logo

Tình huống truyện là gì?

Trước khi bắt đầu cầm bút viết một câu chuyện, một tác phẩm văn học thì tác giả nào cũng phải đắn đo lựa chọn đề tài cho tác phẩm. Sau đó là diễn biến tình huống truyện xảy ra để truyện càng hấp dẫn và cuốn hút người đọc. Dưới đây là tổng hợp khái niệm, phân loại, ý nghĩa và ví dụ về tình huống truyện mà Toploigiai tổng hợp, cùng theo dõi nhé!


Tình huống truyện là gì?

Tình huống truyện là những hoàn cảnh, sự kiện, tình thế xảy ra truyện. Tình huống này được tạo bởi một sự kiện đặc biệt, bất thường chứa đựng những hoàn cảnh éo le, nghịch lí trong cuộc sống hàng ngày của nhân vật. Từ tình huống đó mà nhân vật sẽ phải lựa chọn, thể hiện cảm xúc, tâm lý, bản lĩnh, tính cách, hành động của mình. 

Trong các tác phẩm tự sự, tình huống truyện có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thể hiện số phận và tính cách nhân vật. Thông qua tình huống truyện mà độc giả có thể khai thác, khám phá, phân tích tác phẩm. Tình huống càng lạ thì truyện càng hay và hấp dẫn.


Ví dụ về tình huống truyện


Tình huống truyện của Vợ chồng A Phủ

- Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh của Mị, về quá khứ, những gì mà Mị đã phải trải qua. Khi Mị dần trở nên tuyệt vọng, A Phủ bỗng xuất hiện như một người cùng khổ. Hai số phận tưởng như song song mà nay lại giao nhau, bởi những khổ đau họ đã từng trải qua, bởi sức sống tiềm tàng ẩn giấu bên trong con người của họ. Họ cùng nhau chạy đi, cùng hướng đến cách mạng – ánh sáng nơi cuối con đường

⇒ Phơi bày những sự tàn bạo, bất nhân của giai cấp thống trị miền núi. Thể hiện được khát vọng sống, sống một cách đúng nghĩa, sống như một con người của những người lương thiện như Mị và A Phủ.


Tình huống truyện trong Vợ nhặt

Tình huống truyện là gì? (ảnh 1)

- Trước hết, Tràng là một là một người mồ côi cha, ở với mẹ già tại xóm ngụ cư. Nhà nghèo, hắn làm nghề kéo xe bò thuê. Tràng có một ngoại hình xấu xí, thô kệch. Đã thế lại có phần dở người. Lời ăn tiếng nói cũng thô kệch như chính ngoại hình của hắn. Có thể nói, nguy cơ ế vợ đã rõ. Đã vậy, gặp năm đói khủng khiếp, cái chết luôn luôn đeo bám .Trong lúc không một ai ( kể cả Tràng) nghĩ đến chuyện dựng vợ, gả chồng thì đột nhiên Tràng có vợ, mà lại có vợ bằng cách nhặt được. Trong hoàn cảnh ấy, Tràng có vợ cũng là phải có thêm một miệng ăn và cũng là đem thêm tai hoạ về cho mình và mẹ, đẩy mau mình và mẹ đến cái chết. Như vậy, việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt.Chính điều này đã làm cho nhiều người ngạc nhiên. Đây là một tình huống vừa éo le, vừa độc đáo.


Tình huống truyện trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”

- Nghệ sĩ Phùng được giao nhiệm vụ đến vùng biển miền Trung chụp những tấm ảnh đẹp cho bộ lịch năm mới. Sau gần một tuần lễ tìm kiếm, Phùng đã tìm được một cảnh đắt trời cho đó là hình ảnh của con thuyền ở ngoài xa ẩn hiện trong màn sương sớm. Cảnh đẹp đã làm anh ngây ngất, thăng hoa, thấy “bối rối”, thấy “trái tim mình như có gì đó bóp thắt vào”, nháy máy lia lịa. Nhưng khi chiếc thuyền tiến lại gần, anh lại tận mắt chứng kiến cảnh tượng bạo lực gia đình của chính những người trên con thuyền ngư phủ đẹp như mơ mà anh vừa chụp kia...

Tình huống truyện là gì (ảnh 2)

=> Ý nghĩa tình huống truyện: Hai phát hiện của người nghệ sĩ đã giúp tác giả chỉ ra rằng: cuộc đời chứa đựng nhiều điều nghịch lí, mâu thuẫn; không thể đánh giá con người, cuộc sống ở dáng vẻ bề ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu, phát hiện bản chất bên trong. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: “Nghệ thuật vị nhân sinh”.


Phân loại tình huống truyện

* Phân loại tình huống truyện theo tính chất:

- Tình huống tâm lí: Đây là tình huống mà nhân vật gặp một sự kiện nào đó trong cuộc sống khiến nhân vật gặp biến động về tình cảm. Những truyện như vậy sẽ có kiểu nhân vật tình cảm, toàn bộ câu chuyện sẽ hiện lên cảm xúc, tâm trạng của nhân vật. Tình huống tâm lí thường gặp trong các truyện ngắn trữ tình. Ví dụ: Truyện ngắn “Làng” (Kim Lân) xây dựng thành công cảm xúc của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc, ông day dứt, đau khổ và rồi vui sướng khi sự việc được làm sáng tỏ.

- Tình huống hành động: Trong loại tình huống hành động sẽ có một sự kiện nào đó đẩy nhân vật tới tình thế éo le buộc phải giải quyết bằng hành động. Nhân vật được tác giả tập trung khắc họa vào hành động, hành vi, còn những phương diện khác ít được quan tâm. Tình huống hành động giúp bộc lộ diễn biến hành động qua đó làm rõ nét tính cách nhân vật. Ví dụ điển hình của tình huống hành động có thể thấy trong “Những ngôi sao xa xôi”. Hành động Phương Định phải phá bom là tình huống thử thách giúp ta thấy phẩm chất cao đẹp, tình đồng chí của Phương Định.

- Tình huống nhận thức: không nhằm miêu tả hành động hay tâm lí, tình huống nhận thức là một sự kiện đặc biệt trong đời sống mà nhân vật gặp tình thế bất thường. Sau tình thế đó sẽ khiến cho nhân vật cũng như người đọc rút ra được bài học về một vấn đề (nghệ thuật, nhân sinh,…), tìm ra quy luật của cuộc sống và có cách đối nhân xử thế. Kiểu nhân vật cho tình huống truyện nhận thức là nhân vật tư tưởng, được khai thác qua đời sống nhận thức lí tính. Để xây dựng được kiểu nhân vật này, tác giả phải khai thác triệt để những quan sát, phân tích, suy lí, đúc kết, chiêm nghiệm, toan tính,… Thậm chí là một tư tưởng được tác giả hình tượng hóa vào nhân vật. Ví dụ điển hình cho tình huống nhận thức là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. 

* Phân loại tình huống truyện theo số lượng:

- Truyện có 1 tình huống: Đó là một tình huống duy nhất bao trùm cả tác phẩm. Đây là thể loại tình huống điển hình thường gặp trong hầu hết các tác phẩm truyện ngắn.

- Truyện có nhiều tình huống đan xen: Thường gặp trong truyện dài thu nhỏ như Nam Cao, vợ chồng A Phủ,… Truyện sẽ gồm nhiều tình huống đan xen, có phân thành vai chính, vai phụ (nghĩa là có cái nào đó là chủ chốt) chứ không phải tất cả đều ngang hàng nhau, theo lối dàn đều.


Ý nghĩa của tình huống truyện

Tình huống truyện có ý nghĩa quan trọng, được coi như là một “chìa khóa” cho cốt truyện thêm chặt chẽ. Điều này được thể hiện qua những điểm sau:

- Từ tình huống truyện mà các biến cố, sự kiện được đẩy lên kịch tính, thúc đẩy cốt truyện phát triển.

- Nhờ tình huống truyện mà tính cách, tâm lí nhân vật được miêu tả rõ nét, chân thật.

- Khi có tình huống truyện xảy ra buộc phải giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong tình huống đó. Điều này sẽ làm rõ được tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đồng thời, truyền tải được thông điệp tới người đọc.

- Tình huống truyện càng độc đáo, càng hay, càng kịch tính thì càng thể hiện được tài năng quan sát, khám phá cuộc sống và bản chất trong con người của nhà văn trong cuộc sống.

Như vậy, tình huống truyện có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong mỗi tác phẩm. Vì vậy, hiểu được tình huống truyện là gì và cách xây dựng, phát triển tình huống là điều cần thiết. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn!

icon-date
Xuất bản : 19/08/2021 - Cập nhật : 23/11/2023