logo

Phân tích bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến

Bài thơ "Làm ruộng" (Chốn quê) của nhà thơ Nguyễn Khuyến thể hiện rất rõ phong cách văn chương của ông. Bằng lối viết nhẹ nhàng mà thâm thuý Nguyễn Khuyến đã vạch trần được hiện thực cuộc sống khốn khó của người nông dân dưới thời quan Tây. Thông qua đó Nguyễn Khuyến còn thể hiện sự bất mãn với hiện thực một cách nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc. Qua Phân tích bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến dưới đây chúng ta sẽ thấy rõ được điều này.


Bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến

"Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,

Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.

Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,

Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,

Bao giờ cho biết khỏi đường lo?"


Nội dung chính bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến

      Bài thơ là lời vạch trần tội ác của thực dân Pháp, chúng đàn áp, bóc lột nhân dân ta với đủ các thứ thuế, mưu mô áp bức đến tận xương tủy của người lao động. Đồng thời qua tác phẩm nhà thơ cũng phơi bày cuộc sống khốn cùng, khổ cực của người nông dân thời bấy giờ. Đó là cuộc sống đói nghèo, lam lũ vất vả, một cuộc đời tăm tối không có lối thoát, không biết ngày nào thoát khiếp nghèo khó, bần cùng. Mặc dù đồng cảm với người dân nhưng Nguyễn Khuyến lại bất lực trước hiện thực, những câu hỏi tu từ được nhà thơ đặt mà chẳng có lời giải đáp. Đó là lý do vì sao sau một thời gian làm quan dưới triều Nguyễn nhà thơ đã cáo quan về ở ẩn để bày tỏ thái độ bất mãn với chính quyền.


Dàn ý Phân tích bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến

1, Mở bài

- Giới thiệu bài thơ, tác giả Nguyễn Khuyến.

- Khái quát đặc sắc của bài thơ: bài thơ thể hiện chân thật cảnh sống túng quẫn, nghèo nàn của người lao động qua đó tố cáo chính quyền thực dân phong kiến.

2, Thân bài

- Phân tích đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ: thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, luật bằng, niêm luật chặt chẽ, gieo vần chân, đối, đề tài mới mẻ…

- Phân tích đặc sắc về nội dung theo bố cục bốn phần của thơ Đường luật

+  Hai câu đề: mở ra hoàn cảnh của người nông dân quanh năm vất vả nhưng vẫn túng thiếu vì nhiều lý do.

+  Hai câu thực: tố cáo chính sách thuế má của thực dân Pháp khiến người nông dân chẳng còn gì sau mỗi vụ mùa.

+ Hai câu luận: cảnh sống cần kiệm của người nông dân ấy vậy mà nghèo vẫn nghèo, đói vẫn đói.

+ Hai câu kết: nỗi day dứt của nhà thơ trước thời cuộc.

3, Kết bài

- Khẳng định giá trị của bài thơ.

- Liên hệ, mở rộng.


Phân tích bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến

      Nguyễn Khuyến được đánh giá là một trong những hồn thơ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam. Những vần thơ của ông luôn rất bình dị mà ẩn chứa nhiều điều tâm đắc, ý nghĩa về cuộc sống. Có nhiều bài thơ được sáng tác với đề tài, cảm hứng quen thuộc nhưng gợi lên những giá trị, ý nghĩa sâu sắc tiêu biểu như bài thơ Làm ruộng.

      Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, luật vần bằng vì có tiếng thứ hai ở câu thơ đầu tiên “năm” là thanh ngang, gieo vần chân ở các từ “thua”, “mùa”, “mua”, “bữa”, niêm luật tuân thủ khá chặt chẽ của những đặc trưng trong thơ ca Đường luật. Cụ thể tiếng thứ hai trong câu hai và câu ba, trong câu bốn và câu năm, câu sáu và câu bảy, câu một và câu tám đều cùng thanh với nhau, đối chuẩn chỉnh ở hai cặp câu thực và câu luận.  Điểm đổi mới ở bài thơ chính là đề tài sáng tác không phải từ những thi liệu quen thuộc, mang tính khuôn sáo mà là cuộc sống bình dị ở xung quanh nhà thơ. Cảm hứng sáng tác được khơi nguồn từ chính cuộc sống của nhà thơ, từ tình cảm dành cho những người nông dân nghèo dưới chế độ thực dân và phong kiến.

Phân tích bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến

Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,

Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.

      Hai câu thơ gợi ra hoàn cảnh khốn khó của người nông dân trước cách mạng. Mấy năm tức là trong nhiều năm liền, người nông dân làm ruộng vẫn vất vả như vậy nhưng chẳng ăn thua, tức là chẳng thể đủ ăn, chẳng bỏ ra được đồng nào. Bởi vì chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa, khốn khó cứ chồng chất khốn khó. Dẫu chịu khó cày cuốc, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thế nhưng người nông dân vẫn chẳng khấm khá lên được, nguyên nhân do thời tiết không thuận nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là do

Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.

      Chúng ta đều biết những năm dưới chính quyền thực dân phong kiến người nông dân phải chịu hai loại xiềng xích, một là chính quyền phong kiến, hai là thực dân. Hai chế độ áp bức hà khắc này liên kết với nhau để bòn rút tới tận xương tuỷ của người nông dân. Chính sách thuế má nặng nề, tô thuế các loại như thuế đất, thuế gạo, thuế thuốc… khiến người nông dân không còn thứ gì để bấu víu. Thành thử cuối năm dẫu mùa màng có thuận lợi thì công sá còn lại chẳng bao nhiêu. Phép liệt kê nào thuế quan, nào trả nợ ruộng, nào cho đứa ở, nào thuê trâu bò làm ruộng… ngần đấy thứ đổ lên đầu người nông dân đã cho thấy tình cảnh khốn khó ấy 

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,

Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

      Vì đời sống khốn khó, vì trăm thứ nợ, thuế đổ dồn lên đầu nên cảnh sinh hoạt của người nông dân cũng thật đạm bạc “sớm trưa dưa muối” để tạm qua bữa, những thú vui điền viên dù rất đơn sơ cũng đành gác lại “trầu chè chẳng dám mua”. Phép đối khá chỉnh ở cặp câu luận, đối trong các cặp “Sớm trưa dưa muối”, “chợ búa trầu chè”, “cho qua bữa”, “chẳng dám mua” đối trong hai câu “Sớm trưa dưa muối cho qua bữa” với “Chợ búa trầu chè chẳng dám mua” khiến cho câu thơ vừa có tính chất phơi bày hiện thực cảnh sống đạm bạc, khốn khó của người nông dân, vừa thể hiện sự ngậm ngùi, xót xa của nhà thơ dành cho họ.

Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,

Bao giờ cho biết khỏi đường lo?

Bài thơ khép lại bằng một lời nhận xét của nhà thơ và một câu hỏi tu từ chưa có lời giải đáp. Nhà thơ tự hỏi thay những người nông dân sống cần kiệm quanh năm dưa muối như thế mà cuộc sống cũng chẳng khấm khá được lên chút nào. Trăm thứ phải lo đổ dồn lên đầu người nông dân không biết đến bao giờ mới hết cảnh phải lo nghĩ.

Phân tích bài thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến ảnh 2

      Chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi, tác giả Nguyễn Khuyến đã vạch trần được sự tàn ác của thực dân Pháp với đủ các thứ thuế, mưu mô bóc lột đến tận xương tủy của người lao động. Đồng thời phơi bày cuộc sống khốn cùng, khổ cực của người nông dân thời bấy giờ. Đó là cuộc sống đói nghèo, tăm tối không có lối thoát, không biết ngày nào mới ngóc lên được. Mặc dù nhà thơ đồng cảm với người dân nhưng lại bất lực trước hiện thực, những câu hỏi đặt ra chỉ để lửng mà chẳng có lời đáp. Đó là lý do vì sao sau một thời gian làm quan dưới triều Nguyễn nhà thơ đã cáo quan về ở ẩn để tỏ thái độ bất mãn với chính quyền.

      Làm ruộng đã phản ánh thật chân thật cảnh sống của người nông dân, qua đó tố cáo thâm trầm nhưng sâu cay chế độ tàn ác của thực dân phong kiến. Đồng thời thể hiện nỗi day dứt, khát vọng thay đổi chính quyền của nhà thơ.

-----------------------------------------

Trên đây, Toploigiai đã hướng dẫn Phân Tích bài Thơ Làm ruộng của Nguyễn Khuyến. Bài thơ đã phơi bày cảnh sống nghèo nàn, khốn khổ của người nông dân. Qua đó tố cáo tội ác cùng chính sách sưu thuế nặng nề của chính quyền thực dân phong kiến.

icon-date
Xuất bản : 20/05/2023 - Cập nhật : 15/08/2023