logo

Thuyết minh về phở bò Nam Định

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Thuyết minh về phở bò Nam Định. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé! 


Thuyết minh về phở bò Nam Định - Mẫu số 1

Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với “ngón” phở bò gia truyền và trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ trên quê hương Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Phở Nam Định có nguồn gốc, xuất xứ và đặc trưng riêng không thể lẫn với phở của vùng khác.

Vào những năm 1955-1956, người dân ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực (cách TP Nam Định 14km) đã có phở gánh hay phở xe tới những phố phường của Hà Nội và chiếm được lòng tin của khách hàng. Phở bò Nam Định có nguồn gốc từ mảnh đất họ Cồ, làng Giao Cù với kinh nghiệm làm bánh phở lâu năm.

Phở bò Nam Định cũng giống vùng khác gồm bánh phở, thịt bò, nước phở và một số gia vị nhưng đặc biệt ở chỗ bánh phở Cồ sợi nhỏ ngon, mềm không khô cứng và nồng như ở nơi khác. Bánh phở Giao Cù được làm từ gạo chiêm của vụ trước để hết nhựa mới đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi nên trắng, dai và thơm nục. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt ra ngay ăn mềm vẫn giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Có người nói “nước trong, bánh dẻo, thịt mềm… ắt là phở ngon”.

Công đoạn pha chế nước dùng của phở Nam Định là quan trọng nhất, đó là bí quyết gia truyền của những người thợ làm phở. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, sá sùng…Xương rửa sạch, cạo hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh.

Nước đầu tiên đổ đi để khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò vào nước dùng, nước lần sau mới làm nước dùng cho thêm gừng và hành củ nướng vào. Để lửa lớn cho nước sôi sau đó giảm bớt lửa vớt bọt cho thêm ít nước lạnh đun sôi rồi vớt bọt cho đến khi nào nước trong và không còn bọt nữa, cho ít gia vị và điều chỉnh lửa để nước sôi lăn tăn không bị đục và có vị ngọt của xương. Nước dùng ngon là do các loại gia vị theo bí quyết “gia truyền” của dòng họ Cồ.

Trong lòng bát men sứ trắng tinh những sợi phở trắng mềm như lụa cùng vài miếng thịt bò thái mỏng, nhúng thêm cọng hành lá và ít rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh chan chút nước dùng trong vắt là du khách có thể thưởng thức ngay món phở “gia truyền” mà chỉ ở Thành Nam mới có hương vị ngon ngọt của xương ấy.

Thuyết minh về phở bò Nam Định hay nhất

>>> Xem thêm: Thuyết minh về món thịt kho tàu


Thuyết minh về phở bò Nam Định - Mẫu số 2

Khi nhắc đến "phở" với bạn bè quốc tế thì người Hà Nội luôn tự hào đây là một trong những món ăn ẩm thực tinh hoa của mảnh đất thủ đô. Bên cạnh đó, phở bò Nam Định cũng là một trong những món ăn nổi tiếng trứ danh bởi hương vị ngọt ngào, khác biệt mà chỉ khi bạn thưởng thức món phở này trên mảnh đất Thành Nam mới cảm nhận hết được. Đó cũng là lý do vì sao phở bò ở Nam Định lại phủ sóng trên khắp toàn quốc từ Bắc vào Nam.

Theo ghi chép từ nhiều nguồn tài liệu thì món phở xuất hiện đầu tiên tại Nam Định. Bởi những người thợ, hay những công nhân làm trong nhà máy dệt Nam Định hay phải làm ca đêm, thế nên họ phải nạp năng lượng bằng cách ăn đêm để có sức khỏe làm việc. Vì thế, những gánh phở đã xuất hiện như một lẽ tất yếu để phục vụ nhu cầu của công nhân, thợ thuyền trong khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Và những gánh phở rong của người làng Giao Cù, hay những người họ Cồ ở làng Vân Cù - Đồng Sơn - Nam Trực đã xuất hiện. Rồi từ đó những gánh phở Cồ, phở Giao Cù Nam Định đã xuất hiện tại 36 phố phường Hà Nội cũng như khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Cho đến ngày nay những gánh phở đã được dần thay thế bằng những quán phở khang trang, sạch sẽ để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

Để cho ra một bát phở bò Nam Định ngon thì lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể bỏ qua bánh phở được. Bánh phở Nam Định có sợi khá nhỏ mềm, nhìn bánh phở rất mịn và dẻo dai không bị khô cứng hay bị nồng như ở những quán phở nơi khác. Bởi muốn làm bánh phở được ngon thì người ta phải lựa chọn từ gạo mùa, hay gạo chiêm từ vụ trước. Để cho hết sạch nhựa sau đó sẽ đem nghiền bằng cối xay đá. Chính phương thức làm bánh phở thủ công mới cho ra bột trắng mịn, dẻo dai. Sau đó sẽ đem đi tráng mỏng trên nồi nước quạt bằng than củi cho chín nục. Và ngày đó, gạo được chọn làm bánh phở phải đúng đích danh thứ gạo tấm vì hạt gạo thường gãy 2/3 thế nên làm bánh phở rất dai, trắng ngần, thơm nức.

Và tuyệt nhiên một bát phở bò thơm ngon hảo hạng không thể thiếu đi nước dùng được. Và đây là khâu cực kỳ quan trọng và cũng là phương thức bí truyền của những người thợ làm phở. Nước phở càng ngọt và trong bao nhiêu thì bát phở càng thơm ngon bấy nhiêu. Thịt bò để làm phở phải lựa những súc thịt lấy từ những con bò đã trưởng thành có trọng lượng từ 3 - 4 tạ/con. Loại này khi xả thịt thì lựa ra còn khoảng 2,5 tạ thịt. Và nước dùng ngon hay không là cách lấy xương cốt mới cho ra nước dùng ngọt của tủy, ngọt cốt, ngọt tịnh chứ không phải ngọt nợ của mì chính hay hạt nêm...Và để có nồi nước dùng trong thì xương được luộc lần đầu sẽ được vớt ra rửa sạch. Sau đó mới đun nước lần 2 và làm nước dùng. Vì thế nước dùng giữ được độ trong veo mà không bị váng.

Bên cạnh đó, thịt bò để cho vào bát phở cũng phải lựa từ súc thịt tươi sống, rửa thật sạch. Và khâu luộc thịt cũng là cả 1 nghệ thuật khéo léo đối với người thợ nấu phở. Khi luộc thịt bò lúc sôi thì phải vớt váng hết ra đến đó thì miếng thịt mới thơm và không hề bị chát. Thịt chín rồi thì sẽ không được vớt ra ngay mà sẽ được ủ nguyên trong nồi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, thịt mới được vớt ra và treo lên cao để róc nước sau đó sẽ được tẩm ướp gia vị. Như thế khi đưa miếng thịt lên miệng bạn sẽ cảm thấy miếng thịt thơm phức, ăn chắc dai mà không hề bị bở.

Đã bao thế hệ đi qua, dưới đôi tay khéo léo của người đầu bếp, phở bò Nam Định vẫn vẹn nguyên. Bát phở nghi ngút khói cùng mùi thơm đặc trưng đã lặng lẽ khắc ghi trong trái tim mỗi người con Việt Nam – là niềm tự hào của cả dân tộc.


Thuyết minh về phở bò Nam Định - Mẫu số 3

Khi nhắc đến "phở" với bạn bè quốc tế thì người Hà Nội luôn tự hào đây là một trong những món ăn ẩm thực tinh hoa của mảnh đất thủ đô. Bên cạnh đó, phở bò Nam Định cũng là một trong những món ăn nổi tiếng trứ danh bởi hương vị ngọt ngào, khác biệt mà chỉ khi bạn thưởng thức món phở này trên mảnh đất Thành Nam mới cảm nhận hết được. Đó cũng là lý do vì sao phở bò ở Nam Định lại phủ sóng trên khắp toàn quốc từ Bắc vào Nam. 

Theo người xưa kể lại thì món phở xuất hiện đầu tiên tại Nam Định. Bởi những công nhân làm trong nhà máy dệt Nam Định hay phải làm ca đêm, thế nên họ cần nạp năng lượng bằng cách ăn đêm để có sức khỏe làm việc. Chính vì thế, những gánh phở đã xuất hiện như một lẽ tất yếu để phục vụ nhu cầu của công nhân, thợ thuyền trong khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Và những gánh phở rong của người làng Giao Cù, hay những người họ Cồ ở làng Vân Cù xã Đồng Sơn huyện Nam Trực đã xuất hiện.

Rồi từ đó những gánh phở Cồ, phở Giao Cù Nam Định đã xuất hiện tại 36 phố phường Hà Nội cũng như khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Cho đến ngày nay những gánh phở đã được dần thay thế bằng những quán phở khang trang, sạch sẽ để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước.

Cốt lõi tạo nên một bát phở bò Nam Định thơm ngon hảo hạng chính là nước dùng hay ở một số nơi còn gọi là nước lèo. Nấu nước dùng là khâu cực kỳ quan trọng và cũng là phương thức bí truyền của những người thợ làm phở. Nước phở càng ngọt và trong thì mới tạo nên tô phở thơm ngon đậm đà. Nước dùng ngon hay không là cách lấy xương cốt mới cho ra nước dùng ngọt của tủy, ngọt cốt, ngọt tịnh chứ không phải ngọt nợ của mì chính hay hạt nêm… Để có được nồi nước dùng trong thì xương sẽ đem đi luộc rồi vớt ra rửa sạch. Sau đó mới đun nước hầm lần 2 để làm nước dùng. Vì thế nước phở mới giữ được độ trong veo mà không bị váng.

Đặc biệt, nước phở càng ngọt thanh và trong bao nhiêu thì tô phở bò Nam Định càng ngon bấy nhiêu. Và một điều cần phải lưu ý đó là cho ít muối vào nước phở. Chỉ cần cho 1 lượng muối vừa đủ để giữ vị mặn và có thể thay muối bằng nước mắm. Nước mắm pha vào nước dùng phải là loại nước mắm thơm ngon mới giữ được độ trong veo của nước phở. Nếu nước mắm không ngon, có màu thì nước phở sẽ bị gắt và bị vẩn đục làm cho nước dùng kém ngọt. Nước phở sẽ ngon hơn khi người thợ hầm nhừ mục xương và pha thêm 1 chút gia vị như gừng, thảo quả, đinh hương, hoa hồi, thanh quế, ngò gai, hành khô, sá sùng,... Đây chính là bí quyết và cách pha chế riêng của từng người thợ làm phở.

Để tạo nên một bát phở bò Nam Định ngon thì lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể bỏ qua bánh phở được. Bánh phở Nam Định có sợi khá nhỏ mềm, nhìn bánh phở rất mịn và dẻo dai không bị khô cứng hay bị nồng như ở những quán phở nơi khác. Bởi muốn làm được bánh phở ngon thì người ta phải lựa chọn từ loại gạo mùa, hay gạo chiêm từ vụ trước. Để cho hết sạch nhựa sau đó mới đem đi nghiền bằng cối xay đá. Chính phương thức làm bánh phở thủ công này mới cho ra bột trắng mịn, dẻo dai. Sau đó sẽ đem đi tráng mỏng trên nồi nước quạt bằng than củi cho chín.

Thịt bò để cho vào bát phở cũng phải lựa từ khúc thịt tươi sống, rửa thật sạch. Và khâu luộc thịt cũng là cả 1 nghệ thuật khéo léo đối với người thợ nấu phở. Khi luộc thịt bò lúc sôi thì phải vớt hết váng ra, khi đó thì miếng thịt mới thơm và không hề bị chát. Thịt chín rồi thì không được vớt ra ngay mà sẽ được ủ nguyên trong nồi khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, thịt mới được vớt ra và treo lên cao để róc nước. Như vậy khi thưởng thức thịt trong tô phở bạn sẽ cảm thấy miếng thịt thơm phức, ăn chắc dai mà không hề bị bở.

Chắc chắn nếu có dịp về thăm mảnh đất Nam Định thì nhớ thưởng thức ngay món phở bò Nam Định nhé. Đây là một trong đặc sản tạo nên quốc hồn quốc túy của dân tộc mà bất cứ du khách nào cũng yêu thích vì hương vị đặc trưng không lẫn với món phở nơi khác được.

---/---

Như vậy Top lời giải đã trình bày xong bài văn mẫu Thuyết minh về phở bò Nam Định. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 16/05/2022 - Cập nhật : 16/05/2022