Giới thiệu Tác giả tác phẩm Con muốn làm một cái cây chi tiết nhất về tiểu sử tác giả, tóm tắt, bố cục, giá trị nội dung, nghệ thuật và Sơ đồ tư duy bài học Con muốn làm một cái cây.
- Nhà văn Võ Thu Hương sinh năm 1983, quê quán Nghệ An, hiện nay đang sống tại TP.HCM. Chị tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Báo chí Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
- Nhà văn Võ Thu Hương là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM
- Nữ tác giả có mặt ở cả sách Tiếng Việt 2 và Ngữ văn 6 của bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021)
- Phong cách nghệ thuật: Văn học thiếu nhi là đề tài mà Thu Hương theo đuổi lâu dài, bền bỉ nhất. Trong số 13 cuốn sách đã in của chị thì có tới 8 cuốn sách thiếu nhi.
- Tác phẩm chính: Góc nhỏ yêu thương, NXB Kim Đồng, 2018. Cảm ơn một khúc bình yên (tạp văn, Chibooks - NXB Văn hóa Văn nghệ), Qua một khúc sông (tập truyện ngắn, Alphabook - NXB Hội Nhà văn), Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa? (tạp văn, Alphabook - NXB Lao động Xã hội), Đó là tình yêu (tập truyện ngắn, NXB Trẻ),…
- Thể loại: Truyện ngắn
- Xuất xứ: In trong tập truyện Góc nhỏ yêu thương, NXB Kim Đồng, 2018.
- Phương thức biểu đạt: Tự sự
- Người kể chuyện: Ngôi kể thứ 3
- Tóm tắt:
Câu chuyện về Bum và cây ổi trước nhà. Cây ổi được ông nội trồng trước nhà với mong muốn sau này Bum có một cái cây để có thể trèo leo như bố nó ngày xưa. Nhưng cây ổi này mãi chẳng chịu ra quả mấy lần mẹ đã định chặt nó đi. Chắc vì mẹ cằn nhằn nhiều quá nên vào một ngày nó cũng đã chịu ra quả trái thơm và ngọt lành. Ở cây ổi đó Bum và các bạn thỏa sức trèo leo, hái và chia nhau, còn ông nội thì bắc ghế ra sân, nghe đài và trông chừng lũ trẻ. Sau này, khi ông nội mất nhà Bum chuyển từ Sài Gòn về Vũng Tàu, Bum phải chia tay cây ổi và các bạn trên thành phố. Trong một bài văn viết về điều em mơ ước, Bum đã ước mình được làm một cái cây, được leo trèo cùng các bạn và được thấy ông ngồi dưới gốc cây ổi hiền lành. Bố mẹ biết được mong muốn này đã lên kế hoạch trồng cây ổi và mời bạn bè cũ của Bum đến chơi. Bum toe toét mắt rưng rưng nó nhớ lại kỉ niệm bên bạn bè và ông nội.
- Bố cục:
Đoạn 1: Từ đầu đến “cười rất hiền lành”: Kỉ niệm tuổi thơ của Bum với cây ổi trước nhà, với ông nội và bạn bè
Đoạn 2: Còn lại: Ước mơ của Bum được trở về ký ức tuổi thơ đó.
- Giá trị nội dung:
+ Phát hiện trân trọng những mơ ước giản dị, ngây thơ của trẻ con, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ
+ Đồng thời khẳng định việc để trẻ con hòa mình với thiên nhiên sẽ giúp phát triển trí tuệ và ươm mầm tình cảm ở trẻ.
+ Ca ngợi sự thấu hiểu, yêu thương của cha mẹ và thầy cô dành cho các bạn nhỏ.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giản dị, trong sáng phù hợp với lứa tuổi học sinh.
+ Diễn đạt logic, dễ hiểu dễ dàng khi nắm bắt nội dung bài học.
3.1. Chuẩn bị đọc
- Có kỉ vật hay hình ảnh nào của một người thân mà em muốn giữ mãi hay không? Kỉ vật hay hình ảnh đó có ý nghĩa như thế nào đối với em?
Gợi ý:
Mỗi người thường sẽ giữ gìn kỉ vật hoặc hình ảnh của một người thân: một cuốn sách, một chiếc bút, một cái cây, một bức tranh, một tấm ảnh... Kỉ vật hay hình ảnh đó có vai trò vô cùng quan trọng, chứa đựng những kỉ niệm đẹp đẽ và tình cảm đối với người thân.
- Nhà văn Võ Thu Hương sinh năm 1983, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cô là tác giả của nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi.
- Truyện ngắn Con muốn làm một cái cây in trong Góc nhỏ yêu thương (NXB Kim Đồng, 2018). Tập sách gồm những câu chuyện hướng tới thiếu nhi, tới tình thương, sự chia sẻ từ những điều nhỏ bé, gần gũi xung quanh.
3.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1. Ông nội nghĩ đến việc trồng cây ổi cho Bum từ khi chưa chào đời. Điều này thể hiện tình cảm gì của ông đối với cháu?
Ông nội nghĩ đến việc trồng cây ổi cho Bum từ khi chưa chào đời. Điều này thể hiện tình cảm yêu thương của ông dành cho đứa cháu của mình.
Câu 2. Em đã từng mơ ước điều gì?
Em đã từng ước mơ: “Con muốn làm một cái cây. Con muốn làm cây ổi trong sân nhà cũ của con. Con muốn luôn bên đám bạn leo trèo mùa ổi chín và thấy ông con ngồi cười hiền lành bên gốc ổi…”
Câu 3. Khi nghe cô giáo nói về mơ ước của Bum, bố mẹ Bum đã “ngay lập tức bàn nhau trồng một cây ổi trong sân nhà”, hành động đó thể hiện điều gì về bố mẹ Bum?
Bố mẹ Bum hiểu được vì sao Bum lại có mơ ước như vậy, và đã giúp cậu thực hiện điều đó. Hành động này xuất phát từ sự thấu hiểu, quan tâm và yêu thương của bố mẹ dành cho Bum.
Câu 4. Vì sao Bum cười toe toét mà nước mắt rưng rưng?
Bum cười toe toét mà nước mắt rưng rưng vì: “Bum như được nghe tiếng cười khanh khách, tiếng chòng ghẹo nhau của lũ bạn và nụ cười hiền hậu của ông nội trôi theo hương ổi chín lành” - Bum xúc động khi nhớ về kỉ niệm với bạn bè, với ông nội.
3.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1. Câu chuyện này viết về đề tài gì?
Đề tài: Tình yêu thương trong cuộc sống.
Câu 2. Liệt kê các chi tiết nhà văn miêu tả về ông nội và Bum. Từ các chi tiết đó, em hãy rút ra nhận xét về đặc điểm của ông nội.
- Ông muốn trồng ổi vì muốn có một cái cây như cái cây sum sê trong vườn nhà khi xưa để đứa nhỏ trong bụng mẹ sau khi chào đời có nơi leo trèo như ba nó.
- Nó tự hào khoe thêm, mới hai, ba tuổi nó đã biết cùng ông bắt sâu cho cây.
- Thằng Bum và bạn bè là trẻ con lớn lên ở phố nhưng vẫn có khả năng chuyền từ cành này qua cành khác nhẹ như sóc.
- Ông nội bắc một chiếc ghê ra sân, rất gần cây ổi, ngồi đó nghe đài, đánh mắt nhìn theo trông chừng lũ trẻ, cười rất hiền lành.
=> Qua các chi tiết này có thể thấy ông nội là một người nhân hậu, luôn quan tâm và yêu thương con cháu.
Câu 3. Theo em, Bum có phải là một cậu bé hạnh phúc hay không? Hãy giải thích ý kiến của em.
Bum là một cậu bé hạnh phúc. Vì cậu nhận được tình yêu thương của ông nội - việc trồng và chăm sóc cây ổi để Bum có được một tuổi thơ đẹp đẽ, cũng như tình yêu thương của ba mẹ - khi nghe cô giáo kể về mong muốn của Bum, bố mẹ cậu đã quyết định sẽ trồng một cây ổi trong sân nhà.
Câu 4. Hình ảnh cây ổi xuất hiện từ đầu đến cuối câu chuyện thể hiện ý nghĩa gì?
Hình ảnh cây ổi xuất hiện từ đầu đến cuối truyện giống như một kỉ vật minh chứng cho tình yêu thương của ông nội, bố mẹ dành cho Bum.
Câu 5. Qua câu chuyện này, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì đến người đọc?
Tác giả muốn gửi gắm thông điệp cần phải trân trọng tình yêu thương, sự sẻ chia của những người thân trong gia đình.
Câu 6. Dựa vào sơ đồ sau, hãy chỉ ra một số điểm giống và khác nhau (trong hành động, suy nghĩ, tâm trạng) giữa Đa-ni và Bum.
- Hai nhân vật Đa-ni và Bum đều là những đứa trẻ có tâm hồn trong sáng, ngây thơ.
- Hai nhân vật này đều nhận được tình yêu thương đến từ những người xung quanh.
Câu 7. Em đã bao giờ làm việc gì đem lại niềm vui cho người khác hay chưa? Hãy chia sẻ với bạn về việc làm đó.
Một số việc làm đem lại niềm vui cho người khác: Giúp mẹ nấu cơm, Tưới cây trong vườn giúp ông nội, trực nhật giúp bạn… Sau khi làm được những việc đó, chúng ta thường cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ.