Kiến thức về tô thuế: Tô là gì? Thuế là gì? Vai trò của tô thuế đối với sự phát triển kinh tế xã hội? giúp các bạn hiểu thêm về từ tô thuế mà chúng ta thường thấy trong các bài học lịch sử, văn học.
Địa tô hay tô (rent) là những khoản thanh toán định kỳ trả cho người sở hữu tài sản về việc sử dụng đất đai hoặc nhân tố sản xuất có mức cung cố định. Xét về bản chất kinh tế, địa tô là khoản tiền mà người thuê một tài sản phải “cống nạp” cho người sở hữu để được quyền sử dụng nó.
Về cơ bản có thể hiểu, Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định. Chúng ta có thể dễ dàng nhận biết thuế qua ba đặc điểm sau đây: Thứ nhất, thuế được xác định là những khoản nghĩa vụ do Nhà nước quy định phải nộp với những điều kiện nhất định, khi chủ thể đáp ứng đủ các điều kiện đó thì bắt buộc phải thực hiện việc nộp thuế vào Ngân sách cho nhà nước; thứ hai thuế dựa vào thực trạng của nền kinh tế; thứ ba Thuế được thực hiện theo nguyên tắc hoàn trả không trực tiếp là chủ yếu.
Từ những đặc điểm trên ta có thể phân chia thuế thành những dạng như sau. Đối với hình thức thu ta có thuế trực thu và thuế gián thu; phân loại theo tính chất hành chính ta có thuế nhà nước – nộp vào ngân sách trung ương và thuế địa phương nộp vào ngân sách của địa phương; phân loại theo tinh chất kinh tế gồm có ba nhánh là yếu tố kinh tế bị đánh thuế, tác nhân kinh tế chịu thuế; lĩnh vực kinh tế được thuế được phân để đánh thuế.
Có thể nói, việc ra đời của thuế mang tính chất tất yếu và gắn liền cùng với sự ra đời, phát triển của nhà nước, chính từ Các-Mác đã viết rằng: "Thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy nhà nước, là thủ đoạn đơn giản để kho bạc thu tiền hay tài sản của người dân để dùng vào việc chi tiêu của nhà nước" Như chúng ta đã biết, mỗi nhà nước muốn tồn tại thì phải có một nguồn vật chất nhất định để duy trì sự tồn tại và thực hiện chức năng của nhà nước. Một trong những nguồn thu quan trọng nhất hình thành nên điều này chính là thuế, thực tiễn cho thấy hoạt động thu thuế đã tạo ra nguồn thu tài chính lớn cho nhà nước. Chính vì lẽ đó, Nhà nước đã ban hành các chính sách về thuế để đảm bảo việc thu thuế được thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.
Thuế có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Cụ thể vai trò của thuế đối với sự phát triển kinh tế xã hội được thể hiện như sau:
- Thứ nhất, thuế giúp ổn định thị trường, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế.
Thuế tham gia điều tiết nền kinh tế gồm hai mặt: Kích thích và hạn chế. Thông qua thuế, nhà nước đã linh hoạt điều chính các chính sách thuế trong từng thời kỳ nhất định, nhằm tác động vào cung - cầu giúp điều chỉnh chu kỳ kinh tế - một đặc trưng vốn có của nền kinh tế thị trường.
- Thứ hai, thuế tạo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước.
Nhà nước có thể thu ngân sách từ nhiều nguồn khác nhau nhưng không có nguồn thu nào ổn định và bền vững bằng thuế. Vì mang tính không hoàn trả trực tiếp nên nhà nước có thể yên tâm dùng thuế làm công cụ chủ yếu để thu ngân sách, phục vụ các chi tiêu của quốc gia mà không phải lo lắng về nghĩa vụ bồi hoàn hay trả nợ. Hàng năm, thuế luôn đóng góp khoảng trên 90% vào tổng thu ngân sách nhà nước. Với việc đóng góp một tỷ trọng cao và ngày càng tăng lên trong tổng thu ngân sách nhà nước, thuế đang ngày càng chứng tỏ vai trò chủ đạo của mình trong việc huy động tài chính công phục vụ chi tiêu cho cả quốc gia.
Thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định lâu dài và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tang. Bên cạnh đó nguồn thu từ thuế vào ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công của Nhà nước, không được sử dụng cho mục tiêu cá nhân. Nguồn thu từ thuế một phần được sử dụng cho hoạt động của bộ máy Nhà nước, đại bộ phận còn lại được chi cho đầu tư phát triển, cho văn hóa, thông tin, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, tài trợ xã hội, nghiên cứu khoa học…Cụ thể các cá nhân hay các công ty khi có thu nhập rồi sẽ nộp một phần thuế vào ngân sách nhà nước. Khi các đường xá, câu cống cần phải sửa chữa thì sẽ lấy số tiền ấy để sửa,…
- Thứ ba, thuế đảm bảo cơ cấu kinh tế, giúp phát triển theo đúng định hướng của nhà nước ổn định và lâu dài.
Thuế là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô: Góp phần thực hiện chức năng kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân.
- Thứ tư, thuế góp phần đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và công bằng xã hội.
Hệ thống pháp luật về thuế đã được áp dụng thống nhất cho các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư. Mặt khác, chính sách động viên giống nhau giữa các đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có cùng một điều kiện hoạt động. Đồng thời, thuế góp phần giảm bớt khoảng cách giàu nghèo thông qua việc điều tiết thu nhập. Nhờ đó, thuế còn đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua thuế, nhà nước sẽ điều tiết phần chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo, bằng việc việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng.
Như vậy, thuế có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Thuế là khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước và là công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Nền kinh tế ngày càng phát triển, ngày càng có nhiều chính sách thuế mới được ra đời khiến hệ thống thuế trở nên đa dạng, linh hoạt và tác động sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế- xã hội. Đánh thuế không đơn thuần để tạo thu ngân sách nhà nước mà còn mang nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị, đối nội, đối ngoại. Do đó Nhà nước cần phải có các biện pháp quản lý thu thuế hợp lý, hiệu quả nhằm phát huy được những tác động tích cực của thuế đối với hoạt động kinh tế- xã hội trong từng thời kỳ.