọn vẹn cái hay, cái đẹp của bài thơ và không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào quan trọng của bài thơ.

Câu 2

Trong bài nghị luận phân tích, đánh giá về một tác phẩm thơ, thực chất của việc phân tích chủ đề là gì?

Lời giải 

     Trong bài nghị luận phân tích, đánh giá về một tác phẩm thơ, thực chất của việc phân tích chủ đề là để cảm nhận những đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đồng thời nhận xét và đánh giá quan niệm của tác giả qua bài thơ đó.

Câu 3

Người viết đã đánh giá bài thơ như thế nào? Nêu nhận xét khái quát về tính thuyết phục của đánh giá đó.

Lời giải

- Người viết đã đánh giá bài thơ giản dị nhưng vẫn toát lên không khí và sức sống của mùa xuân đang về. Bài thơ thể hiện rõ niềm vui của sự sống, của sự chan hòa giữa con người với tạo vật, là khúc dạo đầu của tình yêu đôi lứa.

- Nhận xét khái quát về tính thuyết phục của đánh giá trên

+ Người viết phân tích chi tiết các câu thơ, khổ thơ để chứng minh những nhận xét trên.

+ Người viết phân tích được tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ và khái quát được phong cách nghệ thuật của tác giả.

+ Ngoài ra, người viết so sánh với các câu thơ, bài thơ có cùng chủ đề đề tăng sức thuyết phục cho bài viết của mình.

=> Tóm lại những đánh giá của người viết với bài thơ đã có đủ sức thuyết phục, có những luận điểm, lí lẽ và bằng chứng hợp lý, xác đáng, làm nổi bật được giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ này.

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ trang 61 SGK Văn 10 Kết nối tri thức

Thực hành viết

Viết bài văn phân tích và đánh giá bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ.

Lời giải 

Dàn ý

1. Mở bài

- Khái quát về đề tài mùa thu trong thơ Đường, vốn là đề tài quen thuộc và có nhiều bài thơ hay viết về đề tài này.

- Giới thiệu nhà thơ Đỗ Phủ “ một trong những thi thánh” của thơ ca Trung Quốc. Khái quát về bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) là bài thơ đầu tiên trong chòm 8 bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ

2. Thân bài

a) Bốn câu đầu: Cảnh thu

* Câu 1 và câu 2:

- Hình ảnh cổ điển “ngọc lộ, phong thụ lâm’’ vốn rất quan thuộc trong thơ ca viết về mùa thu.

- "Vu sơn Vu giáp”: là những địa danh nổi tiếng của Trung Quốc được nhắc đến trong thơ Đỗ Phủ. Nơi này có khí trời âm u, rất gợi cảm giác của mùa thu. Bản dịch đánh rơi mất hai địa danh này

- “Khí tiêu sâm”: hơi thu ảm đạm, hiu hắt, đượm buồn.

=>Không khí của mùa thu vườn buồn, vừa thê lương thể hiện cảm giác cô đơn, lạnh lẽo của tác giả.

* Hai câu 3 và câu 4:

- Không gian của mùa thu được khai thác trên ba chiều rộng, cao và xa. Tầm nào cũng thấy không khí ảm đạm, thê lương:

+ Tầng xa: với hình “sóng vọt lên tận lưng trời” giữa lòng sông.

+ Tầng cao: miền quan ải với mây sa sầm.

+ Tầng rộng: thể hiện qua không gia mặt đất, bầu trời, dòng sông

- Sử dụng những hình ảnh đối lập cao - thấp

=> Không gian, cảnh sắc mùa thu tiếp tục được cảm nhận ở cái xơ xác, tiêu điều, thể hiện tâm trạng bí bách, ngột ngạt của con người.

b) Bốn câu sau: Tình thu

* Câu 5 và 6

- Sử dụng hình ảnh nhân hoá, tượng trưng, ẩn dụ.

+ Khóm cúc nở hoa: Hình ảnh tượng trưng quen thuộc của mùa thu

 + Hình ảnh “Cô phàm”: con thuyền lẻ loi, đơn độc như thân phận của con người

- Cách sử dụng từ ngữ độc đáo, hàm súc, cô đọng:

+ “Lưỡng khai”: nỗi buồn trải dài từ quá khứ đến hiện tại

+ “Nhất hệ”: Dây buộc thuyền cũng là sợi dây buộc mối tình nhà của tác giả.

+ “Cố viên tâm”: Tấm lòng thương nhớ quê hương của kẻ xa quê

=> Hai câu thơ diễn tả nỗi lòng da diết, dồn nén nỗi nhớ quê hương của tác giả.

* Hai câu 7,8

  • Xuất hiện hình ảnh của người lao động

+ Mọi người nhộn nhịp may áo rét

+ Thành Bạch Đế nhân dân giặt áo rét chuẩn bị cho mùa đông

- Âm thanh: tiếng chày đập vải

=> Hình ảnh, âm thanh của cuộc sống lao động bình dị, gợi đến quê hương ấm áp, yêu dấu, càng dấy lên trong lòng người con xa quê tình yêu tha thiết và nỗi mong chờ được trở về quê hương xum họp với gia đình

3. Kết bài: 

Tổng kết, khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật, mở rộng liên hệ, đánh giá tài năng, tấm lòng của nhà thơ.

Bài văn mẫu

   Đỗ Phủ được mệnh danh là một trong những thánh thơ của Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình. Nền tảng giáo dục tốt và với năng khiếu bẩm sinh, Đỗ Phủ đã sáng tác rất nhiều những bài thơ hay, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống cũng như thời đại của ông. Đó là lý do vì sao ông được Unesco công nhận là Danh nhân văn hoá thế giới. Bài thơ “Thu hứng” là bài thơ đầu tiên trong chòm 8 bài thơ Thu hứng của Đỗ Phủ được sáng tác trong thời gian ông lưu bạt ở Quý Châu, trong thời gian nhà thơ xa quê hương. Bao trùm toàn bài thơ chính là tâm trạng nhớ quê hương sâu sắc và niềm mong ngóng được đoàn tụ với gia đình.

 Kể từ khi bùng nổ loạn lạc do An Lộc Sơn gây ra, đất nước Trung Quốc bị chia cắt, nhân dân đói khổ, lầm than, Đỗ Phủ theo chân gia đình đi phiêu bạt đến nhiều nơi, sau cùng đặt chân ở Tứ Xuyên. Đây là một trong những vùng đất hiểm trở , núi non hùng vĩ và cách xa quê hương nhà thơ mấy ngàn dặm. Người ta thường nói “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nhớ quê hương tha thiết, nhà thơ đã viết lên những dòng thơ chan chứa cảm xúc:

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm

Hai câu đề là một vài nét chấm phá về cảnh thu nơi vùng núi hoang vu, hiểm trở ở Tứ Xuyên. Có thể thấy nhà thơ đứng ở một vị trí rất cao để bao quát toàn bộ phong cảnh nơi rừng núi Tứ Xuyên. Chính vì điểm nhìn cao nên tầm nhìn xa và rộng, nhà thơ quan sát được toàn bộ cảnh núi non hùng vĩ với hình ảnh rừng phong đỏ rực của mùa thay lá, sương trắng phủ kín cánh rừng, gợi không khí lạnh lẽo, hoang sơ. Hình ảnh cây phong, sương là hình ảnh ước lệ, tượng trưng rất quen thuộc của mùa thu. Những nét chấm phá này gợi lên một không khí lạnh lẽo, hoang vu, tiêu điều, thể hiện một tâm trạng buồn, ngao ngán của nhà thơ. Hình ảnh “ Vu Sơn”, “Vu giáp” gắn với khí tiêu sâm gợi ra không khí hiu hắt ảm đạm. Toàn cảnh núi rừng bao trùm trong hơi thu hiu hắt. Bản dịch đã bỏ rơi chữ “Vu” và đánh mất cái không khí đượm buồn, lạnh lẽo nơi rừng núi hoang vu. Vào mùa thu khung cảnh ảm đạm, hoang vu nơi đây càng trở nên tiêu điều, hiu hắt thông qua ngòi bút của nhà thơ.

Hai câu thực nhà thơ tiếp tục khám phá vẻ đẹp mùa thu ở tầm thấp, không gian ở chiều sâu

Giang gian ba lăng kiêm thiên dũng,

Tái thượng phong vân tiếp địa âm

Cảnh thu ở trên là hình ảnh của cây cối, núi non. Đến đây cảnh thu được cảm nhận qua sông nước, mây trời. Đây là hình ảnh của dòng sông nơi thượng nguồn với dòng chảy xiết, mạnh, dữ dội, có cảm giác sóng ở lòng như vọt lên tận chân trời. Các từ rợn rồi sâu thẳm diễn tả sự dữ dội, mạnh mẽ của dòng sông, qua đó cũng thể hiện cảm giác choáng ngợp của con người trước thiên nhiên hùng vĩ, hoang vu. Câu 4 “tái thượng phong vân tiếp địa âm” tạm dịch là “ mặt đất mây trắng sà xuống thấp đến mức giống như mây được đùn từ mặt đất lên”.

Với 4 câu thơ đã lột tả được trọn vẹn cái khung cảnh mùa thu nơi rừng núi hiểm trở: Đó là rừng phong thay lá, là sông nước chảy mạnh mẽ dữ dội nơi thượng nguồn, là mây trắng sà xuống chân trời. Bức tranh mùa thu thật tráng lệ, với nhiều nét vẽ và nét nào cũng đậm đặc cái hồn thê lương, buồn bã. Cảnh ấy đập vào mắt con người thì làm sao không khơi gợi lên một nỗi nhớ nhà da diết của người thi sĩ nhạy cảm được.

Nếu 4 câu thơ trên là cảnh mùa thu, tất nhiên cảnh thu đã được cảm nhận qua lăng kính tình cảm của con người, nhuốm màu tâm trạng của con người nhưng tình của con người vẫn chưa lộ rõ. Thì đến 4 câu thơ sau cái tình của người đã được bộc lộ cụ thể, chan chứa cảm xúc dạt dào:

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,

Cô chu nhất hệ cố viên tâm.

Có thể nói hai câu luận này là hai câu thơ hay nhất trong bài thơ này. Nó cũng được dịch khá sát nghĩa trong bản dịch của Nguyễn Công Trứ. Ta tạm hiểu câu thơ đầu tiên là khóm cúc nở hoa giống như tuôn những dòng lệ hoặc là mỗi lần khóm cúc nở hoa nhà thơ lại rơi lệ vì nhớ quê hương. Hai lần cúc nở hoa, hai mùa thu đã trôi qua đồng nghĩa nhà thơ đã xa quê hai năm. Nhìn hoa nở nhà thơ bồi hồi, xúc động nỗi niềm nhớ về quê hương. Đặc biệt ở câu thơ tiếp theo với hình ảnh “cô chu” tức là con thuyền lẻ loi, cô đơn trôi giữa dòng nước, giống như thân phận của kẻ tha hương là Đỗ Phủ. Hình ảnh con thuyền buộc chặt nỗi niềm nhớ thương quê cũ đã phản ánh đúng tâm trạng của nhà thơ với nỗi nhớ quê hương mãi trong tâm tưởng.

Hai câu thơ kết:

Hàn y xứ xứ thôi đao xích,

Bạch Đệ thành cao cấp mộ châm.

Hai câu thơ có âm thanh của sự sống, âm thanh của cuộc sống lao động thường nhật. Nó xuất hiện thật bất ngờ, có vẻ không ăn nhập với cái không khí bên trên, nhưng nó lại vô cùng hợp lý trong mạch vận động tâm trạng của tác giả. Bởi những câu thơ bên trên là hình ảnh của mùa thu của thiên nhiên, với hình ảnh buồn, tiêu điều ảm đạm. Và hình ảnh ấy tất nhiên sẽ gợi ra tâm trạng nhớ thương quê nhà của những người xa quê. Nhất là khi nhìn thấy hoạt động thường ngày của người lao động. Đó là khung cảnh hối hả khẩn trương may áo rét, giặt áo rét cũ để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Tiếng chày đập vải, tiếng tay dao thước mang không khí của cuộc sống thường nhật, gợi lại cảnh sum họp nơi quê nhà. Thấy cảnh này nỗi nhớ quê càng dâng trào hơn trong lòng nhà thơ.

 Bài thơ sử dụng thủ pháp quen thuộc của thơ Đường, đó là những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng quen thuộc. Nói về cảnh thu không thể thiếu rừng phong, khóm cúc, nói đến nỗi niềm của người xa quê là hình ảnh cô chu… Đề tài viết về mùa thu cũng không có gì mới mẻ, phải nói là rất quen thuộc trong thơ ca. Nhưng thông qua cấu tứ, cách liên kết các hình ảnh, sự vận động của mạch cảm xúc trong thơ, chúng ta thấy được sự liên kết rất mạch lạc, bố cục rất chặt chẽ. Và hơn cả nổi bật trên đó là tấm lòng nhớ thương quê hương đến da diết, cháy bỏng của nhà thơ, niềm mong mỏi, khát khao được trở về đoàn tụ với quê hương. 

 Có thể nói “Thu hứng” là một trong những bài thơ hay nhất trong chùm bài thơ thu của Đỗ Phủ. Câu nào, từ nào cũng phản ánh các phong vị đặc trưng của mùa thu. Thông qua cảnh chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn con người, khẳng định tài năng kiệt xuất của nhà thơ Đỗ Phủ.

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 10 Kết nối tri thức

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ trang 61 trong bộ SGK Kết nối tri thức theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 23/07/2022 - Cập nhật : 03/07/2023