logo

Tác giả Quang Dũng - Tây Tiến (Tóm tắt, HCST, nội dung, sơ đồ tư duy)

Khái quát Tác giả - Tác phẩm: Tây Tiến bao gồm Giới thiệu tác giả Quang Dũng và hoàn cảnh sáng tác, thể loại, bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật tác phẩm Tây Tiến - SGK Văn 10 Chân trời sáng tạo.

Tác giả - Tác phẩm: Tây Tiến


I. Giới thiệu chung về tác giả Quang Dũng

Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Ông có người em ruột là Bùi Đình Đạm - thiếu tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Trước cách mạng tháng Tám, ông học Ban trung học trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông đi dạy học tư ở Sơn Tây.

Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trở thành phóng viên tiền phương của báo Chiến đấu.

Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở tiểu đoàn 212, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ông tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai, mở đường qua đất Tây Bắc. Trong thời gian này, ông còn được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt.

Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Văn học. Ông phải đi chỉnh huấn sau vụ tờ báo Nhân Văn - Giai Phẩm. Bài thơ "Tây Tiến" của ông được nhiều người yêu thích, được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích ngay cả ở miền nam thời đó. Tuy nổi tiếng nhưng ông thích sống đạm bạc, không thích khoe khoang tên tuổi với ai. Khi nhận được những lời mời biếu tiền để sáng tác thơ của giới nhà giàu, ông từ chối và nói “Văn chương chữ nghĩa rẻ rúng đến thế ư?”.

Về sau này, như những nhà thơ lớn khác, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh,... ông không sáng tác thêm được nhiều tác phẩm nổi bật và mất đi trong âm thầm. Ông mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 sau một thời gian dài bị bệnh tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

* Phong cách sáng tác

Là một nhà thơ lãng mạn với phong cách phóng khoáng, hồn hậu và tài hoa, Quang Dũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cảm giác tương phản âm dương trong cách tạo hình tượng thơ. cảnh vật và con người hiện lên trong sự liên tục và giao thoa của các mặt đối lập, vừa hiện thực vừa lãng mạn, hào hùng và hào hoa, dữ dội và êm đềm.

Đọc thơ Quang Dũng, ta thấy cả một thời đại đau thương bị mưa bom đạn xới tung. chiến tranh mang lại quá nhiều mất mát và chia ly, và để lại những tình yêu chưa được bày tỏ, những lời hứa hẹn ngày gặp lại và những ngày tháng chờ đợi.


II. Khái quát tác phẩm Tây Tiến


1. Hoàn cảnh sáng tác

- Quang Dũng viết bài thơ này khi ông đã chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ Tây Tiến của mình.

- Bài thơ được in trong tập thơ Mây đầu ô (1986).


2. Bố cục

+ Phần 1 (14 câu đầu): Nỗi nhớ của Quang Dũng về núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và Tây Tiến anh hùng.

+ Phần 2 (8 câu tiếp theo): Đêm vui liên hoan văn nghệ và bức tranh sông nước miền Tây Bắc hư ảo.

+ Phần 3 (8 câu tiếp theo): Chân dung người lính Tây Tiến hào hùng mà vẫn lãng mạn hào hoa, sự hi sinh mất mát.

+ Phần 4 (Còn lại): Nỗi nhớ của Quang Dũng hướng về Tây Tiến và lời thề gắn bó.


3. Giá trị nội dung

- Tác giả vẽ nên hình ảnh, vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc.

- Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

Tây Tiến (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

4. Giá trị nghệ thuật

- Nghệ thuật trùng điệp, phối thanh trong thơ tự do

- Cách sử dụng ngôn từ đặc sắc: các từ chỉ địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt..

- Sử dụng biện pháp tu từ


III. Sơ đồ tư duy tác phẩm Tây Tiến

Tây Tiến (Tóm tắt, hoàn cảnh st, nội dung, nghệ thuật, sơ đồ tư duy)

IV. Câu hỏi vận dụng kiến thức tác phẩm Tây Tiến

Câu 1: Em hãy nêu ý nghĩa nhan đề của bài thơ Tây Tiến?

Lời giải:

- Chỉ tên một đơn vị bộ đội.

- Bài thơ ban đầu có tên là Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả bỏ từ “nhớ” thành Tây Tiến.

+ Không làm lộ ý nỗi nhớ của Quang Dũng về Tây Tiến, giúp cho nhan đề cô đọng, hàm súc hơn.

+ Làm tăng khả năng bao trùm nỗi nhớ. Nhớ Tây Tiến tức là chỉ nói đến nỗi nhớ về binh đoàn Tây Tiến trong khi ở đây, thông qua nỗi nhớ Tây Tiến, nhà thơ còn gửi gắm về nỗi nhớ về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Như vậy là chưa bao quát được hết ý nghĩa nội dung nỗi nhớ, quá hẹp so với ý nghĩa mà Quang Dũng muốn chuyển tải.

Câu 2: Bút pháp tác giả sử dụng trong bài thơ Tây Tiến

Lời giải:

Bút pháp tác giả sử dụng trong bài là bút pháp lãng mạn là chủ yếu:

+ Thủ pháp phóng đại, cường điệu, đối lập để tô đậm cái phi thường, gây ấn tượng mạnh và sâu đậm về những cái dữ dội, thơ mộng, tuyệt mĩ

- So sánh với bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu:

+ Đồng chí sử dụng bút pháp tả thực làm nổi bật vẻ đẹp giản dị, chân chất của những anh lính xuất phát từ vùng quê nghèo

+ Các chi tiết miêu tả chân dung người lính đều chân thật, giống thực tế, họ luôn cùng lí tưởng chiến đấu nên chia sẻ cùng nhau những gian khổ đời lính

+ Tây Tiến của quang Dũng miêu tả, tái hiện hình ảnh Tây Bắc dữ dội, hoang sơ nhưng lại hết sức mơ mộng

+ Tác giả chú trọng nét độc đáo, khác thường làm nổi bật vẻ hào hoa, kiêu hùng của người lính chiến

Câu 3: Nỗi nhớ Tây Tiến ở đoạn thơ thứ tư được diễn tả như thế nào trong bài thơ Tây Tiến?

Lời giải:

Nỗi nhớ Tây Tiến tha thiết, khắc khoải, ám ảnh:

- Thăm thẳm, không hẹn ước, một chia phôi: diễn tả nỗi nhớ, lời thề kim cổ: ra đi không hẹn ngày trở về.

- Nỗi khắc khoải, thương nhớ những ngày đã qua trong quá khứ chiến đấu.

- Tây Tiến mùa xuân ấy: thời của hào hùng, lãng mạn đã qua.

- Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi: nhà thơ dành tất cả tình cảm, trái tim cho Tây Tiến và cho quá khứ hào hùng.

⇒ Nỗi nhớ Tây Tiến luôn khắc khoải, tha thiết trong lòng nhà thơ như một minh chứng về sức sống mãnh liệt của kỉ niệm, kí ức những ngày gian khổ hào hùng.

Câu 4: Chân dung, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp hào hùng, cao đẹp hiện lên ở những hình ảnh nào?

Lời giải:

Chân dung, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với vẻ đẹp hào hùng, cao đẹp:

+ “Không mọc tóc” sốt rét rừng đã khiến những người lính rụng hết tóc, đây chính là sự khốc liệt của hoàn cảnh chiến đấu.

+ “Quân xanh màu lá”: thể hiện sự khắc nghiệt của điều kiện chiến đấu khiến những người lính trở lên xanh xao

+ “Dữ oai hùm” có những nét oai phong, lẫm liệt, hùng mạnh áp đảo kẻ thù

+ “Dáng kiều thơm” tâm hồn lãng mạn hào hoa nên thơ của những người lính Tây Tiến khi nhớ tới người yêu, hậu phương chốn thành đô.

-> Những người lính Tây Tiến dù có khó khăn, gian khổ, vất vả nhưng vẫn kiên cường, dũng cảm và trong đó vẫn luôn sự lãng mạn hào hoa.

Câu 5: Ở đoạn cuối, nỗi nhớ Tây Tiến được diễn tả như thế nào? Vì sao nhà thơ viết: “Hồn về sầm Nứa chẳng về xuôi"?

Lời giải:

- Ở Phù Lưu Chanh, Quang Dũng nhớ về chiến trường xưa và những người đồng đội cũ một thời chiến đấu vô cùng gian khổ mà rực lửa anh hùng.

- “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”: Tâm hồn nhà thơ nhớ về những kỉ niệm của đoàn quân Tây Tiến không thể nào phai mờ.

>>> Xem trọn bộ: Tác giả - Tác phẩm Văn 10 Chân trời sáng tạo

-----------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Khái quát về Tác giả - Tác phẩm: Tây Tiến trong bộ SGK Văn 10 Chân trời sáng tạo theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Toploigiai đã có đầy đủ các bài giới thiệu về tác giả tác phẩm các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Toploigiai để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt! 

icon-date
Xuất bản : 11/10/2022 - Cập nhật : 15/11/2022