logo

Lý thuyết các dạng Phương thức biểu đạt kèm bài tập có đáp án

Phương thức biểu đạt là gì? Các dạng phương thức biểu đạt? Các nhận biết các phương thức biểu đạt là các vấn đề các em cần nắm vững khi làm phần đọc hiểu trong chương trình THPT, THCS.


1. Phương thức biểu đạt là gì

Phương thức biểu đạt là phương pháp, cách thức mà người viết truyền tải những thông tin, thông điệp đến với người khác. Qua đó thể hiện, bày tỏ những tình cảm, tâm tư và suy nghĩ của chính mình với những đối tượng đang đọc tác phẩm đó.


2. Các phương thức biểu đạt

Có 6 phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ

[CHUẨN NHẤT] Phương thức biểu đạt là gì

- Tự sự

Kể lại một chuỗi các sự việc. Sự viêc này dẫn đến sự việc kia, tạo nên một mạch hoàn chỉnh,. Có thể nhận biết phương thức biểu đạt tự sự qua nét đặc trưng sau:

+ Có cốt truyện

+ Có nhân vật tự sự, sự việc

+ Có ngôi kể thích hợp.

+ Rõ tư tưởng, chủ đề.

- Miêu tả

Là dùng ngôn ngữ làm cho người nghe, người đọc có thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc như đang hiện ra trước mắt hoặc nhận biết được thế giới nội tâm của con người.

- Biểu cảm

Dùng ngôn ngữ để bộc lộ cảm xúc, tình cảm của mình về một sự vật, sự việc. Biểu cảm là một nhu cầu của con người trong cuộc sống bởi trong thực tế sống luôn có những điều khiến ta rung động (cảm) và muốn bộc lộ (biểu) ra với một hay nhiều người khác.

- Thuyết minh

Là cung cấp, giới thiệu, giảng giải,…những tri thức về một sự vật, hiện tượng nào đó cho những người cần biết nhưng còn chưa biết.

- Nghị luận

là phương thức chủ yếu được dùng để bàn bạc phải trái, đúng sai nhằm bộc lộ rõ chủ kiến, thái độ của người nói, người viết rồi dẫn dắt, thuyết phục người khác đồng tình với ý kiến của mình.

- Hành chính – công vụ

Là phương thức dùng để giao tiếp giữa Nhà nước với nhân dân, giữa nhân dân với cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan với cơ quan, giữa nước này và nước khác trên cơ sở pháp lí (thông tư, nghị định, đơn từ, báo cáo, hóa đơn, hợp đồng…)


3. Ví dụ về các phương thức biểu đạt

- Tự sự:

+ Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ, sai đi bắt tôm, bắt tép và hứa, đứa nào bắt được đầy giỏ sẽ thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ, lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi bắt đầy một giỏ cả tôm lẫn tép. Còn Cám quen được nuông chiều, chỉ ham chơi nên mãi đến chiều chẳng bắt được gì.”

(Truyện cổ tích Tấm Cám)

+ Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Đoạn từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đằng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng.

(Trích truyện cổ tích Thánh Gióng)

- Miêu tả:

“Trăng đang lên. Mặt sông lấp loáng ánh vàng. Núi Trùm Cát đứng sừng sững bên bờ sông thành một khối tím sẫm uy nghi, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát”. 

(Trong cơn gió lốc, Khuất Quang Thụy)

- Biểu cảm:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than. 

Hôm nay nhận được tin em 

Không tin được dù đó là sự thật: 

Giặc bắn em rồi quăng mất xác 

Chỉ vì em là du kích em ơi! 

Đau xé lòng anh chết nửa con người! 

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm 

Có những ngày trốn học bị đòn roi 

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất 

Có một phần xương thịt của em tôi. 

(Trích Quê hương – Giang Nam)

- Thuyết minh

Trong muôn vàn loài hoa mà thiên nhiên đã tạo ra trên thế gian này, hiếm có loài hoa nào mà sự đánh giá về nó lại được thống nhất như là hoa lan. Hoa lan đã được người phương Đông tôn là ‘loài hoa vương giả” (vương giả chi hoa). Còn với người phương Tây thì lan là “nữ hoàng của các loài hoa”.

Họ lan thường được chia thành hai nhóm: nhóm phong lan bao gồm tất cả những loài sống bám trên đá, trên cây, có rễ nằm trong không khí.Còn nhóm địa lan lại gồm những loài có rễ nằm trong đất hay lớp thảm mục ….

(Trích trong SGK Ngữ văn  lớp 10)

- Nghị luận

“Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh thì phải có nhiều người tài giỏi. Muốn có nhiều người tài giỏi thì học sinh phải ra sức học tập văn hóa và rèn luyện thân thể, bởi vì chỉ có học tập và rèn luyện thì các em mới có thể trở thành những người tài giỏi trong tương lai”. 

(Trích trong hướng dẫn đội viên)

- Hành chính- công vụ

“Điều 5.

– Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu nhân dân, dung túng, bao che cho cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”


4. Cách xác định phương thức biểu đạt chính

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản là xác định cách cốt  yếu mà người viết truyền tải những thông tin, thông điệp đến với người khác. Qua đó thể hiện, bày tỏ những tình cảm, tâm tư và suy nghĩ của chính mình với những đối tượng đang đọc tác phẩm đó.

Thực ra, trong mỗi văn bản thường sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt. Việc vận dụng tổng hợp nhiều phương thức là đòi hỏi của chính cuộc đời, nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, trong một văn bản cụ thể, các phương thức ấy sẽ không có vị trí ngang nhau; tuỳ thuộc vào mục đích cần đạt tới, người viết sẽ xác định phương thức nào là chủ đạo.


5. Nhận biết các phương thức biểu đạt bằng dấu hiệu nào

Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt Tự sự

Các yếu tố quan trọng trong một văn bản tự sự:

- Nhân vật

- Cốt truyện, sự kiện.

- Trình tự kể: theo thời gian, không gian, tâm tưởng, kết hợp thời gian, không gian…

- Phương thức trần thuật (ngôi kể)

Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt Miêu tả

- Sử dụng nhiều động từ, tính từ, các biện pháp tu từ.

- Thường có những câu văn diễn tả hình dáng bên ngoài, hay thế giới nội tâm của con người; hoặc tái hiện lại cảnh vật, đặc điểm sự vật.

Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt Biểu cảm

- Có nhiều từ ngữ thể hiện cảm xúc, thái độ của người viết hoặc của nhân vật trữ tình.

- Mang đậm dấu ấn chủ quan của người viết.

Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt Thuyết minh

- Ngôn ngữ sáng rõ, cụ thể, trong sáng, câu văn gãy gọn, có thể sử dụng các biện pháp tu từ (so sánh, liệt kê…)

Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt Nghị luận

- Bao gồm luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng

- Bố cục chặt chẽ, lập luận thuyết phục

Dấu hiệu nhận biết phương thức biểu đạt Hành chính - công vụ

Một số mục bắt buộc phải có:

Quốc hiệu tiêu ngữ

Địa điểm, ngày tháng làm văn bản

Họ tên, chức vụ của người nhận hay cơ quan nhận văn bản

Họ tên, chức vụ của người gửi hay tên cơ quan, tập thể gửi văn bản

Nội dung thông báo, đề nghị, báo cáo

Chữ ký, họ tên người gửi văn bản


6. Trình tự các bước xác định phương thức biểu đạt

Bước 1: Đọc kĩ văn bản cần xác định.

Bước 2: Xác định thể loại của văn bản.

Bước 3: Tìm các dấu hiệu nhận biết điển hình của các phương thức biểu đạt.

Bước 4. Kết luận phương thức biểu đạt.


7. Luyện tập Phương thức biểu đạt

Câu 1: Dịch bệnh E-bô-la ngày càng trở thành “thách thức” khó hóa giải. Hiện đã có hơn 4000 người tử vong trong tổng số hơn 8000 ca nhiễm vi rút E-bô-la. Ở năm quốc gia Tây Phi. Hàng nghìn trẻ em rơi vào cảnh mồ côi vì E-bô-la. Tại sao Li-bê-ri-a, cuộc bầu cử thượng viện phải hủy do E-bô-la “tác quái”

Với tinh thần sẻ chia và giúp đỡ năm nước Tây Phi đang chìm trong hoạn nạn, nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đã gửi những nguồn lực quý báu với vùng dịch để giúp đẩy lùi “bóng ma” E-bô-là, bất chấp nhưng nguy cơ có thể xảy ra.

Mĩ đã quyết định gửi 4000 binh sĩ, gồm các kĩ sư, chuyên gia y tế, hàng loạt nước ở Châu Âu, Châu Á và Mĩ-la-tinh gửi trang thiết bị và hàng nghìn nhân viên y tế tới khu vực Tây Phi. Cu-ba cũng gửi hàng trăm chuyên gia y tế tới đây.

Trong bối cảnh chưa có vắc xin điều trị căn bệnh E-bô-la, việc cộng đồng quốc tế không “quay lưng” với vùng lõi dịch ở Tây Phi, tiếp tục gửi chuyên gia và thiết bị tới đây để dập dịch không chỉ là hành động mang tính nhân văn, mà còn thắp lên tia hi vọng cho hàng triệu người Phi ở khu vực này.

(Dẫn theo nhân dân.Com.vn)

Văn bản trên sử dụng các phương thức biểu đạt chủ yếu nào?

Trả lời: Phương thức chủ yếu: thuyết minh – tự sự

Câu 2: “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”

(Hồ Chí Minh – Về vấn đề giáo dục)

Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?

Trả lời: Đoạn văn trên được viết theo phương thức nghị luận

Câu 3: “Nước là yếu tố thứ hai quyết định sự sống chỉ sau không khí, vì vậy con người không thể sống thiếu nước. Nước chiếm khoảng 58 – 67% trọng lượng cơ thể người lớn và đối với trẻ em lên tới 70 – 75%, đồng thời nước quyết định tới toàn bộ quá trình sinh hóa diễn ra trong cơ thể con người.

Khi cơ thể mất nước, tình trạng rối loạn chuyển hóa sẽ xảy ra, Protein và Enzyme sẽ không đến được các cơ quan để nuôi cơ thể, thể tích máu giảm, chất điện giải mất đi và cơ thể không thể hoạt động chính xác. Tình trạng thiếu nước do không uống đủ hàng ngày cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của não bởi có tới 80% thành phần mô não được cấu tạo từ nước, điều này gây trí nhớ kém, thiếu tập trung, tinh thần và tâm lý giảm sút…”

(Nanomic.com.vn)

Đoạn trích được viết theo phương thức biểu đạt nào?

Trả lời: Đoạn trích được viết theo phương thức thuyết minh

Câu 4: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

…Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại, réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này.

(Trích Tuỳ bút Người lái đò Sông Đà -Nguyễn Tuân)

Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?

Trả lời: Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là miêu tả

Câu 5: “Hắn về lần này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai con mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!

(Chí Phèo– Nam Cao)

Hãy chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 6: Trăng đang lên. Mặt sông lấp loáng ánh vàng. Núi Trùm Cát đứng sừng sững bên bờ sông thành một khối tím sẫm uy nghi, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát.

(Trích Trong cơn gió lốc, Khúc Quang Thụy)

Hãy chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 7: Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ, sai đi bắt tôm, bắt tép và hứa, đứa nào bắt được đầy giỏ sẽ thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ, lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi bắt đầy một giỏ cả tôm lẫn tép. Còn Cám quen được nuông chiều, chỉ ham chơi nên mãi đến chiều chẳng bắt được gì.

(Trích Tấm Cám)

Hãy chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 8: Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn của hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải…

(Trích Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000)

Hãy chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 9: Điều 5 - Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà sách nhiễu nhân dân, dung túng, bao che cho cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Câu 10: Tổ quốc tôi như một con tàu, 

Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau. 

Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.

Trùng điệp một màu xanh lá đước. 

Đước thân cao vút, rễ ngang mình

Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước! 

Tổ quốc tôi như một con tàu, 

Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau. 

(Trích Mũi Cà Mau - Xuân Diệu, 10-1960)

icon-date
Xuất bản : 09/08/2021 - Cập nhật : 10/08/2022