logo

Soạn bài: Viết bài làm văn số 2. Nghị luận văn học (ngắn nhất)


Soạn bài: Viết bài làm văn số 2. Nghị luận văn học

Đề 1: Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự - Lê Hữu Trác).

Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh của Lê Hữu Trác đã khắc họa sinh động bức tranh hiện thực về phủ Chúa vào thế kỉ XVIII.

Bức tranh hiện thực ấy trước hết khắc họa về quang cảnh xa hoa nơi phủ chúa. Đó là cuộc sống trong nhung lụa ngọc ngà với màn trướng treo cửa, cảnh vật khác lạ đủ loại dị hương kỳ thảo, chim muông ca hót suốt ngày, tấp nập hạ nhân, người truyền lệnh đi lại như mắc cửi. Một cuộc sống xa hoa đến mức, tẩm cung của thể tử- một đứa trẻ con- cũng được trang hoàng lộng lẫy. Đây là một cuộc sống xa hoa, tráng lệ, khắc họa sâu sắc uy quyền tột bậc của chúa Trịnh. Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc sống tù túng, thiếu ánh sáng thiên nhiên, thiếu dưỡng khí, là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh của thế tử.

Bên cạnh cuộc sống xa hoa, là cách sinh hoạt vô cùng kiểu cách, tương xứng với cuộc sống đó. Nó kiểu cách từ cách thức mời thầy thuốc, từ việc muốn vào phủ chúa phải qua mấy lần cửa, hết trình thẻ bài thì phải có người báo cáo chúa, có thánh chỉ mới được vào. Nơi đây mệnh lệnh của chúa đều là tối cao. Dù không gặp được mặt chúa, nhưng phải có sự đồng ý của người thì mới được làm. Kiểu cách sinh hoạt ở nơi đây được phơi bày rõ nhất khi tác giả- một người già, cúi lạy thế tử- một đứa trẻ con và được người khen “ông này lạy khéo.” Có lẽ việc được mọi người quỳ lạy đối với thế tử mà nói, là việc thường ngày, dường như nó còn là việc để thế tử so sánh cách lạy của mọi người với nhau để trêu đùa.

Với lời văn nhẹ nhàng, cách ghi chép tỉ mỉ, sự miêu tả chân thực, tác giả đã vạch trần cuộc sống xa hoa nhưng đầy kiểu cách, gò bó nơi phủ chúa. Đặt vào hoàn cảnh nước ta thời bấy giờ, đây như một lời phê phán đối với chế độ cầm quyền, đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của nhà nước ta vào thế kỷ XVIII.

Đề 2: Qua các bài thơ Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương, anh (chị) hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam xưa.

Viết về người phụ nữ đã không còn là đề tài quá xa lạ với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ văn học vẫn hiện lên với vẻ đẹp cả về bề ngoài và phẩm chất. Bánh trôi nước và Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương, Thương vợ của Trần Tế Xương đã khắc họa phần nào những phẩm chất ấy của người phụ nữ.

Cả Hồ Xuân Hương và Tế Xương đều viết về người phụ nữ với thái độ chân trọng, họ giúp người phụ nữ giãi bày những gian nan, vất vả, từ đó cho mọi người thấy được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Hình ảnh người phụ nữ trong ba bài thơ đều hiện lên với sự vất vả, gian nan của riêng mình. Ở Bánh trôi nước, ta có thể nhận ra đây là một người phụ nữ đẹp, nhưng cuộc sống của cô lại bấp bênh bảy nổi ba chìm. Cô không có quyền quyết định cuộc sống của riêng mình, số phận của cô “rắn, nát” đều phó mặc vào tay “người nặn”. Người phụ nữ trong bánh trôi nước cam chịu số phận của riêng mình. Cũng nói về lận đận trong tình cảm, nhưng Tự tình lại nói về khía cạnh khác trong cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ. Người phụ nữ trong Tự tình không có được hạnh phúc gia đình, cô phải san sẻ tình cảm gia đình của mình với người khác. Đây là tình cảnh chung của rất nhiều người phụ nữ trong xã hội trọng nam khinh nữ, đa thê đa thiếp xưa. Không nói về chủ đề tình yêu như Hồ Xuân Hương, Tế Xương khắc họa sự vất vả trong cuộc sống thường ngày của người phụ nữ. Đó là cuộc sống vất vả với công việc nguy hiểm, tốn nhiều thời gian nhằm nuôi chồng, nuôi con. Dù trong hoàn cảnh nào, người phụ nữ ở trong ba bài thơ trên đều mang đặc điểm chung: họ có một cuộc sống gian nan, trắc trở, tất cả mọi điều đều do xã hội mang lại.

Vượt lên những khó khăn đó, ba người phụ nữ bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp. Đó là tấm lòng son chung tình thủy chung của người phụ nữ trong bánh trôi nước, là khát vọng hạnh phúc mãnh liệt, phản kháng kiên cường trong Tự tình. Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương luôn giữ cho mình sự mạnh mẽ. Còn trong thơ của Tế Xương, đó là sự hy sinh thầm lặng, là lòng nhân hậu, đảm đang, là tình yêu thương chồng con nồng nàn.

Khắc họa hình ảnh người phụ nữ vừa mang nỗi bất hạnh, vừa mang phẩm chất, cả hai nhà thơ muốn tố cao xã hội xưa bất công, đồng thời cũng thể hiện sự yêu mến, đồng tình với những người phụ nữ ấy.

Đề 3: Nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát (hoặc Bài ca ngất ngưởng) của Nguyễn Công Trứ.

Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát đã khắc họa sâu sắc nhân cách cao đẹp của các nhà nho chân chính trong xã hội xưa. Đó là tầm nhìn xa trông rộng, không màng danh lợi.

Trên con đường theo đuổi công danh tưởng chừng như vô vọng, người lữ khách đã nhận ra sự lạc hậu của lối thi cử cũ. Con đường theo đuổi công danh cũ như bãi cát dài, đi mãi, đi mãi mà không hết, làm con người ta tưởng chừng đã chìm sâu vào bãi cát vô tận, giống như lún sâu vào khát vọng danh vọng. Đây là một phép so sánh độc đáo, nhưng đã nêu bật sự vô nghĩa của con đường danh lợi này.

Đứng trước sự gian nan nhưng đầy vô nghĩa đó của danh lợi, tác giả muốn tìm kiếm một con đường khác, cũng như việc tìm kiếm lối thoát bãi cát này. Tuy chưa thể xác định được phương hướng, đường đi cụ thể cho mình, nhưng tác giả vẫn rất kiên cường, dám dấn thân về phía trước dẫu cho gian nan khó khăn. Đây là phẩm chất tốt đẹp của nhà nho chân chính xưa.

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác