Theo sự phát triển của xã hội và công nghệ, việc học tập của thế hệ trẻ đang được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Người ta dần sáng tạo ra những phương pháp học tập mới để giúp việc học trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn. Nhất là các trẻ lứa tuổi mầm non, việc sáng tạo giúp trẻ có hứng thú hơn trong quá trình học tập. Vậy là phương pháp dùng lời nói ra đời. Phương pháp này tập trung sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt những nội dung. Vậy để tìm hiểu rõ hơn, cùng Toploigiai theo dõi nội dung bài viết trình bày phương pháp dùng lời nói qua bài viết dưới đây!
Phương pháp dùng lời nói là sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để truyền đạt (Trò chuyện, kể chuyện, giải thích, diễn cảm, câu hỏi gợi mở...) được sử dụng phù hợp cùng với các cử chỉ, điệu bộ nhằm khuyến khích trẻ tập nói và giao tiếp với đồ vật, với mọi người xung quanh. Tạo tình huống thích hợp để trẻ bộc lộ ý muốn, chia sẻ những cảm xúc với người khác bằng lời nói và hành động cụ thể.
>>> Tham khảo: Phương pháp tư duy siêu hình là gì?
a. Đọc thơ (ca dao, tục ngữ, đồng dao)
Lời thơ, ca dao... mang tính nhịp điệu cao, có vần điệu, vì vậy, khi đọc cần đọc chậm rãi, vừa phải, chú ý ngắt giọng sau mỗi câu và nhấn vào các từ mang vần. Cần truyền đạt được âm điệu vui tươi, sảng khoái đến với trẻ.
Đọc thơ, ca dao, đồng dao... giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt. Khi đọc thơ cho trẻ nghe, cô giáo kết hợp giải thích các từ khó, từ xa lạ đối với trẻ. Đây là việc làm góp phần phát triển vốn từ nói riêng, phát triển ngôn ngữ nói chung cho trẻ.
b. Kể và đọc truyện
Là phương pháp chủ yếu giúp trẻ làm quen với văn học. Khi đọc, kể chuyện cô giáo sử dụng ngữ điệu giọng nói để bộc lộ được đặc điểm, tính cách nhân vật. Đọc kể phải chậm rãi, vừa phải để trẻ còn lắng nghe và ghi nhớ được các từ ngữ, câu văn trong truyện... điều đó giúp trẻ tích luỹ vốn từ và học được cách thể hiện qua giọng đọc, giọng kể của cô.
c. Kể lại chuyện
Là hình thức kể lại một cách sáng tạo câu chuyện theo mẫu trẻ đã được nghe, nhận biết được sự tác động lên cảm xúc, giúp trẻ ghi nhớ và kể lại những điều đã được nghe. Trẻ sẽ biết vận dụng ngôn ngữ của mình để kể lại chuyện một cách sáng tạo, phù hợp.
d. Đàm thoại
Đàm thoại là sự giao tiếp bằng ngôn ngữ giữa người với người. Đàm thoại không phải chỉ là hỏi và đáp. Đàm thoại được sắp xếp có tổ chức, có kế hoạch nhằm mục đích đi sâu, làm cho chính xác và hệ thống tất cả những biểu tượng và kiến thức mà trẻ thu lượm được.
Mục đích của đàm thoại là củng cố và hệ thống hóa bằng công cụ ngôn ngữ tất cả những kiến thức mà trẻ thu nhận được. Trong khi đàm thoại, yêu cầu trẻ phải suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt… để thực hiện cuộc giao tiếp. Qua quá trình đàm thoại, trẻ được nói về những suy nghĩ, hiểu biết của mình, điều đó đã góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
e. Nói mẫu
Được sử dụng khi chỉ cho đứa trẻ cách thức tốt nhất để diễn đạt ý nghĩ của mình (có nghĩa là sử dụng câu đúng để diễn đạt).
Nói mẫu còn sử dụng để củng cố, nhắc lại chính xác hóa từ, câu hay một đoạn văn. Tuy nhiên, số lượng câu trong mẫu phải phù hợp với khả năng chú ý và trí nhớ của trẻ.
g. Giảng giải
Cô dùng lời lẽ của mình để nói cho trẻ hiểu về bản chất, đặc điểm...của một vật hoặc một hành động nào đó.
Khi cô sử dụng những từ trẻ đã biết để giải nghĩa cho những từ trẻ chưa biết sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển vốn từ cho trẻ.
h. Câu hỏi
Hệ thống câu hỏi được xây dựng theo mục đích phát triển ngôn ngữ của giáo viên. Ví dụ nếu muốn dạy trẻ nói những câu ghép, giáo viên sẽ sử dụng các dạng câu hỏi mà khi trả lời, trẻ phải trả lời bằng câu ghép...
Câu hỏi đưa ra có mục đích phát triển ngôn ngữ yêu cầu trẻ biết lựa chọn từ ngữ, sử dụng các kiểu câu và diễn đạt khi trả lời. Câu hỏi góp phần quan trọng trong việc dạy trẻ nói đúng ngữ pháp.
Câu hỏi thường hướng sự chú ý của trẻ tới việc nhận thức đối tượng.
Câu hỏi ở lứa tuổi mầm non thường được kết hợp với trực quan.
- Giúp trẻ cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của tiếng Việt thông qua việc đọc, kể thơ truyện.
- Phát triển ngôn ngữ nghệ thuật cho trẻ, giúp trẻ làm quen với cách diễn đạt của ngôn ngữ văn học…
- Việc giải thích các từ khó, từ xa lạ đối với trẻ trong các tác phẩm văn học cũng góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Việc cô sử dụng những từ trẻ đã biết để giải nghĩa cho những từ trẻ chưa biết góp phần quan trọng vào quá trình phát triển vốn từ, mở rộng vốn sống, vốn hiểu biết của trẻ…
- Sử dụng câu hỏi, đàm thoại… được sắp xếp có tổ chức, có kế hoạch nhằm mục đích đi sâu, làm cho chính xác và hệ thống tất cả những biểu tượng và kiến thức mà trẻ thu lượm được; yêu cầu trẻ phải suy nghĩ, lựa chọn từ ngữ để trả lời câu hỏi được đặt ra...
- Phương pháp dùng lời chỉ cho đứa trẻ cách thức tốt nhất để diễn đạt ý nghĩ của mình, nói rõ hơn có nghĩa là sử dụng câu đúng để diễn đạt, đồng thời để củng cố, nhắc lại chính xác hóa từ, câu hay một đoạn văn...
--------------------------------------
Vậy là bên trên chúng ta đã tìm hiểu về phương pháp dùng lời nói được áp dụng trong các trường mầm non để giúp các bé dễ dàng trong học tập. Các bạn cũng có thể vận dụng những phương pháp này để cải thiện tình hình học tập của mình.