logo

Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (học sinh giỏi)

“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là một tác phẩm phê phán xã hội đen tối, nơi những thế lực bạo tàn có thể tác oai tác quái gây đau khổ cho cuộc sống của nhân dân. Thông qua hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả Nguyễn Dữ không chỉ thể hiện niềm tin vào công lí, vào sự thật mà còn thể hiện tinh thần dân tộc rõ nét. Để làm rõ hơn về những chi tiết kì , cũng như giúp các bạn hiểu hơn về tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, Toploigiai sẽ mang đến cho các bạn bài Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản, mời các bạn cùng tham khảo.


1. Dàn ý

a. Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và các yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

b. Thân bài

Trong tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có những yếu tố kì ảo như nhân vật kì ảo và không gian kì ảo

* Nhân vật kì ảo

- Hồn ma tên tướng giặc họ Thôi

- Nhân vật Thổ công

- Nhân vật Diêm Vương

- Quỷ sứ, Dạ xoa: Là điểm nhấn cho tác phẩm, tạo không khí sống động giúp người đọc hứng thú hơn

- Ngô Tử Văn

* Không gian kì ảo:

- Đầu tiên phải kể đến đô là giấc mộng của Ngô Tử Văn nối liền giữa cõi âm và cõi dương, là nơi để chàng gặp gỡ và nói chuyện với tên tướng giặc họ Thôi cũng như Thổ công, trước khi bị đưa đến cõi âm ti để diện kiến Diêm Vương.

- Không gian ở cõi âm được Nguyễn Dữ miêu tả vô cùng sống động và hấp dẫn, mở ra một không gian cõi âm vô cùng rùng rợn và lạnh lẽo, đúng với những gì mà chúng ta thường hình dung về chốn địa ngục.

=> Từ đó làm nổi bật nét tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn, đó là sự dũng cảm, bình tĩnh, ý chí kiên cường mạnh mẽ, cây ngay không sợ chết đứng của chàng.

* Ý nghĩa của các chi tiết kì ảo: Các yếu tố kì ảo đan xen với hiện thực làm cho câu chuyện đặc sắc và hấp dẫn hơn với người đọc.

c. Kết bài

Nêu khái quát lại nội dung và nghệ thuật.

>>> Tham khảo: Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn lớp 10


2. Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên học sinh giỏi

Đối với những người yêu thích thể loại truyện Truyền Kỳ Mạn Lục thì không thể không nhắc đến tác giả Nguyễn Dữ. Ông là một trong những nhà văn đã góp phần làm giàu thêm kho tàng văn học đồ sộ của nước nhà với thể loại truyện truyền kì. Mà tiêu biểu trong đó phải kể đến là “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”. Tác phẩm này thu hút người đọc với hàng loạt những yếu tố kì ảo khiến người đọc càng thêm hứng thú hơn.

Yếu tố kì ảo là những yếu tố mang tính chất hoang đường, kì lạ và không có thật ở thực tế. Những yếu tố kì ảo chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong các tác phẩm truyện truyền kì. Người kể chuyện chỉ mượn các yêu tố thần kỳ để làm phương tiện hỗ trợ cho hoạt động của con người, từ đó rút ra bài học răn dạy chúng ta.Trong tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên có những yếu tố kì ảo như nhân vật kì ảo và không gian kì ảo.

Đối với nhân vật kì ảo, đầu tiên phải kể đến đó là hồn ma tên tướng giặc họ Thôi, một nhân vật phản diện tiêu biểu trong tác phẩm và cũng chính là sự khởi nguồn cho mọi diễn biến sau đó. Lúc còn sống thì tên này làm giặc, chính vì thế khi chết đi cũng chỉ có thể làm yêu quái nhiễu loạn nhân gian, đời đời bị người ta khinh ghét sợ hãi. Không chỉ vậy tên giặc này còn phản ánh một hiện thực của đời sống ấy là nạn tham quan hoành hành, làm cho nhân dân lầm than, điều đó thể hiện qua việc hắn đút lót tham quan, bưng bít cả thượng đế để làm trò bạo ngược. Không thể nào chịu nổi sự ngang ngược của tên này nên Ngô Tử Văn đã tự tay đốt đền, đại diện chính nghĩa, thay trời hành đạo. Đến khi không còn nơi trú ẩn thì hắn đã giả làm cư sĩ tiến vào trong giấc mơ của Tử Văn mà cảnh cáo chàng xây lại đền trả hắn bằng chất giọng oai phong lẫm liệt. Dẫu vậy nhưng Tử Văn vẫn điềm nhiên thấy chết không sờn thì quay ra tức giận, trở mặt làm trò dọa dẫm "Phong đô không xa xôi gì, tuy ta hèn nhưng há lại không đem nổi nhà ngươi đến đấy. Không nghe lời ta rồi sẽ biết". Và y như rằng ngay trong tối ấy tên giặc này đã không tha cho Tử Văn mà khiến chàng phải xuống hầu cõi âm ti. Xuống Minh ti hắn còn gian dối giả làm Thổ công nhằm lừa gạt Diêm Vương và đẩy mọi tội lỗi cho Tử Văn gánh chịu. Hắn sống làm việc ác đến khi chết rồi cũng không thay đổi được bản tính. Tất cả những gì hắn làm chỉ làm thêm tô đậm sự xấu xa, đê tiện, trơ tráo trong con người hắn. Và chính những hành động ấy là biểu trưng cho sự ham sống, bất chấp làm việc ác để có thể tồn tại được ở cõi đời này.

Tiếp theo là nhân vật Thổ công, một nhân vật có tính cách hoàn toàn đối lập với tên tướng giặc họ Thôi kia. Trong truyện miêu tả đây là một vị quan dưới thời Lý Nam Đế, vì có công giúp vua giữ nước mà chết thế nên được ban cho chức Thổ công và một ngôi đền, hưởng hương khói của nhân dân. Ông hiện lên với phong thái nhàn nhã, khoan thai, áo vải mũ đen, là người hiền lành, trung thực, nên phải chịu nhún nhường cho tên giặc họ Thôi làm loạn. Mọi nỗi ấm ức của Thổ công chỉ được giãi bày khi Tử Văn có hành động đốt đền trừ tà. Nhân vật này còn có vai trò là người chỉ đường, dẫn lối cho Tử Văn hiểu rõ chân tướng sự việc. Và khi Tử Văn đã hoàn thành sứ mệnh của mình thì cũng chính Thổ công là người tiến cử Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên. Như vậy, có thể thấy rằng Thổ công chính là nhân vật thần kì đóng vai trò phụ giúp và đền ơn cho nhân vật chính diện trong tác phẩm này.

Nhân vật kì ảo thứ ba đó là Diêm Vương. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe đến nhân vật này. Diêm Vương là người đứng đầu Minh ti, trực tiếp phán xử vụ án giữa Tử Văn và hồn ma tướng giặc. Lúc đầu Diêm Vương đã bị những lời nói lươn lẹo và gian dối của tên tướng giặc họ Thôi lừa gạt đành ra trách nhầm Tử Văn. Nhưng sau một hồi tranh cãi phân xử, lại thấy Ngô Tử Văn đưa ra được chứng cứ xác thực thì Diêm Vương đã lập tức nhận ra sự thật, trả lại công bằng cho Tử Văn đồng thời xử phạt tên giặc họ Thôi kia để trừng trị cái tính gian tà, chuyên làm điều ác quấy nhiễu nhân dân, lại còn thích mồm loa mép dải. Còn đối với các nhân vật quỷ sứ, quỷ dạ xoa chỉ xuất hiện chốc lát nhưng cũng góp phần tạo điểm nhấn cho câu chuyện. Các nhân vật này mang đến không khí rùng rợn, kinh hãi đặc trưng của chốn âm ti, địa phủ, nhờ đó mà sự kì ảo cũng được gia tăng thêm.

Cuối cùng là nhân vật Ngô Tử Văn. Tuy không phải là nhân vật kì ảo nhưng lại gắn liền với các yếu tồ kì ảo như chết đi, sống lại, lãnh chức phán sự đền Tản Viên. Những sự việc này được sắp đặt ở cuối như một kết thúc có hậu cho Tử Văn và câu chuyện, thể hiện triết lí ở hiền gặp lành của nhà văn. Nó chứng minh cho việc sự hiện diện của lẽ phải luôn tồn tại ở bất kì đâu, không chỉ có ở trần gian mà ngay cả âm ti cũng có lẽ phải.

Về không gian kì ảo của truyện, đầu tiên chúng ta phải kể đến đó là sự kết nối giữa dương gian và địa phủ. Đây chính là nơi để chàng gặp gỡ và nói chuyện với tên tướng giặc họ Thôi cũng như Thổ công, trước khi bị đưa đến cõi âm ti để diện kiến Diêm Vương. Hai nữa chính là không gian cõi âm được Nguyễn Dữ miêu tả vô cùng sống động và hấp dẫn. Âm ti được miêu tả bằng một số chi tiết khá rõ ràng: Ở đó có một con sông lớn, trên sông bắc một cái cầu dài hơn nghìn thước, gió tanh sông xám, hơi lạnh thấu xương. Khi đọc đến đây chắc hẳn chúng ta đều lạnh sống lưng bởi sự u ám và lạnh lẽo của âm ti. Nhưng đối với Tử Văn lại khác, chàng rất kiên cường, mạnh mẽ, không cảm thấy run sợ trước không gian rùng rợn và những gương mặt đáng sợ như quỷ sứ và quỷ dạ xoa. Chính những điều đó đã làm nổi bật nét tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn, đó là sự dũng cảm, bình tĩnh, ý chí kiên cường mạnh mẽ, cây ngay không sợ chết đứng của chàng.

Thông qua tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt; đồng thời, thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà của tác giả. Bằng những yếu tố kì ảo dày đặc đã góp phần làm cho câu chuyện trở lên đặc sắc và kịch tích hơn. Nó giúp cho chúng ta không bị nhàm chán mỗi khi thưởng thức tác phẩm. Ngoài ra, nó còn phơi bày hiện thực đầy rẫy những bất công, thối nát của xã hội đương thời. Những hiện tượng tiêu cực ở cõi âm chính là hình chiếu của xã hội đương thời. Và thể hiện ước mơ của nhân dân ta về một xã hội công bằng, văn minh.

-----------------------------------

Trên đây Toploigiai đã cùng các bạn Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Hi vọng với bài văn mẫu này sẽ giúp các bạn học tập tốt hơn. Mời các bạn đến với câu hỏi tiếp theo.

icon-date
Xuất bản : 24/10/2022 - Cập nhật : 29/11/2022