logo

Bài Buổi học cuối cùng SGK 7 trang 21, 22, 23, 24, 26 - Văn Cánh diều

Hướng dẫn Soạn bài Buổi học cuối cùng SGK 7 trang 21, 22, 23, 24, 26 ngắn gọn, hay nhất. Trả lời toàn bộ câu hỏi trong bộ Sách mới Cánh diều Ngữ văn lớp 7 chi tiết.. Hi vọng qua bài soạn trên các bạn đã nắm vững được nội dung bài học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp tốt nhất. 


Trước khi đọc bài Buổi học cuối cùng

Câu 1 (Trang 21, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Đọc trước chuyện Buổi học cuối cùng; tìm hiểu thêm thông tin về nhà văn An-phông-xơ Đô-đê

Lời giải 

  • An-phông-xơ Đô-đê (1840 – 1897), là nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa lớn của nước Pháp nửa cuối thế kí XIX.
  • Quê quán: sinh tại Nim, tỉnh Lăng-gơ-đuốc thuộc miền Nam nước Pháp
  • Xuất thân: trong một gia đình tơ lụa.
  • Con người: là cậu bé thông minh, ham mê đọc sách. Năm 15 tuổi, ông bắt đầu làm thơ và viết tiểu thuyết.
  • Cuộc đời: khi người cha bị phá sản, gia đình phải dời đến thành phố Li-ông. Ông tiếp tục theo học trung học tại đây, nhưng cuối cùng phải bỏ học hẳn vì hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ. Ông theo chân anh là Ernest đến Paris và được nhận vào làm ký giả cho tờ Figaro.
  • Sự nghiệp văn học:

Lối viết giản dị, nhẹ nhàng, thấm đượm triết lí và cảm xúc, các tác phẩm của An-phông-xơ Đô-đê giàu tinh thần nhân đạo và tinh tế, chất thơ và nhiệt thành, gửi gắm niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Chú nhóc (1886); Những lá thư viết từ cối xay gió (1869); Tác-ta-ranh xứ Ta-rax-công (1872), Tác-ta-ranh trên núi An-pơ (1885), Cảng Ta-rax-công (1890)…

Đạt giải thưởng văn chương Pháp với quyển “Fromont Cháu Trẻ và Cụ Riler”(1874).


Đọc hiểu bài Buổi học cuối cùng

Câu 1 (Trang 22, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Từ sự khác thường của buổi học, dự đoán về sự kiện xảy ra

Lời giải

Từ sự khác thường của buổi học, em dự đoán, đây không phải là buổi học như mọi lần, có thể là buổi học cuối cùng, cũng có thể là thầy giáo hay một học sinh nào đó trong lớp gặp chuyện…

Câu 2 (Trang 23, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Tại sao thầy Ha-men lại nói: “... con bị trừng phạt thế là đủ rồi…”?

Lời giải 

Thầy Ha-men nói “... con bị trừng phạt thế là đủ rồi…” vì Phrang đã nhiều lần chịu phạt. Và với thầy Ha-men, hình phạt không phải là cách dạy dỗ tốt, hơn nữa, việc không được tiếp tục học tiếng Pháp – tiếng mẹ đẻ đã là một hình phạt quá lớn.

Câu 3 (Trang 24, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Em có suy nghĩ gì về những dòng chữ in đậm này?

    …khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…

Lời giải 

Câu nói của thầy Ha-men gợi cho em suy nghĩ về giá trị thiêng liêng của tiếng nói dân tộc, nhất là trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do. Bởi lẽ, ở phương diện quốc gia, ngôn ngữ chính là tinh hoa văn hóa, là linh hồn của dân tộc để phân biệt quốc gia này với quốc gia khác. Ngôn ngữ quốc gia phải trải qua sự hình thành, gìn giữ và phát triển đến bây giờ. và khi một cộng đồng, một thế hệ không bảo vệ được “tiếng nói dân tộc”, thì không khác nào thừa nhận mất đi chủ quyền đất nước. Do vậy, câu nói của thầy Ha-men gợi lên cho các nhân vật trong câu chuyện nói riêng, tất cả mọi người nói chung ý thức về việc bảo vệ bảo vật quốc gia – tiếng nói. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh xâm lược, cần được trân quý, bảo vệ hơn bao giờ hết.

Câu 4 (Trang 24, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Băn khoăn của cậu bé Phrăng về các con chim bồ câu trên mái nhà trường gợi cho em những suy nghĩ gì?

Lời giải 

Băn khoăn của cậu bé Phrang về con chim bồ câu trên mái trường gợi cho em suy nghĩ về cậu bé Phrang ngây thơ, nhưng đồng thời nói lên được sự độc đoán đến vô lí của phát xít Đức khi bắt người Pháp phải nói tiếng Đức. Đây là một hành động cần phải lên án khi nước Đức xâm chiếm lãnh thổ Pháp.


Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1 (Trang 26, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Em hiểu thế nào về nhan đề Buổi học cuối cùng. Người kể lại câu chuyện là ai? Chỉ ra tác dụng của ngôi kể này.

Lời giải 

  • Nhan đề “Buổi học cuối cùng” gợi lên sự tiếc nuối. Bởi đó là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp. Nó mang một ý nghĩa sâu xa, là buổi học cuối cùng của một dân tộc mất đi tiếng nói của mình.
  • Người kể lại câu chuyện là nhân vật Phrang – một học sinh lớp thầy Ha-men. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.
  • Tác dụng:

Làm tăng tính chân thật cho nhân vật. Bởi Phrang là một trong những người trực tiếp chứng kiến về buổi học tiếng Pháp cuối cùng tại lớp thầy Ha-men.

Bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên, chân thành.

Câu 2 (trang 26, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Đặc điểm tính cách nhân vật thầy Ha-men được nhà văn khắc họa từ những phương diện nào? Hãy nêu ra một số biểu hiện cụ thể trong văn bản?

Lời giải 

Đặc điểm tính cách nhân vật thầy Ha-men được nhà văn khắc họa từ những phương diện:

  • Trang phục: áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu - những thứ trang phục chỉ dùng trong những buổi lễ trang trọng.
  • Thái độ đối với học sinh: Lời lẽ dịu dàng, không trách mắng Phrăng khi cậu đến muộn và cả khi cậu không thuộc bài; chuẩn bị bài học chu đáo và kiên nhẫn giảng bài như muốn truyền hết mọi hiểu biết của mình cho học sinh trong buổi học cuối cùng.
  • Ở những giây phút cuối cùng của buổi học: nghẹn ngào, không nói được hết câu, quy về phí bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, cố viết thật to “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.
  • Mong muốn của thầy đối với học sinh và mọi người trong vùng An-dát: hãy yêu quý, giữ gìn và trau dồi tiếng nói dân tộc mình.

Có thể thấy, thầy Ha-men là một người yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc, và yêu quê hương.

Câu 3 (trang 26, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Phân tích một số chi tiết cụ thể (trong suy nghĩ, cách nhìn nhận về thầy Ha-men và thái độ đối với việc học tiếng Pháp) để làm rõ diễn biến tâm trạng của nhân vật “tôi” trong “buổi học cuối cùng”?

Lời giải 

Nhân vật “tôi” trong buổi học cuối cùng bộc lộ diễn biến tâm trạng một cách sinh động.

Đầu tiên, câu choáng váng khi nghe thầy Ha-men nói đây là buổi học cuối cùng. Chính cậu cũng không ngờ, đây là buổi học cuối cùng dạy tiếng Pháp – tiếng mẹ đẻ. Phrăng nghe tin mà rụng rời. Khuôn mặt cậu đỏ bừng vì tức giận, rồi chuyển dần sang tái nhợt vì choáng váng. Đôi mắt đen láy ngây thơ không còn hiện lên vẻ tinh nghịch mà thay vào đó là một nỗi mất mát, một nỗi sợ mơ hồ. Đôi bàn tay nhỏ bé run run lấy sách từ trong cặp để lên bàn, lật giở từng trang thật nhẹ nhàng. Ánh mắt của Phrăng dõi theo thầy Ha - men như thể sợ thầy có thể biến mất. Lúc được gọi lên đọc bài, Phrăng lúng túng và đung đưa người trên chiếc ghế dài, lòng rầu rĩ, không dám ngẩng đầu lên vì xấu hổ. Cậu quan sát lớp học, những khuôn mặt, hành động và sự nhẫn nại của thầy Ha - men để khắc sâu hồi ức về buổi học này trước khi bị ép học tiếng Đức.  Suốt cả buổi học, Phrăng chăm chú nghe thầy giảng như nuốt lấy từng lời cho đến khi tiếng chuông cầu nguyện buổi trưa vang lên báo hiệu giờ học kết thúc.

Sự tiếc nuối và ân hận dần biểu lộ ra. Bấy lâu nay, cậu đã bỏ phí thời gian để trốn học, đi chơi. Và ngay cả buổi học cuối cùng, cậu cũng phải đấu tranh mãi mới quyết định đến trường. Cậu thương thầy Ha-men, tự trách bản thân.

Nghe được những lời tha thiết từ tận đáy lòng của thầy Ha-men, Phrang nhận thức được ý nghĩa to lớn của việc học tiếng Pháp và ngậm ngùi xót xa khi từ này không còn cơ hội để tiếp tục học tiếng Pháp ở trường nữa.

Câu 4 (Trang 26, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Phần (5) của văn bản Buổi học cuối cùng có nhiều chi tiết miêu tả đặc sắc: thầy Ha-men “người tái nhợt”, “nghẹn ngào, không nói được hết câu”, “cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!” và “đầu dựa vào tường”, “chẳng nói”, chỉ “giơ tay ra hiệu”... Các chi tiết này đã giúp tác giả khắc họa được điều gì về thầy Ha-men?

Lời giải 

Các chi tiết đã giúp tác giả khắc họa được lòng yêu nước của thầy giáo Ha-men. Khi không được dạy tiếng Pháp – tiếng nói dân tộc, không chỉ riêng học sinh mà chính thầy, rất buồn lòng. Còn tiếng thì còn đất nước. Thử hỏi, nếu không được dạy tiếng quê hương trên chính quê hương, thì sẽ như thế nào? Chẳng phải là gián tiếp thừa nhận sự đô hộ của nước Đức hay sao? Chính bởi lẽ đó, mà thầy Ha-men đã viết thật to dòng chữ “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM !”. Thầy là người yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc và yêu quê hương sâu sắc. Qua nhân vật, nhà văn đã thành công thể hiện được chủ đề của tác phẩm về lòng yêu nước.

Câu 5 (Trang 26, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Câu chuyện đã bồi đắp cho em những phẩm chất nào? Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi học xong chuyện?

Lời giải 

Câu chuyện đã bồi đắp cho em về lòng yêu nước. Thông qua câu chuyện, em rút ra được bài học, chúng ta phải có ý thức gìn giữ tiếng nói của dân tộc. Đó là linh hồn của dân tộc, là tài sản vô giá của một quốc gia. Không chỉ riêng nước Pháp mà bất kì quốc gia nào trên thế giới, cũng cần phải gìn giữ tài sản tinh thần vô giá này.

Câu 6 (Rrang 26, SGK Ngữ văn 7 tập 1)

Trong truyện Buổi học cuối cùng, em thích nhất nhân vật hoặc chi tiết, hình ảnh nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) giải thích lí do vì sao em thích.

Lời giải 

Trong truyện “Buổi học cuối cùng”, em thích nhất là nhân vật Phrang – nhân vật tôi trong câu chuyện. Truyện đã phát triển được tâm lí của nhân vật một cách sinh động, sắc nét. Từ một cậu bé ham chơi, khi biết được tin, đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng, những trăn trở, suy nghĩ của Phrang dần dần được lột tả. Cậu lúng túng, kinh ngạc khi thấy tiếng Pháp không phải là một môn học khó và cảm thấy hối hận. Phrang nhận ra được ý nghĩa lớn lao của việc học tiếng Pháp – tiếng mẹ đẻ. Từ đó, có thể thấy, một cậu bé giàu lòng yêu nước trỗi dậy.

>>> Xem trọn bộ: Soạn Văn 7 Cánh diều

-----------------------------

Trên đây Top lời giải đã cùng các bạn Soạn bài Buổi học cuối cùng SGK 7 trang 21, 22, 23, 24, 26 trong bộ SGK Cánh diều theo chương trình sách mới. Chúng tôi hi vọng các bạn đã có kiến thức hữu ích khi đọc bài viết này. Top lời giải đã có đầy đủ các bài soạn cho các môn học trong các bộ sách mới Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức. Mời các bạn hãy click ngay vào trang chủ Top lời giải để tham khảo và chuẩn bị bài cho năm học mới nhé. Chúc các bạn học tốt!

icon-date
Xuất bản : 07/07/2022 - Cập nhật : 09/08/2022