logo

Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài Ánh Trăng


Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài Ánh Trăng - Mẫu 1

Trong một chuyến đi chơi xa cùng trường, tôi đã được đến viện bảo tàng để tham quan, vốn muốn nghiên cứu về lịch sử nên tôi đã đến khu trưng bày vũ khí và các thiết bị thời chiến tranh. Ở nơi này tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

Cũng như bao bạn khác, đang mãi mê ngắm nhìn những đồ vật trưng bày thì bất ngờ tôi trông thấy một bác tầm 70 tuổi đang say sưa đứng nhìn chiếc xe tăng. Tuy đã lớn tuổi nhưng trông bác vẫn còn phong độ với bộ quân phục xanh của bộ đội. Trên ngực trái gắn nhiều huân chương. Bác nhìn chiếc xe có vẻ rất trìu mến. “Có khi nào bác cũng là một người lính không?”, tôi nói với chính bản thân mình sau đó tiến lại gần để hỏi bác:

- Cho cháu hỏi, từ nãy đến giờ cháu thấy bác cứ để ý đến chiếc xe này mãi, phải chăng bác và chiếc xe tăng này có mối quan hệ gì với nhau sao ạ?

- Đúng rồi cháu, bác từng là một người lính nhưng giờ đã được trở về quê hương, cháu học lớp mấy rồi?

- Cháu học lớp 9 rồi bác ạ!

- Ồ! Vậy chắc hẳn cháu đã học bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy rồi phải không? Bác là người lính trong bài thơ đó đấy cháu à.

Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài Ánh Trăng

 

Nghe đến đây, tôi rất bất ngờ và cũng cảm thấy thật phấn khích vì muốn nghe bác kể về những người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó, tôi nói:

- Thật không ạ? Bác có thể kể cho cháu nghe về bác trong bài thơ đó không ạ? Tuy đã học nhưng cháu vẫn muốn được nghe kể từ chính “nhân chứng sống” a!

- Được thôi cháu! 

Bác ôn tồn kể cho tôi nghe:

- Bác đã từng có một tuổi thơ rất êm đềm, vô tư cùng với thiên nhiên, với đồng ruộng, cây cỏ, sông bể, và đặc biệt nhất vẫn là ánh trăng, tuổi thơ của bác gắn liền với rất nhiều kỉ niệm về vầng trăng tròn. Khi lớn lên, bác trở thành người lính. Từ làng quê bác đến với núi rừng. Mọi thứ, không gian, hoàn cảnh sống đều thay đổi. Điều đó làm cho bác gặp chút khó khăn ban đầu. Nhưng rồi bên bác luôn có vầng trăng. Trăng cùng bác trên đường hành quân. Trăng bên bác trong những lúc phục kích giặc… À, cháu có biết trăng trong bài thơ của Nguyễn Duy còn là tượng trưng cho điều gì nữa không?

- Dạ theo con được biết trăng là tượng trưng cho thiên nhiên. Trăng chính là đồng đội nghĩa tình, chung thủy luôn bên bác chia sẻ những khó khăn vất vả trong cuộc sống. Trăng là nhân dân đùm bọc che chở cho các bác trước kẻ thù.

- Đúng rồi cháu ạ, bác và thiên nhiên cứ như hòa làm một vậy, không còn khoảng cách, sống vô tư, không tính toán, vụ lợi, sống hồn nhiên như cây cỏ, lúc ấy chú luôn ngỡ là mình sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh của người bạn tri kỉ - vầng trăng tròn năm tháng sát cánh cùng với bác như nhân dân, như đồng đội nghĩa tình, luôn ủng hộ và lắng nghe những lời tâm sự của bác.

- Thế rồi chiến tranh kết thúc, bác được về thành phố và vầng trăng thành người dưng.

Nghe tôi nói vậy, bác trầm tư nhìn vào khoảng khoảng lặng và tiếp tục kể với giọng ngậm ngùi:

- Khi cuộc kháng chiến kết thúc, bác được trở về thành phố, có một cuộc sống hiện đại, bác chi lo hưởng thụ những thứ như: đèn ánh điện, cửa gương,... Vầng trăng hằng ngày đi lên trên bầu trời cũng bị bác coi như người dưng chẳng quen biết nhau, như là những ngày tháng cùng sát cánh bên nhau trong quá khứ chưa từng tồn tại vậy. Trong cuộc sống cũng vậy, lúc con người trở nên thành đạt và giàu sang thì họ thường quên đi những người đã từng giúp đỡ mình vào những lúc khó khăn nhất để rồi sau đó sau khi sự nghiệp đỗ vỡ thì họ lại tìm về với những con người họ đã từng bỏ đi kia để mong rằng người đó vẫn còn xem mình như một người bạn, một người tri kỉ vậy, cháu phải nhớ bài học này nhé!

- Vâng ạ! Cháu sẽ ghi nhớ mãi bài học này.

- Bỗng đèn điện trong tòa nhà cao tầng tắt đi, căn phòng tối om, chật hẹp, bác mới vội bật tung cửa sổ thì lại nhìn thấy vầng trăng tròn ngày nào đã từng sát cánh bên bác - người bạn mà bác đã quên đi, bác ngửa mặt lên đối đầu với trăng, bác rưng rưng xúc động vì bao kỉ niệm của bác với người bạn này ùa về: lúc bác còn bé, lúc tham gia khán chiến trên rừng. Nhưng cháu biết không, vầng trăng vẫn tròn trịa như ngày nào, giống như là đồng đội vẫn còn đang sống nghĩa tình với bác, từ đó bác đã nhận ra rằng mình đã sống quá vô tâm, thờ ơ. Nhưng ánh trăng lại im lặng, nghiêm khắc như là một lời cảnh báo cho những người đã quên đi quá khứ, quên đi đồng đội và nhân dân.

- Câu chuyện của bác làm cho cháu nhận ra thật nhiều triết lý trong cuộc sống, và cũng cho cháu một bài học thật quý báu, cháu cảm ơn bác rất nhiều!

- Không có gì đâu cháu!

Tôi với bác trò chuyện một lúc lâu sau đó thì giáo viên chủ nhiệm và các bạn tôi đã đến để thông báo sắp đến giờ trở về, tôi gửi cho bác lời chúc sức khỏe rồi tạm biệt bác.

Trên đường trở về, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện của bác, một câu truyện mang đầy ý nghĩa nếu ta chịu dành thời gian để suy nghĩ và tự nhủ bản thân phải sống thật tốt với mọi người xung quanh để họ không phải chịu bất kỳ sự tổn thương nào.

>>> Tham khảo: Top 10 đoạn văn về khả năng trì hoãn mong muốn tức thời để thành công


Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài Ánh Trăng - Mẫu 2

Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài Ánh Trăng

Trời càng về đêm càng lạnh, gió rít gào trên những vòm cây cao vút, rì rào một bản nhạc kì dị. Rùng mình một cái, tôi lặng lẽ bước dài hơn, nhanh chóng tới ngôi nhà có hơi ấm của ngọn lửa đằng kia. Tôi đang có một chuyến đi thực tế ở vùng núi Trường Sơn để lấy tư liệu cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Phải! Là sinh viên đại học, khi con người đang ở cái ngưỡng của đam mê, của tìm tòi, khám phá, tuổi trẻ và niềm yêu thích thúc giục tôi bắt đầu cuộc hành trình đến dãy Bắc Trường Sơn này – dãy núi của chiến công hiển hách, nhân chứng của chiến tranh Việt Nam.

Một cơn gió mang lại hơi lạnh luồn qua khe áo đã nhắc nhở tôi rằng mình cần một nơi đủ ấm áp để trú ngụ qua đêm. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi mình đã đến căn nhà nhỏ bằng gỗ, tỏa ra thứ hơi ấm của con người. “Ở đây có người ở!” – tôi thầm nghĩ rồi nhẹ nhàng gõ cửa. Một bà lão mặt đầy nếp nhăn bước ra cùng với đứa cháu tầm tám chín tuổi. Sau khi chào hỏi, tôi nói với bà mong sẽ được ngủ nhờ một đêm. Bà lão vui vẻ đồng ý. Sự đón tiếp của bà làm tôi cảm thấy ấm lòng như gia đình vậy.

Loay hoay tìm chỗ cất ba lô và đồ dùng leo núi, tôi chợt nhận ra trong nhà còn có thêm một người nữa. “Đó là một người lính” – tôi lặng lẽ thốt lên, khá nhỏ nhưng vẫn thu hút sự chú ý của người kia. Mái tóc anh đen, nước da ngăm ngăm nhưng vẻ mặt lại là người có trí thức. Đặc biệt, bộ đồ anh đang mặc là quân phục xanh lá. Thật kì lạ làm sao khi một người lính đáng nhẽ đang ở nhà sau khi hòa bình đất nước được lập lại thì lặn lội đến vùng núi hẻo lánh. Có thể nào anh là con của chủ nhà? Cũng có khả năng. Dòng suy nghĩ của tôi bị dập tắt bởi câu nói:

- Cháu cũng là khách xin ngủ nhờ phải không? Chú cũng thế! Xin chào.

Điều khiến tôi chú ý là người lính đó xưng “ chú ” và gọi tôi là “ cháu”. Nhưng thực sự trông chú ấy rất trẻ, hẳn là do cái dáng vẻ trí thức và là người dân thành phố. Chỉ là đoán mò mà thôi nhưng không hiểu sao tôi lại đinh ninh như thế. Tôi đáp:

- Chào chú! Cháu là sinh viên trường Khoa học xã hội và nhân văn, lên đây tìm tư liệu tham khảo cho luận văn tốt nghiệp. Xin hỏi chú có việc gì mà lên tận đây ạ?

Người lính có vẻ ngạc nhiên, rồi chú đáp:

- Chú là cựu chiến binh, từng chiến đấu với đồng đội ở dãy Trường Sơn này. Nay quay về đây tìm lại kỉ niệm xưa cũ. Cháu biết đấy. Có những thứ luôn khiến người ta hoài niệm.

Đưa mắt nhìn lên bầu trời, tôi thấy ánh trăng trên cao như đã dát vàng cả một vùng rừng xào xạc. Trăng đêm nay tròn và sáng quá, đối lập hẳn với cái thời tiết lạnh lẽo nơi đây. Dường như càng lên núi cao, tôi cảm nhận được mình gần trăng hơn một chút. Một cảm giác được gần gũi với thiên nhiên khiến tôi vui vẻ:

-Trăng đẹp quá chú nhỉ!

Không biết cố ý hay vô tình mà tôi cảm nhận được, trong một giây nào đó, hàng ngàn cảm xúc lướt qua ánh mắt của người lính kia. Chú đáp:

- Ừ, trăng vẫn đẹp đẽ như thế, đấy là cái đẹp vĩnh hằng, là cái đẹp ân tình thủy chung khiến lòng người phải ngỡ ngàng.

Tôi cảm thấy lạ. Dường như biết được sự tò mò của tôi, người lính chậm rãi nói giọng nghẹn ngào bao xúc cảm:

- Chú năm nay gần năm mươi tuổi rồi. Chắc cháu nghĩ chú trẻ hơn vì chú vốn là người thành phố. Sống ở thành phố đã được mười lăm năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tuy vậy nhưng ngày còn bé, chú lại cùng gia đình sống ở quê, thế nên tuổi thơ chú gắn bó với những gì ở nông thôn, mộc mạc, dân dã. Thiên nhiên lúc đó đẹp mà gần gũi lắm cháu ạ: nào đồng, sông, bể, cả ánh trăng đẹp đẽ nữa!

Tôi thích thú và tập trung lắng nghe. Chú nói tiếp, càng lúc càng chậm rãi, từ tốn, cứ như một người bạn lâu năm đang trút bầu tâm sự.

- Cháu biết không? Hồi chiến tranh ở rừng, khi mọi điều kiện vật chất đều thiếu thốn thì chỉ có đời sống tinh thần mới là động lực chính để ta tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu. Vầng trăng, nó là đời sống tinh thần của chú và đồng đội đấy cháu ạ! Vầng trăng luôn bên chú đã cùng sống và chiến đấu. Trăng tự nhiên trở thành chỗ thân quen. Không gò bó ép buộc! Bây giờ nghĩ lại ,chú vẫn nhớ rõ mồn một những cảm xúc rối ren lúc đó, bàng hoàng, sợ hãi, xúc động, rưng rưng. Những hình ảnh như một đoạn phim tua chậm lướt qua đầu chú. Chú thấy ở trăng có đồng, có rừng, có sông, có bể, tựa như trăng đã ghi lại tất cả những khoảnh khắc tươi đẹp đó, chờ một ngày ta quên, sẽ cho ta thấy, để ta hối hận, day dứt để ta thấy mình đã bội bạc như thế nào!

Tôi xúc động ngắm nhìn vầng trăng, lặng lẽ hoài niệm về tuổi thơ của chính mình. Sao tôi thấy trăng bây giờ mới là sáng nhất!

Người lính không để ý đến sự im lặng của tôi, tiếp tục kể.

- Trăng đẹp nhất vào lúc chú ngỡ ngàng nhất! Dường như trăng vẫn mãi ở đó cháu ạ! Trăng vẫn một mực chung thủy. Chỉ có lòng người thay đổi. Cháu có biết sự trách cứ nặng nề nhất là gì không. Đó là sự im lặng cháu ạ! Ánh trăng lúc đó cứ im phăng phắc, như cố tình cho ta thời gian để cho ta hoài niệm, để nhận ra mình đã vô tình biết bao nhiêu! Chính sự im lặng đó đã khiến chú giật mình, theo đúng nghĩa.Tôi lên tiếng:

-Vậy giờ chú trở lại đây vì cảm thấy có lỗi với vầng trăng hay sao?

- Một phần thôi cháu ạ! Chú muốn trở lại là chú của trước kia, chú muốn sống lại cái thời kì diệu ấy, với thiên nhiên, với vầng trăng!

Tôi nghe tiếng côn trùng kêu, tiếng gió lùa. Nhưng sau tất cả, tôi lại nghe thấy trong tim tôi – một trái tim nóng bỏng yêu thương và sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, giọng nói vang vọng từ tâm hồn, nhắc nhở tôi sống sao cho tình nghĩa, thủy chung, sống sao để không hổ thẹn với quá khứ, với những tuyệt vời mình đã trải qua.

Cuộc trò chuyện với người lính làm tình yêu thiên nhiên trong tôi tăng lên gấp bội. Sau khi chào tạm biệt. Tôi đắp chăn đi ngủ, lòng thầm nghĩ mình đã tìm được tư liệu quý giá cho bài luận văn tốt nghiệp của mình. Ngoài trời vẫn tràn ngập ấm áp của ánh trăng.

Mẫu 3

Vào những ngày cuối tuần, tôi thường hay ngồi đọc sách, đó là một cách để thư giãn sau một tuần đi học mệt mỏi. Buổi sáng chủ nhật hôm ấy, tôi vẫn đọc sách như mọi khi thì bỗng bố tôi đi chơi. Tôi khá bất ngờ vì một người bận rộn như bố thường tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà vào những ngày cuối tuần với những công việc đã thành thói quen như xem ti-vi, đọc báo… Tôi ngạc nhiên vội hỏi rằng hai bố con sẽ đi đâu, bố mỉm cười:

– Đó là một nơi rất thú vị, khi nào đến thì con sẽ biết.

Nghe bố nói vậy, tôi không hỏi nữa và háo hức chuẩn bị đi ngay.

Tôi đã tưởng tượng ra nào là công viên, khu vui chơi… nhưng không ngờ rằng đó lại là một quán cà phê ở Hàng Buồm, Hồ Gươm thật giản dị với cái tên “Lính”. Tôi cảm thấy tò mò và thích thú khi bước vào. Đây là một quán cà phê rất lạ mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Mọi vật trong căn phòng có cái gì đó rất thiêng liêng. Những chiếc ba-lô của người lính, những chiếc mũ cối, những khẩu súng trường, áo chống đạn… Tất cả như đưa tôi trở về với quá khứ của một thời chiến tranh bom rơi đạn nổ.

Tôi nhìn toàn bộ căn phòng, nơi đây không khác gì một “viện bảo tàng nhỏ” trưng bày những ký vật thời chiến tranh. Đang say sưa ngắm nhìn xung quanh, chợt tôi thấy  một bác trung niên tầm tuổi bố tôi, bước ra chào hỏi và bắt tay bố thân mật.  Sau đó, tôi mới biết đó là một buổi hẹn trước của bố và một người bạn hồi còn đi lính. Quán hàng hôm nay thật yên tĩnh mà có cảm giác như không gian rộng lớn thu nhỏ về một góc nơi ba con người đang nói chuyện. Ba li cà phê bốc hơi nghi ngút, mở đầu cho cuộc nói chuyện giữa bố con tôi và người bạn của bố.

Bố giới thiệu với tôi rằng bác tên Trung, là người bạn thân của bố thời chiến. Bố và bác Trung đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, thử thách trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt. Thoáng nhìn qua người bạn của bố mình, tôi thấy dù bằng tuổi bố nhưng trông bác già dặn hơn đôi phần. Khuôn mặt vuông chữ điền cùng với những vết chân chim nơi viền mắt tạo nên một vẻ hiền hòa, từng trải và có cái gì đó trầm lặng. Con người bác toát nên một vẻ giản dị mà nghiêm trang đồng điệu với không khí của quán cà phê kì lạ này. Đang mải mê suy nghĩ chợt bác Trung hỏi tôi:

– Chắc cháu thắc mắc về quán cà phê này lắm nhỉ?

Tôi liền đáp lại:

– Dạ, vâng ạ. Sao quán cà phê này lạ thế hả bác?

Bác cười xòa, uống một ngụm cà phê, tiếp lời:

– Quán cà phê này với bác không phải là một cửa hàng để kinh doanh mà nó là nơi lưu giữ những kỉ niệm, hồi ức về những năm tháng không thể nào quên.

“Thì ra là vậy” – Tôi tự nói với chính mình. Tôi đã phần nào hiểu được mục đích mà bố dẫn tôi đến đây. Thấy thích  thú, tôi hỏi:

– Vậy ấn tượng đặc biệt nhất của bác về thời chiến là gì ạ?

Bác Trung không vội trả lời, ánh mắt hướng về góc quán, nơi trưng bày những bức hình thời chiến. Đó là tấm hình của một vầng trăng tròn, đẹp đến lạ thường. Vẫn nhìn vào đó, bác nói với tôi như đang tự nói với chính mình:

– Đối với bác chiến tranh không phải chỉ về hình ảnh bom rơi đạn nổ mà còn là về hình ảnh một người bạn đặc biệt đã giúp bác nhận thức được nhiều điều về chân lí cuộc sống – vầng trăng.

Tôi thoáng ngạc nhiên, dường như đọc được vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, bác kể tiếp:

– Hồi nhỏ bác sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà nơi ấy có tất cả những vẻ đẹp đơn sơ, giản dị nhất của làng quê Việt Nam. Nơi ấy có những đồng lúa, những dòng sông cùng với biển rộng và cát trắng. Vầng trăng đã gắn bó với bác từ thời ấu thơ, bác có thể ngắm nhìn cái ánh sáng hư ảo ấy ở mọi nơi. Bác vẫn còn nhớ, hồi nhỏ và mỗi buổi tối, bác cùng những người bạn của mình ra ngoài biển vui chơi. Ánh trăng trên mặt biển sáng lấp lánh như đang lướt theo những con sóng vỗ vào bờ. Làn gió thổi nhẹ mang theo cái vị mặn mòi của biển cả, tiếng sóng biển rì rào và vầng trăng tỏa sáng lấp lánh mỗi đêm mùa hạ êm như nhung đã in dấu và tuổi thơ bác. Rồi khi đi bộ đợi, vầng trăng cũng lại gắn liền với bác. Chắc cháu sẽ nghĩ rằng cuộc đời của một người chiến sỹ sẽ chỉ có súng đạn, khói lửa chiến tranh nhưng đời lính cũng có những giây phút rất nên thơ và lãng mạn. Những lúc ấy, vầng trăng là tri  kỷ. Trăng đã  luôn đồng hành với bác trên những con đường hành quân ra trận, những buổi họp đội, những lần phục kích chờ giặc. Nhờ có vầng trăng, những người lính như được tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng lên những ước mơ và hy vọng hòa bình. Bác đã ngỡ rằng mình sẽ không bao giờ quên người bạn tâm tình ấy. Vậy mà…

Ngừng lại, dường như tôi có thể nghe thấy một tiếng thở dài nơi bác. Im lặng, tôi chờ bác nói tiếp:

– Sau khi kết thúc chiến tranh, bác lên thành phố sinh sống. Khác với cuộc sống khổ cực nơi thôn quê thời chiến, cuộc sống thành thị tiện nghi và hiện đại hơn nhiều. Ngày trước dường như ánh sáng của vầng trăng là duy nhất, mỗi đêm hè chỉ ao ước ngồi ở thềm nhà để ngắm trăng. Học cũng chỉ dưới ánh sáng lung linh huyền ảo ấy. Nhưng bây giờ đã khác. Không cần đến trăng, mọi sinh hoạt của con người đều được rọi sáng bằng đèn điện. Thế là bác cũng chẳng còn thói quen ngắm trăng nữa. Mỗi khi đêm xuống, vầng trăng xuất hiện , bác cũng không còn cái háo hức chờ đợi. Vầng trăng đã trở thành người dưng không quen biết. Cho đến một hôm, cả tòa nhà nơi bác sống bị mất điện. Căn phòng tối om, bác vội bật tung cửa sổ, vầng trăng xuất hiện ngay trước mắt bác. Trong lòng bác lúc ấy như có một xúc cảm mạnh mẽ trào dân khiến khóe mắt như có gì rưng rưng. Nhìn thấy vầng trăng quen thuộc ấy, bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Những khoảnh khắc ngắm trăng hiện ra như trước mắt. Vầng trăng vẫn tròn đầy, vẫn lung linh mặc cho thời gian có chảy trôi  mặc cho người đời có thay đổi. Chỉ trong giây phút ấy, bác đã hiểu ra được nhiều điều. Bác tự trách mình đã vô tâm, đã quên đi một người bạn tri âm tri kỷ.

Giọng nói bác trầm ấm, đôi mắt bác đỏ hoe, có cái gì đó lắng đọng. Có  lẽ vì bác xúc động quá. Và như có  một điều gì đã vỡ lẽ trong tâm trí tôi. Tôi hiểu rằng mình được sinh ra và lớn lên ở thời bình không hiểu được cái khó khăn gian khổ thời chiến. Hạnh phúc, sự yên ấm ngày hôm nay có được là nhờ sự hi sinh nương náu của biết bao người. Vì vậy, mình phải biết nhìn lại quá khứ, suy nghĩ về những điều mình đã làm, về moi người xung quanh để cảm, để hiều và để trân trọng nhưng giây phút của hiện tại.

Trước khi hai con bố con tôi trở về nhà, bác Trung đã tặng tôi bức tranh vầng trăng của quán và ôn tồn dặn tôi rằng:

– Cuộc sống giờ đây bộn bề với biết bao nhiêu tấp nập và hối hả, con người ta dễ vô tâm, lãnh cảm với những giá trị truyền thống, với quá khứ nghĩa tình. Đôi khi cháu phải biết nhìn “ngược”, sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn.

Tôi liền nói cảm ơn với bác vì nhờ có câu chuyện của bác ngày hôm nay mà cô bé này đã có thêm một bài học bổ ích trong cuộc sống. Trên đường trở về nhà, tôi chợt nhớ đến một câu nói của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình”.

--------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn tìm hiểu về câu hỏi Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với người lính trong bài Ánh Trăng. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này, chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 24/09/2022 - Cập nhật : 24/09/2022