logo

Viết 1 đoạn văn tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi

Ngoài những sáng tác về tình yêu quê hương đất nước, Tố Hữu còn là cây bút đại diện cho hồn thơ dạt dào viết về mẹ qua bài thơ Bầm ơi, Toploigiai sẽ cùng bạn sáng tỏ yêu cầu Viết 1 đoạn văn tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi nhé!


Tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi - Mẫu số 1

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…

      Mở đầu bài thơ, là câu hỏi tu từ gợi mở cho nỗi nhớ. Nguồn cảm xúc dạt dào được khơi nguồn từ một chiều thương nhớ của đứa con xa nhà, cụ thể là hình bóng mẹ trong một chiều giá rét. “ Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn “ - dáng hình mẹ hiện lên trong đó thật bé nhỏ. Đó là người phụ nữ suốt một đời tần tảo cần mẫn - “ chân lội dưới bùn tay cấy mạ non “ để nuôi con trưởng thành khôn lớn. Khái quát cụ thể về nỗi vất vả ấy, là dòng thơ khắc họa đầy thiết tha : “ con đi đánh giặc mười năm - chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi “. Không chỉ chịu thương chịu khó, bầm còn là người phụ nữ mạnh mẽ, dũng cảm khi nén đau thương để con lên đường ra trận phục vụ Tổ quốc, còn bản thân vẫn cấy cày để sản xuất tăng gia. Bầm và tình yêu to lớn đã trở thành nguồn động lực to lớn cho người chiến sĩ trên đường ra trận. Anh chưa báo hiếu được cho bầm, nhưng lý tưởng cả đời của anh ra trận chính bởi để bầm có được tự do độc lập. “ Mẹ già tóc bạc hoa râm - Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con “. Bài thơ khép lại với mái tóc đã bạc của bầm, nhưng tình mẫu tử thiêng liêng thì không vì thế mà phai mờ theo năm tháng. Bầm vẫn mãi là ngọn đuốc - là động lực to lớn nhất để con vững bước cầm súng giành lại hoà bình của nước nhà. 

Viết 1 đoạn văn tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi

>>> Tham khảo: Biện pháp tu từ trong bài Bầm ơi


Tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi - Mẫu số 2

      Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con. Có lẽ vì thế, mà người chiến sĩ dù có đi xa đến đâu, có phải trải qua mưa bom bão đạn tới đâu, thì trong lòng anh vẫn dạt dào nỗi nhớ thiết tha về người mẹ tảo tần đang đợi nơi hậu phương vững chãi. “ Bầm ơi “ là một trong những sáng tác hay của Tố Hữu, khi ông khắc hoạ thành công nỗi nhớ ấy, với giọng điệu gần gũi nhẹ nhàng. Hình ảnh người mẹ hiện lên vô cùng quen thuộc, gần gũi. Đó là chân dung người phụ nữ bé nhỏ, lội bùn cấy mạ giữa tiết trời sương giá của vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ. Qua từ “ heo heo gió núi - lâm thâm mưa phùn “. ta thực sự khâm phục trước nghị lực của bầm, dù đã ở tuổi xế chiều đứng bóng, Dù tiết trời có khắc nghiệt, hay bị sương giá cứa rách toạc đôi bàn tay, thì bầm vẫn một thân một mình không quản khó nhọc gặt mạ, chịu mưa rét lạnh buốt để mong sao một ngày có thể gặp lại đứa con. “ Bầm ra ruộng cấy bầm run “ - ở cái tuổi sáu mươi, nhưng ý chí kiên cường của bầm không vì thế mà phai nhạt. Vì con, mẹ chấp nhận hy sinh tất cả. nhường con lên đường để bảo vệ Tổ quốc. Hiểu được sự vất vả và sự hy sinh thầm lặng của mẹ, con càng nén nhớ thương để vững tâm cầm súng lên đường. Người mẹ tóc hoa râm bé nhỏ kiên cường cùng tình yêu bao la, chính là nguồn độc lực lớn cho người chiến sĩ trên mỗi bước đường hành quân. 


Tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi - Mẫu số 3

      Bằng việc sử dụng một loạt từ láy tượng hình, kết hợp với giọng điệu mộc mạc gần gũi, Tố Hữu đã thành công khơi nguồn nỗi nhớ của người chiến sĩ trên cung đường ra trận, qua bài thơ “ Bầm ơi “. Tình mẫu tử vốn là thứ tình cảm thiêng liêng, sâu đậm nhất của mỗi người. Trong bài thơ, dáng hình người mẹ hiện lên thật cần mẫn, kiên cường trước khó khăn gian khổ. Bằng một loạt các cụm từ gợi tả như: “ hoa râm mái đầu”. “ đã ngoài sáu mươi”. “ ra ruộng cấy bầm run”... Tố Hữu đã tái hiện ra trước mắt ta chân dung người phụ nữ Việt Nam một sương hai nắng. Tuy đã có tuổi, nhưng mẹ vẫn chăm chỉ chịu khó “ chân lội dưới bùn tay cấy mạ non”. “ Con đi trăm núi ngàn khe - Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm “. Đó là nỗi đau xót phải kìm nén lại, khi gửi đứa con trai thân yêu lên đường bảo vệ Tổ quốc. Con chưa báo hiếu được cho bầm, nhưng vì bầm nên con phải đi giành lại độc lập tự do. Hiểu điều ấy, hơn ai hết, bầm ở hậu phương cố gắng sống thật tốt, mong sao tới ngày được gặp lại con, tới ngày đất nước hoà bình. Người mẹ Vệ quốc quân, chịu cái giá sương buốt lạnh của miền Bắc để chân lội dưới bùn tay cấy mạ non; người mẹ Vệ quốc quân thương yêu chiến sĩ như chính con ruột của mình: “ Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí - Bầm quý con, bầm quý anh em”. Bầm chính là nguồn sức mạnh to lớn, vững bước cho người lính trên cung đường ra trận. Từ láy “ heo heo “ và “ lâm thâm” đã diễn tả cái khắc nghiệt của thời tiết, đối lập với đó là sự hy sinh to lớn của bầm. Bằng ngôn ngữ giản dị cùng giọng điệu gần gũi tha thiết, Tố Hữu đã giúp người đọc hiểu hơn về nỗi gian truân của bầm, cùng tinh thần chiến đấu vững vàng của nhân dân ta, trong buổi đất nước gặp gian khó. 

----------------------------------------

Vừa rồi, Toploigiai đã cùng các bạn Viết 1 đoạn văn tả hình ảnh của người mẹ trong bài tập đọc Bầm ơi của nhà thơ Tố Hữu. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt.

icon-date
Xuất bản : 15/04/2023 - Cập nhật : 13/07/2023