logo

Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn lớp 10

Tham khảo Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn lớp 10 ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Qua các dàn ý sau đây sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính và cách triển khai các luận điểm nhằm hoàn thiện bài viết một cách hoàn chỉnh nhất. Mời các bạn cùng tham khảo!

CÁC Ý CHÍNH CẦN TRIỂN KHAI

Luận điểm 1: Cuộc đấu tranh ở trên trần gian của Ngô Tử Văn

Luận điểm 2: Cuộc đấu tranh giành lại công lí ở Minh Ti

Luận điểm 3: Ngô Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên

Luận điểm 4: Bài học của truyện và đặc sắc nghệ thuật

CẤU TRÚC DÀN Ý

Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn lớp 10 (ngắn gọn, hay nhất)

Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn - Mẫu số 1

1.  Mở bài

-     Giới thiệu về tác phẩm Truyền kì mạn lục và Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

2.  Thân bài

a.  Giới thiệu về thể loại truyền kì và nội dung của tác phẩm

-  Truyền kì: Văn xuôi tự sự, phản ánh hiện thực qua những yếu tố hoang đường, thể hiện quan niệm của tác giả

-  Nội dung tác phẩm:

+ Kể về Ngô Tử Văn và hành động đốt đền của tên tướng bại trận phương bắc họ Thôi đang tác quái, gây hại cho dân.

+ Hắn đe dọa và kiện chàng ở Minh ty. Chàng được Thổ thần chỉ cách nên đã vạch trần được tội ác của tên tướng giặc khiến hắn phải chịu trừng phạt.

+ Sau này nhờ tiến cử của Thổ thần, chàng được nhận chức phán sự ở đền Tản Viên.

=> Khẳng định niềm tin về công lý, sự chính trực của con người sẽ được đền đáp.

b.  Giới thiệu về nhân vật Ngô Tử Văn

-     Họ tên: Tên Soạn, họ Ngô

-    Quê: Huyện Yên Dũng, đất Lang Giang.

-     Tính cách: khẳng khái, nóng nảy, là người cương phương, thấy gian tà không chịu được.

=> Cách giới thiệu nhân vật trực tiếp, ngắn gọn, súc tích, gây được sự chú ý cho người đọc.

=> Giọng điệu có phần hướng tới sự ngợi ca, định hướng cách nhìn nhận cho người đọc về hành động sau này của nhân vật.

c.  Cuộc đấu tranh nơi trần gian của Ngô Tử Văn

-    Hành động châm lửa đốt đền:

+ Nguyên nhân: Do tức giận sự hoành hành, hống hách của tên tướng giặc bại trận họ Thôi, làm hại tới dân chúng "Tử Văn rất …đốt đền".

+ Diễn biến: 

  • Tử Văn "tắm gội chay sạch, khấn trời" => Đây là hành động được chuẩn bị kỹ càng, có chủ đích, cẩn trọng, không phải bộc phát.
  • "châm lửa đốt đền" => Hành động quyết liệt, công khai, vô cùng dũng cảm "vung tay không cần gì cả".

=> Hành động đốt đền thể hiện sự khẳng khái, cương phương của Ngô Tử Văn, bộc lộ ý chí, ý thức dân tộc mạnh mẽ, bằng việc diệt trừ tên tướng giặc bại trận làm loạn nhân gian.

-    Cuộc gặp gỡ với tên tướng Bách hộ họ Thôi:

+ Sau khi đốt đền, Ngô Tử Văn "thấy trong mình khó chịu …sốt rét"

+ Trong cơn mê man, chàng thấy một người "khôi ngô dõng dạc, …cư sĩ" - nói năng đe dọa, bắt chàng "dựng lại đền như cũ"

=> Lời nói mang sự đe dọa, mắng mỏ "Biết điều … tai vạ", "Phong Đô … sẽ biết" => một kẻ xảo trá, tham lam, ranh ma, độc ác.

+ Đối lập với tên tướng, Ngô Tử Văn "mặc kệ … tự nhiên", thái độ ung dung, ngạo nghễ, tự tin vào việc làm của mình.

-   Cuộc gặp với Thổ thần:

+ Hoàn cảnh: Thổ thần đến sau khi tên tướng "phất áo bỏ đi" là "một ông già …vái chào" => Dáng bộ giản dị, thái độ khiêm nhường, cung kính, coi trọng, bày tỏ sự cảm ơn với Tử Văn.

+ Thổ thần kể lại mọi việc cho Tử Văn nghe: Bị tên tướng đánh đuổi, phải nương nhờ đền Tản Viên => cho chàng thấy rõ sự xảo trá, tác quái của tên tướng giặc.

+ Tử Văn trách Thổ thần nhu nhược, thế nhưng Thổ thần tuy là thần tiên nhưng phải cam chịu, chấp nhận, không dám đấu tranh vì "những đền miếu gần quanh … bênh nó cả".

=> Nguyễn Dữ phê phán tầng lớp quan lại yếu đuối, nhu nhược không dám đấu tranh cho lẽ phải và lớp quan lại tham lam.

+ Sau đó, Thổ thần bày cách cho Tử Văn tâu kiện với Diêm vương và cách đối phó với tên tướng giặc.

=> Câu chuyện phát triển hết sức logic, cho thấy những người làm việc chính nghĩa thì luôn có thần linh giúp sức.

d.  Cuộc đấu tranh giành công lý ở Minh ty

-     Ngô Tử Văn phải đương đầu với thử thách:

+ Bị quỷ sứ bắt đi trong đêm, qua con sông với côn cầu "ước hơn ngàn thước …thấu xương", "hai bên … nanh ác", tội chàng bị khép vào là tội nặng, không được giảm án => toàn những sự việc kinh hãi, đòi hỏi lòng can đảm của Tử Văn.

+ Chàng không hề nao núng, kêu to "Ngô Soạn này … oan uổng" => được vời vào điện đối chất.

+ Tại điện, tên tướng giặc khép nép, tỏ vẻ đáng thương, kêu oan - Tử Văn bị Diêm vương trách mắng, luận tội "hỗn láo", trách mắng chàng ngoan cố, bướng bỉnh.

+ Thế nhưng, thái độ của Ngô Tử Văn: vẫn điềm nhiên, không hề kinh hãi mà một mực cứng cỏi kêu oan, tự tin trước những lời luận tội của Diêm Vương và lời giảo biện của tên tướng giặc.

-   Chàng vạch trần tội ác của tên tướng họ Thôi:

+ Tử Văn y lời Thổ thần mà tấu bẩm với Diêm Vương, còn khẳng định cứng cỏi "xin đem giấy …nói càn" => khiến tên tướng giặc hoảng sợ mà xin giảm án cho chàng => cho thấy sự xảo trá, gian ác của hắn.

+ Chàng không chịu bỏ cuộc, nhờ Diêm vương sai người đến đền Tản Viên => Sự việc đúng y lời Tử Văn nói.

=> Cuối cùng, sự thật được chứng thực, Tử Văn thắng kiện, Diêm Vương trách cứ các phán quan làm việc không chí công vô tư, còn tên tướng giặc bị "lồng sắt chụp vào đầu … Cửu u"

=> Cuộc đấu tranh dưới minh ty cho thấy khí phách cũng sự can đảm, thông minh của Ngô Tử Văn trước cuộc đối đầu với tên tướng xảo trá

=> Cho thấy ước mơ về sự công lý công bằng của người dân trong xã hội xưa.

e.  Ngô Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên

-   Hoàn cảnh: Thổ thần tới cảm tạ Ngô Tử Văn đã giúp đỡ mình, đồng thời ông đã xin Đức Thánh Tản cho chàng giữ chân Phán sự tại đền Tản Viên và khuyên chàng nên nhận lời ngay "không nên trùng trình" =>chàng nhận lời "thu xếp việc nhà rồi không bệnh mà mất".

-     Đây là phần thưởng to lớn dành cho Ngô Tử Văn vì hành động trượng nghĩa, ý chí gan dạ, khẳng khái của mình.

-   Hành động diệt trừ tên tướng giặc còn là hành động diệt trừ tận gốc cái ác "mộ của người tướng …như cám vậy", lấy lại danh dự cho Thổ thần, minh oan cho hành động "đốt đền" của chàng.

-   Đây còn là niềm ước vọng của nhân dân về một vị quan thanh liêm, chính trực, ước mơ về công bằng công lý.

-   Sự gặp gỡ với người cũ  và lời truyền "nhà quan Phán sự" =>niềm tin khẳng định một vị quan tốt sẽ được muôn dân yêu kính.

f.  Ý nghĩa và bài học:

-    Ý nghĩa:

+ Thể hiện niềm tin của nhân dân vào công bằng công lý giữa xã hội.

+ Phản ánh sự giả tạo, xáo trá của một bộ phận con người trong xã hội đương thời cùng những oan trái, bất công không thể tỏ bày.

+ Phản ánh sự tham lam, lộng quyền, nhận hối lộ của đám quan lại trong xã hội xưa.

+ Phê phán sự hèn nhát, nhu nhược, không dám đấu tranh đòi quyền lời, bảo vệ lẽ phải của một bộ phận quan lại và đa số người dân đương thời.

+ Ca ngợi sự dũng cảm, chính trực, khẳng khái của những người dân bình thường trong xã hội phong kiến.

-    Bài học:

+ Cần dũng cảm, kiên cường, đứng lên đấu tranh cho lẽ phải, công lý.

+ Niềm tin về cuộc sống ở hiền thì sẽ gặp lành, niềm tin vào công lý và lẽ phải.

g.  Đặc sắc nghệ thuật:

-   Kết hợp giữa yếu tố lý kì, kì ảo với tự sự, mượn sự kì ảo để nói về hiện thực và ước vọng của con người => mang tính thời đại.

-   Cốt truyện li kì, cuốn hút người đọc, mang tính logic cao, có cao trào

-    Tình tiết lôi cuốn, giọng văn tự nhiên, chân thành, giản dị

3. Kết bài

-     Khẳng định lại ý nghĩa và nội dung mà tác giả muốn gửi gắm.


Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn - Mẫu số 2

MỞ BÀI 

1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Dữ:

Nguyễn Dữ là một nhà văn nổi tiếng của thế kỉ 16 với tác phẩm đề đời là Truyền kì mạn lục

2. Giới thiệu về tác phẩm Truyền kì mạn lục:

Là tác phẩm bằng chữ Hán, gồm 20 truyện, ra đời vào đầu thế kỉ 16, viết theo thể loại truyền ki. Truyền kì là một thể loại truyện hư cấu, nhiều yếu tố thần thánh. Đây không chỉ là một câu chuyện đơn thuần mà ý nghĩa sâu xa hơn là vạch trần và phê phán xã hội phong kiến đương thời

3. Giới thiệu nội dung đoạn trích “ Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” :

là trong câu chuyện trong tác phẩm Truyền kì mạn lục kể về câu chuyện xử án nhân vật Ngô Tử Văn trong cuộc chiến đấu tranh chống cái ác

THÂN BÀI:

I. Khái quát về tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác:

Chuyện chức phán sự đền Tản Viên được viết vào đầu thể kỉ 16, thể hiện tinh thần khẳng khái, cương trực khi đấu tranh chống lại cái ác, đồng thời lên án tội ác của bọn giặc xâm lược phương Bắc - dù đã chết nhưng không từ bỏ ý định xâm lược, vẫn tiếp tục gây hại cho người dân nước Nam.

2. Tóm tắt hoặc nêu nội dung chính của tác phẩm:

Câu chuyện kể về Nhân vật Ngô Tử Văn là một người khẳng khái cương trực. Trước sự nhiễu loạn và gây ra biết bao tai họa cho người dân của tên hung thần là hồn ma của tên giặc xâm lược phương Bắc họ Thôi, Vương Tử Văn đã đốt đền. Tên giặc họ Thôi đã kiện đến địa phủ. Thổ thần đã báo mộng cho Vương Tử Văn biết sự thật ngôi đền đó là của thổ thần nhưng bị hồn ma họ Thôi chiếm và bày cách để Vương Tử Văn lấy lại công đạo. 

Sau khi gặp Diêm Vương, Ngô Tử Văn đã kể lại tội ác của tên giặc họ Thôi và giúp thổ thần lấy lại ngôi đền. Khi công lý được lập lại kẻ ác bị tiêu diệt, Ngô Tử Văn được tiến cử làm phán sự đền Tản Viên.

II. Phân tích truyện - các luận điểm chính và luận điểm phụ 

Ý nghĩa hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn qua cuộc đấu tranh với thế lực ma quỷ

1. Giới thiệu nhân vật:

Nhân vật Ngô Tử Văn được tác giả giới thiệu theo phương pháp truyền thống của văn học trung đại:

- Tên là Soạn.

- Quê quán: người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang.

- Tính tình khẳng khái, nóng nảy “thấy sự gian tà thì không chịu được. Vùng Bắc vẫn khen là người cương trực”.

=> Dù chỉ là vài dòng ngắn gọn nhưng có thể nói, cách giới thiệu này đã gây ấn tượng sâu đậm, giúp người đọc hiểu được những tính cách cơ bản của nhân vật chính. 

2. Diễn biến câu chuyện 


∗Hành động đốt đền:

- Trong làng của Tử Văn đang sinh sống có ngôi đền rất thiêng, nhân dân thường thờ cúng thì nay đã bị hồn ma của tên tướng bại trận Bắc triều chiếm giữ. Hắn đánh bạt thổ công, đút lót các thần miếu bên cạnh, tác oai, tác quái cả một vùng. 

- Chứng kiến những hành động hung tợn, bạo ngược này,  “Tử Văn tức giận, một hôm tắm rửa sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt”. Có thể nói, đây là một hành động đã có sự cân nhắc, có chủ đích bộc lộ rõ tính cương trực, can đảm, mạnh mẽ và quyết liệt của nhân vật Tử Văn.

∗Khi đối diện với tên Bách hộ họ Thôi:

- Sau khi đốt đền, Tử Văn cảm thấy sốt và trong cơn mê, Tử Văn đã có cuộc đối diện với tên Bách hộ họ Thôi.

- Bách hộ họ Thôi vốn là viên tướng bại trận của giặc Minh, lúc sống đã đi xâm lược nước khác, tội ác đầy mình, lúc chết vẫn giữ nguyên bản chất của kẻ lừa đảo, thể hiện qua các chi tiết:

+ Hắn tự xưng với Tử Văn là cư sĩ.

+ Dùng nguyên lí đạo Nho để buộc tội Tử Văn: “Nhà ngươi đã theo nghiệp Nho đọc sách thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần ra sao, cớ gì lại khinh nhờn hủy tượng, đốt đền?”.

+ Lấy oai linh của quỷ thần để hăm dọa Tử Văn: “Biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ”.

- Đứng trước những lời thách thức, hăm doạ của tên “cư sĩ”, “Tử Văn mặc kệ vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Chúng ta cần thấy rằng, đây không phải là hành động bất cần của kẻ liều lĩnh mà là hành động tự tin của người nắm được chính nghĩa. 


Đối diện với Thổ công:

Sau khi gặp nhân vật bách hộ họ Thôi, Tử Văn đã có cuộc gặp gỡ với nhân vật Thổ công. 

Nhân vật này được miêu tả là“một ông già áo vải mũ đen, phong độ nhàn nhã, thủng thỉnh”, tính tình khiêm tốn đến để bày tỏ sự vui mừng trước hành động đốt đền của Tử Văn.

Khi nhìn thấy Thổ công, đầu tiên Tử Văn cảm thấy kinh ngạc: “Sao mà nhiều thần quá vậy”. 

Và sau khi nghe lời Thổ Công kể lại đầu đuôi sự tình, Tử Văn - người trí thức cương trực, mạnh mẽ cũng đã có phút chốc cảm thấy e ngại: “Hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không”.

Cuộc gặp mặt tại âm phủ

Và đúng như những gì mà Thổ công đã cảnh báo, tối đó Tử Văn đã bị hai tên quỷ sứ đến bắt đi. Và thế là cuộc đối mặt của Tử Văn với hồn ma tên Bách hộ họ Thôi cũng như với Diêm Vương và Thổ công đã diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt.

Trong cuộc đối mặt ở Âm phủ đó, Tử Văn đã phải trải qua nhiều yếu tố đe dọa:

Yếu tố đe doạ đầu tiên đến từ Diêm phủ:

- Trong không khí rùng rợn của cõi âm ti, Tử Văn bị quỷ bắt đi, bị đe dọa, thậm chí là bị vu cáo, sỉ nhục: “tên này bướng bỉnh ngoan cố”

- không chỉ thế, vào lúc đầu, Tử Văn còn bị chính Diêm Vương la mắng và uy hiếp: “Mày là một kẻ hàn sĩ sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào?”.

Và dĩ nhiên chúng ta cũng không quên điểm qua mối đe doạ lớn nhất của Tử Văn, đó là hồn ma tên Bách hộ họ Thôi:

+ Ở Diêm phủ, hắn đến kêu cầu ở trước sân. “Tử Văn vào tới nơi đã thấy người đội mũ trụ đương kêu cầu ở trước sân”.

+ Thấy Tử Văn cứng cỏi, hắn quyết liệt, ngoan cố vu vạ: “Ấy là trước Vương Phủ hắn còn ghê gớm như thế, mồm năm miệng mười, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu, hắn sợ gì mà không dám cho một mồi lửa”.

+ Và khi vu vạ không được thì hắn đổi giọng nhân nghĩa: “Gã kia một kẻ học trò, thật là ngu bướng, quả đáng tội lắm. Nhưng đã trách mắng như vậy, cũng đủ răn đe rồi. Xin Đại vương khoan dung tha cho hắn để tỏ cái đức rộng rãi. Chẳng cần đòi hỏi dây dưa, nếu thẳng tay trị tội nó, sợ hại đến cái đức hiếu sinh”.

=> Có thể thấy, Bách hộ họ Thôi hay nói khác hơn là hồn ma tên tướng giặc là một kẻ vô cùng khôn ngoan, xảo quyệt. Hắn lừa trên dối dưới, liên tục thay đổi thái độ nhằm vu vạ cho Tử Văn cũng như giấu nhẹm tội trạng của bản thân. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát. Tính chất lừa đảo, càn bậy của hắn cuối cùng cũng bị Diêm Vương trừng trị đích đáng. 

Và đứng trước một kẻ côn đồ, tráo trở như Bách hộ họ Thôi, Tử Văn đã có thái độ, hành động, lời nói như thế nào? Quả đúng như những gì mà tác giả Nguyễn Dữ đã giới thiệu đầu tác phẩm, Tử Văn đã giữ vững được sự khẳng khái, cương trực của bản thân, thể hiện qua những chi tiết như sau:

- Tử Văn tâu trình đầu đuôi với Diêm Vương như lời thổ công đã dặn, lời rất cứng cỏi không chịu nhún nhường chút nào. 

- Khi thấy Diêm Vương sinh nghi, Tử Văn đã cương quyết đưa ra giải pháp: “Nếu nhà vua không tin vào lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi, không đúng như thế tôi xin chịu thêm cái tội nói càn”. Mạnh mẽ hơn, anh khẳng định: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian”.

=> Cuối cùng sự cương trực, thẳng thắn, chính nghĩa của Tử Văn đã thắng gian tà. Tên Bách hộ họ Thôi đã bị tống giam vào ngục Cửu U.  

* Ngụ ý phê phán của tác phẩm và ý nghĩa lời bình của tác giả

- Đối tượng phê phán trước hết là hồn ma tên tướng giặc Bắc triều. Khi sống, hắn là một tên giặc xâm lược ngang ngược, cuồng đồ, gieo rắc bao lầm than, đau đớn cho người dân nước ta. Chết đi, hắn trở thành một hồn ma mưu mô, xảo quyệt, đã cướp đền của Thổ công còn sẵn sàng tố giác Tử Văn với Diêm Vương. Có thể nói, đó là một hành động “vừa ăn cướp vừa la làng”. Khi sống cũng như khi chết, tên tướng giặc Bắc triều vẫn không thể giấu giếm nổi chân dung của một con người tham lam, hung ác, xứng đáng phải nhận lãnh hậu quả nặng nề nhất.

- Cũng qua câu chuyện này, truyện còn phơi bày hiện thực đầy rẫy những bất công từ cõi trần đến cõi âm: kẻ ác thì được sung sướng, tiêu dao, người lương thiện thì phải ngậm ngùi oan ức; thánh thần ở cõi âm cũng tham của đót lót để rồi bao che cho kẻ ác và cái ác lộng hành; Diêm Vương và các phán quan − những người nắm giữa cán cân công lí cũng bị lấp tai, che mắt. Những hiện tượng tiêu cực ở cõi âm chính là hình ảnh phản chiếu của xã hội đương thời: bất công tràn lan, bọn tham quan ô lại, thế lực cường quyền, phong kiến đương thời tiếp tay cho cái ác, cái xấu gây nên bao lầm than cho người dân lương thiện.

- Và đặc biệt ở phần kết của tác phẩm, tác giả Nguyễn Dữ đã viết một đoạn lời bình ngoại truyện. Đoạn lời bình này của tác giả đã gửi gắm nhiều thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: 

Người tốt sẽ được tôn vinh, kẻ xấu, ác sẽ bị nguyền rủa. Tử Văn chết nhưng tiếng tốt lưu đến ngàn đời sau. Người như Tử Văn đáng được kính trọng, ca ngợi.Bên cạnh đó, lời bình ở cuối truyện còn nhằm đề cao bản lĩnh của kẻ sĩ, khuyến khích, động viên kẻ sĩ phải dũng cảm, tự tin đứng lên chiến đấu với cái xấu, cái ác, đừng bao giờ “thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Đây là sự khẳng định ý nghĩa tích cực trong tư tưởng của nhà nho tài đức Nguyễn Dữ.

* Đánh giá nghệ thuật

Truyện sử dụng dày đặc các yếu tố truyền kì. Đó là thế giới siêu nhiên, cõi Âm ti, hồn ma tên tướng giặc, các vị thần thánh, chi tiết chết đi sống lại,...

Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Dữ đã xây dựng được cốt truyện giàu kịch tính, kết cấu chặt chẽ.

Ông dẫn dắt truyện khéo léo với nhiều chi tiết công phu, giàu kịch tính, mang đậm tính biểu tượng. Cách kể chuyện và miêu tả đầy sinh động, hấp dẫn.

Ngoài ra, tác phẩm còn lôi cuốn người đọc ở cách tác giả thể hiện tư tưởng, quan điểm: không nêu trực tiếp mà ẩn sau sự kiện và thái độ, hành động, lời nói của nhân vật.

KẾT BÀI

- Khái quát lại nội dung của câu chuyện

- Cảm nhận riêng về câu chuyện này


Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn - Mẫu số 3

I. Mở bài.

Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, thời kì rối ren cua lịch sứ phong kiến nước ta. Truyền kì mạn lục do Nguyễn Dữ viết gồm hai mươi truyện bằng văn xuôi chữ Hán, kể chuyện dân gian, chuyện thật trong đời và một số truyền thuyết. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện đặc sắc trong Truyền kì mạn lục.

Truyện ca ngợi tính cương trực, lòng cương trực của nhân vật trung tâm Ngô Tử Văn, qua đó khẳng định niềm tin chính nghĩa thắng gian tà.
 
II. Thân bài.

A. NHÂN VẬT CHÍNH DIỆN: NGÔ TỬ VĂN

1. Ngô Tử Văn là kẻ sĩ khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không chịu được. Chàng quyết định dốt đèn thờ của hồn tên tướng giặc họ Thôi, tranh chiếm miếu đền của Thổ Công sở tại, làm yêu quái trong dân gian. Theo quan niệm của người xưa, đốt đền là việc động chạm đến “thần”, một quyền lực tối cao, mà đền là nơi chỉ thờ những thần có công lao giúp nước, hộ dân. Do đó Tử Văn đốt đền tà là hợp với lòng dân. Hơn nữa, trước khi đốt đền, Tử Văn tắm gội sạch sẽ, khấn trời. Điều đó cho thấy tấm lòng thành khẩn của Tử Văn đối với trời đất. Như vậy, hành động đốt đền của Tử Văn xuất phát từ một ý thức rõ ràng, từ một con người cương trực, thấy sự gian tà thì không chịu được.

2. Đốt đền xong. Ngô Tử Văn phải ứng phó với bốn sự kiện thật căng thẳng, rùng rợn. Các sự kiện trên xảy ra trong thời gian rất nhanh, chỉ từ ngày hôm trước đến “nửa ngày” hôm sau. Với tính cương trực, ý tưởng “đức trọng quỷ thần kinh”, niềm tin chính nghĩa thắng gian tà. Ngô Tử Văn lần lượt gặp các nhân vật quỷ, thần và chủ động bày tỏ thái độ, giải quyết từng sự việc.

Với viên Bách hộ họ Thôi; Khi thấy một người khôi ngô, cao lớn, đầu đội mũ trụ... tự xưng là cư sĩ đòi dựng trả ngôi đền, Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên.

Với Thổ Công: Khi thấy một ông già, áo vải mũ đen, phong độ nhàn nhã, tính tình khiêm tốn đến tỏ lời mừng, Tử Văn kinh ngạc: “Sao mà nhiều thần quá vậy”.

Khi nghe Thổ Công kể lại sự tình, Tử Văn cặn kẽ hỏi:  “Hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không?”.

Với hai con quỷ và Diêm Vương: Đến vương phủ, không khí rùng rợn, mặc dù bị đe dọa vu cáo (“Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”), mặc dù bị sỉ nhục (“tên này bướng binh ngoan cố”), rồi bị Diêm Vương mắng và uy hiếp . nhưng Tử Văn vẫn khảng khái: “Ngô Soạn này là kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian”.

Cuối cùng, tính cách cương trực, thẳng thắn, quyết liệt, đầy chính nghĩa của Tử Văn đã thắng gian tà.

3. Đoạn cuối truyện đã khẳng định người tốt được tôn vinh, kẻ xấu bị trừng phạt. Về danh nghĩa, Tử Văn chết, nhưng thực chất chàng trở nên bất tử: làm thần. Người có tính cách cương trực như Tử Văn thật đáng được trọng dụng vào chức quan phán sự.

B. NHÂN VẬT PHẢN DIỆN: VIÊN BÁCH HỘ HỌ THÔi

Đây là một bộ tướng của Mộc Thạnh, bị tử trận khi quân Minh xâm lược Đại Việt, Hồn hắn bơ vơ ở Nam quốc, tranh chiếm miếu đền của Thổ Công, quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thảm ngược, hung yêu tác quái...

- Sau khi đền bị đốt, hắn đến nhà Tử Văn, hắn tự xưng là cư sĩ, dùng lí lẽ đạo Nho để buộc tội, lấy oai linh của quỷ thần để hăm dọa Tử Văn, không được thì tức giận, thề thốt, phất áo ra đi.

- Ở vương phủ, hắn đến trước Tử Văn để kêu cứu và kiện cáo, thấy Tử Văn cứng cỏi tâu trình, hắn ngoan cố vu vạ, không được thì lập lừ biện bạch.

- Cuối cùng, hắn bị trừng trị đích đáng: bị lồng sắt chụp vào đầu, khấu gỗ nhét vào miệng, bỏ vào ngục Cửu u.
Hành động của tên Bách hộ họ Thôi thể hiện tính cách của một tướng giặc Minh bại trận, họ sống đã mang dã tâm đi xâm lược nước khác, mưu đồ làm việc phi nghĩa, đến lúc chết vẫn hiện nguyên hình một kẻ lừa đảo. Tính cách đó được thể hiện nhất quán trong mọi cử chỉ, hành động và cuối cùng bị Diêm Vương trừng trị đích đáng.

C. NỘI DUNG Ý NGHĨA CỦA TRUYỆN

- “Truyện kể về sự đấu tranh sống còn giữa hai thế hệ: một bên là con người (do Ngô Tử Văn đại diện), một bên là thần linh ma quỷ (Minh ti, hồn ma viên Bách hộ họ Thôi...). Ý nghĩa của cuộc đấu tranh này là khẳng định chính nghĩa thắng gian thiện thắng cái ác.

Hơn nữa, tác giả viết truyện này vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVI, có thể phản ánh xã hội đương thời: chế độ phong kiến suy vi (nhà Lê dần suy yếu, chính quyền chuyển sang tay nhà Mạc). Chính ý nghĩa khách quan của truyện (ca ngợi đức tính cương trực, lòng nghĩa khí, khẳng định chính nghĩa thắng gian tà, lên án giặc ngoại xâm, tố cáo sự cấu kết của thần quyền hãm hại (dân lành) cũng là một nội dung hiện thực đáng chú ý.

III. Kết bài. 

Bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, bao phủ nhiều yếu tố siêu nhiên, giàu tính biểu tượng. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã lôi cuốn người đọc qua những xung đột liên tiếp, giàu kịch tính.

Về nội dung ý nghĩa, truyện đề cao bản lĩnh của kẻ sĩ: cương trực, dũng cảm, quyết đoán trong hành động và quyết tâm chống những thế lực đen tối, gian tà. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, truyện thể hiện rõ ý nghĩa tích cực trong tư tưởng của tác giả.

---/---

Trên đây là Dàn ý phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ngắn gọn lớp 10 do Top lời giải sưu tầm được, mong rằng với nội dung tham khảo này các em có thể triển khai bài văn của mình tốt nhất, chúc các em học tốt môn Văn!

icon-date
Xuất bản : 15/03/2021 - Cập nhật : 21/03/2021