logo

Viết đoạn văn về trang phục của dân tộc Thái

Nếu một lần đặt chân đến vùng núi Tây Bắc và ghé vào thăm dân tộc Thái chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên được vẻ đẹp của những cô gái nơi đây. Nét duyên dáng đến tự nụ cười, ánh mắt, vóc dáng và đặc biệt là trang phục. Trang phục của người Thái có những nét đặc sắc riêng mà không phải nơi nào cũng có được. Qua đoạn văn viết về trang phục của dân tộc Thái dưới đây chúng ta sẽ cùng làm sáng tỏ điều đó!


Đoạn văn về trang phục của dân tộc Thái - Mẫu số 1

      Dân tộc Thái sống rải rác ở nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh địa của tổ quốc ta. Ở mỗi vùng dân tộc Thái lại có những nét riêng trong phong tục tập quán và trong trang phục ăn mặc hàng ngày. Nhìn người con gái Thái xinh đẹp, duyên dáng trong trang phục của dân tộc mình mới thấy được hết vẻ đẹp mà bộ trang phục truyền thống của người Thái mang đến như thế nào. Nếu như áo khóm của người Thái đen có cổ cao thì  áo của người Thái trắng có cổ hình trái tim. Chiếc áo khóm của phụ nữ Thái trắng có 2 loại loại ngắn tay dành cho người phụ nữ tuổi trung niên từ 40 trở lên, còn loại áo cộc dành cho thiếu nữ. Áo khóm thường được may bó sát vào người để tôn lên đường cong cho người phụ nữ Thái. Đằng trước còn được trang trí viền cổ đen, áo thì màu trắng, như vậy để tôn lên cái cổ trắng ngần của cô gái Thái. Toàn bộ hàng cúc áo là hình con bướm, một bên là hàng cúc bướm đực, một bên là hàng cúc bướm trái. Con gái chưa chồng thì sẽ mặc hàng cúc số lẻ, con gái có chồng thì mặc hàng cúc mang số chẵn. Hàng cúc này ngoài vẻ đẹp còn mang ý nghĩa tâm linh. Phụ nữ Thái còn có một loại trang phục truyền thống nữa là áo sở luông dài. Loại trang phục này thường được mặc trong dịp lễ cưới hoặc khi nhà có đám. Áo có màu đen và may dài đến quá mắt chân, nếu người già mặc thì sẽ rộng rãi chứ không bó sát như người trẻ. Đi kèm với áo cóm, áo sở luông là chân váy. Chân váy của người Thái thường có màu đen, mặt trong được táp vải màu rực rỡ. Theo mỗi bước đi chân váy sẽ lượn sóng để hở những màu sắc rất tinh tế, mà duyên dáng. Phần eo sẽ được trang trí bằng thắt lưng được làm từ vải còn được gọi là se eo. Se eo thường được làm từ vải xanh hoặc hồng, không làm bằng màu vàng vì nó không hợp màu trang phục. Có thể nói trang phục dân tộc truyền thống của người Thái tuy đơn giản nhưng toát lên vẻ duyên dáng, thanh lịch, thể hiện được vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng mà lôi cuốn của phụ nữ Thái.

Viết đoạn văn về trang phục của dân tộc Thái

Đoạn văn về trang phục của dân tộc Thái - Mẫu số 2      

      Người Thái ở xứ Thanh có mặc trang phục phân biệt rõ ràng trong từng quan hệ như: trang phục lao động, trang phục hàng ngày, trang phục mặc sinh hoạt , lễ hội. Ngoài ra trang phục cũng phân biệt rõ ràng giữa người Thái trắng và Thái đen. Trang phục trắng chủ yếu của người phụ nữ. Còn trang phục của đàn ông thường đơn giản hơn với áo cánh ngắn xẻ ngực, quần xẻ đũng. Phụ nữ Thái thường mặc áo cánh ngắn màu sáng, cổ áo hình chữ V và chân váy màu đen không trang trí thêm hoa văn. Phụ nữ Thái đen trang phục thường ngày mặc áo khóm, màu tối có cổ tròn, cài cúc phía vai, chui đầu; phụ nữ Thái trắng cài cúc bạc tạo hình con bướm, con ong, con ve. Riêng đầu tóc thì giống nhau, nếu có chồng thì búi tóc trên đỉnh đầu còn chưa chồng thì búi tóc sau gáy. Trang phục của người Thái có giá trị thẩm mỹ rất cao thể hiện ở nghệ thuật tạo hình và trang trí hoa văn trên trang phục, màu sắc và nét đẹp trong cốt cách tâm hồn của người làm ra trang phục. Chiếc váy của người phụ nữ Thái tuy chỉ có màu đen tuyền nhưng bên trên lại lung linh huyền ảo bởi hoa văn trang trí khá cầu kỳ. Thông thường là trang trí bằng hoa văn rồng phượng. Những con vật đó được thêu hàng ngang, nối đuôi nhau chạy hết diện tích của chân váy. Bên cạnh hoa văn trung tâm bên trong còn được thêu những hoa văn nhỏ như hoa đào, cây đa, hoa bí, phần phụ này có tác dụng tôn nên phần hoa văn chính giống như nghệ thuật chạy màu trong hội hoạ. Nét đẹp trong trang phục của người Thái còn được thể hiện qua chiếc khăn Piêu. Hoa văn thêu chủ yếu trên chiếc khăn piêu có 3 mô típ là “kút piêu”, “xai peng” và “ta leo”. Mỗi hoa văn đều tượng trưng cho một ý nghĩa nhất định: “Xai peng” là “dây tình” của đôi lứa; “Kút piêu” là vật phẩm cao quý biếu để biếu bề trên; “Ta leo” là vật trừ đuổi tà ma bảo vệ “thần hồn” cho người đội khăn. Màu sắc được đồng bào Thái ưa thích là màu chàm. Màu chàm xen lẫn màu xanh của núi rừng tạo nên sự hài hoà trong màu sắc thể hiện sự hoà nhập của con người với thiên nhiên. Có thể nói trang phục của người Thái đã thể hiện được sự sáng tạo, tư duy thẩm mỹ và sự tinh tế của người Thái trong việc may vá, thêu thùa. Từ đó làm nên những bộ trang phục mang đậm dấu ấn dân tộc vùng miền. 

-----------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Viết đoạn văn về trang phục của dân tộc Thái. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 01/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023