logo

Soạn bài: Thao tác lập luận phân tích (ngắn nhất)


Soạn bài: Thao tác lập luận phân tích


I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA THAO TÁC LẬP LUẬN PHÂN TÍCH

Câu 1 (trang 26 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Nội dung ý kiến đánh giá của tác giả (luận điểm): Sở Khanh tiêu biểu cho những con người đồi bại, bẩn thỉu, vô liêm sỉ trong xã hội xưa.

Câu 2 (trang 26 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Để làm sáng tỏ luận điểm nêu trên, tác giả đã triển khai các luận cứ sau:

- Sở Khanh làm một nghề tồi tàn, bẩn thỉu là sống bằng nghề sống bám các thanh lâu, nghề làm chồng hờ của các cô gái làng chơi.

-  Sở Khanh giả làm người tử tế để đánh lừa một người con gái ngây thơ, hiếu thảo. Hành động này khiến hắn càng bộc lộ rõ con người đồi bại.

- Sau khi lừa bịp hắn còn quay lại, đánh đập, trở mặt một cách tráo trở.

- Đặc biệt, cái hành động lừa bịp, tráo trở này diễn ra rất nhiều lần, hắn là một tay nổi tiếng bạc tình.

Câu 3 (trang 26 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Sự kết hợp giữa thao tác phân tích và tổng hợp thể hiện khá rõ qua đoạn văn của Hoài Thanh. Sau khi phân tích chi tiết bộ mặt lừa bịp tráo trở của Sở Khanh, người viết đã tổng hợp kết quả phân tích trước đó thành một kết luận khái quát dựa trên bản chất của nhân vật Sở Khanh về cái xã hội trong Truyện Kiều: "Nó là cái mức cao nhất của tình hình đồi bại trong xã hội này".

Câu 4 (trang 26 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

Ví dụ một số đối tượng phân tích trong bài văn nghị luận:

- Ví dụ 1:Sự đối lập giữa cái thiện và cái ác trong truyện Thạch Sanh.

- Ví dụ 2: Hãy bày tỏ quan điểm của anh (chị) về ý kiến: “Điện thoại thông minh và mạng xã hội đang ngày càng khiến chúng ta trở nên xa cách hơn”.

Câu 5 (trang 26 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

- Lập luận phân tích là chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bộ phận để xem xét nội dung, hình thức và mối quan hệ của chúng, rồi khái quát, phát hiện ra bản chất của đối tượng.

- Phân tích bao giờ cũng gắn liền với tổng hợp. Đó là bản chất của thao tác phân tích trong văn nghị luận.

- Yêu cầu của một lập luận phân tích:

+ Xác định vấn đề phân tích.

+ Chia nhỏ vấn đề phân tích

+ Khái quát tổng hợp.


II. CÁCH PHÂN TÍCH

- Cần dựa trên những tiêu chí, quan hệ nhất định: (Quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng phân tích ).

- Phân tích cần đi sâu vào từng mặt, từng bộ phận nhưng cần lưu ý đến quan hệ giữa chúng với nhau, cần khái quát để rút ra bản chất chung của đối tượng.


III. LUYỆN TẬP

Câu 1 (trang 28 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

a, Lê Trí Viễn, đã lấy quan hệ nội bộ của đối tượng diễn biến, các cung bậc tâm trạng "bàng hoàng" của Thúy Kiều: tâm trạng đau xót, quẩn quanh và hoàn toàn bế tắc để phân tích.

b, Quan hệ làm cơ sở cho lập luận phân tích trong đoạn văn trên là quan hệ giữa đối tượng này với đối tượng khác có liên quan: Bài thơ Lời kĩ nữ của Xuân Diệu và bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị.

Câu 2 (trang 28 sgk Ngữ Văn 11 Tập 1):

         Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương thể hiện trước hết ở nghệ thuật sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc, có sức biểu đạt cao tư tưởng và tâm trạng của nhân vật trữ tình như: “văng vẳng, trơ, cái hồng nhan, xiên ngang, đâm toạc, tí, con con”...kết hợp giữa những động từ mạnh (xiên, đâm) và các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) làm nổi bật sự bướng bỉnh và ngang ngạnh. Đặc biệt hơn, bằng cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật: đảo ngữ, điệp từ, nghệ thuật tăng tiến...Xuân Hương đã thể hiện sâu sắc tình cảm, cảm xúc của mình.

Soạn bài Thao tác lập luận phân tích ngắn nhất | Soạn văn 11 ngắn nhất – TopLoigiai

icon-date
Xuất bản : 04/02/2021 - Cập nhật : 05/02/2021

Tham khảo các bài học khác