logo

So sánh cách miêu tả Thúy Vân và Thúy Kiều

Câu hỏi: So sánh cách miêu tả Thúy Vân và Thúy Kiều.

Trả lời: 

1. Giống nhau : 

- Cả 2 đều là con của Vương Viên ngoại, là nhân vật trong "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân - Trung Quốc 

- Cả hai đều là những "kiều nữ", đều được miêu tả theo phép ước lệ tượng trưng của Văn học trung đại , đều là những nhân vật để thể hiện thuyết "tài mệnh tương đố" của Nguyễn Du. 

2. Khác nhau : 

- Vẻ đẹp của Thúy Vân là vẻ đẹp đoan trang, thùy mị, phúc hậu, dịu dàng, khiến thiên nhiên (mây, tuyết) còn nhân nhượng (thua, nhường), là "đòn bẩy" để nổi bật tài sắc của Kiều . 

- Vẻ đẹp của Thúy Kiều là vẻ đẹp của tài hoa, tài tình, của sự "sắc sảo mặn mà" khiến cho thiên nhiên (hoa, liễu) cũng phải "ghen, hờn" . Đó là vẻ đẹp dự báo cho cả cuộc đời mười lăm năm lưu lạc "thanh lâu hai lượt , thanh y hai lần" của Kiều : "tài tình chi lắm cho trời đất ghen", hay "chữ tài liền với chữ tai một vần" (N. Du)

Sau đây cùng Top lời giải khám phá về 2 nhân vật này nhé!


1. Khái quát về truyện Kiều

- Truyện Kiều được mệnh danh là một trong những tác phẩm kiệt tác hàng đầu của văn học dân tộc ở mọi thời đại. Tác phẩm Truyền Kiều là sự kết hợp từ những tinh hoa của nhiều thể loại văn học mang đến giá trị nhân văn sâu sắc. Truyện được sáng tác bởi Nguyễn Du – đại thi hào của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.

So sánh cách miêu tả Thúy Vân và Thúy Kiều

- Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814–1820). Lại có thuyết nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng cuối thời Lê đầu thời Tây Sơn. Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn. Ngay sau khi ra đời, Truyện Kiều được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi. Hai bản in xưa nhất hiện còn là bản của Liễu Văn Đường (1871) và bản của Duy Minh Thị (1872), đều ở thời vua Tự Đức.

- Truyện dựa theo bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh (từ năm 1521 tới năm 1567). Có một số nhân vật như tổng đốc Hồ Tôn Hiến, kỹ nữ Vương Thúy Kiều, nhân vật Từ Hải là có thật trong lịch sử.

- Bản in khắc đầu tiên năm 1920 có tựa chính thức là Đoạn trường tân thanh, có nghĩa là ” tiếng kêu mới về nỗi đau lòng đứt ruột”.


2. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Thúy Kiều

Vẻ đẹp hình thức

Làn thu thuỷ nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

- Kiều có vẻ đẹp sắc sảo mặn mà. Tả Kiều Nguyễn Du sử dụng bút pháp đặc tả đôi mắt để qua đó nói lên vẻ đẹp trong thế giới tâm hồn, nhân cách của nhân vật. Kiều đẹp đến mức hoa ghen liễu hờn, thiên nhiên cũng sinh lòng đố kị "Lạ gì bỉ sắc tư phong/ trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Vì thế mà số phận long đong cực khổ. Điều này cho thấy sắc đẹp của Kiều đã đạt đến độ hoàn mĩ.

Vẻ đẹp về tâm hồn

- Kiều có tâm hồn trong sáng và trái tim đa cảm: khi đi du xuân cùng em, gặp mộ Đạm Tiên, người phụ nữ xấu số không quen biết, Kiều đã tỏ lòng thương cảm, Kiều luôn luôn hiểu và cảm nhận được nỗi đau khổ của người khác và tìm cách giải quyết.

- Kiều là người con hiếu thảo: khi gia đình mắc oan Kiều đã hi sinh bản thân mình, hi sinh hạnh phúc của cá nhân mình để cứu cha, cứu em và chữ hiếu của Kiều đặt cao hơn tất cả và được thể hiện bằng hành động. Trong suốt quãng đời lưu lạc, lúc nào Kiều cũng sống trong băn khoăn day dứt vì không làm tròn trách nhiệm của người con đối với cha mẹ. Khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, Kiều cũng không thể không nguôi nhớ về cha mẹ.

- Kiều có một trái tim chung thuỷ, có một tấm lòng vị tha. Tác giả đã ca ngợi tình yêu Kim - Kiều hồn nhiên, trong sáng và táo bạo, Kiều đã chủ động đến với Kim Trọng. Thái độ chủ động ấy ta ít gặp trong xã hội phong kiến, Kiều đã chống lại quan điểm của xã hội phong kiến "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Tình yêu rất đẹp bởi bắt nguồn từ hai trái tim, rất chung thuỷ nhưng cũng rất biết hi sinh.

- Trong mười lăm năm lưu lạc, Kiều luôn nghĩ tới Kim Trọng, băn khoăn day dứt vì mình không mang đến hạnh phúc cho người mình yêu, mối tình Kim - Kiều chính là biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc của con người.

Vẻ đẹp tài năng

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân

- Kiều giỏi về âm luật, giỏi đến mức "làu bậc". Cây đàn mà nàng chơi là cây Hồ cầm. Trong toàn bộ thi phẩm có tới bốn lần Nguyễn Du đặt tả tiếng đàn của Thúy Kiều. Có lần dạo nhạc cho Kim Trọng nghe" Trong như tiếng hạc bay/Đặc như tiếng suối mới sa nửa vời." tiếng đàn của nàng thật hay "ăn đứt" bất cứ nghệ sĩ nào. Kiều còn biết sáng tác âm nhạc, tên khúc đàn của nàng sáng tác ra là một "thiên bạc mệnh" nghe buồn thê thiết "não nhân", làm cho lòng người sầu não, đau khổ. Các từ ngữ: sắc sảo, mặn mà, phần hơn, ghen, hờn, nghiêng nước nghiêng thành, đòi một, hoạ hai, vốn sẵn, pha nghề, đủ mùi, lầu bậc, ăn đứt, bạc mệnh, não nhân - tạo nên một hệ thống ngôn ngữ cực tả tài sắc và hé lộ, dự báo số phận bạc mệnh của Kiều, như ca dao lưu truyền:

"Một vừa hai phải ai ơi!

Tài tình chi lắm cho trời đất ghen".


3. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Thúy Vân

- Thúy Vân là em của Thúy Kiều, chị của Vương Quan. Thúy Vân theo mô tả của Nguyễn Du là "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang", nàng được xem như một người tài sắc vẹn toàn chỉ sau chị mình, Thúy Kiều nhưng cuộc đời ít chịu sóng gió như chị mình. Thúy Vân cuối cùng đã kết hôn với Kim Trọng trong thời gian Thúy Kiều bán mình chuộc cha và phải chịu cảnh sống lưu lạc 15 năm.

Vẻ đẹp của Thúy Vân qua mô tả của Nguyễn Du:

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

- Ở đây tác giả đã ví vẻ đẹp của Thúy Vân như những gì đẹp đẽ nhất, đặc sắc nhất, thiêng liêng nhất của tinh hoa đất trời: hoa, trăng, ngọc, mây, tuyết. Tất cả đều lột tả vẻ đẹp của một người phụ nữ. "Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang". Tác giả đã miêu tả khuôn mặt của Thúy Vân như khuôn trăng đầy đặn, vừa tròn vừa sáng. Ý nói khuôn mặt của Thúy Vân rất đẹp. Nhưng tác giả lại thêm vào câu thơ một cụm từ "nét ngài nở nang". Theo chú thích SGK thì "nét ngài" có nghĩa là mày của Vân rất đậm. Nhưng cũng nhiều người khác cho rằng nét ngài có nghĩa là nét người (theo tiếng Nghệ Tĩnh). "Hoa cười ngọc thốt đoan trang" một lần nữa tác giả đã thể hiện nét đẹp của Thúy Vân còn có ở nụ cười tươi như hoa, lời nói trong ngọc và tính nết đoan trang, dịu dàng. "Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da". không chỉ vậy, tác giả còn miêu tả "mây thua nước tóc", ý nói tóc của Thúy Vân còn đẹp hơn, óng ả hơn cả mây và "tuyết nhường màu da" làn da của nàng còn trắng hơn cả tuyết. Qua đó cho ta thấy Thúy Vân có một vẻ đẹp phúc hậu, khiến thiên nhiên cũng phải khiêm nhường và Nguyễn Du cũng thật tài tình khi chỉ với 4 câu thơ mà ông đã có thể miêu tả tất cả những gì đẹp nhất của Thúy Vân. Có thể nói 4 câu thơ đã miêu tả rõ cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của Vân khác hơn so với người chị là Thúy Kiều. Quả thực Nguyễn Du là một thi nhân đại tài khi đã vẽ nên được một bức chân dung đẹp như vậy.

icon-date
Xuất bản : 26/12/2021 - Cập nhật : 28/12/2021