logo

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre

Bến Tre có hình tam giác, cách Thành phố Hồ Chí Minh 86 km, cách thành phố Mỹ Tho 15 km. Bến Tre là quê hương của xứ dừa, với những rặng kênh dài, những con sông nằm nép mình bên sườn núi thấp… Đến với Bến Tre du khách sẽ có dịp khám phá nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Vậy có những địa danh nào đẹp ở Bến Tre? Hãy cùng khám phá vẻ đẹp của nơi này qua bài thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre dưới đây nhé.


Dàn ý Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh của tỉnh Bến Tre.

- Tiêu biểu nhất là Cồn Quy và khu lăng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

2. Thân bài

Lần lượt thuyết minh về hai danh lam thắng cảnh nổi tiếng này:

- Cồn Quy

+ Thuộc xã Tân Thạch và Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Việt Nam

+ Nguồn gốc và lịch sử hình thành của Cồn Quy.

+ Quang cảnh xung quanh.

+ Những trải nghiệm của du khách khi đến tham quan nơi đây: khung cảnh hoang sơ, đẹp hiền hoà

- Khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu

+ Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

+ Cảnh quan kiến trúc lăng mộ: là một quần thế kiến trúc rộng rãi với tổng diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972.

+ Năm 2017, Khu di tích này lại  được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

3. Kết bài

- Khẳng định vẻ đẹp và giá trị của cồn Quy và Khu lăng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre

      Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 86km là tỉnh Bến Tre hiền hoà thơ mộng. Nằm gần cực Nam của tổ quốc, Bến Tre được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho rất nhiều những danh lam thắng cảnh đẹp như: Cồn Quy, khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, làng hoa cảnh Chợ Lách… đến đây chắc chắn du khách sẽ quyến luyến, say sưa không muốn rời mảnh đất nên thơ này.

      Địa điểm đầu tiên phải chỉ ra khi đến Bến Tre là Cồn Quy. Cồn Quy là thuộc xã Tân Thạch và Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Việt Nam. Cồn Quy còn có tên gọi khác là Cồn Cát là một trong tứ cồn nổi tiếng của người dân Bến Tre. Tuy là một trong những cồn nhỏ nhất của Bến Tre (diện tích chỉ có 69ha) nhưng nơi này lại sở hữu những vẻ đẹp kỳ thú mà hiếm có nơi nào sánh được. 

      Người dân tỉnh Bến Tre cho hay trong số bốn cồn “Tứ Linh” nổi danh của du lịch miền Tây, thì ba cồn Long, Lân, Phụng, có hình dáng dài, chỉ riêng cồn Quy có hình tròn và giống hình con rùa nên mới gọi là cồn Quy… Trong đó, cồn Quy và cồn Phụng thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, còn cồn Long và cồn Lân là thuộc tỉnh Tiền Giang. Cái tên “cồn” để chỉ bãi giữa, là một dải đất hình thành ở giữa con sông lớn, nhờ lượng phù sa bồi đắp quanh năm.

      Không rõ hình thành từ năm nào chỉ biết rằng từ hàng trăm năm trước cồn Quy đã ra đời. Ban đầu đây chỉ là dải đất nổi hoang vu trên mặt sông, tứ phía cỏ cây mọc um tùm, rậm rạp. Trong khoảng những năm 1950 - 1960 mới có vài người đến đây khai hoang, lập nghiệp. Minh chứng còn lại từ hướng thượng lưu thờ bà Chúa Xứ là tiền nhân khai hoang nơi này. Ban đầu cồn chỉ rộng khoảng 60ha, nhưng do nhân dân trồng bần để giữ đất và giữ nước, lại được phù sa bồi đắp nên cồn mới có diện tích như ngày nay. Mãi đến năm 1960 Cồn Quy được khai thác triệt để và trở thành một trong những trung tâm du lịch như ngày nay.

      Cồn Quy thu hút du khách hơn hẳn so với những địa điểm du lịch khác chính là vẻ đẹp hoang sơ, chưa có sự tác động và khai phá của con người. Đứng từ xa nhìn xuống Cồn Quy giống như một hòn đảo nổi ở giữa sông. Trên cồn có có một nhà thơ để phục vụ người dân đến cầu nguyện.

Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre

      Ban đầu khi chưa đi vào khai thác các gian hàng mọc tự phát được lợp bằng những lá tre và có quy mô nhỏ để đón tiếp khách du lịch. Về sau khi lượng khách du lịch đông đúc thì đã có nhà hàng Thuỷ Tạ mọc lên, với quy mô lớn có thể phục vụ khách du lịch một cách chu đáo hơn.

      Đến thăm du lịch Cồn Quy du khách sẽ được trải nghiệm ở những vườn cam , bưởi, nhãn, chôm chôm sum suê trĩu quả. Bên cạnh những vườn cây ăn trái trĩu quả còn là những vườn nuôi ong hoàn toàn từ hoa nhãn vô cùng đặc trưng. Đến thăm nơi đây du khách còn được hoá thân thành những dân chính gốc để tát mương, bắt cá, mò cua, bắt ốc… để trải nghiệm cuộc sống bình dị miền sông nước.

      Sẽ là thiếu sót nếu đến Bến Tre mà không ghé thăm lăng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Địa danh này từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng và là nơi thờ cúng của một nhà thơ yêu nước, người thầy thuốc có tài có đức và một công dân Việt Nam hết lòng thuỷ chung với non sông, dân tộc.

      Lăng mộ của cụ là một quần thế kiến trúc rộng rãi với tổng diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000, gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972.Công trình bao gồm: nhà bia, cổng tam quan,  đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ. Cổng tam quan mang phong cách kiến trúc truyền thống giống các đình chùa của Việt Nam. Hai mái chồng lên nhau, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch, trên nóc và những bao lam xà, xiên có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Thân cột tam quan to, sơn màu đỏ trông rất uy nghi và vững chãi. 

      Trung tâm của lăng mộ là nhà bia mới được xây cách đây không lâu. Nhà bia có kiến trúc kiểu truyền thống, cao 12m và có hai tầng mái. Tường vây bao quanh trang trí toàn bộ bằng hoa lá cách điệu. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng  của cây bút lông. Giữa lòng nhà là tấm bia bằng đá có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt sau tóm tắt tiểu sử của ông còn mặt trước là bài văn ca ngợi ông Nguyễn Đình Chiểu.

      Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu có hai tầng. Tầng dưới trưng bày các hình ảnh của đoàn lãnh đạo, du khách quốc tế và thập phương đã từng đến viếng và thắp hương cụ Nguyễn. Tầng trên là chân dung của cụ được đắp toàn bộ bằng đồng nặng tới 1,2 tấn và cao 1,6m. Trên 4 cột trụ có 4 liễn áp cột bằng gỗ được chạm trổ hoa văn tinh xảo, trên đó có khắc hai câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu: thể hiện khí phách của ngòi bút ông: Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm /Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Bên cạnh đó là đôi câu đối của nhân dân ca tụng ông: “Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt/ Văn chương tỏ rạng ánh sao khuê”. 

      Đền thờ cũ được xây từ năm 1972 với kiến trúc hai tầng mái ngói lợp âm dương, diện tích khiêm tốn hơ là 84m2. Bờ nóc cũng được trang trí rồng mây cách điệu, bên trong sẽ là ban thờ của cụ. Hai cột chính cũng đắp hai câu thơ của cụ. Ngoài ra còn có một số hình ảnh của các thủ lĩnh, cán bộ cách mạng trong cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ ở cuối thế kỷ 19.

      Bên trái của nhà tưởng niệm là phần mộ của cụ Đồ với phu nhân. Gần bên đó là nơi yên nghỉ của con gái của cụ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Sương Nguyệt Ánh. Bà là một trong những nhà thơ và nhà báo rất nổi tiếng, cũng là chủ của tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam. Năm 1990, khu lăng mộ của của cụ đã vinh dự được  nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, Khu di tích này lại  được Bộ VH-TT&DL cấp Bằng công nhận Khu di tích văn hóa, lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.

      Có thể nói Cồn Quy và khu di tích lăng mộ của cụ Nguyễn Đình Chiểu là hai danh lam thắng cảnh đẹp của Bến Tre, là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nếu có dịp ghé thăm du khách hãy đến thăm hai địa điểm này để có thể cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Bến Tre nhé.

   --------------------------

Trên đây Toploigiai  đã mang tới cho các bạn những mẫu bài Thuyết minh về danh lam thắng cảnh ở Bến Tre. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tăng thêm nhiều kiến thức. Chúc các bạn học thật tốt!

icon-date
Xuất bản : 03/04/2023 - Cập nhật : 04/07/2023