logo

Thuyết minh về phở khô Gia Lai

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về phở khô Gia Lai. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về phở khô Gia Lai - Mẫu số 1

Có nhiều quan điểm khác nhau nói về sự ra đời của phở, nhưng nổi bật và được chấp nhận nhất cho đến nay vẫn là quan điểm, phở là món ăn được biến tấu từ một món tương tự của người Pháp, xuất hiện vào khoảng những năm thập kỷ 20 của thế kỷ trước, khi người Pháp đặt chân đến Việt Nam. Nơi xuất hiện phở đầu tiên là ở Nam Định, sau đó, người Hà Nội đã làm cho món ăn này trở nên nổi tiếng và phổ biến.

Riêng với phở khô Gia Lai, tuy chưa có một điều tra chính thức, song đa số người dân cho rằng, món phở khô ấy là “đứa con tinh thần” của ông Nguyễn Thành Mỹ- chủ tiệm quán ăn Đại Hưng tại số 41 Hoàng Diệu, nay là đường Hùng Vương- TP Pleiku. Hiện nay, ông Mỹ đã 93 tuổi và có cô con gái Nguyễn Thị Bích Hồng- là chủ của cửa hàng phở Hồng nổi tiếng lâu nay.

Nhắc đến phở, người ta có thể điểm qua những cái tên quen thuộc như: phở Hà Nội, Nam Định, Sài Gòn, phở Huế… thế nhưng, chỉ duy nhất ở một tỉnh lẻ như Gia Lai lại sở hữu riêng cho mình một món phở được nhiều nơi biết đến. Không giống tất cả các loại phở thường thấy khác, phở khô Gia Lai… “không giống ai” khi được để trong 2 chiếc tô, một đựng phở, một chứa nước súp. Thế nhưng, đó không thể là điều khiến người ta ăn rồi có thể nhớ mãi. Chính hương vị đặc trưng của phở khô mới là chất níu giữ hồn người, mới là cái làm nên một dấu ấn khác biệt và ấn tượng giữa hàng ngàn, hàng vạn các món ăn khác.

Thuyết minh về phở khô Gia Lai hay nhất

>>> Xem thêm: Thuyết minh về phở Hà Nội

Lý giải về lý do ra đời của món phở lạ lùng này, chị Hồng cho rằng, đơn giản đó là một cái duyên trong nghiệp mưu sinh mà cha cô đã may mắn có được. Điểm yếu của phở nước thông thường là nếu ăn không nhanh, sợi phở thấm nước, nở ra sẽ mất ngon. Phở khô đơn giản là sự biến tấu để khắc phục yếu điểm đó.

Phở khô Gia Lai chinh phục lòng thực khách bởi chính chất riêng, không lẫn vào đâu được. Thứ món ăn ấy dân dã và phổ biến, không phải hàng cao lương mỹ vị, xa vời mà bất cứ ai, dù cho kẻ giàu, người nghèo cũng đều có thể được thưởng thức. Cũng vì thế, mà phở khô được người ta biết đến nhiều hơn, gắn quyện nhiều hơn với cuộc sống người dân phố núi.

Cùng một món phở nhưng mỗi cửa hàng lại có những bí quyết chế biến riêng để món phở ấy mang những hương vị thơm ngon, đặc biệt nhất. Tuy nhiên, yếu tố quyết định chất lượng của món phở khô chính là việc lựa chọn nguyên liệu để chế biến. Từ xương hầm, gạo làm bánh phở cho đến gia vị, tất cả đều phải tươi, ngon thì món phở mới ngọt, đậm đà. Muốn có được bánh phở ngon, dai và dẻo nhất thiết phải chọn được loại gạo thích hợp. Nước súp phải được hầm kỹ, vớt bọt thường xuyên để giữ độ trong, việc căn chỉnh lửa sao cho phù hợp cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên hương vị đậm đà cho món nước dùng.

Phở khô nhất thiết phải được ăn kèm với tương nâu - một trong những món tương cũng không kém phần độc đáo. Đây là loại tương được ủ từ đậu nành và đường vàng. Ngoài ra, nhất thiết phải có tóp mỡ, hành khô thái lát mỏng, phi với dầu cho ruộm vàng. Rau ăn kèm thường là giá trụng, rau húng quế, ngò gai, ớt… Thưởng thức món phở khô, người ăn có thể cảm nhận thấy cái ngọt đậm đà của nước dùng nóng hôi hổi, từng sợi phở vừa dẻo, dai lại béo ngậy của mỡ quyện với tương nâu thoang thoảng trong hương thơm của ngò gai, húng quế và chút cay nồng của ớt.

Sẽ là thiếu sót, là lãng phí nếu ai đó đã đến Gia Lai lại chưa thưởng thức món ẩm thực độc đáo này. Pleiku chưa xa đã nhớ là thế đấy! Tạo hóa đã ưu ái ban cho phố núi Pleiku những cái “vốn” nho nhỏ làm nên duyên níu giữ hồn người- mà trong những cái duyên ấy, phở khô xứng đáng được ví như nụ cười tươi trên gương mặt thiếu nữ “má đỏ, môi hồng” làm đắm lòng thực khách muôn phương.


Thuyết minh về phở khô Gia Lai - Mẫu số 2

Nhắc đến đất nước hình chữ S có biết bao nhiêu món ăn đặc sản dân tộc, mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau. Đến Gia Lai du khách phải thử một lần món phở khô, món ăn đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Theo những người sành ăn, muốn thưởng thức được chuẩn hương vị và ngon đúng chất thì phải thưởng thức món ăn này ngay tại phố núi, thủ phủ - nơi khai sinh ra món phở khô Gia Lai. Sợi phở ở trong món phở khô Gia Lai nhỏ, mỏng hơn và khá dai. Theo bà Nguyễn Thị Oanh, chủ một quán phở khá nổi tiếng ở thành phố Pleiku cho biết: “Sợi phở được làm hoàn toàn bằng hạt gạo, loại ngon và không pha trộn. Để chế biến thành sợi phở, gạo phải đem đi ngâm một thời gian, sau đó xay nhuyễn và kéo sợi. Điều đặc biệt của sợi phở là sau khi chần qua nước sôi, vẫn có sự tách rời, chứ không dính lại, nhũn ra giống như là một số sợi hủ tiếu khác”.

Một điều dễ thấy ở món phở khô Gia Lai, đó chính là hình thức trang trí và cách thức phục vụ. Gọi là phở khô, chính là vì có một tô đựng riêng phở và một số gia vị, nguyên liệu khác như: tương đen, hành phi, tóp mỡ, giá, cùng một số gia vị thuộc “bí kíp” của mỗi cơ sở, nhà hàng, quán ăn. Bên cạnh tô đựng phở (tô khô) thì luôn kèm theo một tô khác đựng nước dùng (hay còn gọi là nước lèo, thường là nước hầm từ xương), cùng với những món thịt đi kèm như thịt bò (tái, gân, gàu, nạm…) hay gà. Tô nước dùng này cũng sẽ quyết định đến chất lượng món ăn ngon hay không. Thông thường, nước dùng được làm khá sánh, quyện và nhiều chất béo. Tuy nhiên, tùy theo người dùng mà những chủ quán hiếu khách sẽ nêm nếm vừa dùng theo khẩu vị của từng vị khách, nếu có yêu cầu riêng. Việc ăn phở khô luôn có 2 tô nên nhiều người cũng gọi vui đây là phở 2 tô, giống như ăn hủ tiếu khô của người miền Nam vậy. Mỗi lần ăn, lấy đôi đũa gắp sợi phở, người dùng sẽ nếm thêm muỗng nước dùng. Nó vừa có cảm giác của một món khô nhưng lại kèm với nước, tạo nên âm hưởng riêng biệt, khác hẳn so với những món ăn khác. Đó đúng là một bản giao hưởng với đủ sắc thanh trong khoang miệng khi chúng tôi thưởng thức món ăn này. Đặc biệt, sợi phở ăn kèm với nước dùng có một sự hòa quyện hết sức tinh tế, nhẹ nhàng mà chúng tôi cho rằng đến những vị khách khó tính cũng có thể cảm nhận được ngay từ đũa ăn đầu tiên.

Đến với Gia Lai, ngay tại thành phố Pleiku, hiện có khá nhiều quán phở khô ngon trứ danh. Điển hình như người thích ăn có thể dễ dàng tìm kiếm các quán phở khô Gia Lai trên đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Trỗi hay Phan Đình Phùng và nhiều con đường khác ở thành phố Pleiku. Ngoài ra, cũng đã có nhiều chi nhánh của các cơ sở này đã có mặt ở khắp nơi như tại TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thậm chí ra tới cả Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.

Nếu có cơ hội đến với Gia Lai thì bạn nên thưởng thức hương vị phở đặc trưng này nhé! Phở khô Gia Lai là như thế, đó là cái ngon của tất thảy những chất liệu đời thường Việt Nam nhưng đã được bàn tay tài hoa của người dân làm thành tác phẩm!


Thuyết minh về phở khô Gia Lai - Mẫu số 3

Có thể nói nếu bạn đến phố núi Gia Lai mà chưa thưởng thức phở khô thì quả là một thiếu sót bởi món ăn này là đặc sản nổi tiếng bậc nhất làm nên ẩm thực của Gia Lai. Du khách đến đây đều được nghe giới thiệu về món ăn này và tiếng tăm của nó còn được lan truyền sang các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đắk Lắk, gây thương nhớ cho bất kỳ ai khi đã một lần thưởng thức.

Nguyên liệu để chế biến món ăn này cũng có nét giống như món phở trộn ở một số tỉnh thành, nhưng điều đặc biệt hơn là hương vị rất đậm đà, được phục vụ riêng bằng hai tô, tô đựng phở khô trộn và một tô nước lèo.

Điểm khác biệt ở đây là bánh phở có vị dẻo dai, sợi nhỏ, làm từ bột gạo nhưng do cách chế biến mà khi trụng vào nước sôi, phở không bị mềm nát và rất dai, thơm ngon. Tô phở được dọn ra với lớp bánh phở trắng, bên trên là một lớp thịt gà, thịt lợn đã băm được xào thơm cùng với hành phi và rau thơm. Quyết định đến độ ngon của bát phở trộn này chính là phần nước lèo. Nước được ninh từ xương ống, thịt bò, thịt gà, gân bò... ninh liu riu trên bếp lửa nên rất ngọt và trong.

Ở Pleiku có hai quán phở khô nổi tiếng nhất là phở khô Ngọc Sơn (quán cũ ở 15 Nguyễn Thái Học, một quán ở đầu dốc cầu Hội Phú) và phở Hồng ở đường Nguyễn Văn Trỗi. Riêng phở khô Hồng ở nổi tiếng cả ở Sài Gòn, mở được 2 cơ sở và được rất nhiều thực khách Sài thành yêu thích.

Nếu gọi phở khô gà, người ta sẽ bày thịt hoặc lòng gà xé hay xắt nhỏ lên bánh phở ở tô thứ nhất, rưới lên phía trên là thịt heo bằm nhỏ hoặc tóp mỡ. Còn nếu ăn với thịt bò tái, xương heo, bò viên thì các thành phần này nằm trong tô thứ hai. Ngập trong tô nước lèo là thịt bò tái, xương heo, hoặc bò viên, nổi lên trên là hành ngò xắt nhỏ.

Phở khô Gia Lai cũng có cách ăn riêng, phải đúng kiểu mới cảm nhận được hết cái ngon của món ăn. Bạn có thể gia giảm độ mặn nhạt bằng tương nâu làm từ đậu nành và đường vàng cùng xì dầu tùy vào cảm nhận của mỗi thực khách. Rau ăn kèm với phở khô cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được độ ngon của tô phở khô với sợi phở được làm từ bột gạo nhưng lại có độ dai nhất định, thấm gia vị và không bị nát, quyện trong các nguyên liệu là các loại thịt được chế biến vừa miệng, đậm đà.

Không có từ ngữ nào có thể diễn tả một cách đầy đủ sự tinh tế và cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức phở khô Gia Lai. Chỉ biết rằng, đó là một món quà đặc biệt không lẫn với bất cứ món nào khác. Cuộc sống càng hiện đại, con người luôn sáng tạo để chế biến những món ăn ngon, hợp với văn hóa ẩm thực trong nước và thế giới, nhưng món phở khô Gia Lai chắc chắn sẽ luôn là sự lựa chọn tin cậy đối với các du khách khi đặt chân đến Gia Lai.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Thuyết minh về phở khô Gia Lai. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 16/05/2022 - Cập nhật : 16/05/2022