logo

Ý nghĩa của câu nói non sông việt nam có trở nên tươi đẹp hay không

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, thành quả đó mới chỉ là những cơ sở nền móng đầu tiên; để độc lập, tự do thực sự vững bền, để nhân dân thực sự cảm nhận được giá trị của độc lập, tự do, Đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực vươn lên, xây dựng đất nước thành một quốc gia giàu mạnh, có nền kinh tế tri thức phát triển cao; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cùng tiềm lực quốc phòng hùng mạnh... Để có được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi các thế hệ tương lai của Việt Nam đang được cắp sách đến trường phải không ngừng cố gắng học tập, vươn lên tiếp thu những thành tựu khoa học-kỹ thuật tiên tiến của thế giới, tự đào tạo mình trở thành một lực lượng lao động quyết định, có đủ khả năng đưa đất nước sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ muôn vàn yêu quý của dân tộc Việt Nam. Bác luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù cho có bận trăm công nghìn việc, thế nhưng bác vẫn dành thời gian để viết viết thư gửi cho các cháu học sinh nhân ngày khai trường (15/9/1945). Trong thư, Bác đã ân cần dặn dò: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”

ý nghĩa của câu nói non sông việt nam có trở nên tươi đẹp hay không

Câu nói trên đây là lời dạy, là tấm lòng, là tình thương của Bác đối với học sinh. Bác mong các cháu phải gắng sức, phải siêng năng học hành, biết học tập một cách thông minh sáng tạo. Có học tốt, học giỏi mới thành tài, có học vấn cao, có tri thức tiên tiến hiện đại. Có học tập tốt mới thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình. Bác giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam phải có mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn. Học để làm gì? Học tập không phải để làm quan, để vinh thân phì gia, mà là vì một mục đích cao cả: học tập để làm người, có nhân cách văn hoá, đem tài năng phục vụ sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh.

Đất nước chúng ta đã trải qua gần một thế kỉ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Việc giành chủ quyền, độc lập đã đưa dân tộc ta lên một địa vị mới đầy vẻ vang-địa vị làm chủ đất nước mình trong độc lập, tự do. Tuy thế, một đất nước vẻ vang là phải giữ vững quyền độc lập tự do ấy. Mặt khác, đất nước vẻ vang còn phải hùng mạnh, giàu có, phải có nền quốc phòng hùng hậu đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền, để xây dựng một nền kinh tế phát triển dân giàu nước mạnh. Đất nước như thế sẽ được các dân tộc khác yêu mến, kính trọng. Đất nước như thế là đất nước vẻ vang. “Dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không?”, đấy là một vấn đề khác mà Bác đề ra. Một cường quốc phải là một nước giàu mạnh, hùng cường, đạt trình độ cao về mọi mặt kinh tế, văn hóa, quốc phòng, có trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến, một nền quốc phòng hùng hậu có thể sánh vai được với những cường quốc trên thế giới, có thể góp phần mình vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Thực tế cho thấy những thành tích xuất sắc của các bạn học sinh đã làm vẻ vang tên tuổi cho nước nhà. Từ những năm bảy mươi đến nay, những đoàn thí sinh tham dự các kỳ thi quốc tế như Toán, Vật lí, Tin học,… đều đạt được những thành tích cao. Trong những buổi trao giải ấy, quốc kỳ Việt Nam đã tung bay cùng các quốc gia trên khắp năm châu. Học sinh Việt Nam đã làm vẻ vang và là niềm tự hào cho Tổ quốc theo đúng như lời dạy của Bác.

Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang trở thành một quốc gia giàu tiềm năng mà các nhà đầu tư nước ngoài hướng tới. Đây chính là kết quả của những tháng ngày miệt mài, thầm lặng học tập của các thế hệ đi trước chúng ta. Nhờ học tập mà trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi người không ngừng được nâng cao, cuộc sống ngày càng ấm no, gia đình hạnh phúc.

Mỗi chúng ta cần hiểu sâu sắc lời dạy của Bác để ra sức rèn luyện, phấn đấu trong những ngày còn ngồi trên ghế mái trường. Từ lời dạy chân tình và thiết tha của Bác, chúng ta phải thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Để học tập tốt, trước hết chúng ta phải xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập: học tập để nắm vững kiến thức văn hóa, khoa học nhằm làm cho đất nước và dân tộc giàu mạnh, hùng cường. Muốn vậy phải phấn đấu kiên trì, vượt qua mọi trở ngại, khắc phục mọi khó khăn để học tập đạt kết quả cao nhất. Phải có phương pháp học tập tốt, kết hợp chặt chẽ học với hành.

Phải học cho toàn diện, không phải chỉ biết có học chữ mà phải biết học làm người, phấn đấu trở thành con người mới của xã hội mới.

Tuy Bác đã đi xa nhưng học sinh Việt Nam mỗi năm đến ngày khai trường thường ôn lại lời căn dặn quý báu của Bác để nhắc nhở nhau học tập tốt hơn, đáp lại lòng mong mỏi của Người là làm cho non sông Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, làm rạng rỡ, vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam.

---------------------------------------

Trên đây là tổng hợp kiến thức của Top lời giải về Ý nghĩa câu nói “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không”. Qua bài viết này, mong rằng các bạn sẽ bổ sung thêm cho mình thật nhiều kiến thức và học tập thật tốt nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi và đọc bài viết!

icon-date
Xuất bản : 23/09/2022 - Cập nhật : 23/09/2022