logo

Cảm nhận bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật

Với những cách cảm nhận sâu sắc về những thứ bình dị, thân thuộc của cuộc sống, Mùa cam trên đất nghệ bài thơ đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc và niềm tự hào với những sản vật của địa phương. Thông qua Cảm nhận bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật dưới đây các em đã thấy rõ được điều đó.


Bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật

Mùa ngọt dần lên ngọn

Gió heo may chớm sang 

Trái hồng vừa trắng cát

Vườn cam cũng hoe vàng

Cam Xã Đoài mọng nước

Giọt vàng như mật ong

Bổ cam ngoài cửa trước

Hương bay vào nhà trong

Bà mẹ thôn Nghi Vạn

Con tòng quân vắng nhà

Trầy cam mỗi buổi sáng

Bồn chồn nhớ con xa

- “Cam này thơm lại ngọt

Các con ăn mẹ gọt

[...] Các con mẹ đi mãi

Không ăn cam vườn nhà

Đã có phần cây quả

Của các mẹ quê xa”

Ra trận là dũng sĩ

Bên mẹ thành trẻ con

Bầu sữa quê ta đó

Rót vào chùm quả ngon.


Đặc sắc nghệ thuật bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật

- Tác phẩm được viết theo thể thơ 5 chữ.

- Cách gieo vần thú vị: vần liền và vần chéo.

- Bài thơ được ngắt theo nhịp 2/3, 3/2.

- Hình ảnh mùa cam trên đất Nghệ được tác giả được miêu tả gần gũi, thân quen với bạn đọc.

- Phạm Tiến Duật sử dụng biện pháp so sánh một cách tài tình, nhằm làm nổi bật vị cam nơi đây ngọt như là mật ong, từ đó làm cho hình ảnh thơ thêm sinh động, giúp độc giả dễ hình dung về vườn cam thơm, ngọt, mọng nước.

=> Làm nổi bật tình cảm của nhà thơ Phạm Tiến Duật dành cho mảnh đất Nghệ An thân thương. Đồng thời còn thể hiện được sự gắn bó ruột thịt thân thiết giữa những người lính chiến đấu xa nhà và người mẹ thân yêu ở nơi quê hương.


Dàn ý cảm nhận bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật

1, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ, tác giả Phạm Tiến Duật

- Những cảm nhận chung về bài thơ: tự hào về hương thơm đặc trưng của cây trái quê hương, xúc động với tình cảm nồng ấm của các mẹ dành cho người lính bộ đội cụ Hồ.

2, Thân bài

- Cảm nhận về hương thơm, độ ngon ngọt của trái cam xứ Nghệ, qua đó bộc lộ niềm tự hào với những đặc sản của quê hương.

+ Thời điểm cam chín vàng ngọt là khi gió heo may chớm sang, khi trái hồng vừa có cát trắng, vườn cam cũng bắt đầu chín rộ.

+ Cam Xã Đoài mọng nước, giọt vàng đặc sánh như mật ong, hương thơm ngọt ngào lan tỏa trong không gian.

+ Miêu tả chi tiết kết hợp với các từ ngữ giàu hình ảnh thể hiện niềm tự hào của tác giả với sản vật quê hương

=> khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu dành cho quê hương, đất nước, sự gắn bó với hương thơm bình dị của cuộc đời.

- Xúc động sâu sắc với tình cảm của bà mẹ thôn Nghi Vạn dành cho người lính bộ đội chống Mỹ cứu nước.

+ Nỗi nhớ thương con tha thiết mỗi khi trẩy cam vào buổi sáng => muốn con được tận hưởng hương thơm ngọt của cây trái quê hương.

+ Mẹ gửi tình yêu ấy dành cho tất cả những người lính bộ đội đang đóng quân trên quê hương mẹ.

+ Người lính sung sướng đón nhận trái cam thơm ngọt và có cảm giác như được bé lại trong lòng mẹ.

- Khái quát chung cảm nhận về bài thơ: xúc động với tình cảm thân thương, ruột thịt của mẹ dành cho người lính.

3, Kết bài

- Khẳng định cảm xúc đối với tác phẩm: tự hào với sản vật quê hương, cảm nhận sự gắn bó ruột thịt của người lính với mẹ.


Cảm nhận bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật

      Mượn hình ảnh trái cam - đặc sản của Xã Đoài Nghệ An, Phạm Tiến Duật đã gửi vào đó tình yêu và sự gắn bó tha thiết với mảnh đất này. Đồng thời còn thể hiện được sự gắn bó ruột thịt thân thiết giữa những người lính và người mẹ ở quê hương.

      Cảm nhận đầu tiên khi đọc bài thơ trong mỗi người chắc hẳn là hình ảnh của trái cam ngọt, một trong những niềm tự hào của quê hương Xứ Đoài. Theo như miêu tả của nhà thơ, khi gió heo may chớm sang, tức khoảng tháng 7, 8 âm lịch thì là lúc mùa ngọt dần kết tinh lên trái cam, trái cam đồng loạt chín vàng, và cũng là lúc kết tinh nhiều vị ngọt nhất.

Mùa ngọt dần lên ngọn

Gió heo may chớm sang 

Trái hồng vừa trắng cát

Vườn cam cũng hoe vàng

      Cam thì ở nơi nào cũng có nhưng cam Xã Đoài thuộc hàng đặc sản, vỏ mỏng, nhiều nước, giọt cam sánh đậm đà như mật ong. Phép so sánh “giọt vàng như mật ong” đã thể hiện được cảm nhận tinh tế của tác giả đối với hương vị cây trái của quê hương. Hương thơm của trái cam vương vấn, thơm ngào ngạt, lan toả trong không gian rộng lớn, len lỏi vào từng ngõ ngách khiến ai ngửi thấy cũng phát thèm “bổ cam ngoài cửa trước/ hương bay vào nhà trong”.

Cam Xã Đoài mọng nước

Giọt vàng như mật ong

Bổ cam ngoài cửa trước

Hương bay vào nhà trong

      Song bài thơ không chỉ tập trung miêu tả trái cam mọng nước, một trong những đặc sản của quê hương Nghệ Tĩnh mà thông qua hình ảnh đó còn phác hoạ hình ảnh những người mẹ thôn quê với tình yêu tha thiết dành cho con và những người lính - đồng đội của con mình.

Bà mẹ thôn Nghi Vạn

Con tòng quân vắng nhà

Trầy cam mỗi buổi sáng

Bồn chồn nhớ con xa

      Chúng ta cảm nhận được hình ảnh người mẹ với bàn tay tảo tần sớm hôm, trẩy cam vào mỗi buổi sớm để kịp buổi chợ. Mỗi buổi sớm trẩy cam là một lần trong lòng mẹ trào dâng lên nỗi nhớ thương con tha thiết, lòng bồn chồn nhớ con hành quân ở nơi xa.

      Tình yêu ấy được mẹ gửi vào những trái cam thơm ngọt để bổ cho các anh những người lính đang đóng quân trên quê hương mẹ. Với mẹ những người lính đang chiến đấu trên quê hương cũng giống như con mình, chẳng khác nào giọt máu của mình

- “Cam này thơm lại ngọt

Các con ăn mẹ gọt

[...] Các con mẹ đi mãi

Không ăn cam vườn nhà

Đã có phần cây quả

Của các mẹ quê xa”

      Ta thật cảm động trước tình cảm yêu thương giản dị nhưng sâu sắc của những người mẹ dành cho người lính đang đóng quân trên quê hương mình. Các anh đã chiến đấu bằng tất cả tình yêu, nhiệt huyết của tuổi trẻ, các anh chẳng khác nào những đứa con mà mẹ dứt ruột đẻ ra thế nên mẹ rất yêu thương các anh, chăm chút cho người lính chẳng khác nào đứa con của mình. Hành động bổ cam, mời cam ăn mẹ gọt cho thấy sự quan tâm tuy giản dị mà rất sâu sắc của mẹ gửi đến anh. Trong đó mẹ cũng tin tưởng vào những đứa con của mình cũng sẽ được yêu thương như vậy khi đến bất kỳ những vùng quê phương xa nào. Dường như cũng cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho mẹ, người lính hình dung

Ra trận là dũng sĩ

Bên mẹ thành trẻ con

Bầu sữa quê ta đó

Rót vào chùm quả ngon.

      Hình ảnh tương phản ra trận là dũng sĩ/ bên mẹ thành trẻ con cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của người lính nơi chiến trường, song khi bên mẹ anh vẫn là một đứa trẻ được mẹ âu yếm, yêu thương. Hai câu thơ “Bầu sữa quê ta đó/ Rót vào chùm quả ngon” là hình ảnh hoán dụ tuyệt đẹp về sự hoá thân của cây trái quê hương thành món ăn tinh thần nuôi dưỡng người lính trẻ.

      Tóm lại bài thơ đã diễn tả thật xúc động tình cảm yêu thương của người mẹ dành cho người lính và ngược lại. Bằng những hình ảnh giản dị và ngôn từ chọn lọc nhà thơ đã thể hiện tình cảm yêu thương trân trọng với sản vật của quê hương. Qua đó gián tiếp bộc lộ tình yêu với quê hương đất nước.

-----------------------------------------

Như vậy Toploigiai hướng dẫn Cảm nhận bài thơ Mùa cam trên đất nghệ của tác giả Phạm Tiến Duật. Đây là một bài thơ hay và ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu thêm về một đặc sản của quê hương xứ Nghệ cũng như vẻ đẹp con người tác giả.

icon-date
Xuất bản : 18/05/2023 - Cập nhật : 15/08/2023