Câu hỏi: Tại sao các nhà máy thủy điện chủ yếu được xây dựng ở miền núi?
Lời giải:
Các nhà máy thủy điện chủ yếu được xây dựng ở miền núi vì đây là vùng có địa hình cao, bị cắt xẻ mạnh và có nhiều sông lớn => thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện.
* Lợi ích và tác hại của Thuỷ Điện
Lợi ích của thủy điện
(1) Thúc đẩy các khả năng kinh tế
Thông thường các công trình thuỷ điện có vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng kéo dài, song hiệu quả cao và tuổi thọ đến 100 năm hoặc hơn. Về lâu dài mà nói thì không có công nghệ năng lượng nào rẻ bằng thuỷ điện. Các chi phí vận hành và bảo dưỡng hàng năm là rất thấp, so với vốn đầu tư và thấp hơn nhiều các nhà máy điện khác.
(2) Bảo tồn các hệ sinh thái
Thuỷ điện sử dụng năng lượng của dòng nước để phát điện, mà không làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng không làm biến đổi các đặc tính của nước sau khi chảy qua tua bin.
(3) Linh hoạt
Trong cung cấp điện năng, thủy điện là nguồn cung ứng linh hoạt, bởi khả năng điều chỉnh công suất. Nhờ công suất phủ đỉnh của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn (như các nhà máy nhiệt điện hoặc điện hạt nhân).
(4) Tương đối sạch
So với nhiệt điện, thủy điện cung cấp một nguồn năng lượng sạch, hầu như không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
(5) Góp phần phát triển cơ sở hạ tầng
Ngoài ra, thu nhập nhờ bán điện còn cho phép tài trợ cho các nhu cầu hạ tầng cơ sở cơ bản khác, cũng như để xoá đói giảm nghèo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng thuỷ điện, và cộng đồng dân cư nói chung.
(6) Cải thiện công bằng xã hội
Thuỷ điện có tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện công bằng xã hội trong suốt thời gian dự án được triển khai và quản lý theo cách thức đẩy mạnh sự công bằng giữa các thế hệ hiện tại và tương lai, giữa các cộng đồng bản địa và trong khu vực, giữa các nhóm bị thiệt hại và toàn xã hội nói chung.
Tác hại của Thuỷ Điện
Các công ty thủy điện xả nước vào các thời điểm phù hợp với các hoạt động của nhà máy chứ không quan tâm đến những ảnh hưởng sẽ có đối với vùng hạ lưu, ví dụ như vào mùa mưa, gây ra ngập lụt nghiêm trọng.
Thay đổi dòng chảy của nước là nguyên nhân gây nên xói lở bờ sông, nơi canh tác nông nghiệp của người dân.
Chất lượng nước vùng hạ lưu bị giảm sút.
Người nông dân không có đủ nước cho các hoạt động nông nghiệp.
Đánh bắt cá bị giảm, sạt lở bờ sông và tác động đến nông nghiệp dọc sông, nguồn nước cho sinh hoạt và sức khỏe.
Ở các cửa sông hiện tượng xâm nhập mặn tăng lên.
Những thay đổi gây ra các tác động xấu đối với nguồn lợi thủy sản. Một số loài không thể sống sót và sinh kế của các ngư dân bị đe dọa.
Những người di dời hầu như phải đối mặt với những khó khăn sau khi tái định cư.