logo

Thuyết minh về thịt trâu gác bếp

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về thịt trâu gác bếp. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về thịt trâu gác bếp - Mẫu số 1

Dân tộc miền Tây Bắc vẫn luôn làm người ta ngạc nhiên với những món ăn cùng cách chế biến cầu kì, có phần “lạ” nhưng hương vị thì đảm bảo ai ăn một lần rồi sẽ nhớ mãi. Tuy nhiên món ăn nổi tiếng vùng Tây Bắc mà du khách đã một lần đặt chân đến đây đều không thể bỏ qua chính là món thịt trâu gác bếp.

Núi rừng Tây Bắc gắn liền với hình ảnh con trâu, vừa cung cấp sức kéo, vừa là nguồn cung thực phẩm cho đồng bào nơi đây. Thịt trâu được chọn làm thịt trâu gác bếp phải là thịt trâu ngon, đem cắt miếng dọc theo thớ dài rồi ướp với các loại gia vị đặc trưng của người dân tộc. Thế nhưng thịt trâu ngon chuẩn vị là phải có hai vị đặc trưng, đặc biệt nhất làm nên hương vị núi rừng của món ăn là vị cay nồng của tiêu rừng cùng với mùi thơm rất riêng mà hiếm có gì có được của mắc khén.

Cái tên thịt trâu gác bếp có lẽ đến từ chính cách chế biến món ăn này. Từng miếng thịt trâu sau khi tẩm ướp kĩ càng sẽ được xiên que tre đem gác trên bếp, hun bằng củi được lấy từ núi rừng cho khô dần để đem lại hương vị đặc trưng cho món ăn. Thịt trâu sau khi chín có màu đen của khói hun lâu ngày, hương thơm lan tỏa hòa quyện mùi thơm của tiêu, gừng, mắc khén cùng mùi thơm của củi. Thịt trâu xé ra bên trong không khô đen như vẻ bên ngoài mà lại vẫn giữ được màu đỏ tươi nhờ thịt được chọn lọc từ những thớ thịt ngon nhất.

Ngày trời đông lạnh giá mà đến thăm vùng Tây Bắc, ngồi bên bếp lửa ấm nồng, uống chén rượu ngô, cắn miếng thịt trâu xé sợi thì đúng là không còn gì bằng. Vị cay của rượu cùng thịt trâu xộc lên mà thấy ấm nóng cả người, xua tan đi cái lạnh giá của núi rừng.

Vốn được người dân tộc làm với mục đích dự trữ mang theo làm lương thực những ngày lên nương làm rẫy nên dù được làm thủ công hoàn toàn và không có sự hỗ trợ của chất bảo quản, thịt trâu gác bếp vẫn có thể được bảo quản trong cả tháng trời mà không lo mốc hỏng. Cũng bởi tính chất này mà nhiều người thường thích mua cả mấy cân mang về nhà cất trong tủ lạnh, dùng làm đồ ăn vặt vui miệng hoặc đồ nhắm cho những bữa nhậu với bạn bè.

Thuyết minh về thịt trâu gác bếp hay nhất

>>> Xem thêm: Thuyết minh về phở khô Gia Lai


Thuyết minh về thịt trâu gác bếp - Mẫu số 2

Mỗi dân tộc khác nhau đều mang trong mình những nét đặc trưng văn hóa riêng và việc tìm hiểu nguồn gốc thịt trâu gác bếp Tây Bắc lại thu hút được khá đông sự quan tâm của du khách thập phương bởi đây là món ăn giản dị gần gũi nhưng cũng mang đậm văn hóa của thiên nhiên núi rừng hùng vĩ

Ít ai biết rằng, thịt trâu gác bếp còn được gọi với cái tên thân thương là “nhứa khoai giảng” đây được xem là món ăn chuyên dành để tiếp khách trong mỗi dịp quan trọng của buôn làng. Thịt gác bếp là cái tên được sinh ra khi văn hóa của Tây Bắc len lỏi vào khắp các vùng miền của tổ quốc, với người dân Tây Bắc thì cái tên thịt khô thân thương là giản dị hơn bao giờ hết

Và cũng thật đúng như tên gọi của chúng, thịt gác bếp được chế biến không cầu kì phức tạp nhưng lại gắn liền với căn bếp của người dân nơi đây, Phương pháp chế biến cũng vô cùng thuần vị dùng trực tiếp ngọn lửa trong mỗi gia đình để thức ăn chín dần và tạo thành một món ăn mang đậm bản sắc quê hương

Với nhiều người thì khi được xem trực tiếp cách chế biến thịt ba chỉ hun khói thì sẽ không khỏi trầm trồ và ngạc nhiên bởi sự tỉ mỉ của người dân nơi đây. Đối với người dưới xuôi thì việc sử dụng lửa để làm chín thức ăn không còn xa lạ nhưng với người Tây Bắc lại sử dụng chính ngọn lửa đấy nhưng thay bằng việc sử dụng gián tiếp thì họ lại sử dụng trực tiếp

Bằng việc thuận theo sức nóng của ngọn lửa mà người ta sẽ xếp thịt trâu hoặc thịt lợn lên căn bếp nhà mình, khoảng cách từ 1.5m là vừa đủ để thịt có thể chín từ từ. Thịt trâu gác bếp chuẩn Tây Bắc sẽ có hương vị thơm ngon đặc biệt hơn các loại thịt ở vùng miền khác bởi vị tươi ngon của thịt “trâu bản” cộng thêm với hương vị đặc trưng của mắc khén. Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng tự nhiên của núi rừng Tây Bắc

Xưa kia người dân Tây Bắc thường sử dụng thịt gác bếp như một loại lương khô ăn trong những ngày đi vào rừng tìm kiếm lương thực, miếng thịt khô thấm đậm hương vị của đại ngàn sẽ giúp người đi rừng có thể bổ sung protein và có thêm sức lực để có thể chống chọi với những khó khăn khi di chuyển trên rừng

Ngày nay khi có nhiều loại thực phẩm ra đời thì thịt gác bếp lại trở thành món đặc sản của Tây Bắc và trở thành một trong những món ăn mang tới nguồn thu nhập lớn cho bà con nơi đây. Nếu có dịp nhất định bạn phải thưởng thức hương vị của thịt gác bếp Tây Bắc đó nha, chắc chắn chúng sẽ không làm bạn thất vọng


Thuyết minh về thịt trâu gác bếp - Mẫu số 3

Núi rừng Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với bức tranh sơn thủy hữu tình vừa hùng vĩ vừa lãng mạn của mây, của trời, của núi non sông nước mà nơi đây còn làm đắm say lòng du khách nhờ những món ăn độc đáo. Thịt trâu gác bếp là một trong những đặc sản mang hương vị truyền thống như vậy.

Thịt trâu gác bếp - món ngon không còn xa lạ đối với những ai đã từng một lần du lịch đến với miền sơn cước. Cái vị đậm đà, dai dai, ngọt ngọt của thịt trâu gác bếp không chỉ làm say lòng du khách trong nước mà đối với những du khách quốc tế đây cũng là một trong những đặc sản của núi rừng mà nếu đã một lần nếm thử đều nhớ mãi không quên.

Vào mỗi dịp mổ trâu, thường là vào những ngày lễ, tết người miền núi thường để ra một vài miếng thịt trâu bắp, không có gân và phải thật tươi để chế biến món thịt trâu gác bếp. Món ăn này xuất phát từ người Thái đen, họ mang thịt trâu gác lên trên nóc bếp để ăn được lâu hơn.

Ngày nay thịt trâu gác bếp đã và đang dần trở thành đặc sản được biết đến nhiều nhất trong mỗi dịp du lịch Tây Bắc. Không chỉ là món ăn truyền thống trong những ngày lễ tết, thịt trâu gác bếp còn được người dân nơi đây mang ra làm món ăn trong bữa cơm mỗi khi nhà có khách.

Thịt trâu gác bếp được chế biến từ thịt trâu tươi, thái dọc thớ thành từng miếng to bản để dễ dàng tẩm ướp. Gia vị của món ăn này bao gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô và tất nhiên, điều làm nên thành công cho món ăn không thể không kể đến lá mắc khén.

Sau khi được tẩm ướp gia vị tầm khoảng 2 tiếng, thịt trâu được xiên qua những que sắt, gác lên bếp, hun cho đến khi thịt có màu đen, quắt lại để bảo quản. Khi treo thịt điều quan trọng nhất đó là khoảng cách, không nên treo quá gần than củi để tránh thịt bên ngoài thì cháy, bên trong thì chưa chín.

Thịt được sấy cũng có thời gian nhất định, khoảng tầm từ 8 tháng đến 1 năm, không nên sấy khô quá ăn sẽ bị dai và cứng, mất vị ngọt của thịt. Hiện nay, thịt trâu gác bếp cũng được coi như một món quà ngày Tết rất được ưa thích, một phần cũng bởi vị thơm ngọt tự nhiên của nó.

Thịt trâu gác bếp, đối với những người lần đầu tiên thưởng thức sẽ cảm thấy có mùi hơi hắc của vị ám khói lâu ngày, có thể bạn sẽ thấy khó hợp khẩu vị nhưng khi miếng thịt đã xuống đến cổ họng lại mang đến vị ngọt đậm đà khiến bao thực khách mê mẩn.

Thịt trâu sau khi đã khô và đượm mùi hấp dẫn riêng của nó, người ta gỡ ra, bọc lại bằng giấy báo để tránh ẩm mốc. Trước khi ăn, bạn có thể cho thịt vào lò vi sóng, quay tầm 2 phút, cũng có thể nướng lại thịt hoặc ăn ngay cũng được. Vào những ngày đông, thịt trâu gác bếp mà ăn cùng tương ớt cay cay, uống cùng rượu ngô thì còn gì bằng.

Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của những thực khách yêu thích thịt trâu gác bếp, người dân xứ Tây Bắc đã mở thêm một số cơ sở chuyên sản xuất thịt trâu gác bếp để cung cấp cho thị trường.

Thịt trâu gác bếp vốn là món ăn của núi rừng Tây Bắc, gác trên gác bếp có thể để được rất lâu. Nhưng đối với khí hậu miền xuôi khi trời nồm hoặc độ ẩm cao, thực khách có thể để trong ngăn đá tủ lạnh cũng có thể bảo quản được món thịt trứ danh này trong 1 năm.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Thuyết minh về thịt trâu gác bếp. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 16/05/2022 - Cập nhật : 16/05/2022