logo

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền Bảo Ninh

Khắc dấu mạn thuyền của Bảo Ninh là một truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh. Chủ đề của truyện ngắn cũng như hình thức nghệ thuật trong Khắc dấu mạn thuyền rất nhẹ nhàng, nhưng khắc khoải, khiến cho con người ta phải suy nghĩ mãi. Đó có lẽ là sự thành công trong truyện ngắn này của nhà văn Bảo Ninh. Trung tâm hình ảnh của tác phẩm là người lính - một người lính trong những năm kháng chiến dữ dội nơi thủ đô khốc liệt. Hình ảnh người lính gây ám ảnh trong tâm trí người đọc bởi những suy nghĩ về cuộc sống, cuộc đời, về chiến tranh. Với bài văn viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền, Bảo Ninh các em sẽ hiểu thêm về nhân vật này.


Dàn ý bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền Bảo Ninh

1, Mở bài

- Giới thiệu tác phẩm, tác giả

- Khái quát hình ảnh người lính trong truyện: người lính với những trăn trở sâu sắc về cuộc sống, cuộc đời, về những mất mát trong chiến tranh.

2, Thân bài

- Hoàn cảnh xuất hiện nhân vật

- Hình ảnh người lính xuất hiện trong những bối cảnh không gian và thời gian khác nhau

+ Với thủ đô của những ngày sau kháng chiến, khi hòa bình lập lại: cảm nhận về Hà Nội xa lạ nhưng có gì đó gắn bó với những ký ức của một thời đã qua.

+ Với thủ đô trong những ngày bom Mỹ bắn phá dữ dội: dũng cảm, kiên trung, sẵn sàng xả thân để cứu người phụ nữ xa lạ, bình tĩnh, quyết đoán trong mọi tình huống.

+ Trở về sau chiến tranh vẫn là Hà Nội ấy nhưng mọi thứ đã khác, người lính nhớ đau đáu về một thời đã qua.

- Tác phẩm lấy điểm nhìn của nhân vật tôi đồng thời là người lính để bộc bạch, giãi bày những tâm trạng, nỗi niềm về cuộc đời, chiến tranh, về một thời tuổi trẻ.

- Ngôi xưng thứ nhất tôi khiến câu chuyện chân thực hơn, người lính có thể len lỏi sâu vào ngóc ngách tâm tư sâu kín của nhân vật khác để bộc lộ tình cảm, đánh giá.

- Kết cấu truyện lồng trong truyện, tình tiết kịch tính cũng góp phần bộc lộ phẩm chất nhân vật.

- Tác phẩm xây dựng hình tượng tuyệt đẹp về người lính giải phóng với vẻ đẹp của sự kiên trung, bất khuất, anh dũng, quả cảm.

3, Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật.

- Đánh giá tài năng, tấm lòng của tác giả.


Bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền Bảo Ninh

      Tác giả Bảo Ninh là một cây bút xuất sắc trên nền văn học Việt Nam. Ông viết nhiều, viết khỏe và thành công trên nhiều phương diện từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, đặc biệt là truyện ngắn. Hình tượng người lính trong các tác phẩm truyện ngắn của ông thường có sức ám ảnh rất lớn với người đọc bởi phẩm chất anh dũng, sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về chiến tranh và nhân vật người lính trong “Khắc dấu mạn thuyền” là một nhân vật như thế.

      Đoạn trích “Khắc dấu mạn thuyền “là câu chuyện với ngôi kể thứ nhất, được khởi nguồn từ mạch hồi tưởng của người chiến sĩ khi anh có dịp trở lại Hà Nội sau hơn 20 năm, sau ngày chiến tranh kết thúc. Lúc này Hà Nội với anh thật xa lạ, sâu thẳm nhưng chẳng biết tự bao giờ trong tiềm thức, Hà Nội của 20 năm về trước - cái dạo mà Hà Nội chưa phát triển như bây giờ, khi anh vẫn đương độ xuân thì là một miền ký ức đau khổ nhưng vô cùng tươi đẹp, miền ký ức để anh nhớ mãi không thể nào quên.

      Hai mươi năm trước Hà Nội gieo vào anh nỗi nhớ thương sâu thẳm, đó là khi anh nhận nhiệm vụ mang thư cho đồng đội về Hà Nội. Anh háo hức đến gõ cửa từng nhà để trao thư và những mong nhận được cánh thư hồi âm từ gia đình để trao cho đồng đội.  Người lính đã thất vọng biết nhường nào khi không cánh cửa nào mở, Hà Nội đóng chặt cửa vì bom đạn. Dẫu vậy người lính trẻ vẫn tràn trề hy vọng sẽ nhận được một cánh thư hồi âm để gửi đến những người anh em, đồng đội của mình. Đó là một nét đẹp thật đáng quý của anh, anh đã làm việc bằng tất cả trách nhiệm của mình.

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền, Bảo Ninh

      Vẻ đẹp của phẩm chất người lính được tô đậm hơn khi nhà văn đặt anh vào một tình huống éo le: Anh bị cơn sốt rét hành hạ, nằm ngất trước của nhà của một cô gái không tên. Anh được cô chăm sóc ân cần bằng tất cả tình thương, trách nhiệm của người dân dành cho người lính. Người đọc bật cười trước sự bỡ ngỡ, thẹn thùng của anh khi nằm trên giường của một cô gái, quần áo không có trên người do bị ướt hết. Cái ngây ngô, đáng yêu rất duyên dáng của chàng trai còn rất trẻ gieo vào lòng người đọc những tình cảm thật đáng quý. Nhưng không vì thế mà người lính mất đi nét kiên trung, phẩm chất gan dạ, quật cường của mình.

      Giặc Mỹ bất ngờ thả bom B52 rải lên thủ đô Hà Nội, nếu nằm im thì chết chắc. Với cảm quan của người lính đã vào sinh ra tử nơi chiến trường, người lính cố gắng lết tấm thân vẫn còn mệt mỏi của mình, dũng cảm đưa người con gái đã cứu sống mình băng qua bom đạn để tìm nơi trú ẩn. Trớ trêu thay tất cả các hầm trú ẩn đều đã kín người và ở quá xa, hai người như cá nằm trên thớt dưới bom đạn của kẻ thù. Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc ấy người lính đã bình tĩnh, dũng cảm dùng tấm thân của mình để che chở, bảo vệ cho cô gái ấy bằng tất cả sự chân thành, ấm áp của mình. Cuộc đấu trí đầy kịch tính giữa người lính và bom đạn của kẻ thù khiến người đọc như nín thở bởi nó quá đỗi dữ dội, khủng khiếp. Giữa hoàn cảnh khắc nghiệt, dữ dội đó người lính không hề nao núng, anh bình tĩnh xử lý tình huống, phân tích tình hình để đưa ra phương án tốt nhất. Vẻ đẹp của sự mưu trí, anh dũng, quả cảm của người lính cụ Hồ đã được thể hiện trong mọi hoàn cảnh, tình huống.

      Vượt cửa tử đầy ngoạn mục người lính lại lao vào khắc phục hậu quả sau bom Mỹ ném, dù người chưa tỉnh táo hẳn nhưng anh vẫn hết lòng phục vụ nhân dân “Anh phải lại đó góp một tay. Em về trước đi. Anh về sau! - Tôi nói.” Anh hộc tốc đi cứu người, lao khuất vào trong vùng phố xá vừa bị huỷ diệt, vừa ngổn ngang, vừa tanh bành…” 

      Sau này không có dịp gặp lại người con gái đã cứu mình trong cơn ốm thập tử nhất sinh, người lính vẫn đau đáu về một ký ức về Hà Nội, nhớ bóng hình thân quen mà mình đã gặp, đã chiến đấu trên mặt trận không tên.

      Tác phẩm lấy điểm nhìn của nhân vật tôi đồng thời là người lính để bộc bạch, giãi bày những tâm trạng, nỗi niềm về cuộc đời, chiến tranh, về một thời tuổi trẻ. Ngôi xưng thứ nhất tôi khiến câu chuyện chân thực hơn, nhân vật có thể len lỏi sâu vào ngóc ngách tâm tư sâu kín của nhân vật khác để bộc lộ tình cảm, đánh giá về các nhân vật. Những cảm nhận về thủ đô Hà Nội trước và sau chiến tranh, về người con gái mình gặp mặt tình cờ nhưng hữu ý, những suy nghĩ của anh về trận chiến… tất cả đã góp phần thể hiện thật chân thực vẻ đẹp của người lính trong chiến tranh.

Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền, Bảo Ninh

      Kết cấu truyện lồng trong truyện những mảng hồi ức xen kẽ giữa hiện tại - quá khứ - hiện tại, tất cả đồng hiện, tình tiết kịch tính cũng góp phần bộc lộ phẩm chất nhân vật, truyền tải chủ đề của tác phẩm. Tác phẩm xây dựng hình tượng tuyệt đẹp về người lính giải phóng với vẻ đẹp của sự kiên trung, bất khuất, anh dũng, quả cảm, qua đó ca ngợi vẻ đẹp tình người trong chiến tranh, sự hy sinh vì nhau của cả dân tộc.

      Người lính không tên trong tác phẩm “Khắc dấu mạn thuyền” là một hình tượng tuyệt đẹp về anh bộ đội cụ Hồ. Với tác phẩm này Bảo Ninh đã khẳng định tài năng của mình trên địa hạt thơ ca Việt Nam ở mảng truyện ngắn thời chiến.

---------------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Viết bài văn nghị luận phân tích và đánh giá hình ảnh người lính trong đoạn trích Khắc dấu mạn thuyền Bảo Ninh. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 02/05/2023 - Cập nhật : 03/07/2023