logo

Ta thường tới bữa quên ăn

Hướng dẫn lập dàn ý Từ đoạn trích: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” của bài Hịch tướng sĩ. Hãy phân tích đoạn văn trên hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé! 


Dàn ý bài Hãy phân tích đoạn văn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối… ta cũng vui lòng” của bài Hịch tướng sĩ.

Gợi ý làm bài:

- Là một đoạn văn thể hiện được sự căm phẫn đến tột cùng của Trần Quốc Tuấn.

+ Lo lắng.

+ Đau xót

+ Căm phẫn

Biểu hiện: tới bữa quên ăn, nửa đêm vô gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa => những điều đó có thể xuất hiện với một người đang có những tình cảm thường ngày được ư! Nó chỉ được biểu hiện rõ ràng với 1 con người đang căm phẫn, sôi sục, uất ức.

Uất ức vì "chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù."

- Và cuối đoạn văn Ɩà 1 lời có thể nói Ɩà tuyên thệ c̠ủa̠ Trần Quốc Tuấn, càng cho thấy rõ chí khí ѵà lòng yêu nước c̠ủa̠ ông: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng.- Với những động từ mạnh như: "đau như cắt", "xả thịt, lột da, uống máu" , "xác này gói trong da ngựa"....được sử dụng đúng lúc ѵà đúng thời điểm, Ɩàm cho ý nghĩa c̠ủa̠ nó càng sâu sắc hơn.

=> Một đoạn văn hay ѵà sâu sắc thể hiện tình yêu nước mãnh liệt, căm thù quân giặc sâu sắc ѵà chí khí bản lĩnh c̠ủa̠ Trần Quốc Tuấn.


Bài mẫu 1:

    Đại Vương được nói đến ở đây là Trần Quốc Tuấn, người anh hùng tên tuổi gắn liền với Bạch Đằng giang của Tổ quốc thân yêu. Dưới thời nhà Trần, nhân dân Đại Việt ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông “Của Hàm Tử bắt sống Toa Đô - Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã” (Nguyễn Trãi). Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, là người có công lớn nhất trong sự nghiệp " Bình Nguyên "cũng là tác giả "Hịch tướng sĩ" - bản anh hùng ca thời đại.

     Để phục thù, năm 1285, vua Mông cổ là Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang đánh nước ta lần thứ hai. Trước đó, vua nhà Trần đã mở Hội nghị quân sự Bình Than. Trần Quốc Tuấn đã được vua Trần trao chức Tiết chế  Tổng chỉ huy quân đội để đánh giặc. "Hịch tướng sĩ" được Trần Quốc Tuấn viết sau Hội nghị quân sự Bình Than. Bài hịch có đoạn viết:
 
    “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vổ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

   Câu văn đã biểu lộ khí phách anh hùng của Trần Quốc Tuấn. Nó phản ánh một cách hùng hồn quyết tâm sắt đá của vị Tiết chế trước họa xâm lăng. Lúc bấy giờ vận mệnh của đất nước nghìn cân treo sợi tóc. Khắp Kinh thành Thăng Long, sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường. Để tránh một cuộc chiến tranh đẫm máu có thể xảy ra, có lúc Vương triều nhà Trần phải mềm dẻo đem "nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ".  Quân giặc láo xược lấn tới ,"uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ".

     Giặc như hổ đói khát mồi, lúc thì “đòi ngọc lụa bạc vàng lúc thì tìm mọi thủ đoạn xảo quyệt "vét của kho có hạn " để "thỏa lòng tham không cùng".

Ta thường tới bữa quên ăn

     Không thể khoanh tay ngồi nhìn giặc hoành hành mà cam chịu nhục nhã! Trần Quốc Tuấn uất hận, cay đắng khi nhìn thấy bộ mặt tham tàn của lũ sói lang. Nỗi nhục của quốc gia, nỗi đau của nhân dân vò xé tâm can ông suốt đêm ngày. Ông muốn thổ lộ tấm lòng trung quân ái quốc, ý chí quyết chiến của mình trước tướng sĩ và ba quân. Nỗi đau của ông là nỗi đau của một con người phi thường:

    "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vổ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ".

    Nỗi đau ấy, tâm trạng ấy được diễn tả một cách cụ thể, xúc động. Lời nói, mạch văn được cắt thành nhiều vế cân xứng, mỗi vế bốn từ như những đợt sóng dồn dập trào lên trong lòng, tạo nên một giọng văn nghiêm trang, dõng dạc. Những từ ngữ ăn gối những hình ảnh ẩn dụ so sánh: ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa đã thể hiện nỗi đau, nỗi nhục cực kì sâu sắc. Ngọn lửa căm thù giặc như đốt cháy tim gan người anh hùng đang gánh trọng trách cùng tướng sĩ bảo vệ sơn hà xã tắc!.

     Thân làm tướng không thể “thấy nước nhục mà không biết thẹn hoặc phải hầu quân giặc mà không biết tức”. Cho nên khi vua Trần Nhân Tông lo lắng hỏi Trần Quốc Tuấn “nên đánh hay nên hàng ”, ông đã mạnh mẽ trả lời: “Nếu bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần đi đã! ”. Đó là lời thề “Sát Thát là tinh thần quyết chiến, là tiếng nói đầy trách nhiệm của vị Quốc công Tiết chế đối với Tổ quốc Đại Việt.

     Thái độ của Trần Quốc Tuấn đối với giặc Nguyên - Mông rất quyết liệt. Lập trường nghịch thù - ta dứt khoát, rõ ràng. Ông quyết không đội trời chung với quân cướp nước. Tiếng nói của ông, lời thề của ông như bốc lửa, sục sôi. Các động từ mạnh như xả thịt, lột da, các hình ảnh như nuốt gan, uống máu quân thù biểu lộ một quyết tâm sắt đá, một ý chí căm thù giặc vô cùng dữ dội. Mối quốc thù, quốc hận đã nhiều năm tháng chất chứa trong lòng, trước mắt chỉ có một con đường: chiến đấu; chỉ có một ước ao: giết giặc; chỉ có một lời thề: Chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù.

     Hịch là thể văn cổ, đề cao chính nghĩa, kêu gọi chiến đấu nên thường sử dụng biện pháp phóng đại (thậm xưng) để tái hiện lịch sử với những sự kiện lớn lao, trọng đại. Trong "Hịch tướng sĩ", Trần Quốc Tuấn đã vận dụng thủ pháp phóng đại rất sáng tạo và đầy cảm hứng, viết nên nhũng lời văn hùng hồn, nhũng câu văn dài (trường cú) cuồn cuộn như dòng thác, có sức mạnh cổ vũ chiến đấu ghê gớm: "Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng ",

     Trăm thân, nghìn xác ... là lối nói phóng đại, dù trăm nghìn kiếp người, nêu bật ý chí chống xâm lăng không bao giờ nguôi. "Phơi ngoài nội cỏ" là hình ảnh nói về sự hi sinh của tướng sĩ trên chiến trường. "Nghìn xác này gói trong da ngựa" là một điển cố không xa lạ, qua đó thể hiện một khí phách sẵn sàng xả thân để trả ơn vua, báo đền nợ nước. Được hi sinh trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông cổ, để bảo vệ đất nước Đại Việt là niềm vinh quang, vì thế Trần Quốc Tuấn đã giãi bày tâm sự: ta cũng vui lòng.

    Chết vì Tổ quốc là chết vinh. Câu văn của vị Quốc công Tiết chế là một lời thề chiến đấu: "Tổ quốc hay là chết!" Người làm tướng biết coi trọng cái chết, biết lấy cái chết để đền nợ nước, lưu danh sử sách ngàn thu! Sự nghiệp anh hùng của Trần Quốc Tuấn cũng là của tướng sĩ thời Trần trong ba lần kháng chiến chống giặc Mông cổ đã cho thấy rõ họ đã sống và chiến đấu vô cùng oanh liệt để bảo vệ đất nước Đại Việt thân yêu.

    Tóm lại, đây là câu văn hay nhất, hào hùng nhất trong "Hịch tướng sĩ". Xưa nay nó vẫn được nhiều người truyền tụng. Cấu trúc câu văn trùng điệp, cảm xúc dào dạt, chữ dùng đanh thép, các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh và thậm xưng được vận dụng đạt hiệu quả nghệ thuật cao, gây chấn động. Câu văn xuôi cổ, biền ngẫu có nhiều vế cân xứng hô ứng góp phần diễn tả lòng yêu nước và căm thù giặc của tướng sĩ đời Trần.

    "Hịch tướng sĩ” có giá trị lịch sử to lớn, là tiếng kèn xung trận. Nó có tác dụng khích lệ và cổ vũ to lớn đối với ba quân, mài sắc ý chí, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mông cổ. 

    Cùng với Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung,... tên tuổi của Trần Quốc Tuấn sống mãi với non sông Đại Việt. Mỗi lần đọc lại Hịch tướng sĩ câu văn trên đã dấy lên trong lòng chúng ta tình yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Nó đã làm sống lại những chiến công thuở " Bình Nguyên ”vô cùng oanh liệt của tổ tiên ta...


Bài mẫu 2:

    Sau khi tố cáo tội ác củạ giặc, Trần Quốc Tuấn đã bày tỏ lòng yêu nước, căm thù giặc của mình, có thể xem đây là đoạn văn hay nhất của bài hịch: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng." Nỗi đau trước cảnh nước mất nhà tan được diễn tả thống thiết: quên ăn, mất ngủ, lòng đau như dao cắt, nước mắt đầm đìa. Uất hận trào dâng đến cực điểm khi tác giả bộc lộ thái độ của mình đối với kẻ thù: chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Vị tướng đã tự xác định một tinh thần hi sinh hết mình cho đất nước: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Qua đoạn văn này, hình tượng người anh hùng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đất nước được khắc hoạ rõ nét. Những lời tâm huyết, gan ruột của vị tướng có sức lay động mạnh mẽ, truyền cho tướng sĩ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi và một thái độ xả thân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc. Chẳng những vậy, tấm lòng yêu nước của vị đại tướng đáng kính còn được thể hiện sâu đậm qua tấm lòng của một chủ tướng đối với binh lính của mình: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, (...) lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười.'' Đó thật là tấm lòng phụ tử đáng cảm động vậy! Có thể nói, tấm lòng yêu nước của các tác giả được thể hiện qua hai văn bản “Chiếu dời đô” của Lí Thái Tổ, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn” rất đa dạng, nhiều vẻ khác nhau song đều tựu chung ở mong muốn đất nước an bình, phát triển trù phú. Tấm lòng đó chẳng những được thể hiện một cách cảm động qua hai văn bản mà còn được hai nhà lãnh đạo kì tài chứng minh bằng những đóng góp thực tiễn cho lịch sử phát triển hào hùng của dân tộc.


Bài mẫu 3:

    Việt Nam, đất nước với 4000 năm lịch sử, nơi sản sinh ra bao nhiêu người anh hùng bất tử với thời gian. Đất nước có những trang sử vàng chói lọi bởi những chiến công vang dội năm châu, có những người quên ăn vì giận, mất ngủ vì lo khi đất nước phải ngả nghiêng trước mũi giày của kẻ thù xâm lược. Lật lại trang sử hào hùng đã qua, chúng ta đọc được tâm trạng đó của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, con người đã làm cho quân Mông Cổ khiếp vía, kinh hoàng với ba lần giặc đánh, ba lần giặc lui. Tâm trạng ấy được ông bộc lộ trong Hịch tướng sĩ, áng văn yêu nước bất hủ mà Trần Quốc Tuấn đã viết khi quân Nguyên lăm le tràn sang nước ta. Bài hịch kêu gọi, động viên và thức tỉnh tướng sĩ trước vận nước lâm nguy, bộc lộ lòng căm thù không đội trời chung với giặc:

    Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da nuốt gan uống thù. Dẫu cho trăm than này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Được tin Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt với năm mươi vạn binh đang gấp rút chuẩn bị cho mưu đồ xâm lược, nơi kinh thành ngày ngày phải chứng kiến cảnh bọn sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem than đe chó mà bắt nạt tể phụ, Trần Quốc Tuấn căm tức đến quên ăn, mất ngủ. Thái độ ngông cuồng đó của giặc, hành vi kiêu căng đó của chúng cứ diễn đi diễn lại hàng ngày trước mắt ông, hiện ra ngay trong bữa cơm, lúc ngủ bóng lại lở vởn khiến ông phải tới bữa quên ăn nửa đêm vỗ gối. Ông băn khoăn khi chợp mắt, lo lắng khi tỉnh dậy bởi thái độ và hành động cả giặc. Ông lo ngại chiến tranh sẽ xảy ra mà chiến sĩ vẫn chưa một lòng phụ tứ, nước sông chưa hòa chén rượu ngọt ngào. Làm sao mà đất nước quê hương chịu nổi gót giày quân giặc, những ngọn cỏ xanh lại mọc nổi trên cánh đồng đất mẹ khi vó ngựa Nguyên Mông tràn sang. Nỗi lo lắng đó cứ thường trực trong Trần Hưng Đạo cả ngày lẫn đêm. Ông còn hình dung ra cảnh quê hương mình bị dày xéo: nhà cháy, người chết, đói khổ tràn lan. Ông, một vị tướng đứng đầu quân, nếu lại thấy phần quê hương đó bị tàn phá thì đau đớn như khúc ruột của mình bị cắt ra thành từng khúc.

    Từ khóe mắt những giọt lệ đã tuôn trào khi nào mà ông không biết. Ôi đau đớn quá! Còn gì nữa mảnh đất quê hương. Trong thâm tâm Trần Quốc Tuấn, toàn cảnh cuộc chiến tranh đã thể hiện ra mồn một. Ông như thấy tất cả. Đó là những tên lính Nguyên Mông hiếu chiến, rạp mình trên lưng ngựa đi đến đâu là đốt phá, giết chóc, cướp giật đến đó. Mẹ già phải ôm xác con mà khóc, em bé phải quỳ bên xác mẹ cha nghẹn ngào, trào tuôn nước mắt. Rồi cả những thái ấp no ấm mà ông đang sống sẽ bốc thành biển lửa. những mái nhà hạnh phúc sẽ biến thành đống tro tàn, lúc đó thì đau đớn lắm, phải không? – Tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chính là toàn bộ tâm trạng băn khoăn, lo lắng của ông trước vận mệnh non nước, trước khung cảnh tan hoang đổ nát của cả non sông, giang sơn gấm vóc này. Đoạn văn đã bộc lộ lòng yêu nước tha thiết của vị Tiết chế làm chúng ta cũng phải đồng cảm với ông. Tài tình làm sao, chỉ qua vài lời thôi mà chúng ta và ông bỗng đồng điệu về tâm hồn, về suy nghĩ. Kỳ diệu thay, ông đã truyền cho chúng ta, cho tướng sĩ dưới quyền cả một nỗi lòng cao quý, cả một tâm trạng thiêng liêng, lòng yêu nước. Nhưng chỉ biết đau đớn, tiếc thương thôi sao? Không, không bao giờ đâu, đất nước ta anh dũng mà, người dân ta kiên cường mà! Họ đâu chỉ biết đau trước nỗi đau mất mát mà họ còn biết làm sao để nỗi đau ấy đừng có nữa. Bọn chúng, kẻ đem chết chóc gieo rắc trên quê cha đất tổ của dân tộc ta, kẻ đem mầm chiến tranh gieo rắc ươm trên quê hương ông phải bị trừng phạt.

    Nhưng đó mới chỉ là ở suy nghĩ, vì chúng chưa tràn sang. Do đó, ông căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Tội ác của chúng xứng đáng bị trừng phạt như vậy lắm. Bằng hang loạt những chi tiết cụ thể, sinh động, bằng phép thậm xưng, Trần quốc Tuấn hùng hồn khẳng định thái độ căm thù tột bậc của ông trước kẻ thù. Khi chúng hiện ra trước mắt, ông chỉ muốn xẻ chúng ra thành từng mảnh, băm nát than hình chúng để chúng đừng hại dân ông, đừng cướp nước ông. Nhưng trước mắt chỉ có ông đối diện với lòng mình nên ông giận luôn đến run người vì sự căm thù kia không thể thực hiện được bằng hành động. Đây chính là đỉnh cao của lòng yêu nước, của sự căm thù. Chúng ta khâm phục tấm lòng của ông và cũng phục tài viết văn của ông.Với cách viết ngày càng tăng tiến, sức mạnh của từ ngữ tăng, ý nghĩa cũng tăng làm nổi rõ tâm trạng của một vị tướng yêu nước. Đáng quý thay, cao đẹp thay một con người tràn đầy lòng ưu ái với quê hương đất nước. Và sau đó, ông đã bộc lộ với tướng sĩ những suy nghĩ của mình. Ông sẵn sang xả thân cho độc lập của Tổ quốc. Như những người Việt Nam chân chính, ông quyết đạp bằng mọi sóng gió kéo ra khỏi bầu trời đất Việt màn đêm u tối để ánh sáng bình minh lại chan hòa: Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng. Ôi, cao quý thay con người luôn nghĩ và hành động cho Tổ quốc. Ông truyền cho chúng ta tinh thần tận tụy, hi sinh vì Tổ quốc, dẫu cho chết đi, sống lại bao lần ông vẫn giết giặc, dẫu chết không có chỗ chôn thân ông vẫn lấy đầu của chúng. Ông lại thấy toại nguyện khi đã diệt được bè lũ hung tan đem lại màu xanh cho quê hương . Thật là đáng trân trọng và học tập. Trần Quốc Tuấn, vị Tiết chế thống lãnh toàn binh, vị anh hùng dân tộc. Chỉ qua một đoạn văn ngắn thôi mà Trần Quốc Tuấn đã truyền cho chúng ta cả một bầu sinh lực nung nóng tâm hồn chúng ta. Qua lối văn biền ngẫu, giọng văn hùng hồn, nhanh mạnh, Trần Quốc Tuấn đã bộc lộ chọn vẹn lòng yêu dân, yêu nước, lòng căm thù không đội trời chung với giặc. Hịch tướng sĩ – áng văn yêu nước bất hủ ấy sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng mọi người và tâm sự của Trần Quốc Tuấn sẽ là bài học muôn đời cho người dân Việt. Ông đã viết rất hay và hơn nữa, ông hành động cũng tuyệt vời. Viết và nghĩ chưa đủ, ông đã chứng tỏ lòng mình bằng chiến thắng tuyệt vời trước kẻ thù, dựng nên một nước Đại Việt tươi đẹp hơn, đóng góp công lao rất lớn cho sự nghiệp dân tộc.

   Chắc chắn sau khi học bài Hịch, trong lòng mọi người sẽ đọng lại những cái đẹp nhất, tinh khiết nhất của con người Việt Nam và họ nguyện với lòng sẽ giữ mãi tình cảm đó trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình.

---/---

Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu Từ đoạn trích: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” của bài Hịch tướng sĩ. Hãy phân tích đoạn văn trên, để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !

icon-date
Xuất bản : 28/01/2022 - Cập nhật : 07/02/2022