logo

Tóm tắt khởi nghĩa Triệu Quang Phục

Cùng Top lời giải hướng dẫn chi tiết: “Tóm tắt khởi nghĩa Triệu Quang Phục” và đọc thêm phần kiến thức tham khảo giúp các bạn học sinh ôn tập và tích lũy kiến thức bộ môn Lịch sử 6.


Tóm tắt khởi nghĩa Triệu Quang Phục

- Triệu Quang Phục (con của Triệu Túc) là người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa và được Lý Bí Tất tin cậy. Sau thất bại ở hồ Điển Triệt, ông được Lý Nam Đế trao quyền chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Lương. Triệu Quang Phục quyết định lui quân về vùng Dạ Trạch (Hưng Yên), về sau nhân dân thường gọi ông là Dạ Trạch Vương.

- Quân Lương tăng cường lực lượng bao vây Dạ Trạch và cố sức tấn công. Nghĩa quân anh dũng chống trả. Tình thế giằng co kéo dài. Đến năm 550, nhà Lương có loạn, Trần Bá Tiên phải bỏ về nước. Chớp thời cơ đó, nghĩa quân Triệu Quang Phục phản công đánh tan quân xâm lược, chiếm được Long Biên. Cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

=> Ý nghĩa: Thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm dành lại độc lập của dân tộc ta


Kiến thức tham khảo về Triệu Quang Phục


1. Triệu Quang Phục là ai?

Triệu Việt Vương (chữ Hán: 趙越王; 524 - 571), tên thật là Triệu Quang Phục (趙光復), là con của Thái phó Triệu Túc, người huyện Chu Diên. Ông được sử sách mô tả là người uy tráng dũng liệt. Ông là một trong những lãnh đạo khởi nghĩa, giành tự chủ thời bắc thuộc ở Việt Nam cai trị từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Năm 571, ông bị Lý Phật Tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy.

Tóm tắt khởi nghĩa Triệu Quang Phục hay nhất

2. Việt Vương Triệu Quang Phục - bậc thầy của chiến tranh du kích Việt Nam

Bấy giờ là năm 541, Triệu Quang Phục tham gia khởi nghĩa của Lý Nam Đế (Lý Bí) được giao chức Tả tướng quân. Tháng 5/545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy lại sang đánh Vạn Xuân. Lý Nam Đế thua trận, lui vào động Khuất Lạo. Trước khi mất, Lý Nam Đế trao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục. Nhận sự ủy thác, Triệu Quang Phục đem quân về xây dựng căn cứ ở đầm Dạ Trạch. Sự kiện trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi “Triệu Quang Phục cầm cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông, Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch. 

Có được căn cứ hiểm trở, Triệu Quang Phục đã sử dụng lối đánh du kích, ngày ngày ông đều cùng quân sĩ luyện tập. Ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đêm đến dùng thuyền độc mộc đem quân tập kích bất ngờ vào các trại và các cuộc hành quân của quân Lương. Lối đánh này của Triệu Việt Vương mang đến hiệu quả cao, làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Đồng thời làm cho uy thế của Triệu Quang Phục ngày càng lẫy lừng, người dân tôn ông là Dạ Trạch Vương.

Tóm tắt khởi nghĩa Triệu Quang Phục hay nhất (ảnh 2)

Sau đó, ông xưng vương lấy hiệu là Triệu Việt Vương, tiếp tục cùng bách tính Vạn Xuân dựng nước và giữ nước. Nhân cơ hội nhà Lương suy yếu, Triệu Việt Vương mở một loạt cuộc tấn công vào quân Lương và thu về toàn thắng. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua tung quân ra đánh. Sàn chống cự, thua chết. Quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Nước ta được yên. Vua vào thành Long Biên ở. Nhà nước Vạn Xuân trải qua những năm tháng gian nan nhất, tưởng như bị tiêu diệt hoàn toàn, lại được độc lập và có điều kiện tiếp tục dựng xây”.


3. Nơi lưu danh Việt Vương Triệu Quang Phục ngày nay

Hưng Yên tự hào là quê hương và có địa danh lịch sử nổi tiếng - Dạ Trạch, vùng đất ghi dấu nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo, đầy mưu lược của Việt Vương Triệu Quang Phục, vị vua anh hùng có công đánh đuổi giặc Lương ra khỏi bờ cõi, trị vì đất nước 23 năm, từ năm 548 đến năm 571.

Nhớ ơn người anh hùng đánh đuổi ngoại xâm, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ông. Tuy nhiên, do chiến tranh nên ngôi đền ở Dạ Trạch bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2018, Hưng Yên khởi công tu bổ, tôn tạo Đền thờ Triệu Việt Vương trên khu đất rộng hơn 13  nghìn m2 ở xã Dạ Trạch. Sau 2 năm, ngôi đền thờ Triệu Việt Vương được hoàn thành với diện tích trên 13 nghìn m2 gồm các hạng mục: Nghi môn, bình phong, đền chính, nhà tả vu, hữu vu và các công trình phụ trợ. Công trình có giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt, tỏ lòng biết ơn, tri ân công đức vị vua anh hùng có công đánh đuổi ngoại xâm và là địa chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau. Ngày 20/1/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-CTUBND về xếp hạng di tích đền thờ Triệu Việt Vương là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Về dâng hương tại đền Vua Rừng, thờ Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) ở xã An Vỹ, huyện Khoái Châu năm 2015, đồng chí Trương Tấn Sang, khi đó là Chủ tịch nước đã ghi sổ lưu niệm “Tổ quốc mãi mãi ghi công, nhân dân mãi mãi biết ơn Triệu Việt Vương, người anh hùng dân tộc vĩ đại, trong giai đoạn đen tối của lịch sử nước nhà đã anh dũng đứng lên tập hợp, tổ chức nhân dân chiến đấu chống quân xâm lược nhà Lương giành độc lập cho dân tộc”.

icon-date
Xuất bản : 09/04/2022 - Cập nhật : 13/06/2022