logo

[Sách mới] Soạn KTPL 10 Bài 14 Cánh diều: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Hướng dẫn Soạn Kinh tế Pháp luật 10 Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngắn gọn, đầy đủ SGK trang 88, 89, 90, 91 bám sát nội dung bộ sách mới Cánh diều. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

Bài 14. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trang 88, 89, 90, 91 SGK Kinh tế Pháp luật 10 Cánh diều

>>> Xem thêm: Tóm tắt Lý thuyết Kinh tế Pháp luật 10 Bài 14 ngắn nhất Cánh Diều


Mở đầu

Trả lời câu hỏi trang 88 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy cho biết từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, nước ta đã ban hành mấy bản Hiến pháp? Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về Hiến pháp.

Lời giải

 Nước ta đã ban hành 5 bản Hiến pháp từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay:

1. Hiến pháp năm 1946: thông qua vào ngày 9 tháng 11 năm 1946 

Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 là một bản hiến văn ngắn, bao gồm lời nói đầu và 7 chương, 70 điều. Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này: "Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo.

2. Hiến pháp năm 1959: thông qua ngày 31/12/1959.

Là bản Hiến pháp của một nước dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1959 khẳng định nước Việt Nam là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tổ chức theo chính thể Nhà nước dân chủ cộng hòa, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, các quyền tự do dân chủ được bảo đảm.

3. Hiến pháp năm 1980: thông qua ngày 18/12/1980

Hiến pháp Việt Nam năm 1980 là Đạo luật gốc, cơ bản được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa VI, kì họp thứ 7 thông qua ngày 18.12.1980 và Chủ tịch Hội đồng nhà nước công bố ngày 19.12.1980, gồm 12 chương, 147 điều, được sửa đổi, bổ sung hai lần: Lần thứ nhất sửa đổi Lời nói đầu tại kì họp thứ 4 Quốc...

4. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001): thông qua ngày 15/4/1992.

Hiến pháp năm 1992 là mốc son của việc xây dựng và phát triển ngày càng vững chắc nền tảng kinh tế - xã hội của nước ta từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX cho đến hiện tại. Nó là tấm gương phản chiếu những đổi mới trong tư tưởng lập hiến và lập pháp của nhân dân Việt Nam.

5. Hiến pháp năm 2013: thông qua ngày 28/11/2013.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 là bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2014.

 => Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong những bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Do đó, chế định về Quốc hội trong các bản Hiến pháp có những thay đổi khác nhau.


Khám phá


1. Khái niệm và vị trí của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trả lời câu hỏi trang 88, 89 Kinh tế pháp luật 10: Em hãy đọc hội thoại, thông tin và trả lời câu hỏi

Tình huống.

Trên đường đi học về, Mai nhìn thấy khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

- Mai: Minh ơi, pháp luật mình được học rồi, còn Hiến pháp do cơ quan nào ban hành nhỉ?

- Minh: Theo mình được biết thì Hiến pháp do Quốc hội ban hành.

- Mai: Mình thấy có rất nhiều luật như Luật Trẻ em, Luật Giao thông đường bộ, Luật Giáo dục,...

Vậy Hiến pháp có nhiều không?

- Minh: Theo như mình tìm hiệu thì mỗi giai đoạn của đât nước chỉ có một bản Hiến pháp. Hiện nay chỉ có Hiến pháp năm 2013.

- Mai: Vậy Hiến pháp quy định về những gì nhỉ?

- Minh: Nghe bố mình nói thì Hiến pháp quy định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.

- Mai: Đó là vấn đề gì? Có phải là vấn đề kinh tế và chính trị không?

- Minh: Đúng rồi, ngoài ra còn có vấn đề văn hoá, xã hội và quyền học tập của chúng minh nữa đây.

Thông tin.

Hiến pháp năm 2013

Điều 119. (trích)

1. Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Viẹt Nam, có hiệu lực pháp lí cao nhất.

   Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

   Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lí.

Từ thông tin đoạn hội thoại trên, theo em Hiến pháp có vị trí như thế nào trong hệ thống pháp luật?

Lời giải

Trong hệ thống pháp luật Hiến pháp có vị trí là:

 - Quy định những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất của quốc gia, là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành.

 - Là luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

 - Trên cơ sở Hiến pháp, phù hợp với Hiến pháp, mọi văn bản quy phạm pháp luật khác đều được xây dựng và ban hành.


2. Đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trả lời câu hỏi trang 89 Kinh tế pháp luật 10:

Hiến pháp năm 2013

Điều 16

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Luật Trẻ em năm 2016

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cẩm (trích)

8. Kì thị, phân biệt đối xử với trẻ em vi đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

Bộ luật Lao động năm 2019

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động (trích)

1. Phân biệt đối xử trong lao động.

2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

a) Em hiểu như thế nào về quy định của điều 16 Hiến pháp năm 2013?

b) Em hãy chỉ ra sự khác nhau giữa Điều 16 Hiến pháp năm 2013 với Khoản 8, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 và Khoản 1, 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019.

c) Hãy chia sẻ hiểu biết của em về đặc điểm của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lời giải

a) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội là điều 16 Hiến pháp năm 2013.

* Ý nghĩa: 

 - Quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và pháp lý. Trong cùng một điều kiện như nhau, công dân được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau, có tư cách pháp lý như nhau. Quyền và nghĩa vụ của công dân không bị phân biệt bởi giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giàu nghèo, thành phần xã hội, địa vị xã hội…

 - Quyền bình đẳng trước pháp luật còn là quyền không bị pháp luật phân biệt đối xử trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ. Con người sinh ra có thể khác nhau về chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo và địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, pháp luật luôn đặt giá trị bình đẳng làm thước đo, tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng cách không bình đẳng đó bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau. Pháp luật là thước đo chuẩn mực của bình đẳng, là công cụ để bảo đảm sự bình đẳng giữa con người với con người. Bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật. 

b) Điều 16 Hiến pháp năm 2013 với Khoản 8, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 và Khoản 1, 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 có sự khác nhau như sau:

+ Điều 16 Hiến pháp năm 2013: thể hiện quyền bình đẳng của tất cả mọi người dân trong đất nước Việt Nam.

+ Khoản 8, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016: thể hiện quyền bình đẳng của tất cả trẻ em trong đất nước Việt Nam.

+ Khoản 1, 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019: thể hiện quyền bình đẳng của người lao động trong đất nước Việt Nam.

c) Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đặc điểm như sau:

 - Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định những vấn đề cơ bản nhất về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

 - Không quy định chi tiết từng lĩnh vực, từng vấn đề riêng biệt của đời sống xã hội là đặc điểm của hiến pháp.

 - Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, là cơ sở để xây đựng và ban hành tất cả các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật quốc gia. Nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật khác không được trái với Hiến pháp.


3. Công dân thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp

Trả lời câu hỏi trang 90 Kinh tế pháp luật 10:

Thông tin. 

Hiến pháp năm 2013

Điều 43

Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

Điều 47

Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.

Trường hợp 1. Để bảo vệ môi trường, học sinh trường Trung học phỏổ thông A luôn tích cực tham gia các hoạt động dọn vệ sinh ở khu dân cư vào mỗi sáng chủ nhật.

Trường hợp 2. Gia đình ông T chuyên sản xuất thức ăn gia súc nhằm cung ứng cho nhu cầu trong huyện. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, gia đình ông T đã không xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, mà đã xả trực tiếp nước thải sản xuất ra dòng sông bên cạnh.

Trường hợp 3. Bà H mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật và luôn thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đây đủ. Thấy vậy, P là con trai bà đã cho rằng, bà H không cần phải đóng thuế vì gia đình nhà mình chỉ kimh doanh nhỏ lẻ.

a) Em có nhận xét gì về việc làm của học sinh Trường trung học phổ thông A, gia đình ông T, bà H và P trong các trường hợp trên?

b) Theo em, mỗi công dân cần làm gì để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp?

Lời giải

a) Nhận xét về việc làm của các nhân vật trong các trường hợp trên:

- Ở trường hợp 1: Học sinh Trường trung học phổ thông A đã thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, tuân thủ Hiến pháp, tích cực tham gia các hoạt động góp phần xây dựng và phát triển khu dân cư xanh sạch đẹp.

- Ở trường hợp 2: Gia đình ông T đã thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, tuân thủ Hiến pháp, ông đã góp phần làm giảm thiểu nguồn rác thải, nước thải ra môi trường.

- Ở trường hợp 3: 

+ Bà H đã thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, tuân thủ Hiến pháp, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ.

+ Còn P chưa thực đúng nghĩa vụ của công dân, chưa tuân thủ Hiến pháp, P đã khuyên mẹ không thực hiện nghĩa vụ động thuế.

b) Theo em, để thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, mỗi công dân cần:

+ Mỗi công dân cần tích cực tìm hiểu nội dung các quy định của Hiến pháp.

+ Trong cuộc sống hằng ngày cần nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện các quy định của Hiến pháp. 

+ Cùng với việc tuân thủ Hiến pháp, tích cực tuyên truyện, phê phán, đấu tranh chống các hành vi vi phạm Hiến pháp nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân.


Luyện tập

Trả lời câu hỏi trang 91 Kinh tế pháp luật 10:

Câu 1. Theo em, những khẳng định nào sau đây là đúng về Hiến pháp? Vì sao?

A. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước.

B. Hiến pháp có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

C. Hiến pháp xác định những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất của Nhà nước và xã hội.

D. Hiến pháp là nội quy được áp dụng trong nhà trường mà mọi học sinh bắt buộc phải thực hiện.

E. Hiến pháp thể hiện tập trung nhất ý chí và bảo vệ lợi ích của nhân dân.

G. Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành.

Câu 2. Em hãy nêu sự khác nhau giữa Hiến pháp và pháp luật.

Lời giải

Câu 1. Những khẳng định đúng về Hiến pháp:

A. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước.

B. Hiến pháp có hiệu lực pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

C. Hiến pháp xác định những vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất của Nhà nước và xã hội.

E. Hiến pháp thể hiện tập trung nhất ý chí và bảo vệ lợi ích của nhân dân.

=> Giải thích: Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định về vị trí của Hiến pháp như sau: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.”

Câu 2. Sự khác nhau giữa Hiến pháp và pháp luật:

* Về khái niệm:

 - Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân tồn tại ở trong hoặc ngoài nhà nước đó, nhưng vẫn là nhân dân thuộc nhà nước đó.

 - Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.

* Về tính chất:

 - Hiến pháp: là đạo luật được xây dựng để giới hạn hành vi thuộc quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm tự do, quyền lợi của người dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất, các văn bản pháp luật khác đuợc ban hành không được trái với hiến pháp. 

 - Pháp luật: dựa vào pháp luật, quyền lực nhà nước giới hạn tự do, quyền lợi của người dân. 

=> Do đó, hiến pháp được xây dựng với mục đích để giới hạn quyền lực nhà nước, để tránh việc quyền lực nhà nước bị lạm dụng.

Trả lời câu hỏi trang 91 Kinh tế pháp luật 10:

Câu 3. Theo em, hành vi của người nào trong các trường hợp dưới đây là thực hiện nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp? Vì sao?

A. Anh X thực hiện nghĩa vụ quân sự.

B. Ông M không tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã.

C. Chị T là cán bộ hội phụ nữ luôn tích cực trong các hoạt động giúp đỡ mọi người.

D. Doanh nghiệp A đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

E. Ông B có hành vi chống phá lại chính quyền nhà nước.

Câu 4. Khi thấy chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nội dung cơ bản của Hiến pháp mới cho người dân, bạn Q thắc mắc: Hiến pháp chỉ áp dụng cho những cơ quan nhà nước nên xã không cần phải tổ chức tuyên truyền.

a) Em suy nghĩ như thế nào về thắc mắc của bạn Q?

b) Nếu là bạn của Q trong trường hợp trên, em sẽ nói với Q như thế nào?

Lời giải

Câu 3. Các trường hợp tuân thủ Hiến pháp:

A. Anh X thực hiện nghĩa vụ quân sự.

* Giải thích: Điều 30 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định: "Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi."

C. Chị T là cán bộ hội phụ nữ luôn tích cực trong các hoạt động giúp đỡ mọi người.

* Giải thích: Chị T thực hiện tốt nghĩa vụ giúp đỡ mọi người trong tổ chức.

D. Doanh nghiệp A đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.

* Giải thích: Bà H đã thực hiện đúng nghĩa vụ, tuân thủ Hiến pháp, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ.

Câu 4.

a) Bạn Q đã hiểu sai về Hiến pháp. 

b) Nếu là bạn của Q trong trường hợp trên, em sẽ nói với Q rằng: Các quy định trong Hiến pháp có liên quan đến tất cả người dân Việt Nam.

* Giải thích: Chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là những vấn đề cơ bản nhất mà Hiến pháp quy định. 

Trả lời câu hỏi trang 91 Kinh tế pháp luật 10:

Câu 5. Gần đây, các bạn trong lớp của P đang trao đổi rất sôi nổi về việc các anh học lớp 12 được gọi đi khám nghĩa vụ quân sự. Các bạn đều bày tỏ mong, muốn được thực hiện nghĩa vụ quân sự. Bạn Bí thư của lớp còn dự kiến sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt lớp tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự.

a) Em có nhận xét gì về mong muốn được thực hiện nghĩa vụ quân sự của các bạn lớp P?

b) Theo em, buổi sinh hoạt tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự của lớp P có ý nghĩa gì?

Lời giải

a) Nhận xét về các bạn lớp P: các bạn đều có tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, tuân thủ Hiến pháp.

b) Ý nghĩa của buổi sinh hoạt tìm hiểu về Luật Nghĩa vụ quân sự của lớp P:

+ Cung cấp các thông tin về Luật nghĩa vụ quân sự.

+ Giúp các bạn hiểu đúng về nghĩa vụ quân sự.

+ Tuyên truyền, vận động các bạn đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự khi đủ điều kiện.


Vận dụng

Trả lời câu hỏi trang 91 Kinh tế pháp luật 10:

Câu 1. Em hãy cùng các bạn vẽ tranh cổ động với chủ đề “Sống và làm việc theo Hiền pháp, pháp luật” và chia sẻ thông điệp của bức tranh.

Câu 2. Em hãy viết một bài ngắn giới thiệu về Hiến pháp năm 2013, trong đó có liên hệ với bản thân về việc thực hiện nghĩa vụ học tập và nghĩa vụ bảo vệ môi trường theo Hiến pháp.

Lời giải

Câu 1. Em tự thực hiện.

* Gợi ý tham khảo:

Soạn Kinh tế Pháp luật 10 Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cánh diều

Câu 2. 

Bài tham khảo

  Trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với kết quả tổng kết thực tiễn qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; nhằm thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

  Ngày 6/8/2011, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 06/2011/QH13 thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 30 thành viên, do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban. Sau thời gian 9 tháng (từ tháng 1 đến tháng 9/2013) triển khai lấy ý kiến góp ý của nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Hiến pháp năm 2013. Ngày 8/12/2013, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta thời kỳ mới, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam.

  Hiến pháp năm 2013 gồm Lời nói đầu, 11 chương, 120 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 giảm 1 chương, 27 điều, trong đó có 12 điều mới; giữ nguyên 7 điều và sửa đổi, bổ sung 101 điều còn lại.

  Cấu trúc của Hiến pháp 2013 gọn nhẹ hơn Hiến pháp năm 1992. Chế độ chính trị và cách thức tổ chức quyền lực nhà nước Hiến pháp của năm 2013 thể hiện nhiều điểm mới.  So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến vượt bậc trong việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân. Bên cạnh việc quy định về quyền công dân, quyền con người cũng được quy định một cách chi tiết và đầy đủ. Hiến pháp năm 2013 là một cột mốc mới đánh dấu sự phát triển, tiến bộ của nền lập hiến Việt Nam về tư tưởng dân chủ; tổ chức, kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo vệ các quyền con người, quyền công dân và kỹ thuật lập hiến.

  Đối với học sinh, quyền và nghĩa vụ học tập của mỗi công dân trong Hiến pháp 2013 là một nhu cầu cơ bản và cần thiết đối với mỗi công dân, mỗi công dân trên đất nước đều có quyền được tiếp cận giáo dục và có nghĩa vụ học tập tạo nền tảng vững chắc có đất nước. Vì vậy, học sinh chúng ta phải chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy chế, nội quy, điều lệ nhà trường, Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình học tập và rèn luyện; thực hiện tốt nếp sống văn minh. 

  Bên cạnh đó, Đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam là như nhau. Bất cứ công dân nào cũng cần nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định của nhà nước, nâng cao ý thức của bản thân để góp phần gìn giữ và bảo vệ môi trường. Để bảo vệ tài nguyên, môi trường luôn xanh, sạch đẹp, mỗi học sinh cần Nghiêm túc thực hiện và chấp hành các quy định pháp luật về việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Cùng nhau tuyên truyền vận động mọi người cùng thực hiện bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phối hợp chống lại các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường.

>>> Xem toàn bộ: Soạn Kinh tế pháp luật 10 Cánh diều.

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Soạn Kinh tế Pháp luật 10 Bài 14: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!  

icon-date
Xuất bản : 01/07/2022 - Cập nhật : 29/09/2022