logo

Tình hình kinh tế thời Trần có những điểm gì nổi bật


Câu hỏi: Tình hình kinh tế thời Trần có những điểm gì nổi bật?

Trả lời:

- Nông nghiệp:

+ Nhà Trần thực hiện nhiều chính sách nhằm phục hồi và phát triển nông nghiệp:

 Khuyến khích khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác.

 Đào sông ngòi, đắp đê phòng lụt.

 Đặt các chức quan chuyên lo nông nghiệp và thuỷ lợi.

+ Ngoài trồng lúa, nhân dân còn trồng nhiều loại cây khác

- Thủ công nghiệp: Phát triển

+ Mở rộng xưởng thủ công nhà nước, trình độ kỹ thuật được nâng cao như: Dệt tơ lụa, đóng thuyền lớn đi trên biển, chế tạo súng

+ Hàng thủ công trong nhân dân tăng như: Làm gốm, rèn sắt, đúc đồng, làm giấy,…

+ Thợ thủ công cùng nghề học thành làng nghề ở nông thôn như làng gốm Bát Tràng, tại Thăng Long thành phường nghề.

+ Trình độ kỹ thuật và mặt hàng sản xuất được thống nhất và nâng cao về chất lượng.

- Thương nghiệp: Phát triển mạnh mẽ

+ Tiền được sử dụng phổ biến.

+ Buôn bán phát triển. Trung tâm buôn bán là Thăng Long, Nam Xang, vân Đồn là nơi buôn bán với thương nhân nước ngoài

+ Thuyền buôn ngoại quốc thường xuyên đến buôn bán ở các cảng.

+ Gốm sứ trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Đại Việt.

Kiến thức vân dụng về thời nhà Trần


1. Khái quát chung về thời nhà Trần

Nhà Trần hoặc Trần triều (Hán-Nôm: 家陳 ・陳朝, nhà Trần  · Trần triều) là triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi vua Thái Tông lên ngôi năm 1225 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Lý, trải qua 12 triều vua và chấm dứt khi vua Thiếu Đế, khi đó mới có 5 tuổi bị ép thoái vị vào năm 1400 để nhường ngôi cho ông ngoại là Hồ Quý Ly - tức Lê Quý Ly – tổng cộng là 175 năm.

Trong thời đại của vương triều này, nhà Trần tiếp tục đóng đô ở kinh đô Thăng Long (nay là Hà Nội) và bảo toàn được lãnh thổ vẹn toàn sau ba lần xâm lược của quân Mông-Nguyên ở Trung Quốc. Về chính sách chính trị, các vua nhà Trần cũng xây dựng bộ máy nhà nước hoàn thiện hơn so với nhà Lý. Cả các mặt kinh tế-xã hội, giáo dục và nghệ thuật cũng hoàn chỉnh hơn và cho thấy Nho giáo đã có ảnh hưởng rõ rệt tới triều đại. Dưới triều Trần, lực lượng quân đội được chú trọng phát triển đủ sức đánh dẹp các cuộc nội loạn và đương đầu với quân đội các nước lân bang. Mặc dù nhà Trần rất hưng thịnh trong những năm đầu, tuy nhiên triều đại bắt đầu suy yếu từ năm 1357 khi vua Trần Minh Tông qua đời, và trong tình trạng rối ren, Hồ Quý Ly đã cướp ngôi vào năm 1400. Triều đại Trần chính thức kết thúc từ đây.

Dưới triều Trần, có những sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là sự kiện Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo quân dân ba lần đánh bại đội quân Mông-Nguyên-vốn được mệnh danh là đội quân mạnh nhất thời bấy giờ.

Tình hình kinh tế thời Trần có những điểm gì nổi bật

2. Ngoại giao thời Trần

a. Chính sách đối nội

Thực hiện chính sách nhằm đoàn kết dân tộc và xây dựng nhà nước quân chủ vững mạnh triều Trần như : 

+ Luôn coi trọng vấn đề an ninh của đất nước. 

+ Quan tâm đến đời sống nhân dân : đắp đê chống lụt, quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. 

+ Chính sách “nhu viễn” đối với các vùng dân tộc ít người.

b. Chính sách đối ngoại 

+ Thực hiện chính sách mềm dèo, khéo léo nhưng kiên quyết giữ vững độc lập và chủ quyền đối với các triều đại phương Bắc (triều cống đầy đủ nhưng sẵn sàng kháng chiến nếu xâm phạm đến lãnh thổ Đại Việt).

+ Đối với các nước láng giềng phía tây và phía nam như Lan Xang, Cham-pa và Chân Lạp, nhà nước Đại Việt luôn giữ quan hệ thân thiện, mặc dù đôi lúc xảy ra chiến tranh.


3. Bộ máy quan lại thời Trần

- Bộ máy quan lại thời Trần được tổ chức theo chế độ quân chủ trung ương tập quyền.

- Đứng đầu nhà nước là vua, thời Trần thực hiện chế độ Thái thượng hoàng (lưỡng đầu chế). Các vua thường nhường ngôi sớm cho con và tự xưng là Thái thượng hoàng, cùng với vua (con) quản lí đất nước.

- Ở trung ương:

+ Các chức quan đại thần như: quan văn, quan võ phần lớn do người họ Trần nắm giữ.

+ Nhà Trần đặt thêm một số cơ quan như Quốc sử viện (đảm nhiệm việc viết sử), Thái y viện (coi việc chữa bệnh trong cung), Tôn nhân phủ (nắm sự vụ của họ hàng tôn thất) và một số chức quan như Hà đê sứ, Khuyến nông sứ, Đồn điền sứ,…

- Ở địa phương:

+ Cả nước được chia thành 12 lộ. Đứng đầu lộ là các chức chánh, phó An phủ sứ.

+ Dưới lộ là phủ, do chức tri phủ cai quản.

+ Châu, huyện do các chức tri châu, tri huyện trông coi.

+ Dưới cùng là xã, do xã quan đứng đầu.


4. Giáo dục thi cử thời Trần

Đời nhà Trần, văn học được mở mang, Nho học cũng phát triển hơn so với thời Lý.

Ngoài Quốc Tử Giám có tại kinh đô từ đời nhà Lý, nhà Trần cho lập thêm Quốc Học viện để giảng Tứ Thư và Ngũ Kinh. Tại các lộ cũng cho mở trường học để dạy cho dân chúng.

Trước kia dưới triều nhà Lý, có mở những khoa thi tam trường để lấy cử nhân, nhưng các khoa thi chỉ được mở ra khi nào triều đình cần người tài giỏi ra giúp nước chứ chưa có mở định kỳ. Năm 1232, vua Trần Thái Tông cho mở khoa thi thái học sinh để lấy tiến sĩ theo định kỳ cứ 7 năm thì có một kỳ thi. Năm 1247, nhà vua lại cho đặt ra khảo thi tam khôi để lấy trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Lê Văn Hưu là người đầu tiên đậu bảng nhãn.

Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần đã tổ chức 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), lấy 283 người đỗ. Có 2 khoa thi 1256 và 1266 lấy 2 trạng nguyên là Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên nên tổng số có 12 người đỗ đầu trong các kỳ thi.


5. Các vị vua thời Trần

Nhà Trần trị vì đất nước ta được 175 năm (1225 - 1400), qua 12 đời vua, bao gồm:

 - Trần Thái Tông (1225-1258)

 - Trần Thánh Tông (1258-1278)

 - Trần Nhân Tông (1279-1293)

 - Trần Anh Tông (1293-1314)

 - Trần Minh Tông (1314-1329)

 - Trần Hiển Tông (1329-1341)

 - Trần Dụ Tông (1341-1369)

 - Trần Nghệ Tông (1370-1372)

 - Trần Duệ Tông (1372-1377)

 - Trần Phế Ðế (1377-1388)

 - Trần Thuận Tông (1388-1398)

 - Trần Thiếu Ðế (1398-1400) 

icon-date
Xuất bản : 01/07/2022 - Cập nhật : 14/10/2023