logo

Soạn bài: Nhàn (siêu ngắn)

Mời các bạn đón đọc bản Soạn bài Nhàn siêu ngắn gọn, đây là phiên bản soạn văn 10 siêu ngắn gọn được các thầy cô TOPLOIGIAI biên soạn với mục đích cô đọng kiến thức, giúp cho các bạn học sinh không phải chuyên Văn tiếp cận tác phẩm một cách dễ dàng nhất.

Soạn văn 10 siêu ngắn: Nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm)- TopLoigiai


Bố cục:


2 phần

- P1: 4 câu đầu: Miêu tả cuộc sống thong thả, ung dung, sống nhàn.

- P2: 4 câu cuối: Triết lý về cách sống “nhàn” của thi nhân.


Đọc - Hiểu


Câu 1 

Trong hai câu thơ đầu;

+ Số từ “một” được sử dụng lặp đi lặp lại đến ba lần kết hợp với những danh từ “mai”, “cuốc”, “cần câu” như một sự liệt kê từ từ, chậm rãi => Gợi ra hình ảnh của cuộc sống đời thường rất thong thả, bình dị.

+Nhịp thơ xoay chuyển linh hoạt từ 2/2/3 sang 4/3 tạo sự quen thuộc, gần gũi vốn có.

=> Hai câu thơ cho thấy cuộc sống của tác giả đầy ung dung, tự do tự tại, không hà khắc, không bó buộc, không bon chen mà mang tất cả những nét mộc mạc, giản dị của thôn quê.


Câu 2 

- Nơi "vắng vẻ" có thể hiểu là nơi vắng bóng người, không tấp nập, ồn ã, là nơi để chúng ta lắng lòng mình cho tâm hồn được nghỉ ngơi, để thiên nhiên phát triển với những hoang sơ vốn có của nó.  

- Chốn "lao xao" là nơi cuộc sống diễn ra ồn ào, náo nhiệt nhưng lại bon chen, xô bồ, cạm bẫy và sóng gió.

- Quan điểm của Nguyễn Bỉnh Khiêm về "dại" và "khôn" thể hiện thông qua cách nói ngược. Theo cách sống của mình, tác giả tự tìm đến “nơi vắng vẻ” cho rằng mình làm thế là dại và nhường cho người khôn ở “chốn lao xao”. Rõ ràng đây là cách nói hàm ý sâu xa thể hiện tính trái ngược trong suy nghĩ của tác giả.

- Nghệ thuật đối lập giữa hai câu thơ 3 và 4 có tác dụng như một cán cân về hai triết lý sống khác nhau. Từ đó, thể hiện tính biệt lập giữa hai quan điểm sống và khẳng định thêm triết lý sống của tác giả.


Câu 3 

Các sản vật và khung cảnh đáng chú ý trong hai câu thơ 5 và 6:

+ Sản vật: những món quà quê, thức ăn quê rất đời thường, dân dã như măng trúc, giá. Đều là những món ăn rất đặc trưng của nông thôn.

+ Khung cảnh sinh hoạt: bình dị, quen thuộc, đơn giản và chân chất như cách sống của biết bao người khác là tắm hồ, tắm ao

=> Hai câu thơ cho thấy cuộc sống sinh hoạt của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất mộc mạc, giản dị, gần gũi và quen thuộc giống với tất mọi người chứ không hề xa hoa. Đây là cuộc sống đạm bạc nhưng thanh tao, yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên.


Câu 4

Trong câu thơ cuối sử dụng điển tích Thuần Vu Phần để bày tỏ ngụ ý rằng phú quý, giàu sang hay công danh tiền tài không bao giờ tồn tại mãi mãi mà ắt phải tuân theo quy luật của sự phát triển mà tan biến.

- Nguyễn Bỉnh Khiêm là người sống có nguyên tắc, có phong cách sống riêng và sẵn sàng theo đuổi cách sống ấy. Điều đó được thể hiện bằng chính những gì ông đã làm và bằng chính triết lý sống thanh tao của ông. Một người không màng đến phú quý cao sang, không sống ồn ã bon chen mà chọn cho mình cách sống thảh thơi, đứng trên tất cả, vượt lên trên tiền tài danh lợi.


Câu 5

- Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là quan niệm sống tích cực. Bởi lẽ đây là triết lý sống đúng và đẹp. Ông chọn cách tránh xa nơi thị phi, nơi cuộc đời bon chen để giữ phẩm chất chính trực, thanh tao của chính mình. Rõ ràng ông không hề xa lánh cuộc đời, không sống ngoài xã hội mà chỉ chọn cách tránh xa những ồn ã. Ông không chọn hạnh phúc cho riêng mình mà sẵn sàng chia sẻ. Với ông cuộc sống là an nhàn, thảnh thơi chứ không phải cuộc chạy đua miệt mài để giành lấy tiền tài. Sống trong hòa hợp, dung hòa với thiên nhiên thì dù có cực nhọc tâm hồn vẫn luôn được tưới mát bằng tất cả sự tự do, yêu đời.


Luyện tập

- Triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm cho thấy thái độ của ông trước hoàn cảnh xã hội thị phi, náo loạn thời điểm đó. Đó là xã hội bất chấp tất cả để bon chen giành lấy danh lợi, quyền binh. Bởi thế, nhà thơ chọn cách ở ẩn, sống một đời an nhàn, thanh bạch, tránh xa vòng xoáy của sự ganh đua để giữ trọn cốt cách thanh tao của mình. Như vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà Nho có lối sống thanh tao vượt lên trên danh lợi.


Nhận xét – Ý nghĩa

Qua bài thơ, học sinh hiểu thế nào là triết lý sống nhàn qua quan niệm sống của nhà thơ. Từ đó, thấy được vẻ đẹp trong bản thân của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra, có thêm hiểu biết về đặc điểm trong nghệ thuật cũng như cách nói đẩy ẩn ý, đầy sâu sắc trong thơ tác giả.

Các bài viết liên quan khác:

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác