logo

Việc xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên có ý nghĩa như thế nào?


Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua từng thời kì

Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho khởi dựng Văn Miếu để tôn thờ và bồi dưỡng Nho học. Đây là nơi thờ phụng những bậc tiên thánh như Khổng Tử, Chu Công…Đến năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu. Đây được xem là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con các bậc đại quyền quý và con vua chúa.

Việc xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên có ý nghĩa như thế nào

Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện, cho mở rộng và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có học lực xuất sắc. Chức năng của trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của một nơi tế lễ.

Đến thời Hậu Lê, Lê Thái Tổ vừa lên ngôi đã quan tâm đến việc giáo dục. Tuyển chọn các Nho sinh ưu tú ở các nơi vào Quốc Tử Giám để được các thầy giỏi giảng dạy. Đặc biệt, Nhà Lê còn khuyến khích dựng trường, mở lớp ở các nơi, để nâng cao dân trí.

Đời Lê Thánh Tông (1483) cho phát triển in sách.  Đặt ra lệ khắc tên tuổi Tiến sĩ vào bia đá cho những người thi đỗ từ năm 1442. Mỗi khoa thi một tấm bia. Đời vua Lê Hiển Tông (1779) vẫn còn tất cả 116 tấm bia đá trên lưng rùa đá. Năm 1802, nhà Nguyễn cho xây thêm Khuê Văn Các để các nhà Nho làm thơ và bình thơ.

Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi rằm tháng Giêng hằng năm Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức báo cáo kết quả của nền văn học trong năm và bình những bài thơ hay. Đây là nơi nhà nước tổ chức trao các hàm, học vị: Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ… cho những trí thức mới.


Kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.

Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.

Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.


Ý nghĩa xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên 

- Việc xây dựng văn miếu, quốc tử giám có ý nghĩa:

+ Ngôi trường đầu tiên của Đại Việt thời bấy giờ

+ Tôn vinh những người tài, có khả năng giúp nước

+ Là nơi rèn luyện các Trạng Nguyên để trở thành người tài giỏi giúp nước

Việc xây dựng Văn Miếu, thành lập Quốc Tử Giám không chỉ là minh chứng ghi nhận quyết sách về đường hướng của nền giáo dục mà còn thể hiện cả lý tưởng xây dựng nền trị đạo nhân nghĩa trên đất nước ta.

- Việc thực hiện các khoa thi cho thấy nhà Lý đã bước đầu sử dụng con đường khoa cử để tuyển chọn nhân tài, đặt cơ sở đưa đất nước phát triển.

icon-date
Xuất bản : 01/07/2022 - Cập nhật : 16/10/2023