logo

Tư tưởng, chủ đề là gì?

Để đánh giá giá trị của một tác phẩm văn học, giá trị của người cầm bút, người ta vẫn thường tìm đến ba quy chuẩn về tư tưởng, chủ đề; về phương diện nghệ thuật và những đóng góp vào sự nghiệp văn chương nước nhà. Có thể thấy, tư tưởng, chủ đề là yếu tố không thể thiếu trong mỗi tác phẩm. Sau đây, mời các bạn theo dõi bài viết Tư tưởng, chủ đề là gì?


Khái niệm Tư tưởng, chủ đề

Nếu chủ đề thuộc phương diện khách quan trong tác phẩm văn học thì tư tưởng được đánh giá thuộc về phương diện chủ quan.

Tư tưởng trong tác phẩm văn học được xác định là linh hồn, hạt nhân của tác phẩm. Đó là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu cùng với nhận thức, quan niệm mà tác giả muốn trao đổi, gửi gắm, đối thoại với người đọc. Do yêu cầu của tư duy khái quát, người ta thường đúc kết tư tưởng của tác phẩm bằng một số mệnh đề ngắn gọn, trừu tượng.

Chủ đề là thành phần cơ bản nội dung khái quát của tác phẩm. Đó là những tư tưởng hoặc những vấn đề mà thông qua tác phẩm, tác giả muốn truyền tải, phản ánh hiện thực tới người đọc. Nói cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất.


Vai trò Tư tưởng, chủ đề

1. Tư tưởng

Tư tưởng đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện cá tính của tác giả, nội dung của tác phẩm. Vai trò của tư tưởng có thể biểu hiện qua các khía cạnh:

- Khai thác chủ đề và ý tưởng: Tư tưởng của người viết ảnh hưởng đến việc lựa chọn chủ đề và ý tưởng cho tác phẩm. Thông thường, người viết sẽ sử dụng văn bản (văn xuôi, thơ…) để diễn giải để từ đó phản ánh tư tưởng.

- Xây dựng nhân vật: Tác giả tạo ra nhân vật cùng quan điểm, suy nghĩ, hành vi với mình để truyền đạt thông điệp muốn đề cập.

- Tạo nguồn cảm hứng, động lực sáng tác: Khi có tư tưởng, người viết muốn bắt tay vào sáng tạo văn chương với mong muốn được bày tỏ quan điểm của mình, và có khi là mong muốn được tìm lấy tiếng nói chung, một sự đồng cảm nào đó khi người đọc “nghiền ngẫm” tác phẩm.

2. Chủ đề

- Xác định ý nghĩa văn bản: Chủ đề giúp tác giả, người đọc xác định được ý nghĩa của văn bản, từ đó hướng dẫn độc giả tìm ra thông điệp truyền đạt một cách nhanh chóng.

- Tạo sự nhất quán: Giữa chủ đề và sự kiện, nhân vật, diễn biến trong văn bản được liền mạch, logic với nhau.

- Tạo cảm xúc và nhận thức cho người đọc: Chủ đề có thể dẫn dắt độc giả đến những cung bậc cảm xúc trong chính văn bản mà tác giả thể hiện. Từ sự kích thích tâm hồn đó mà độc giả nhận ra được những bài học, thông điệp, đôi khi là những suy ngẫm về cuộc đời, về con người.

Tư tưởng, chủ đề là gì?

Nhận định về Tư tưởng trong văn học

Nguyễn Minh Châu “Tác phẩm văn học sống bằng tư tưởng": Tác phẩm văn học chân chính ra đời là nơi để khẳng định tư tưởng sâu sắc, mới mẻ về cuộc sống của nhà văn. Đặt dưới sự quy chiếu về thế giới quan, nhân sinh quan, bằng kinh nghiệm sống của mình, tác giả thể hiện tư tưởng qua văn học, sự tham gia gián tiếp trong xã hội với vai trò đấu tranh loại bỏ cái xấu, làm tỏa sáng hành động tốt.

Bielinxki “Nhà thơ, ngay cả các nhà thơ vĩ đại nhất cũng phải đồng thời là như tư tưởng”: Khẳng định vai trò của nhà văn - người tạo ra tác phẩm có giá trị nội dung sâu sắc, góp phần cải tạo xã hội.

Nguyễn Khải “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”: Một tác phẩm có giá trị phải là một tác phẩm có tư tưởng mới mẻ, nghĩa là có phát hiện riêng của mình về một vấn đề nào đó trong xã hội, những triết lí riêng của mình về thế giới quan.

Nguyễn Đình Thi “Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc, tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. Những tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự": Tư tưởng không xa rời với hiện thực. Trước rung cảm của nhà thơ với cuộc đời, thơ ra đời mang những suy nghĩ, nhận thức sâu sắc về xã hội, về tình cảm.


Chủ đề trong một số tác phẩm văn học

Tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: Số phận nghiệt ngã của người phụ nữ, ước mơ vươn tới hạnh phúc, đấu tranh để thực hiện tự do và công lí.

Tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố: Mâu thuẫn giữa quyền sống của người dân quê trước Cách mạng tháng Tám với sự tàn bạo phát xít của bọn thực dân nửa phong kiến trong chính sách sưu thuế.

Tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao: Phê phán xã hội phong kiến xưa, ước mơ làm người lương thiện của một số bộ phận người nông dân bị tha hóa, biến chất.

Tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân: Phản ánh cuộc sống khốn khó của nhân dân trong nạn đói năm 1945, tình cảm hướng về Cách mạng của họ.

--------------------------------

Trên đây là bài viết Tư tưởng, chủ đề là gì? do Toploigiai biên soạn. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập! Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 04/05/2022 - Cập nhật : 17/08/2023