logo

Bài Mẹ SGK 7 trang 44, 45, 46 - Văn Cánh diều

Hướng dẫn Soạn bài Mẹ SGK 7 trang 44, 45, 46 ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Cánh diều Ngữ văn lớp 7 chi tiết.. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất. 


Trước khi đọc bài Mẹ

Câu 1 (Trang 44, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Bài thơ được chia làm mấy khổ? Vần trong bài thơ được gieo như thế nào? Các dòng thơ được ngắt nhịp ra sao?

Lời giải 

- Bài thơ được chia làm 5 khổ.

- Vần trong bài thơ được gieo vào cuối dòng thơ, có tác dụng đánh dấu sự kết thúc của dòng thơ, tạo mối liên kết giữa các dòng. Cách gieo này được gọi là gieo vần chân.

- Các dòng thơ được ngắt nhịp 02.02 hoặc 01/03 tùy dòng thơ.

Câu 2 (Trang 44, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Bài thơ viết về ai và về điều gì? Ai là người đang bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ trong bài thơ?

Lời giải

- Bài thơ viết về mẹ và viết về sự thay đổi theo thời gian của mẹ.

- Con là người bày tỏ cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ trong bài thơ.

Câu 3 (Trang 44, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Bài thơ có những từ ngữ và biện pháp nghệ thuật nào đặc sắc? Tác dụng của chúng là gì?

Lời giải 

- Hình ảnh sóng đôi “cau” và “mẹ”: Cau là loài cây đã quá gần gũi với người dân Việt Nam. Lấy hình ảnh cau để sánh đôi với hình ảnh mẹ - một tượng đài vĩ đại nhưng tất thân thuộc, nhà thơ đưa người đọc đi các cung bậc cảm xúc.

- Những hình ảnh đối lập như “Lưng mẹ còng rồi – Cau thì vẫn thẳng”, “Cau – Ngọn xanh rờn, Mẹ - đầu bạc trắng”, “Cau gần với trời – Mẹ thì gần đất” gợi nỗi xót xa khi chứng kiến sự thật nghiệt ngã. Tuổi già của mẹ khiến người con biểu lộ sự buồn rầu đến xót thương.

- Biện pháp tu từ so sánh “Một miếng cau khô – Khô gầy như mẹ”: ví von hình ảnh mẹ già như miếng cau khô gợi lên hình ảnh già nua của người mẹ. Nhà thơ bộc lộ nỗi xót xa, cay đắng, khi chứng kiến tuổi già của mẹ đang đến gần, đang tồn tại, khiến “con nâng trên tay – Không cầm được lệ”.

- Câu hỏi tu từ “Sao mẹ ta già?” thể hiện tâm trạng bần thần xót xa của người con khi thấy tuổi già của mẹ kéo đến ngày một gần. Chứng kiến mẹ ngày một gầy mòn héo hắt, con không khỏi buồn thương.

Câu 4 (Trang 44, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Ngoài bài thơ Lượm của Tố Hữu (đã học ở lớp 6), em còn biết thêm bài thơ bốn chữ nào khác không? Đọc trước bài thơ Mẹ; tìm hiểu thêm về tác giả Đỗ Trung Lai

Lời giải 

* Ngoài bài thơ Lượm của Tố Hữu, em còn biết thêm bài thơ bốn chữ khác như: Mùa thu của em (Quang Huy), Hai chị em (Lưu Trọng Lư), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa)…

* Tác giả Đỗ Trung Lai:

- Đỗ Trung Lai (1950), quê Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây (cũ).

- Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1991.

- Phong cách sáng tác: trữ tình đằm thắm nhưng gửi gắm nhiều tâm sự, triết lý nhẹ nhàng, tự nhiên.

- Ngoài làm thơ, ông còn đảm nhiệm dưới vai trò là nhà báo, họa sĩ.

- Các tác phẩm tiêu biểu của Đỗ Trung Lai có thể kể đến: Đêm sông Cầu (thơ, 1990), Anh em và những người khác (thơ, 1990), Đắng chát và ngọt ngào (thơ, in chung, 1991), Thơ và tranh (1998), Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu (truyện và kí, 2000)…

- Giải thưởng: đạt giải thưởng văn học Bộ quốc phòng năm 1994.

Câu 5 (Trang 44, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Mỗi khi nghĩ về mẹ, em thường có cảm xúc gì? Hãy chia sẻ cảm xúc đó với các bạn

Lời giải 

Mỗi khi nghĩ về mẹ, em thường có cảm xúc yêu thương, biết ơn. Bởi vì, mẹ là người đưa em đến với thế giới rộng lớn này. Mẹ lo lắng, quan tâm, chăm sóc và yêu em – một tình yêu vô bờ bến, không từ nào có thể diễn tả được. Những ngày em vui hay hôm em ốm, mẹ đều có mặt. Mẹ hi sinh rất nhiều để mang đến cho em một cuộc sống tốt nhất về vật chất và tình cảm. Mẹ là người vĩ đại nhất trong cuộc đời em. Em yêu mẹ rất nhiều.

Soạn bài Mẹ SGK 7 trang 44, 45, 46 - Văn Cánh diều

Đọc hiểu bài Mẹ


Trả lời câu hỏi giữa bài

Câu 1 (Trang 45, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Các từ ngữ nói về “mẹ” và “cau” ở khổ 1 và 2 có mối quan hệ với nhau như thế nào về nghĩa?

Lời giải

Các từ ngữ nói về “mẹ” và “cau” ở khổ 1 và 2 có mối quan hệ đối lập với nhau về nghĩa.

- lưng mẹ “còng” >< cau “thẳng”

- cau “ngọn xanh rờn” >< mẹ “đầu bạc trắng”

- cau “ngày càng cao” >< mẹ “ngày một thấp”

- cau “gần giời” >< mẹ “gần đất”

Có thể thấy, việc lựa chọn những từ ngữ tương phản đã giúp tác giả thành công trong việc xây dựng hình ảnh người mẹ đang ngày một già. Thời gian không bỏ sót một ai cả. Mẹ cũng thế. Cau ngày một cao lớn, dài thẳng tắp; còn mẹ, lưng ngày một còng xuống.

Câu 2 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Dòng 18 dùng để hỏi hay bộc lộ cảm xúc?

Lời giải 

Dòng 18 dùng để bộc lộ cảm xúc.


Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Qua bài thơ Mẹ, chỉ ra đặc điểm của thể thơ bốn chữ ở các yếu tố: số tiếng và nhịp ở các dòng thơ, vần của bài thơ

Lời giải 

Đặc điểm của thể thơ bốn chữ qua bài thơ Mẹ được thể hiện qua các yếu tố:

- Số tiếng ở các dòng thơ: 4

- Các dòng thơ ngắt nhịp: 2/2 hoặc 1/3.

- Gieo vần: vần chân, có nghĩa là chữ cuối cùng của câu hai vần với chữ cuối cùng của câu bốn trong một khổ.

Câu 2 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Bài thơ Mẹ là lời của ai, bộc lộ cảm xúc gì? Nêu cảm nhận chung của em sau khi đọc bài thơ

Lời giải 

- Bài thơ “Mẹ” là lời của người con.

- Người con bộc lộ sự xót xa, buồn bã khi theo thời gian, mẹ ngày càng già đi.

- Cảm nhận chung của em sau khi đọc bài thơ: cũng như người con trong bài thơ, em cảm nhận được sự thay đổi theo năm tháng của mẹ và cảm thấy thương xót.

Câu 3 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Liệt kê những từ ngữ được tác giả dùng để nói về “mẹ” và “cau” trong bài thơ. Để thể hiện hình tượng “mẹ” và “cau”, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ nào? Hãy chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ đó

Lời giải 

- Những từ ngữ được tác giả dùng để nói về “mẹ” và “cau” trong bài thơ:

+ Mẹ: còng, đầu bạc trắng, thấp, gần đất.

+ Cau: thẳng, ngọn xanh rờn, cao, gần với giời.

- Để thể hiện hình tượng “mẹ” và “cau”, tác giả sử dụng biện pháp tu từ:

+ Tương phản “ còng – thẳng, xanh rờn – bạc trắng, cao – thấp, giời – đất”, có tác dụng tạo ra hình ảnh trái ngược nhau qua đó làm nổi bật được tư tưởng của tác giả. Cụ thể ở đây, nhìn nhận vào hiện thực, mẹ đang già đi theo năm tháng.

+ So sánh “Một miếng cau khô – Khô gầy như mẹ”, có tác dụng gợi hình, gợi lên cho người đọc hình ảnh già nua của mẹ. Cũng từ đây, biện pháp so sánh thể hiện được tình cảm xót xa của người con, thương cho tuổi già của mẹ.

+ Câu hỏi tu từ “Sao mẹ ta già?”, có tác dụng nhấn mạnh ý của nhà thơ muốn truyền đạt. “Sao mẹ ta già?”, tác giả đã thấy được hiện thực đáng buồn khi mẹ ngày một già đi. Nhà thơ bộc lộ nỗi buồn man mác, nỗi xót xa trước hình ảnh này. 

Câu 4 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Chỉ và phân tích các câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ. Em hiểu nội dung của hai dòng thơ cuối bài như thế nào?

Lời giải 

- Câu thơ thể hiện tình cảm của người con dành cho mẹ: 

“Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay 

Không cầm được lệ”. 

Hai chữ “nâng” và “cầm” ám chỉ động thái của tình cảm, thể hiện sự nâng niu, trân trọng và xót thương, không thể kìm lòng trước sự thay đổi ngày một già đi của mẹ.

- Hai dòng thơ cuối của bài là đáp án cho câu hỏi của dòng thơ thứ hai ở khổ cuối. Không một lời đáp. Có lẽ rằng, đấy chính là quy luật của thời gian. Tất cả đều sẽ già đi. Thơi gian ngày một thu hẹp. Khi thấy được sự già nua nhanh chóng ấy, nên chăng, người con cần phải trân trọng từng khoảnh khắc bên mẹ, yêu thương mẹ nhiều hơn. “Mây bay về xa”, như một lời ẩn dụ, rằng, sẽ đến một lúc nào đó, như những đám mây kia, người mẹ đầu trắng bạc phơ sẽ đến một nơi thật xa…

Câu 5 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Trong số những hình ảnh được tác giả dùng để khắc họa hình tượng người mẹ, em thích nhất hình ảnh nào? Tại sao?

Lời giải 

Trong số những hình ảnh được tác giả dùng để khắc họa hình tượng người mẹ, hình ảnh miếng cau khô - “khô gầy như mẹ” để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất. Bởi lẽ, miếng cau khô là hình ảnh cho sự gầy guộc. So sánh miếng cau khô với người mẹ để thấy được sự vất vả, hi sinh của mẹ. Trước khi trở thành miếng cau khô thì miếng cau đó đã xanh mơn mởn, ngọt ngào đến bao nhiêu. Mẹ cũng vậy. Mẹ đánh đổi tuổi xuân, thời gian để nuôi dưỡng người con. Bao giờ cũng thế, mẹ là người vĩ đại, cao cả nhất, là tấm gương để không chỉ người con trong bài mà tất cả người con trên thế giới này, phải đồng cảm, thương yêu và trân trọng mẹ.

Câu 6 (Trang 46, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Quan sát người thân trong gia đình của mình qua năm tháng, em thấy họ có những thay đổi như thế nào? Em có cảm xúc gì khi nhận ra những thay đổi ấy?

Lời giải 

Quan sát người thân trong gia đình của mình theo năm tháng, em thấy họ ngày càng già đi. Mái tóc bố dần dần chuyển bạc, gương mặt mẹ dần xuất hiện những nếp nhăn. Và theo thời gian, bố mẹ mỗi năm thêm một tuổi, em cũng vậy. Tuy nhiên, khi nhìn lại, em càng lớn bao nhiêu, bố mẹ sẽ ngày một già đi bấy nhiêu. Phải chăng, đó là sự đánh đổi hay là quy luật nghiệt ngã của tạo hóa? Em cảm thấy rất buồn, vì biết rằng, thời gian ở bên bố mẹ, sẽ ngày ít đi. Bố mẹ đã hi sinh cho con cái rất nhiều. Họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, để cho con một cuộc sống tốt nhất. Điều đó khiến em ngày càng yêu thương, trận trọng, biết ơn và tự nhủ phải có lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành.

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 7 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Soạn bài Mẹ SGK 7 trang 44, 45, 46 trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 07/07/2022 - Cập nhật : 09/08/2022