logo

Soạn bài: Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình

Hướng dẫn Soạn bài Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình để cảm nhận được mối đe dọa của cuộc chiến tranh hạt nhân đối với toàn nhân loại, tội ác của cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới, đồng thời là nhiệm vụ cấp thiết của mỗi quốc gia, mỗi công dân trên toàn cầu cần phải đấu tranh ngăn chặn chiến tranh vũ khí hạt nhân.


Soạn bài: Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình (chi tiết)

Soạn bài Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình | Soạn văn 9

Câu 1. Nêu hệ thống luận điểm, luận cứ của văn bản.

- Luận điểm: Cuộc chạy đua vũ trang đang đe dọa sự sống của nhân loại đến bờ tuyệt chủng và cuộc đấu tranh để giải trừ vũ khí hạt nhân, chấm dứt chạy đua vũ trang là nhiệm vụ cấp bách và sống còn của toàn thế giới.

- Nội dung ấy được triển khai qua các luận cứ:

      + Kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đang được tàng trữ có khả năng hủy diệt nhiều lần toàn bộ sự sống trên trái đất, thậm chí có thể hủy diệt tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời.

      + Cuộc sống của con người bị chiến tranh hạt nhân đe dọa. Trong khi con người đang phải đối diện với rất nhiều thử thách như đói nghèo, bệnh dịch, mù chữ,… thì phí tổn cho vũ khí hạt nhân còn chiếm gấp nhiều lần chi phí để giải quyết các vấn đề đó.

      + Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại với lí trí của loài người mà còn đi ngược lại sự phát triển của tự nhiên. Thế giới tự nhiên mất hàng vạn năm mới vận động và phát triển như ngày hôm nay nhưng chỉ cần bấm nút khởi động vũ khí hạt nhân thì tất cả trở về thời kì ban đầu.

      + Nhiệm vụ của mọi người đó là ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Câu 2. Trong phần đầu văn bản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa loài người và sự sống trên toàn trái đất đã được tác giả chỉ ra cụ thể bằng những lập luận như thế nào?

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa loài người và toàn bộ sự sống trên trái đất đã được tác giả đã chỉ rõ một cách cụ thể qua những lập luận:

- Mở đầu bài viết, tác giả đã xác định mốc thời gian cụ thể (Hôm nay, ngày 8 - 8 - 1986) và đưa ra số liệu cụ thể (hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí trên khắp hành tinh) => Đây là một con số ấn tượng, tạo cảm giác khủng khiếp vì nếu hậu quả mà nó xảy ra thì quá khủng khiếp.

- Tác giả đưa ra những tính toán lí thuyết: kho vũ khí ấy "có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời"; hay đưa ra phép tính đơn giản "Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ sẽ làm biến hết thảy, không phải là một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái đất".

- Sử dụng điển tích: tác giả dùng hình ảnh thanh gươm Đa - mô - clet để người đọc hình dung một cách cụ thể về nguy cơ chiến tranh đang đe dọa loài người.

=> Như vậy, tác giả không chỉ đưa ra luận điểm suông mà chứng minh nó qua những cách lập luận rất xác đáng, thuyết phục với những con số “giật mình” khiến người đọc dễ bị hấp dẫn và ghi nhớ.

 Câu 3. Sự tốn kém và tính chất vô lý của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được tác giả chỉ ra bằng những chứng cớ nào?

- Sự tốn kém và tính chất vô lí của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được tác giả chỉ rõ ở chỗ: Nó đã cướp đi khả năng sống tốt hơn của loài người trong xã hội ngày nay. Thay vì chi phí vô cùng tốn kém bỏ ra để chạy đua vũ trang, nhân loại hoàn toàn có thể loại bỏ những thử thách như mù chữ, dịch bệnh,… chỉ bằng một chi phí rất nhỏ so với chi phí bỏ ra để chạy đua vũ khí hạt nhân.

- Dẫn chứng: tác giả đưa ra những so sánh về chi phí cần thiết qua các lĩnh vực: y tế, xã hội, giáo dục, tiếp tế thực phẩm…với những chi phí cho việc trang bị vũ trang quân sự.

+ 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mỹ hoặc dưới 1000 tên lửa vượt đại châu => giải quyết được vấn đề cung cấp chi phí về giáo dục, y tế, ăn uống cho hơn 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới.

+ 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân nhãn hiệu Ni-mít => cứu hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét, 14 triệu trẻ em,..

+ 141 tên lửa MX => cứu 575 triệu người suy dinh dưỡng

+ 2 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân => đủ tiền xóa nạn mù chữ trên toàn thế giới

=> Đây đều là những con số “đáng giật mình” khiến người đọc phải suy ngẫm và đặt câu hỏi “Tại sao con người lại đổ bao nhiêu tiền để chạy đua vũ khí hạt nhân mà kết cục chỉ có thể là cái chết và hủy diệt trong khi chỉ một phần nhỏ số tiền đó thôi cũng đủ để giải quyết bao nhiêu vấn đề khiến nhân loại có thể tồn tại và phát triển một cách tốt hơn?”

 Câu 4. Vì sao có thể nói: Chiến tranh hạt nhân “không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa”? Em có suy nghĩ gì về lời cảnh báo của nhà văn Mác-két về nguy cơ hủy diệt sự sống và nền văn minh trên trái đất một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra

* Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại với cả lí trí tự nhiên nữa" bởi:

- Chiến tranh hạt nhân đi ngược lại lí trí con người bởi vì nếu như chiến tranh hạt nhân xảy ra thì con người sẽ đi đến bến bờ của cái chết và tuyệt chủng. Nếu chiến tranh không xảy ra thì những vấn đề như y tế, giáo dụ thậm chí là vấn đề đơn giản nhất là thực phẩm cho số đông những người nghèo và những tầng lớp dưới của xã hội đã được giải quyết.

- Sự sống ngày nay trên trái đất và con người là kết quả của một quá trình tiến hóa hết sức lâu dài của tự nhiên, trải qua hàng trăm triệu năm. Nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, nó sẽ đẩy lùi sự tiến hóa trở về điểm xuất phát ban đầu, tiêu hủy mọi thành quả của quá trình tiến hóa sự sống trong tự nhiên.

Câu 5. Theo em, tại sao văn bản được đặt tên là “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”, thử cách đặt nhan đề khác cho văn bản.

- Tác giả đặt tên văn bản là "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" bởi những lý do sau:

+ Thứ nhất tác giả muốn nhấn mạnh sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân và ý nghĩa của việc hòa bình trên trái đất này

+ Bên cạnh đó, tác giả sử dụng cụm từ “đấu tranh” bởi vì hòa bình chưa bao giờ là thứ dễ dàng đạt được. Trên thế giới không hề thiếu những thế lực phản động vì mục đích tư lợi mà muốn thực hiện tham vọng bằng chiến tranh phi nghĩa. Do vậy tác giả mong muốn kêu gọi mọi người đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân cho một thế giới hòa bình. Đây đồng thời là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người.

- Có thể thử đặt nhan đề khác cho tác phẩm như: “Cần chung tay đẩy lùi chiến tranh”, “Nhân loại – cuộc chiến chống chiến tranh không khoan nhượng”,….


Tổng kết Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình 

Soạn bài Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình | Soạn văn 9

Các bài viết liên quan Đấu tranh cho 1 thế giới hòa bình:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác