logo

Soạn bài: Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh


Soạn bài: Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh (chi tiết)


I. CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Cho đề bài: Con trâu ở làng quê Việt Nam

Câu 1. Tìm hiểu đề: Giải thích đề bài và cho biết đề yêu cầu những vấn đề gì? Theo em, với đề bài này, cần trình bày những ý gì?

- Đề bài yêu cầu thuyết minh về con trâu, như vậy đề bài yêu cầu cần phải trình bày những kiến thức cơ bản về con trâu như hình dáng, nơi sống, đặc tính, công dụng,…

Câu 2. Tham khảo bài cho sẵn và cho biết em có thể sử dụng những ý gì cho bài thuyết minh của mình

Từ bài viết có sẵn, có thể tham khảo những ý sau cho bài thuyết minh của mình:

- Đặc tính của trâu: có nguồn gốc từ trâu rừng, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám, xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp ngắn, bụng to, mông dốc,…

- Đặc điểm sinh sản: Trâu 3 tuổi có thể đẻ lứa đầu, trâu đẻ có mùa vụ, một đời trâu cái thường cho 5-6 nghé,…

- Công dụng của trâu: cung cấp sức kéo cày, xẻ thịt, sữa,…


 II. LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

Câu 1. Vận dụng yếu tố miêu tả trong việc giới thiệu con trâu

Vận dụng vào việc lập dàn ý:

* Mở bài: Giới thiệu chung về con trâu đối với làng quê Việt Nam (vị trí, sự gắn bó của con trâu với con người Việt Nam và nền văn hóa lúa nước từ bao đời nay)

* Thân bài:

- Vị trí:

Con trâu được chọn để thuyết minh là giống trâu nhà – loại gia súc đã được thuần hóa bởi con người.

Trâu nhà sẽ bao gồm hai nhóm chủ yếu là trâu đầm lầy và trâu sông. Trâu Việt Nam thuộc nhóm đầu tiên. Sở dĩ có sự khác biệt về loài bởi vì theo các nhà sinh vật học, sự chênh lệch về số nhiễm sắc thể cùng với quá trình chọn lọc tự nhiên khiến loài trâu ban đầu được phân thành nhiều giống khác nhau.

- Ngoại hình

Trâu là loại gia súc sở hữu ngoại hình to lớn và đầy sức mạnh

+ Đầu: nhỏ, trán nhô, sống mũi thẳng xuống

+ Tai: hình giống chiếc lá, độ to vừa phải, thường xuyên ve vẩy để đuổi ruồi, muỗi

+ Sừng: dài, cong giống cánh cung đồng thời hướng về sau khá nhiều

+ Cổ: tròn và to với con đực, hẹp và nhỏ với con cái.

+ Lông: đen tuyền hoặc đen pha xám, trước phần ức có thể có chùm lông màu sữa hoặc trắng, rất ít trâu có lông bạc (thường được gọi là trâu bạc).

- Công dụng

+ Vật chất:

  • Cung cấp sức kéo
  • Cung cấp thịt và sữa. Hàm lượng chất béo và protein của sữa trâu chiếm tỉ lệ cao nhất trong tất cả các loại sữa gia súc khác, kể cả sữa bò
  • Làm đồ trang trí, mĩ nghệ: da trâu làm trống, sừng làm tù và, đồ trang trí trong nhà,…

+ Tinh thần

  • Trâu là biểu tượng phong thủy: Trong 12 con giáp thì trâu là loại con giáp thứ 2 thuộc cực âm. Ngoài ra theo chiêm tinh Phương Đông thì sao Ngưu thuộc một trong nhị thập bát tú.
  • Trâu là biểu tượng cho lối sống: Phật giáo thường mượn hình ảnh con trâu để truyền tải đạo lí sống tự răn lấy tâm mình như cách thuần phục con trâu, kiên trì, nhẫn nại.
  • Trâu là cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật dân gian: lễ hội chọi trâu, tranh dân gian, ca dao, truyện cổ tích

* Kết bài

- Khẳng định một lần nữa vị trí và vai trò của con trâu trong đời sống người Việt

- Liên hệ thái độ của người Việt dành cho con trâu.

 Câu 2. Viết đoạn văn thuyết minh có sử dụng yếu tố miêu tả với một trong các yếu tố nêu trên

Ví dụ chọn đề: Con trâu trong lễ hội Việt Nam

“Dù ai buôn bán nơi đâu

Mùng mười tháng tám chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm bề

Mùng mười tháng tám thì về chọi trâu”

Nước ta nổi tiếng là một trong những cái nôi của văn minh lúa nước. Truyền thống canh tác từ ngàn đời nay như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa và lối sống của nhân dân ta. Nhờ vậy mà những lễ hội mang đậm bản sắc ấy ra đời. Một trong những lễ hội lớn nhất phải kể đến hội chọi trâu được tổ chức với quy mô vô cùng hoành tráng hàng năm. Trâu chọn để đem đi đấu phải là trâu tuyển, nghĩa là sở hữu những đặc tính vượt trội hơn so với những giống trâu thường. Đầu tiên đó phải là giống trâu đực và không được nhiễm bất cứ căn bệnh hoặc dịch gì. Mắt và sừng đều phải có màu đen. Sân đấu lựa chọn phải có diện tích rộng và khá bằng phẳng, hạn chế tối đa các chướng ngại vật. Một trong những yếu tố quan trọng nữa để các chiến binh trâu dành được chiến thắng chính là năng lượng cuồng nhiệt từ các cổ động viên. Không có cuộc chọi trâu nào mà không nhận được đông đảo sự quan tâm từ người xem, họ la hét, cười nói đầy hào hứng. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi một trong hai con húc ngã được đối phương hoặc làm cho bên kia phải chạy trốn. Lễ hội chọi trâu ra đời để khẳng định sức mạnh và tinh thần thượng võ của dân tộc ta đồng thời đem đến cho người dân những trải nghiệm văn hóa vô cùng độc đáo.

Tham khảo toàn bộ: Soạn văn 9 ( chi tiết)

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác