logo

Bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải

Trên thi đàn văn học Việt Nam có biết bao nhiêu tác phẩm viết về tình cảm gắn bó tha thiết của con người với quê hương đất nước. Đặc biệt là tình cảm dành cho làng quê yêu dấu, nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người. Chỉ là một truyện ngắn, rất ngắn nhưng Tình quê hương của tác giả Nguyễn Khải đã gợi ra biết bao yêu thương trìu mến của người lính dành cho ngôi làng yêu dấu của mình. Cùng Viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải dưới đây để thấy được tình cảm của tác giả gửi gắm trong đó.


Dàn ý Viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải 

1, Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm truyện ngắn Tình quê hương của Nguyễn Khải.

- Đánh giá nhận xét về tác phẩm: một truyện ngắn xuất sắc về đề tài tình yêu quê hương, đất nước.

2, Thân bài

- Phân tích về chủ đề, đề tài: nỗi nhớ làng da diết của người lính.

- Tình cảm của người lính được thể hiện qua văn bản: nhớ làng, những kỷ niệm đẹp gắn bó với làng quê, mùi vị quen thuộc của ký ức hiện về…

- Cốt truyện ngắn, phương thức tự sự và biểu cảm kết hợp chặt chẽ, ngôn ngữ bình dị quen thuộc.

- Tác phẩm được viết theo dòng cảm nhận, hồi ức của nhân vật tôi, đó là tình cảm gắn bó với quê hương.

- Qua đó khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm gắn bó tha thiết, tự hào về quê hương, đất nước.

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của tác phẩm.

- Liên hệ, mở rộng bản thân.


Viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải 

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Toả nắng xuống dòng sông lấp lánh

      Những vần thơ, những lời ca, tiếng hát về quê hương, đất nước đã thể hiện tình cảm yêu thương và gắn bó tha thiết của con người với mảnh đất chôn rau cắt rốn nơi mà mình được sinh ra. Cùng cảm hứng chung trong mạch đề tài về quê hương, đất nước tác phẩm Tình quê hương của tác giả Nguyễn Khải đã gieo vào lòng người đọc những tình cảm thật tha thiết, chân thành, nhắc nhở con người về những kỷ niệm đẹp đẽ gắn bó với nơi mình sinh ra.

      Việc lựa chọn đề tài và chủ đề trong tác phẩm Tình quê hương không mới mẻ, có thể nói là quá quen thuộc. Ngay cả trong nhan đề là tình quê hương cũng rất phổ biến, đã gợi nhắc về một chủ đề gần gũi trong văn học. Điểm mới trong tác phẩm chính là cách khai thác từ đề tài, chủ đề quen thuộc bằng những chất liệu cũng rất bình dị, đời thường để truyền tải thông điệp giá trị của tác phẩm.

Viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải

      Tác phẩm xoay quanh nỗi nhớ, những cảm nhận về hương vị của quê hương của một người lính đi công tác và chiến đấu đến một miền quê khác “Làng quê tôi đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo” cái nhìn đăm đắm ngoái lại ấy thể hiện tình cảm và sự gắn bó tha thiết của người lính đối với quê hương yêu dấu của mình. Phải đi xa, phải rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn tuổi thơ của mình người lính lại trào dâng lên nỗi nhớ thương tha thiết. Vì thế những cảnh mới, người mới thậm chí cả sự đổi thay của những vùng quê mới, nơi người lính đã đi qua cũng chẳng thể nào thay thế được ngôi làng cũ quen thuộc đã gắn bó với người lính từ thuở thơ dại “ Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này” mảnh đất ấy tuy cọc cằn, khó canh tác nhưng chính vì nó là nơi chứng kiến sự sinh ra, trưởng thành của người lính, lại là nơi có bà, có mẹ, có gia đình người lính nên nỗi nhớ thương vẫn day dứt và mãnh liệt hơn bao giờ hết.

      Theo mạch cảm xúc ấy những kỷ niệm tuổi thơ gắn bó với làng tôi lần lượt hiện về trong ký ức ”Ở mảnh đất ấy, tháng giêng… tháng tám nước lên, tôi đánh giậm, úp cá, đơm tép; tháng chín, tháng mười, đi móc con da dưới vệ sông. Ở mảnh đất ấy… chú gác chân lên tôi mà lấy Kiều ngâm thơ” phép liệt kê, điệp ngữ đã tái hiện trên trang văn những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, gắn bó với mảnh đất thân thương của quê hương. Đó là những kỷ niệm thật đẹp, thật đặc biệt mà có lẽ không phải tuổi thơ ai cũng có được nhất là các bạn trẻ ở thành phố bây giờ. Khi nhớ về những kỷ niệm tuổi thơ, miền ký ức hiện ra với biết bao nhiêu điều đẹp đẽ, khó phai mờ trong tâm trí của người lính xa nhà. Tuổi thơ ấy tuy khốn khó, đói kém nhưng nó là tất cả những kỷ niệm đẹp, gắn bó với cuộc đời của người lính, cũng là nơi nuông dưỡng tâm hồn người lính.

      Mạch truyện lại trở về với thực tại, quá khứ được nhân vật tôi cảm nhận như màn sương trắng xoá, xa dần không còn gì nữa, nhưng có một thứ hương vị đọng lại khiến nhân vật tôi không thể quên đó là “ Thôi tôi nhớ ra rồi. Đó là thứ mùi rất đặc biệt, mùi vị của quê hương.”

Viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải  ảnh 2

      Truyện ngắn này được viết theo ngôi kể thứ nhất, dưới cảm xúc của nhân vật tôi, với ngôi kể này dễ dàng tạo được sự đồng cảm ở người đọc, nhân vật dễ dàng bộc lộ được tình cảm, ấn tượng của mình với cảnh và người xung quanh. Phương thức kể, tả kết hợp với biểu cảm giúp văn bản truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa đến người đọc. Với những chất liệu rất bình dị, thân thuộc, xung quanh cuộc sống của mỗi người nhưng đi vào trên trang văn lại có sức lay động đến lạ. Có lẽ điều đó được tạo nên từ chính tình cảm gắn bó thân thương, chân thành của người viết được gửi gắm.

      Một tác phẩm ngắn nhưng đã nói lên được tình cảm gắn bó thân thương của con người với quê hương yêu dấu, với cái làng nơi chôn rau cắt rốn của mỗi người. Thông qua tác phẩm này hẳn mỗi người đều thêm gắn bó với quê hương, trân trọng với những kỷ niệm bình dị xung quanh mình.

-----------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã hướng dẫn cho đề bài Viết bài luận (500 chữ) phân tích, cảm nhận về bài Tình quê hương của Nguyễn Khải. Đây là một truyện ngắn xuất sắc về đề tài quê hương, đất nước, tác phẩm đã nói hộ tình cảm của biết bao nhiêu người dành cho mảnh đất nơi mình sinh ra.

icon-date
Xuất bản : 22/05/2023 - Cập nhật : 19/08/2023