logo

Viết đoạn văn khoảng 5 câu nói về việc trực nhật lớp của tổ em trong đó có câu kiểu Ai làm gì

Tuyển tập một số đoạn văn hay về chủ đề Viết đoạn văn khoảng 5 câu nói về việc trực nhật lớp của tổ em trong đó có câu kiểu Ai làm gì do Top lời giải sưu tầm và biên soạn, mời các em tham khảo!


Đoạn văn nói về việc trực nhật của tổ em - Mẫu số 1

Theo lịch phân công của lớp, hôm nay, đến buổi trực nhật của tổ 3. Từ sáng sớm, các bạn tổ 3 đã có mặt để vệ sinh sạch sẽ lớp học. Lan và Hoa khiêng bàn ghế. Ngọc cầm chổi quét sạch rác và bụi. Tuấn lau bảng và lấy nước rửa tay cho giáo viên. Hoàng tưới nước cho bồn hoa của lớp. Tất cả các bạn, ai cũng làm việc khẩn trương để xong nhiệm vụ của mình trước giờ vào học.


Đoạn văn nói về việc trực nhật của tổ em - Mẫu số 2

Tổ em chịu trách nhiệm trực nhật lớp vào sáng thứ năm. Hôm ấy, mọi người trong tổ đều phải đến trường sớm hơn thường lệ. Chúng em chia nhau, người thì lau bảng, người thì lau bàn ghế, người thì lau cửa kính, người thì quét lớp, người thì tưới luống hoa riêng của lớp. Khi chúng em làm xong mọi việc thì tiếng trống cũng vang lên gọi mọi người mau ngồi vào bàn học.


Đoạn văn nói về việc trực nhật của tổ em - Mẫu số 3

Sáng nay tổ em làm trực nhật lớp. Chúng em đến sớm hơn mọi ngày. Tổ em chia làm ba nhóm. Nhóm một lau bàn ghế. Nhóm hai quét lớp, nhóm ba quét sân. Chỉ hai mươi phút chúng em đã hoàn thành xong công việc của mình.

Ngoài ra, các em cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về các kiểu câu trong tiếng Việt nhé!

1. Câu đơn

Câu đơn có một vế câu đủ chủ ngữ,vị ngữ.

a. Câu kể: (còn gọi là câu trần thuật) là những câu dùng để:

- Kể, tả hay giới thiệu về sự vật, sự việc.

- Nói lên ý kiến hoặc tâm tư, tình cảm của mỗi người.

- Cuối câu kể có dấu chấm.

VD: Bu- ra- ti- nô là một chú bé bằng gỗ.

- Câu kể thường có 3 loại:

b. Câu kể Ai làm gì? thường gồm hai bộ phận:

- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, chỉ sự vật, (người, con vật hay đồ vật, cây cối được nhân hóa); trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.

- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, nêu lên hoạt động của người, con vật

(hoặc đồ vật, cây cối được nhân hóa) trả lời cho câu hỏi: Làm gì?, thường do động từ, (cụm động từ) tạo thành.

VD: Chị tôi đan nón lá cọ để xuất khẩu.

Viết đoạn văn khoảng 5 câu nói về việc trực nhật lớp của tổ em trong đó có câu kiểu Ai làm gì

c. Câu kể Ai thế nào? gồm có hai bộ phận:

- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, chỉ sự vật; trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.

- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, trả lời cho câu hỏi: Thế nào? chỉ đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của sự vật; thường do tính từ, động từ, (cụm tính từ, cụm động từ) tạo thành.

VD: 

+ Chị tôi rất xinh.

+ Em bé ngủ.

d. Câu kể Ai là gì? thường gồm hai bộ phận:

- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, chỉ sự vật, trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.

- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, nối với chủ ngữ bằng từ là, trả lời câu hỏi: Là gì?, thường do danh từ, (cụm danh từ) tạo thành.

VD: Chị tôi là sinh viên đại học Y.

2. Câu hỏi: Dùng để hỏi về những điều chưa biết. Câu hỏi thường có các từ nghi vấn (ai, gì, thế nào, sao, không,...). Khi viết, cuối câu hỏi thường có dấu chấm hỏi (?).

VD: Thuở đi học, chữ Cao Bá Quát như thế nào?

3. Câu cảm: (câu cảm thán) 

- Là câu dùng để bộc lộ cảm xúc (vui, buồn, thán phục, đau xót, ngạc nhiên,...). Cuối câu cảm thường có dấu chấm than (!).

VD: Bạn Giang học giỏi thật!

- Trong câu cảm thường dùng các từ sau:ôi, chao, chà, trời, quá, lắm,...

4. Câu khiến: (câu cầu khiến)

- Dùng để nêu yêu cầu, đề nghị, mong muốn,... của người nói, người viết với người khác. Cuối câu khiến có dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm.

- Trong câu khiến thường dùng các từ sau: hãy, đừng, chớ, xin, mong,...

VD: Nhà vua hãy hoàn lại gươm cho Long Vương!

2. Câu ghép

a. Khái niệm: là câu do nhiều vế câu ghép lại. Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của mỗi câu khác.

VD: Trời/ rải mây trắng nhạt, biển/ mơ màng dịu hơi sương.

       CN           VN                   CN                VN

         vế câu 1                               vế câu 2

b. Có hai cách nối các vế câu ghép:

- Nối bằng những từ có tác dụng nối.

VD: 

+ Tuy trời / mưa nhưng tôi / vẫn đi học.

+ Lan /chăm học thì nó / đã được điểm cao.

- Nối trực tiếp (không dùng từ nối), dùng các dấu câu: dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu hai chấm.

VD: Trời/ rải mây trắng nhạt, biển/ mơ màng dịu hơi sương.

c. Nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ:

* Để thể hiện quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:

- Một quan hệ từ: vì, bởi vì, cho nên, nên,.......

- Hoặc một cặp quan hệ từ: vì...... nên....; do... nên....; nhờ.... mà......; bởi vì... cho nên; tại vì... cho nên...; do.... mà....

VD: 

- Vì nhà nghèo quá, chú phải bỏ học.

- Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo

Cho nên tôi phải băm bèo thái khoai.

* Để thể hiện quan hệ điều kiện – kết quả, giả thiết – kết quả giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:

- Một quan hệ từ: nếu, hễ, giá, thì,.......

- Hoặc một cặp quan hệ từ: nếu ... thì...; hễ...thì...; nếu như ... thì....; hễ mà ... thì...; giá ... thì...

VD: 

+ Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng.

+ Giá Hồng cố gắng học thì Hồng đã đạt kết quả tốt hơn.

* Để thể hiện mối quan hệ tương phản giữa hai vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng:

- Một quan hệ từ: tuy, nhưng, dù, mặc dù,.......

- Hoặc một cặp quan hệ từ: tuy ...nhưng...; dù ... nhưng.....; mặc dù..... nhưng....;......

VD: 

+ Tuy rét kéo dài nhưng mùa xuân đã đến bên bờ sông Lương.

+ Nó rất chăm học nhưng kết quả vẫn không cao.

* Để thể hiện mối quan hệ tăng tiến giữa các vế câu ghép, ta có thể nối chúng bằng một trong các cặp quan hệ từ: không những... mà; không chỉ..... mà...; chẳng những ... mà...

* Để thể hiện mối quan hệ về nghĩa giữa các vế câu, ngoài quan hệ từ, ta còn ta còn có có thể nối các vế câu ghép bằng một số cặp từ hô ứng như: - vừa ... đã...; chưa ... đã... ; mới... đã.... ; vừa ... vừa; càng... càng ...

- đâu ... đấy; nào ... ấy; sao ... vậy; bao nhiêu ... bấy nhiêu;

3. Bài tập về các kiểu câu

Bài 1: Hãy cho biết các câu trong đoạn văn sau là câu đơn hay câu ghép. Tìm CN và VN của chúng.

Đêm xuống, mặt trăng tròn vành vạnh. Cảnh vật trở nên huyền ảo. Mặt ao sóng sánh, một mảnh trăng bồng bềnh trên mặt nước.

Bài 2: Phân các loại câu dưới đây thành 2 loại: Câu đơn và câu ghép. Tìm CN và VN của chúng.

a) Mùa thu năm 1929, Lý Tự Trọng về nước, được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển và nhận thư từ, tài liệu trao đổi với các đảng bạn qua đường tàu biển.

b) Lương Ngọc Quyến hi sinh nhưng tấm lòng trung với nước của ông còn sáng mãi.

c) Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran.

d) Mưa / rào rào trên sân gạch, mưa đồm độp trên phên nứa.

Bài 3: Có thể tách các vế trong câu ghép tìm được ở BT2 thành các câu đơn được không, vì sao?

Bài 4: Điền vế câu còn thiếu vào chỗ trống để hoàn thành các câu ghép sau:

a) Nó nói và ...

b) Nó nói rồi...

c) Nó nói còn...

d) Nó nói nhưng ...

Bài 5: Điền vế câu còn thiếu vào chỗ trống để hoàn chỉnh các câu ghép sau :

a) Lan học bài, còn ...

b) Nếu trời mưa to thì....

c) ........, còn bố em là bộ đội.

d) ........nhưng Lan vẫn đến lớp.

Bài 6: Trong các câu sau, câu nào không phải là câu ghép:

a) Em được mọi người yêu mến vì em chăm ngoan học giỏi.

b) Vì em chăm ngoan học giỏi, em được mọi người yêu mến.

c) Em muốn được mọi người yêu mến nên em chăm ngoan học giỏi.

d) Nhờ em chăm ngoan học giỏi mà em được mọi người yêu mến.

Bài 7: Hãy cho biết những câu văn sau là câu đơn hay câu ghép. Tìm CN, VN của chúng:

a) Ánh nắng ban mai trải xuống cánh đồng vàng óng, xua tan dần hơi lạnh đầu đông.

b) Làn gió nhẹ chạy qua, những chiếc lá lay động như những đốm lửa vàng, lửa đỏ bập bùng cháy.

c) Nắng lên, nắng chan mỡ gà trên những cánh đồng lúa chín.

Bài 8: Xác định TN, CN, VN của những câu văn sau:

a) Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông, chiếc xuồng của má Bảy chở thương binh lặng lẽ trôi.

b) Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình, mái chùa cổ kính.

Bài 9: Tìm trạng ngữ, CN và VN của những câu văn trong đoạn văn sau:

a) Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Sang cuối thu, lá bàng ngả thành màu tía và bắt đầu rụng xuống. Qua mùa đông, cây bàng trụi hết lá, những chiếc cành khẳng khiu in trên nền trời xám đục.

b) Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lăng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Dưới tầng đáy rừng, tựa như đột ngột, những chùm thảo quả đỏ chon chót bỗng rực lên, bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng.

Đáp án:

Bài 1:

Đêm / xuống, mặt trăng / tròn vành vạnh. Cảnh vật / trở nên huyền ảo. Mặt ao / sóng sánh, một mảnh trăng / bồng bềnh trên mặt nước.

- Câu 1, 3: Câu ghép

- Câu 2: Câu đơn

- Lưu ý: Vế 2 của câu 3 là một dạng trung gian giữa câu đơn bình thường và câu đơn đặc biệt

Bài 2:

a) Mùa thu năm 1929, Lý Tự Trọng / về nước, được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển và nhận thư từ, tài liệu trao đổi với các đảng bạn qua đường tàu biển.

b) Lương Ngọc Quyến / hi sinh nhưng tấm lòng trung với nước của ông / còn sáng mãi.

c) Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra / hót râm ran.

d) Mưa / rào rào trên sân gạch, mưa / đồm độp trên phên nứa.

- Câu ghép: b) và d)

Bài 3:

Không tách được, vì nội dung của các vế câu có quan hệ mật thiết với nhau.

Bài 4 và 5: học sinh tự làm.

Bài 6:

Đều là câu ghép.

Bài 7:

a) Ánh nắng ban mai / trải xuống cánh đồng vàng óng, xua tan dần hơi lạnh đầu đông. (Câu đơn)

b) Làn gió nhẹ / chạy qua, những chiếc lá /lay động như những đốm lửa vàng, lửa đỏ bập bùng cháy. (Câu ghép)

c) Nắng / lên, nắng /chan mỡ gà trên những cánh đồng lúa chín. (Câu ghép)

Bài 8:

a) Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông, chiếc xuồng của má Bảy chở thương binh / lặng lẽ trôi.

b) Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng /mái đình, mái chùa cổ kính.

Lưu ý: Câu b) là câu đảo C -V

Bài 9:

a) Mùa xuân,// lá bàng mới nảy / trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè,// lá / lên thật dày, ánh sáng xuyên qua / chỉ còn là màu ngọc bích. Sang cuối thu,// lá bàng / ngả thành màu tía và bắt đầu rụng xuống. Qua mùa đông,// cây bàng / trụi hết lá, những chiếc cành khẳng khiu / in trên nền trời xám đục.

b) Sự sống / cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả / nảy dưới gốc cây kín đáo và lăng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, // những chùm hoa khép miệng / bắt đầu kết trái. Dưới tầng đáy rừng, tựa như đột ngột,// những chùm thảo quả đỏ chon chót / bỗng rực lên, bóng bẩy như chứa lửa, chứa nắng

icon-date
Xuất bản : 10/03/2022 - Cập nhật : 10/03/2022

Tham khảo các bài học khác