logo

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

Khái quát Tác giả - Tác phẩm: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam bao gồm Giới thiệu tác giả Trần Quốc Vượng và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - SGK Văn 10 Cánh diều

Tác giả - Tác phẩm: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng


I. Giới thiệu tác giả Trần Quốc Vượng

a. Tiểu sử

Trần Quốc Vượng (12 tháng 12 năm 1934 – 8 tháng 8 năm 2005) là một giáo sư, nhà sử học, nhà khảo cổ học Việt Nam.

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

Ông sinh tại huyện Kinh Môn, Hải Dương nhưng quê quán ở thôn Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa cùng với Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm năm 1956 ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ngày 22 tháng 9 năm 2003 ông lập gia đình lần thứ hai với người vợ trẻ kém ông gần 30 tuổi (sinh năm 1963). Người vợ trước của ông đã mất trước đó khá lâu.

b. Tác phẩm

Ông đã viết nhiều bài nghiên cứu khoa học (trên 400 bài) đăng trên các tạp chí chuyên môn trong nước (Khảo cổ, Lịch sử, Văn học, Văn hoá Dân gian, Văn hoá Nghệ thuật...) và ngoài nước (Cornell University Press, North Ilinois, Yale University (Mỹ), Tokyo, Kyoto, Osaka University (Nhật), Seoul University (Hàn Quốc), Oxford University Press (Anh)…). Ngoài ra, ông đã viết và được in ấn nhiều sách (trên 40 cuốn) ở cả trong và ngoài nước, có thể kể đến như:

Việt Nam khảo cổ học (tiếng Nhật, Tokyo, 1993)

Trong cõi (California, 1993)

Theo dòng lịch sử (1995)

Some aspects of Vietnam culture (Mỹ, 1995)

Tìm hiểu văn hoá dân gian Hà Nội (1997)

Việt Nam, cái nhìn địa văn hoá (1998)

Vietnam folklore and history (Mỹ, North Ilinois, 1998)

Essay into the Vietnam past (New York, Mỹ, 1999)

Ngành nghề, tổ nghề, làng nghề Việt Nam (1999)

Làng nghề, phố nghề Thăng Long, Hà Nội (2000)

Văn hoá Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm (2000)

Trên mảnh đất nghìn năm văn vật (2001)

Tìm hiểu bản sắc văn hoá xứ Huế (2001)


II. Khái quát tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam


1. Xuất xứ

Văn bản in trong tập Văn hóa Hà Nội, tìm tòi và suy ngẫm, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.


2. Bố cục 

Văn bản Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam được chia thành 2 phần:

Phần 1: Sự hình thành văn hóa Hà Nội

Phần 2: Nếp sống thanh lịch của người Hà Nội

>>> Xem thêm: Soạn bài Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam SGK 10 trang 97, 98, 99 - Văn Cánh diều


3. Giá trị nội dung 

- Thể hiện cái nhìn và tình cảm trân trọng ngưỡng mộ của tác giả đối với những tinh hoa văn hóa của dân tộc

- Cung cấp thông tin một cách khách quan cho người đọc về văn hóa Hà Nội ở nhiều phương diện như nguồn gốc hình thành qua các triều đại, sự kết hợp giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình, rồi nguyên nhân, nguồn gốc dẫn đến sự hình thành nếp sống thanh lịch của người Hà Nội.


4. Giá trị nghệ thuật 

- Ngôn từ mạch lạc, phù hợp với văn bản thông tin

- Văn bản được viết theo hình thức của một văn bản thông tin với bố cục rõ ràng, hợp lý

- Thông tin trong bài viết kết hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý,...

- Bài viết kết hợp nhuần nhuyễn giữa thuyết minh và tự sự, nghị luận


5. Tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam

Hà Nội như các nhà địa lí học nhận định, là Thủ đô tự nhiên của lưu vực sông Hồng, của miền Bắc Việt Nam trước khi lớn lên cùng với sự lớn lên mở nước của dân tộc – thành trung tâm đầu não của cả nước 

Đông, Nam, Đoài, Bắc mỗi vùng đều có một trữ lượng folklore (văn hoá dân gian) phong phú như ca dao, tục ngữ, dân ca, chèo, múa rối, truyện cổ tích… Toàn bộ trữ lượng văn hóa dân gian ấy được chuyển dồn về trung tâm Hà Nội, kết tụ và chọn lọc nâng cao trên cái nền đã có sẵn của vùng non nước Hồ Tây – Hồ Gươm, núi Nùng, núi Khán mà trở thành folklore Hà Nội. Triều đình Lý, Trần đưa việc thờ cúng các anh hùng dân tộc như Phù Đổng, Hai Bà Trưng, Bố Cái (Phùng Hưng), Mai Hắc Đế… về giữa phố phường và xóm trại ven đô. Dân dã về Hà Nội sinh sống lại đưa thần diệu của làng xóm mình về kinh kì Kẻ Chợ, kèm theo đó là các lễ hội dân gian. Sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, xã hội của Thủ đô do vậy mà phong phú nhiều dạng vẻ. Nhà nước dân tộc Lý – Trần – Lê lại nâng các lễ hội đua thuyền, đấu vật, hất phết, tung còn, múa rối nước, múa chạy đàn dân gian lên thành quốc lễ, có đội hình chuyên hóa, có sân khấu đàng hoàng, có phục trang sang trọng hơn. Văn hóa dân gian không tách rời mà kết hợp, hòa hợp với văn hóa cung đình và được "chính thức hóa" và "sang trọng hóa". Cái sang trọng ấy trên tảng nên một nếp sống phong lưu do công thương phát triển ngắm vào phong cách, thế ứng xử của người Thăng Long - Hà Nội về ăn, mặc, ở và đi lại.

Trước hết người Hà Nội là kết quả của tinh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, đua tài, học hỏi và nâng cao

 "Khéo léo tay nghề, đất lề Kẻ Chợ". 

Khi người ta lao động giỏi ở một trung tâm giao dịch, một trung tâm "mở cửa", đón gió muôn phương thì nảy sinh nhu cầu lựa chọn, đòi hỏi và có điều kiện thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng từ các nơi đổ về.

 "Gắng công kén hộ Cốm Vòng/ Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui". 

Hình thành một mạng lưới làng quê sản xuất đặc sản nông phẩm và sản phẩm thủ công ven đê cùng với phố phường thủ công nội đô, giao lưu với nhau ở bốn chợ chính trước bốn cổng thành đông, Tây, Nam, Bắc "Bán mít chợ đông/ bán hồng chợ Tây/ bán mây chợ Huyện/ bán quyến (lụa) Hàng Đào" và một mạng lưới ven đô ở các cửa ô: Bưởi, Cầu Giấy, chợ Dừa, cầu Dền, Đống Đa… Vì thế mà có "Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây", "Giò Chèm, nem Vẽ", "Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì, tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn", "Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng", Lĩnh Bưởi, The La…

Từ đó, người Hà Nội trở nên sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, đại diện anh hùng của cảnước, làm ăn tài, đại diện của tinh hoa dân tộc; người Thăng Long – Hà Nội nhờ truyền thống hiếu học, nhờ có điều kiện giao lưu văn hóa xã hội, thu nhận nhanh nhiều liều lượng thông tin khác nhau, trở nên đặc biệt mẫn cảm về chính trị – tình cảm.

Với một nếp sống phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần lịch sử ngàn năm văn vật của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã hun đúc cho người Hà Nội một nếp sống thanh lịch, từng trải mà nhẹ nhàng, kiên định mà duyên dáng, hào hoa mà thanh thoát, sang trọng mà không xa hoa, cởi mở mà không lố bịch, nhố nhăng… từ lời ăn tiếng nói đến phong cách làm ăn, suy nghĩ…

 "Chẳng thanh cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch sự cũng người Thượng kinh".

Thành phố Rồng Bay có trường cao cấp về Văn (Quốc Tử Giám), về Võ (Giảng Võ đường) từ thế kỉ XI cho đến Thăng Long vừa thượng võ với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, vừa văn hiến với Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Chiêu Hổ, Bà huyện Thanh Quan…

Văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội là một hằng số tuyệt vời của văn hóa Việt Nam.

Biết xưa để vì nay. Chúng ta quyết xây dựng Hà Nội hôm nay trở thành một trung tâm văn hóa, khoa học cao, tiêu biểu cho cả nước, với những con người Hà Nội mới, rất Việt Nam.

(In trong văn hóa Hà Nội: tìm tỏi và su ngắm,
NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010)


6. Sơ đồ tư duy

Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam - Trần Quốc Vượng (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

III. Câu hỏi vận dụng kiến thức tác phẩm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam

Câu 1: Văn hóa Hà Nội được hình thành dựa trên sự kết hợp của những yếu tố nào?

Lời giải:

Văn hóa Hà Nội được hình thành dựa trên sự kết hợp của những yếu tố:

- Trữ lượng folklore (dân gian) phong phú: ca dao, tục ngữ, dân ca, chèo, múa rối, truyện cổ ích, ...toàn bộ trữ lượng văn hóa dân gian ấy được chuyển dồn về trung tâm Hà Nội, kết tụ chọn lọc và nâng cao trên cái có sẵn của vùng non nước Hồ Tây - Hồ Gươm, núi Nùng, núi Khàn mà trở thành folklore Hà Nội.

- Sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, xã hội phong phú về nhiều dạng: nhà nước dân tộc Lý - Trần - Lê nâng các lễ hội đua thuyền. đấu vật, hất phết, tung còn, múa rối nước,...

- Văn hóa dân gian không tác rời mà kết hợp, hòa hợp với văn hóa cung đình và được "chính thức hóa" và "sang trọng hóa".

Câu 2: Để giúp người đọc hiểu đặc điểm của "văn hóa Thăng Long - Hà Nội", tác giả đã huy động, kết nối thông tin lĩnh vực nào? Hãy chỉ ra biểu hiện cụ thể của các loại thông tin ấy (ví dụ: thông tin địa lí - "Hà Nội [...] là thủ đô tự nhiên của lưu vực sông Hồng, của miền Bắc Việt Nam").

Lời giải:

Về lịch sử: Triều đình Lý Trần đưa việc thờ cúng các anh hùng dân tốc như Phù Đổng, ...về giữa phố phường và xóm trại ven đô; nhà nước dân tộc Lý - Trần - Lê lại nâng các lễ hội đua thuyền. đấu vật, hất phết, tung còn, ...phục trang sang trọng hơn.

Về địa lí: Hà Nội, như các nhà địa lí học nhận định, ...trung tâm đầu não của cả nước; Đông, Nam, Đoài, Bắc, mỗi vùng đều có một trữ lượng folklore, ...

Về văn hóa, xã hội: Trước hết, người Hà Nội, kết quả của tinh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, ...làm thầy cũng giỏi

Câu 3: Theo em, văn bản Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam đã sử dụng phương thức thuyết minh kết hợp với những phương thức nào (biểu cảm, tự sự, nghị luận, ...)? Hãy chỉ ra và phân tích mục đích của việc lồng ghép các yếu tố đó trong bài viết.

Lời giải:

Theo em, văn bản Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: một hằng số văn hóa Việt Nam đã sử dụng phương thức thuyết minh kết hợp với những phương thức tự sự và nghị luận.

Phương thức tự sự: Kể về sự hình thành của văn hóa Hà Nội.

Phương thức nghị luận: Đưa ra những luận điểm, dẫn chứng để làm sáng tỏ nội dung về sự hình thành lên nếp sống thanh lịch, tao nhã của người Hà Nội.

Mục đích: Giúp cho văn bản có tính xác thực, thuyết phục được người đọc.

Câu 4: Điều gì đã tạo nên nếp sống thanh lịch của người Hà Nội?

Lời giải:

Những điều gì đã tạo nên nếp sống thanh lịch của người Hà Nội:

- Người Hà Nội là kết quả của tinh hoa bốn phương tụ hội, đua trí, đua tài, học hỏi người ngoài và nâng cao nên trở thanh những người Việt Nam lao động giỏi, làm thợ giỏi, làm thầy cũng giỏi.

- Người Hà Nội sành ăn, sành mặc, đánh giặc giỏi, đại diện của hùng anh cứu nước, làm ăn tài, đại diện của tinh hoa dân tộc.

- Người Hà Nội hiếu học, nhờ có điều kiện giao lưu văn hóa xã hội, thu nhận nhanh nhạy liều lượng thông tin khác nhau, trở nên đặc biệt mẫn cảm về chính trị - nhạy cảm.

>>> Xem trọn bộ: Tác giả - Tác phẩm Văn 10 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - Tác phẩm: Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam trong bộ SGK Văn 10 Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 11/07/2022 - Cập nhật : 08/09/2022