logo

Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng

Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Ngắm trăng, mời các em tham khảo một số bài văn mẫu Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng sau đây. Hi vọng với các bài văn mẫu đặc sắc này các em sẽ có thêm tài liệu, cách triển khai để hoàn thiện bài viết một cách tốt nhất!


Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng - Bài mẫu 1

Bài thơ Ngắm trăng được sáng tác trong hoàn cảnh Bác bị bắt giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch đã thể hiện được tình yêu thiên nhiên cùng phong thái ung dung, tinh thần thép của người tù cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh. Thật vậy, hai câu thơ đầu chính là tình yêu thiên nhiên mãng liệt của Người. Trong điều kiện nhà tù "không rượu cũng không hoa", Bác thiếu đi những điều kiện vật chất của những thi nhân xưa để thưởng nguyệt, ngắm trăng. Tuy nhiên, Bác vẫn khẳng định là "Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ" cho thấy tình yêu thiên nhiên cùng sự hưởng thụ thiên nhiên của Bác. Nếu như hai câu thơ trên là tình yêu thiên nhiên của Bác thì hai câu thơ cuối còn là cuộc vượt ngục tinh thần của Bác. "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ" là một tư thế chủ động giao hòa với thiên nhiên của Bác. Từ "ngắm" cho thấy một sự hưởng thụ thiên nhiên thoải mái tuyệt đối. Tư thế ngắm trăng của Bác cho thấy sự ung dung, không chút sợ hãi và tinh thần thép của Người trong hoàn cảnh ngục tù khó chịu như thế. Chao ôi, đáp lại tình yêu của Bác, dường như trăng cũng "nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"! Hình ảnh trăng xuất hiện nhiều trong thơ Bác và nay thì trăng được nhân hóa thành một con người có tâm hồn, thành một người bạn tâm giao tri âm tri kỷ của Bác qua song sắt nhà tù. Bác và trăng cùng giao hòa tâm hồn như những người bạn. Dường như nhà tù chỉ giam giữ được thân xác của Bác chứ không hề giam giữ được tinh thần của Bác. Tâm trí của Bác dành trọn cho thiên nhiên, cho vầng trăng tươi đẹp.Phải chăng đây chính là cuộc vượt ngục tinh thần của người tù cách mạng? Hai câu thơ với cấu trúc sánh đôi cho thấy sự giao hòa tuyệt đối, song phương của Bác và thiên nhiên, trong đó hình ảnh của Bác hiện lên vĩ đại, không chút sợ hãi và chan chứa tình yêu thiên nhiên.Tóm lại, bài thơ không chỉ là tình yêu thiên nhiên của Bác mà nó còn là cuộc vượt ngục tinh thần của người tù cách mạng Việt Nam.

Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng ngắn gọn, hay nhất

Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng - Bài mẫu 2

Thơ văn là nguồn cảm hứng của cuộc sống,vì vậy tôi đã đọc rất nhiều các  bài thơ để cảm nhận những ý nghĩa tốt đẹp ấy , nhưng đối với tôi bài thơ “Ngắm Trăng”(Vọng Nguyêt) trích trong cuốn sách nổi tiếng ” Nhật ký trong  tù ” của tác giả Hồ Chí Minh-một nhà thơ , một vị lãnh tự vĩ đại của dân tộc đã để lại trong tôi những cảm xúc khó phai mờ .Trước hết ,hai câu đầu đó là hoàn cảnh của  Bác trong nhà tù Tưởng Giới Thạch đầy khó khăn gian khổ . Trong câu thơ thứ nhất sử dụng điệp ngữ”không” và biện pháp liệt kê  , nhấn mạnh những khó khăn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần .Trong hoàn cảnh đó một con người như Bác sẽ nản chí sao ? Nhưng không , mà thêm vào đó  câu hỏi tu từ xuất hiện ở câu thơ thứ hai thể hiện thái độ của Bác trước một đêm trăng đẹp , tâm hồn xao xuyến , luôn vượt lên hoàn cảnh thiếu thốn dành trọn tâm hồn mình cho vẻ đẹp thiên nhiên . Dù cho trong cảnh tù đày thiếu thốn , khó khăn nhưng không ngăn cản được tâm hồn của Bác đến với trăng .Tiếp đến là hai câu thơ cuối bài , tác giả sử dụng nghệ thuật đối lập thể hiện sự đồng điệu giữa người với trăng , Bác hướng lên cao ,  trăng soi xuống thấp , hòa hợp cùng nhau . Không những thế tác giả còn sử dụng phép nhân hóa ở hai  câu thơ cuối cùng , trăng trở thành tri ân tri kỉ bầu bạn cùng Bác trong hoàn cảnh tù đày .Chao ôi ! thơ Bác khiến lòng ta thêm thăng hoa , thêm nhiều cảm xúc, Bác không còn là tù nhân mà là thi nhân tự tại ngắm trăng ,ung dung vượt lên hoàn cảnh tù túng . Qua đó , ta thấy được tình yêu trăng , tình yêu thiên nhiên của Bác đồng thời cho ta thấy sự lạc quan tự tại trong cảnh tù đày của Bác . Cuối cùng , ta càng thêm hiểu về Bác người cha già vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, càng ngưỡng mộ và khâm phục trước tài nghệ thi sĩ trong con người chiến sĩ vượt qua bao khó khăn, chông gai để dành lại độc lập tự do cho đất nước .


Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng - Bài mẫu 3

Có thể nói hình ảnh thiên nhiên luôn chiếm một vị trí danh dự trong thơ Bác. Thiên nhiên trong thơ Bác lúc nào cũng bình dị, tươi mới. Ở hầu hết các bài thơ đều thắm đậm sắc màu của lá, hoa cây cỏ, núi, sông,… Bởi đối với Người được sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người luôn dành cho thiên nhiên một tình yêu đằm thắm, tha thiết. Qua đó thể hiện phong thái ung dung, tự tại của Người.Người luôn có ý thức trân trọng thiên nhiên và xem thiên nhiên như một người bạn. Đôi khi là người tri kỉ, sẻ chia tâm tình. Dù là khi còn tự do hay lúc bị giam cầm, thiên nhiên lúc nào cũng gần gũi thân tình, hữu ái. Bài thơ “Ngắm trăng” bộc lộ rõ ràng tình cảm ấy.Mặc dù ở trong ngục tù, Người vẫn dành cho thiên nhiên một sự ưu ái lớn lao. Vầng trăng sáng trên cao là hình ảnh thiên nhiên tràn đầy sức sống, đang gọi mời, tâm tình tỏ bày với người bạn xưa. Trăng cũng có hồn, cũng biết ngắm nhìn và cảm thông. Còn người vượt lên trên nghịch cảnh, vươn tới ánh sáng. Ngục tối có thể giam hãm thân thể Người nhưng không thể nào giam hãm tinh thần Người.Qua đó, có thể thấy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, lúc còn tự do hay khi bị giam hãm, người vẫn yêu mến thiên nhiên tha thiết với một tinh thần lạc quan, yêu đời đắm say. Không có gì có thể cản trở Người tìm đến và đắm mình trong thiên nhiên hiền hòa.


Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng - Bài mẫu 4

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt, Nguyệt tòng song khích khán thi gia”. Hai chữ đầu của hai câu thơ là hình ảnh người và trăng (Nhân — nguyệt, nguyệt — thi gia) và giữa hai vế của mỗi câu, giữa trăng và người tù là song sắt nhà giam tàn bạo. Hiện thực tàn bạo của nhà tù vẫn len lỏi vào cuộc sống tinh thần của người tù. Nó như muốn ngăn cách người tù và trăng. Tất cả làm cho cuộc sông trong tù và làm cho buổi thưởng trăng thật rõ ràng, sống động. Ớ đây, người tù đã một lần nữa vượt qua và chiến thắng được hiện thực tù đày. Người tù ấy đã quên đi cuộc sống lao khổ của chôn tù đày để tâm hồn vượt thoát, bay bổng, hòa vào với vẻ đẹp của ánh trăng. Động từ “hướng” không chỉ là cử động của một cái nhìn mà là sự thức dậy của cả một tâm hồn đầy say đắm. Hình như trăng đã hiểu tâm hồn người tù, hiểu được tình cảm chân thành của người tù nên cũng có một hành động đầy tình cảm: “Nguyệt tòng song khích khán thi gia”. Ánh trăng xuyên thấu nhà tù để nhìn lại, chia sẻ với người tù. Ánh trăng như ánh mắt, như gương mặt con người, có tâm hồn, có tình cảm và đầy sự đồng cảm. Trăng dâu chỉ còn là đốì tượng thiên nhiên, là vẻ đẹp chỉ để thưởng thức mà ở đây trăng đã trở thành kẻ tâm giao, tri kỉ của người tù. Hành động của trăng là hành động của những người bạn đã thấu hiểu tâm hồn của nhau. Trăng nhìn người, người nhìn trăng. Và phút giao cảm thiêng liêng ấy đã khiến mọi đau thương, gian khổ, tăm tối của cuộc sống ngục tù tan biến. Tâm hồn con người nhẹ nhõm, thăng hoa, khiến tù nhân thoắt biến thành thi nhân. Chữ “nhân” trong câu thơ thứ ba Bác dùng để chỉ người ngắm trăng, nhưng đến chữ cuối cùng của bài thơ, người ngắm trăng đã biến thành thi nhân. Có một điều kì lạ, bài thơ Ngắm trăng là một trong số ít những bài thơ Bác tự nhận mình là thi nhân. Cuộc sống trong tù là vô nhân đạo. Nhưng đằng sau đó, không đơn giản chỉ là một trái tim biết rung cảm trước cái đẹp vĩnh hằng của tạo hóa, mà còn là một tâm hồn mạnh mẽ, tràn ngập sức sống, dám vượt qua hiện thực trần trụi của nhà tù để giao hòa với thiên nhiên, đất trời. Nếu không phải là một tâm hồn nghệ sĩ, không phải là một bản lĩnh thép của một người chiến sĩ kiên cường thì Bác không thể vượt qua chính mình trong hoàn cảnh đó. Ngắm trăng là một bài thơ chứa nhiều sức nặng, một thi phẩm mang vẻ đẹp cổ kính, hoa lệ. Ngắm trăng, thưởng trăng đối với Bác Hồ còn là một nét đẹp của tâm hồn yêu đời và khao khát tự do.


Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng - Bài mẫu 5

Trong thơ Bác, ánh trăng luôn tràn đầy. Với Bác trăng là người bạn tri kỉ theo suốt trong những năm tháng sinh thời gian khổ. Tập “Nhật kí trong tù” Bác viết khi đang ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, bị tra tấn vất vả nhưng thơ bác vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan. Vượt lên trên tất cả những thiếu thốn về vật chất, dưới ánh trăng sáng, dưới một buổi tối đẹp, tấm lòng thi sĩ vẫn luôn rộng mở để ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên. Ánh trăng tràn vào phòng giam qua khe cửa sổ, như làm cho Bác có thêm niềm tin vào cuộc đời. Bác đứng ngắm trăng bên cửa sổ, trăng cũng nhòm qua khe cửa vào bầu bạn với Bác.Thật sự Bác và trăng đã đến với nhau, hòa quyện vào nhau thành đôi bạn tri âm, tri kỉ. Người hướng ra ngoài song sắt để đến với trăng, và trăng theo người tỏa sáng vào trong tù. Con người và ánh trăng này rõ ràng là hết sức mới mẻ, hiện đại. Trăng và Người như hai người bạn cùng nhau vượt qua cái song sắt tàn bạo, hoàn cảnh khổ đau, ngăn trở của nhà tù. Người ngắm trăng và trăng cũng ngắm người, ngắm là bởi hiểu nhau, tìm thấy ở nhau nhiều đồng cảm, những chuyện đồng điệu. Dường như hai luồng ánh sáng, hai luồng mắt của Bác và Trăng chiếu vào nhau, lan tỏa vào nhau, quyện lẫn vào nhau. Tưởng như có hai con người, hai vầng trăng tìm đến nhau, hiểu nhau nói với nhau, an ủi, động viên nhau, nhắc nhở nhau. Tâm hồn bác luôn rộng mở với vẻ đẹp thiên nhiên, giữa một đêm rằm trăng sáng soi. Ánh trăng mùa xuân đêm rằm ấy lẫn với dòng nước xuân tạo nên thứ ánh sáng bạc long lanh, tô điểm cho sắc xuân đất trời. Và “trăng ngân đầy thuyền”, một con thuyền chở đầy ánh trăng sáng. Hình ảnh thơ mới mẻ và đặc sắc. Và hơn nữa, với Bác trăng còn là biểu tượng khát vọng tự do, qua trăng Bác từng gửi gắm lòng yêu Tổ quốc, khát vọng chiến đấu giành tự do. Ánh trăng còn là tình yêu thương của Bác với các cháu thiếu nhi. Bác yêu thương các cháu nên mỗi khi Trung Thu ngắm trăng Bác lại nhớ đến các cháu.Tấm lòng của bác như vầng trăng thu ngời sáng, tình yêu thương của Bác là vô bờ bến. Chắc chắn rằng không thể kể hết trăng trong thơ Bác, bởi “thơ Bác đầy trăng”. Trăng là người bạn tâm giao làm cuộc đời Bác thêm màu sắc. Với hình ảnh trăng, làm tăng vẻ đẹp giá trị trong thơ Bác. Cùng với đó giúp ta nhận thấy rõ tình yêu của Bác với thiên nhiên đất nước, đặc biệt là trăng. Tuy trăng trong thơ ca không phải hiếm gặp những ánh trăng được cảm nhận bằng những cảm xúc chân thành và ý nghĩa tốt đẹp nhất của Bác thì không thể gặp lại lần thứ hai!

---/---

Trên đây là một số bài văn mẫu Viết đoạn văn quy nạp về bài thơ Ngắm trăng mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 23/08/2021 - Cập nhật : 23/08/2021